Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo an toàn hệ thống
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan tới ACB và các ngân hàng khác, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã lên phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm an toàn hệ thống.
Trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: Ông Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định về Hội đồng sáng lập, các tổ chức tín dụng chỉ có Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng ACB.
Cũng tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trả lời các câu hỏi liên quan đến hiệu quả của việc cho vay tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng cộng đã có 125 đại biểu đăng ký, trong đó 15 đại biểu hỏi trực tiếp 38 câu hỏi, đi thẳng vào chủ đề của phiên chất vấn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Việc tái cấp vốn một cách kịp thời của NHNN đã giúp cho các tổ chức này và cả hệ thống đảm bảo được thanh khoản, tránh tình trạng đổ vỡ. - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Về nhóm câu hỏi liên quan đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các câu hỏi tập trung chất vấn về việc sáp nhập các ngân hàng chỉ mới là phép cộng, chưa có hiệu quả; thực chất của hiện tượng thâu tóm ngân hàng; hiệu quả của việc NHNN bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng yếu kém.
3 ngân hàng hợp nhất có sở hữu chéo
Trả lời các câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc hợp nhất 3 ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa mới chỉ là bước đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc 3 ngân hàng này, không có chuyện chỉ hợp nhất 3 ngân hàng yếu với nhau.
“Thanh tra đã phát hiện ra giữa 3 ngân hàng này có sở hữu chéo, vay mượn lẫn nhau hết sức phức tạp. Nếu để một ngân hàng đứng ra xử lý riêng sẽ rất phức tạp, do vậy hợp nhất ba ngân hàng đã khắc phục được tình trạng sở hữu chéo này”, Thống đốc nói.
Đến nay, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ cả 3 ngân hàng mất thanh khoản, đến nay thanh khoản đã được ổn định, ngân hàng xây dựng được quy trình quản lý hiệu quả, trả lại một phần khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản.
Thống đốc cũng cho biết, NHNN vừa duyệt đề án tự khôi phục của ngân hàng sau sáp nhập, trong thời gian tới sẽ trình xin ý kiến của Chính phủ.
Các ngân hàng hoàn toàn tự nguyện khi tái cơ cấu
Về vấn đề thâu tóm ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu việc thâu tóm diễn ra trên thị trường chứng khoán thì là những diễn biến bình thường, chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và các quy định liên quan.
Việc mua - bán cổ phiếu của các Ngân hàng niêm yết trên thị trường không phải thông qua NHNN, NHNN chỉ có thể biết được khi chốt sổ. Những vi phạm (nếu có) cũng được xử lý theo các quy định của Luật Chứng khoán và các quy định về tỷ lệ sở hữu đối với ngân hàng.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho rằng đã có một số hiện tượng mang màu sắc của thâu tóm trong quá trình xử lý 9 ngân hàng yếu kém vừa qua.
Lý giải cho nhận định này, Thống đốc cho biết Đề án tái cấu trúc ngân hàng cho phép bước đi đầu tiên là các ngân hàng tự xây dựng phương án tái cơ cấu, khôi phục hoạt động, chỉ khi không thể tự khôi phục được thì NHNN mới can thiệp.
Theo đó, việc các ngân hàng đi tìm những tổ chức tín dụng khác để khôi phục hoạt động, khắc phục khó khăn là hoàn toàn tự nguyện, tự tìm đến nhau, tự thỏa thuận. Lúc đầu cũng có tình trạng muốn mua rẻ - bán đắt, tuy nhiên các ngân hàng đã tự thỏa thuận được với nhau và đến nay, NHNN chưa phải xử lý một biện pháp cưỡng chế nào.
Kịp thời hỗ trợ thanh khoản 6 ngân hàng
Về hiệu quả của việc cho vay tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản, Thống đốc cho biết cuối quý IV/2011, vấn đề thanh khoản là vô cùng căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ hệ thống là hiện hữu.
Lúc đó có 12 tổ chức tín dụng nằm trên bờ vực phá sản, trong đó có 6 tổ chức mất thanh khoản. Theo Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản cho 6 ngân hàng này.
Chỉ 2 tháng sau, 3 trong số 6 tổ chức đã hoàn trả đầy đủ khoản vay này. Chỉ còn 3 tổ chức hợp nhất mới hoàn trả một phần. Như vậy, có thể thấy rằng việc tái cấp vốn một cách kịp thời của NHNN đã giúp cho các tổ chức này và cả hệ thống đảm bảo được thanh khoản, tránh tình trạng đổ vỡ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định một cách chắc chắn rằng khoản tiền hỗ trợ thanh khoản được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích. Khi NHNN cho vay hỗ trợ thanh khoản, lập tức thành lập tổ giám sát, đảm bảo một cách chắc chắn rằng chỉ sử dụng để trả cho dân cư, không trả cho doanh nghiệp và các đối tượng khác, trong trường hợp không dùng hết phải trả lại.
Giảm mạnh tỷ lệ các khoản vay lãi suất trên 15%
Trả lời nhóm câu hỏi về việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định đưa lãi suất các khoản vay trước ngày 15/7/2012 về dưới 15% chỉ là lời kêu gọi đối với các tổ chức tín dụng chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Các hợp đồng vay vốn cũ (trước ngày 15/7) là các hợp đồng kinh tế, đúng pháp luật, do vậy NHNN không thể buộc các tổ chức đưa các hợp đồng cũ về mức 15%.
Tuy chỉ là lời kêu gọi, các tổ chức tín dụng đã thực hiện một cách rất tích cực trên tinh thần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trước ngày 15/7, tỉ lệ khoản vay lãi suất cao hơn 15% chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Đến ngày 3/8, số này chỉ còn 30%, và đến 16/8, chỉ còn 24%.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nêu thực tế một số ngân hàng bằng nhiều hình thức đã lách trần lãi suất này. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngay cả ngân hàng cũng rất muốn cho vay, và nếu ngân hàng này không cho vay thì sẽ có ngân hàng khác sẵn sàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất, đảm bảo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng nhấn mạnh yêu cầu không hạ tiêu chuẩn tín dụng khi xét các khoản vay để tránh tình trạng nợ xấu diễn biến phức tạp.
Tăng niềm tin của người dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trả lời thẳng thắn, nghiêm túc hầu hết các câu hỏi. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua phần trả lời của Thống đốc đã cung cấp những thông tin chính thống, làm tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tín dụng cũng như các giải pháp điều hành của NHNN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu NHNN tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, nhanh chóng chỉ đạo thực hiện đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao năng lực tài chính, quản trị và điều hành để phát triển hệ thống lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
NHNN tiếp tục điều hành công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các cân đối vĩ mô; tiếp tục điều hành hạ lãi suất một cách phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thậ́p, tập trung ưu tiên các lĩnh vực như nông nghiệp-nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Theo Chinhphu.vn