Đề xuất Quy chế quản lý tài chính đối với VDB
Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, vốn hoạt động của VDB bao gồm vốn điều lệ (đến năm 2015 là 20.000 tỷ đồng và đến năm 2020 là 30.000 tỷ đồng), chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá; các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển; kết quả hoạt động chưa phân phối; vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước cấp; vốn huy động gồm: Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo qui định của pháp luật; phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng nội tệ của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật; vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước... và các khoản vốn khác.
Việc sử dụng vốn, tài sản của VDB được nêu rõ tại dự thảo. Cụ thể, VDB được sử sụng vốn hoạt động để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định của pháp luật; cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhằm thực hiện chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước; thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thương mại.
Theo dự thảo, VDB cũng được sử sụng vốn hoạt động để thực hiện cho vay thoả thuận tự bù đắp chi phí đối với các đối tượng đang có quan hệ vay vốn tại VDB. Tuy nhiên, việc cho vay thoả thuận phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn vốn huy động để cho vay và không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được giao hàng năm và đảm bảo có hiệu quả, thu hồi được vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, VDB được đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% vốn điều lệ thực có và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng này; cấp phát vốn uỷ thác, cho vay uỷ thác theo yêu cầu của bên ủy thác.
Theo Bộ Tài chính, VDB được quyền điều chỉnh cơ cấu vốn, tài sản trong phạm vi hệ thống để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng này. Việc điều động vốn, tài sản giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc do Tổng giám đốc VDB thực hiện.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, là ngân hàng chính sách của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán. |
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thanh Hoài/Chinhphu.vn