Sau 3 năm cổ phần hóa, BIDV tăng vốn 9.000 tỷ đồng
Vốn chủ sở hữu của BIDV đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ đồng chỉ sau 3 năm cổ phần hóa. Bên cạnh đó, cổ phiếu BID luôn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ ngày 24/1 vừa qua.
Tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015 (ngày 18/2), ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BIDV đã hoàn thành nhiệm vụ cơ bản nhất là cổ phần hóa tất cả các công ty (bao gồm các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng thương mại). Riêng Ngân hàng thương mại BIDV đã thực hiện IPO từ tháng 12/2011 và ngày 24/1/2014 đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Qua 9 phiên giao dịch, cổ phiếu BID luôn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đặc biệt khối lượng thanh khoản qua 9 phiên rất cao (thấp nhất là 1 triệu cổ phiếu/phiên và cao nhất là 8,4 triệu cổ phiếu).
Trong những năm qua BIDV đã không ngừng tăng cường năng lực tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững. Hiện nay, vốn chủ sở hữu của BIDV đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng khoảng 9.000 tỷ chỉ sau 3 năm.
Cùng với đó, BIDV đã kiểm soát được nợ xấu và tính thanh khoản của hệ thống. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nợ xấu của BIDV giảm dần qua các năm từ 2,94% và hiện nay ở mức hơn 2,3%. Trong quá trình tái cơ cấu, BIDV tập trung tái cấu trúc nền khách hàng, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm, dịch vụ tiện ích với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại.
Về tái cơ cấu nguồn nhân lực, BIDV thực hiện tiết giảm việc tuyển dụng mới, tập trung tuyển dụng theo vị trí công việc. Theo đó, tỷ lệ tăng biên chế giảm dần từ mức bình quân 10% (từ năm 2011 trở về trước), còn 3 năm trở lại đây, BIDV tăng trưởng lao động bình quân khoảng hơn 3%.
Ông Trần Bắc Hà cũng nêu một số kiến nghị. Cụ thể, về việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài với DN mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, có thể mở room lên 60-65%. Việc này có thể kích hoạt và làm nóng thị trường chứng khoán, từ đó có thể lan tỏa đến lĩnh vực bất động sản và kéo theo nhiều ngành khác.
Với hệ thống ngân hàng chỉ để lại một số ngân hàng Nhà nước như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng PTNNNT. Các ngân hàng đã cổ phần hóa rồi thì nên duy trì tỷ lệ có sở hữu của Ngân hàng Nhà nước với lộ trình sau: Ngay sau việc chào sàn niêm yết lần đầu thì có thể là ở mức 65% còn sau đó kỳ kế hoạch có thể giảm xuống 51-55%, (bản chất vẫn là Nhà nước chi phối) nhằm tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Huy Thắng (Theo Chinhphu.vn)