Mozambique học kỹ thuật làm lúa nước của Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là có trình độ thâm canh lúa hàng đầu thế giới và JICA chọn hợp tác “Liên minh phát triển lúa gạo châu Phi”.
2 cán bộ nông nghiệp Mozambique lội ruộng học thao tác cắt lúa bằng liềm và chứng kiến máy gặt đập liên hoàn đang thu hoạch lúa mùa tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ- Hà Nội |
Đại diện cán bộ khuyến nông Mozambique đến Việt Nam theo khuôn khổ Chương trình “Liên minh phát triển lúa gạo châu Phi” (Coalition for Africa rice development-CARD) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khởi xướng năm 2008, để hỗ trợ những cố gắng của các nước châu Phi, nhằm tăng gấp đôi sản lượng lúa từ 11 triệu tấn hiện nay lên 28 triệu tấn vào năm 2018.
Việt Nam được mời tham gia hợp tác 3 bên JICA- Việt Nam- Mozambique, tuyển chọn các chuyên gia có chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý thủy lợi, sản xuất giống và cây trồng, thuộc Sở nông nghiệp Hà Nội và Công ty giống cây trồng Hà Nội, sang Mozambique giúp cải thiện công tác trồng lúa. Mặt khác, Mozambique cử cán bộ khuyến nông sang Việt Nam học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật làm lúa nước. Ngân sách của Dự án là 420 triệu Yên Nhật, tương đương 5,4 triệu USD, được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 1/2011 đến tháng 1/2015.
Đồng Phú là xã thuần nông lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, cho nên không có đầu tư công nghiệp, ngoài một vài cơ sở nhỏ bé mây tre đan xuất khẩu, may công nghiệp, chế biến nông sản... Bởi thế, Đồng Phú đã tập trung vào thâm canh lúa kết hợp nuôi cá, vịt, áp dụng thành thục tiến bộ kỹ thuật, tăng nhanh diện tích giống lúa mới, nên năm nào cũng đạt năng suất 6,2-6,3 tấn thóc/ha/vụ.
Do làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, Đồng Phú đã xây dựng được cánh đồng lớn, tạo điều kiện đưa máy gặt đập liên hoàn xuống ruộng từ năm 2010. Đến nay, Đồng Phú đã có 25% diện tích được gặt bằng máy, mỗi hecta tiết kiệm được 2.500.000 đồng, góp phần giảm giá thành sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả cho người trồng lúa. Vụ tới, được Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ lãi suất 3 năm, cho vay tới 70%, nên HTX tiếp tục đầu tư 5 máy cấy và 6 máy gặt đập liên hoàn.
Mozambique có tỉ lệ lao động nông nghiệp 80%, tỉ lệ GDP nông nghiệp bằng 30% tổng số GDP cả nước, cho nên việc sang học tập kinh nghiệm, thực tập tại nước ta có trình độ thâm canh lúa hàng đầu thế giới (theo đánh giá của Nhật Bản) là chủ trương đúng đắn của JICA.
Chọn Đồng Phú là xã nghèo vươn lên thâm canh giỏi, cải thiện nhanh đời sống, một trong những điểm đến của cán bộ khuyến nông Mozambique là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bạn.
Anh Pascoal Dozelio Loguelove ngắm nghía chiếc liềm, tươi cười nói: “Chiếc liềm đơn giản đã quá quen thuộc với các bạn Việt Nam, nhưng lại rất mới, rất kỳ diệu với chúng tôi. Từ nay chúng tôi sẽ gặt lúa bằng liềm, thay thế cắt từng cây lúa bằng vỏ ốc”.
Còn anh Aurelio Chinai Maulate hào hứng cho biết: “Vùng Nante, huyện Maganja da Costa, tỉnh Zambezia của chúng tôi có tiềm năng phát triển lúa, vì đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Song năng suất lúa rất thấp, bởi vì chúng tôi còn yếu kém về kỹ thuật canh tác và quản lý thủy lợi. Được chuyên gia Việt Nam sang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và được trực tiếp lao động thực tế tại Việt nam, có sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân, chúng tôi bước đầu đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản làm lúa nước. Chúng tôi tin tưởng sẽ áp dụng thành công ở đất nước chúng tôi. Được chuyên gia Việt Nam giúp đỡ tận tình, vừa qua một số cánh đồng thí điểm của dự án trên quê hương chúng tôi đã đạt năng suất lúa 6-8 tấn/ha/vụ, là điều trước kia nằm mơ cũng không có được”.
Trần Lê (Theo VOV)