.
.

Xây dựng Vinacafe thành thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế

Thứ Năm, 11/10/2012|13:26

Cà-phê là ngành hàng nông sản mũi nhọn của kinh tế nước ta. Nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cà-phê đạt hơn hai tỷ USD/năm. Với diện tích khoảng 500 nghìn ha trở thành nước xuất khẩu cà-phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Bra-xin.

Ðóng gói sản phẩm Vinacafe tại Khu công nghiệp Biên Hòa (Ðồng Nai). Ảnh An Na
Ðóng gói sản phẩm Vinacafe tại Khu công nghiệp Biên Hòa (Ðồng Nai). Ảnh An Na

Truyền thống hào hùng

Với đời cây cà-phê, 30 năm là một chu kỳ thu hoạch. Ôn lại chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Tổng công ty Cà-phê Việt Nam, những người tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ cán bộ, công nhân, sĩ quan, chiến sĩ,... cảm thấy rất đỗi tự hào với bao công sức, trí tuệ, tình cảm, thậm chí cả hy sinh xương máu để vun đắp, xây dựng Tổng công ty như ngày hôm nay.

Ngày 13-10-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 174/HÐBT thành lập Liên hiệp các xí nghiệp cà-phê Việt Nam, trên cơ sở sáp nhập Công ty cà-phê ca-cao Việt Nam, ba sư đoàn quân đội (sư đoàn 331, 333, 359) đang đóng quân trên mặt trận Tây Nguyên và một số nông trường cà-phê của các tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai, Kon Tum,... Liên hiệp các xí nghiệp cà-phê Việt Nam tập trung thực hiện chương trình phát triển cà-phê quốc gia theo hiệp định hợp tác kinh tế với Liên Xô (trước đây) và các nước Ðông Âu khác như Ðức, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri,...

Giai đoạn 1982-1995 là giai đoạn khai hoang xây dựng đồng ruộng, trồng mới cà-phê trên tất cả các tỉnh Tây Nguyên của Tổng công ty như khu vực Việt Ðức, huyện Ea Kar, huyện Krông Năng, M’Ðrăc thuộc tỉnh Ðác Lắc, khu vực huyện Ia Grai, Ðắc Ðoa (tỉnh Gia Lai), huyện Ðắc Hà (tỉnh Kon Tum),... Ðây là giai đoạn vừa trồng mới vừa xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất như hồ đập, đường sá, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ đời sống dân sinh của hàng chục nghìn công nhân, sĩ quan, chiến sĩ và nhân dân, chủ yếu trên địa bàn bốn tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên. Ðây là giai đoạn lịch sử huy hoàng nhất của Tổng công ty, vừa đi khai hoang, vỡ đất vừa phát triển cà-phê, lại vừa cùng chính quyền địa phương diệt trừ phỉ Phun-rô đang hoạt động rất dữ dội ở khu vực Tây Nguyên. Thời kỳ này, nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Tổng công ty đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này vì oanh liệt chiến đấu chống Phun-rô và cả do những trận sốt rét rừng khắc nghiệt.

Vượt qua thách thức, đổi mới phát triển

Ðến năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 388/HÐBT về đổi mới và tổ chức lại các doanh nghiệp. Từ chủ trương trên, ngày 29-4-1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 251/QÐ-TTg thành lập Tổng công ty  Cà-phê Việt Nam, là Tổng công ty 91 thuộc ngành nông nghiệp, dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Khi đó, Tổng công ty có 68 đơn vị thành viên (61 đơn vị sản xuất, kinh doanh và bảy đơn vị sự nghiệp). Tổng công ty chuyển trụ sở từ Ðác Lắc về Hà Nội, địa điểm tại số 5 Ông Ích Khiêm (quận Ba Ðình). Trong giai đoạn 1995-2006, là giai đoạn chứng kiến nhiều phen thăng trầm nhất của Tổng công ty, có những năm phát triển huy hoàng, giá cà-phê xuất khẩu lên cao như thời kỳ 1995-2000, nhưng cũng có những năm giá xuất khẩu sụt giảm mạnh, như thời kỳ 2000-2005, hoạt động kinh doanh vô cùng khó khăn. Vượt qua mọi khó khăn thách thức, các doanh nghiệp thành viên vẫn giữ vững mối đoàn kết, tìm các giải pháp linh hoạt, hữu hiệu đưa Tổng công ty phát triển. Hiện, Tổng công ty có 58 doanh nghiệp thành viên và Văn phòng đại diện tại Thủ đô Hà Nội, với gần 34 nghìn lao động. Ghi nhận những thành tích to lớn của Liên hiệp các xí nghiệp Cà-phê - Tổng công ty Cà-phê Việt Nam đạt được trong 30 năm xây dựng và trưởng thành, Ðảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Ðộc lập hạng ba. Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho bốn đơn vị thành viên của Tổng công ty (Công ty Cà-phê 719, Công ty Cà-phê Ð’Rao, Công ty Cà-phê Biên Hòa, Công ty Ðầu tư xuất nhập khẩu Cà-phê Tây Nguyên). Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðoàn Triệu Nhạn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân của Tổng công ty cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động và các phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Ðảng ủy Tổng công ty TS Ðoàn Ðình Thiêm đánh giá: Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam có thể tự hào về những đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên vào sự nghiệp cách mạng và đổi mới phát triển kinh tế đất nước. Tổng công ty trở thành hạt nhân tiên phong phát triển ngành cà-phê của đất nước, luôn phát huy được vai trò chủ đạo, nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước. Là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong 30 năm qua, Tổng công ty đã làm tròn sứ mệnh của mình, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, vừa góp phần giữ gìn an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn. Từ công sức của các cán bộ, chiến sĩ và doanh nghiệp, đã góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội được như ngày hôm nay.

Ðồng thời, triển khai có hiệu quả việc đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp (khoán theo Nghị định 135), từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy có hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế quỹ đất của Tổng công ty quản lý. Phát triển sản xuất, kinh doanh đồng bộ tất cả các lĩnh vực hoạt động: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, nhất là chế biến sâu, xuất nhập khẩu  và thương mại dịch vụ, xây dựng thương hiệu Vinacafe.

TS Ðoàn Ðình Thiêm không giấu vẻ tự hào cho biết: Năm năm trở lại đây, Tổng công ty đạt tốc độ phát triển kinh tế cao. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách,... hằng năm đều tăng từ 10 đến 15%. Ðời sống cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty không ngừng được cải thiện, hiện đang ở mức khá so với các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong năm năm trở lại đây, sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp xã, buôn của của Tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty đạt được kết quả to lớn, góp phần ổn định mọi mặt trên địa bàn hoạt động.

Nhìn về phía trước, Tổng công ty đã hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó, Tổng công ty sẽ vững vàng phát triển với một tinh thần, sức sống mới. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh Tổng công ty giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ, xây dựng thương hiệu Vinacafe là thương hiệu quốc gia, quốc tế; tốc độ phát triển đạt 15% trên tất cả các chỉ tiêu chất lượng doanh nghiệp.

Tự hào với thành tích 30 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Cà-phê Việt Nam quyết tâm đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm năm (2011-2015) mà Chính phủ đã giao, xứng đáng vị thế một doanh nghiệp lớn, hạt nhân phát triển ngành cà-phê Việt Nam.

Nam Phong (Theo Nhân Dân)
 

.
.
.
.