.
.

"Vàng trắng" phủ xanh vùng biên ải

Thứ Tư, 04/12/2013|16:26

“Sờ tận tay, day tận mắt” hàng ngàn hécta caosu vươn cao, tràn trề nhựa sống, phủ xanh đồi trọc và thấy cuộc sống của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đang từng bước thay đổi, khá giả dần theo sự phát triển của caosu, mới thấy chủ trương trồng “vàng trắng” ở những nơi từng được khuyến cáo “không thể” là đúng đắn.

Chị Hồ Thị Dếnh đang làm công đoạn tấp tụ, giữ ẩm cho cây
Chị Hồ Thị Dếnh đang làm công đoạn tấp tụ, giữ ẩm cho cây

Phủ kín đồi trọc bằng caosu

Chúng tôi có mặt tại Đội Thanh Nưa 2 ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) một ngày đầu tháng 11. Những đồi caosu trồng từ tháng 9 năm 2008 lá xanh rì, dày mượt, thân cây căng tràn sức sống, nối tiếp nhau che phủ từ chân đến đỉnh đồi. Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Cty CP caosu Điện Biên - sau khi đo vanh (chu vi của đoạn từ dưới gốc cây lên 1m) một số cây, thông báo: “Từ 42 - 44cm, nhiều cây trên 50cm”. Theo quy hoạch của VRG (Tập đoàn Caosu Việt Nam), do đất ở Tây Bắc xấu, caosu phải trồng 7- 8 năm mới đưa vào khai thác, nhưng hiện có đến 70% của 162ha caosu trồng năm 2008 của Đội Thanh Nưa 2 có vanh từ 42 - 44cm. Thêm một năm nữa, vanh sẽ đạt ít nhất 50cm. Như vậy, chỉ sau 6 năm là có thể khai thác đại trà.

Dọc đường xe đi qua các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang, nhiều quả đồi, sườn núi người dân phát cỏ, đốt rẫy làm nương, mảng trắng, mảng đen, trông xa xa như những miếng vá của tấm áo rách, xen lẫn là những đồi cây caosu, tùy theo năm trồng, thân cây to, nhỏ khác nhau đang dần phủ kín đồi trọc. Tại các Cty CP caosu Lai Châu, Cty CP caosu Lai Châu II, Cty CP caosu Dầu Tiếng (Lào Cai), Cty CP caosu Hà Giang, sau khi kiểm tra các thông số kỹ thuật như chu vi thân cây, tầng lá ở các vườn caosu, ông Phạm Văn Hằng - Phó ban Quản lý kỹ thuật VRG - phấn khởi nhận xét: “Tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt và vượt yêu cầu”. Ông Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc VRG - cho biết, đến nay, VRG đã đầu tư trên 2.000 tỉ đồng và trồng được 25.000ha caosu tại 6 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang. Những diện tích trồng từ năm 2008 - 2010, hiện cây đã có độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt.

Nhọc nhằn bám rễ

Để có 25.000ha caosu đang phát triển mạnh mẽ như hôm nay, là cả một quá trình đầy cam go, vất vả. Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, có gần 50 năm gắn bó với đất Tây Bắc - kể: Từ sau năm 1954, Tây Bắc đã nhiều lần trăn trở với “cây gì, con gì” để thoát nghèo. Có thời, dầu trẩu được giá, cây trẩu được đưa vào nghị quyết của tỉnh như là “quả đấm thép”. Được vài năm, trẩu mất giá, cây thì xốp, đun khói mù, “quả đấm thép” vô dụng, 3.000ha trẩu phải chặt bỏ. Vì thế cứ loay hoay mãi với sắn, ngô, thu nhập chẳng bao nhiêu. Đến khi thực hiện dự án Thủy điện Sơn La, áp lực phải bảo đảm đời sống cho 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng càng đè nặng.

Đầu năm 2006, đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng và đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Bí thư T.Ư Đảng - lên thăm, chúc tết Lai Châu. Đứng bên cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) nhìn những đồi caosu xanh rì của Trung Quốc, chỉ cách một con sông nhỏ, hai lãnh đạo gợi ý: Tại sao Lai Châu không trồng caosu nhỉ? Đến lúc này, mọi người sực nhớ, từ năm 1993, tại bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) đã được trồng 400 cây caosu. Do không được chăm sóc, vườn cây chết dần, chỉ còn lại 28 cây. Khi đó, 2 đồng chí Bí thư T.Ư Đảng leo lên đồi, sờ tận gốc những cây caosu đã to cả người ôm chưa kín thân, để thấy caosu có thể phát triển ở Tây Bắc.

“Được lời như cởi tấm lòng”, Lai Châu phát động trồng caosu. Thế nhưng, vẫn có không ít ý kiến lo ngại khí hậu, thổ nhưỡng của Lai Châu không phù hợp với caosu. Thế là Lai Châu phải tổ chức “quan vận” trước. Nhiều đoàn lãnh đạo của các huyện, xã, già làng, trưởng bản được tỉnh cho đi tham quan ở Hà Tĩnh, Đông Nam Bộ, thậm chí sang cả Trung Quốc để “mục sở thị” caosu được trồng, phát triển và mang lại hiệu quả thế nào. Sau “quan vận” đến dân vận. Đây cũng là giai đoạn chẳng dễ dàng gì, vì khi góp đất trồng caosu thì dân không còn đất trồng lúa, ngô, sắn, chờ caosu cho mủ thì phải mất nhiều năm nữa. Thế là cán bộ tỉnh, huyện, xã lại chia nhau vận động, giải thích. Rồi tỉnh ban hành chính sách, mỗi 1ha chuyển sang trồng caosu được hỗ trợ 6 triệu đồng trong năm đầu tiên, người góp đất được nhận vào làm công nhân, khi có mủ dân hưởng 10%. Sau một quá trình dài vận động, ngày 18.6.2008, 8,64ha caosu đầu tiên được trồng tại lô 6, xã Nùng Thàng, huyện Sìn Hồ...

Quyết tâm làm caosu

Ở đâu chúng tôi đi qua, cũng bắt gặp cảnh đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc trong “màu áo” công nhân caosu. Chị Hồ Thị Dếnh - dân tộc H’Mông, công nhân đội caosu Mường Chà 1, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) - vừa vun đất, tấp tụ giữ ẩm cho những cây caosu mới trồng, vừa kể chuyện, mỗi ngày đi làm được 150.000 - 180.000 đồng. Hỏi năm nay bao nhiêu tuổi, thì Dếnh không nhớ, nhưng biết chắc chắn, 3 tháng rồi, chị được 8 triệu đồng tiền công, hơn nhiều lần làm nương, đủ tiền mua cái xe máy TQ cho chồng đi làm.

Chị Dếnh chỉ là một điển hình cho việc “đổi đời” khi đi làm công nhân caosu. Theo báo cáo, 5 Cty caosu ở các tỉnh miền núi phía bắc đã tạo việc làm cho khoảng 4.000 công nhân, trong đó có đến 85 - 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi thử việc, tất cả đều được ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT đầy đủ và được kết nạp vào Công đoàn. Vui nhất, nhiều công ty, dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Như tại Cty CP caosu Hà Giang, Tổng Giám đốc Hoàng Xuân Phú cho biết, công ty hỗ trợ nhiều công nhân từ 15 - 20 triệu đồng/người để làm nhà, tùy mức độ to, nhỏ. Còn tại Cty CP caosu Lai Châu II, đã xây dựng được 7 nhà “mái ấm công đoàn” cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Đó là chưa kể, trong khi caosu đại điền còn đang chờ ngày khai thác, thì đã có những vườn caosu tiểu điền cho thu nhập. Anh Lò Văn Bằng - dân tộc Thái, ở xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ - có 1ha caosu trồng từ năm 2006, ngày cạo mủ một lần, từ đầu năm đến nay bán được trên 30 triệu đồng, cao hơn thu nhập từ làm nương, rẫy. Chỉ riêng huyện Phong Thổ đã có đến 420ha caosu tiểu điền, trong đó nhiều vườn đang khai thác. Tương tự, tại hai huyện Bát Xát và Mường Khương của tỉnh Lào Cai cũng đã có hàng trăm hécta caosu tiểu điền cũng đang sắp đến ngày thu hoạch mủ.

Chính vì thấy triển vọng phát triển như thế, nên lãnh đạo các tỉnh ở miền núi phía bắc đều thể hiện quyết tâm với caosu. Như tại Lai Châu đã trồng được 11.000ha và phấn đấu sẽ trồng đủ 30.000ha, vì theo tính toán, khi đó, chỉ riêng nguồn lợi từ caosu sẽ đóng góp 500 tỉ đồng, bằng thu ngân sách của cả tỉnh hiện tại. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định: “Sẽ quyết tâm làm caosu, vì hiện giờ chưa có cây nào thay thế được”. Còn  Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng thẳng thắn: “Chúng tôi thiết tha đề nghị Bộ NNPTNT cho phép trồng đại trà caosu, không cần trồng thí điểm nữa”.

Nhưng bên cạnh những thuận lợi, còn không ít nỗi lo. Theo thỏa thuận giữa VRG và các tỉnh ở miền núi phía bắc, người dân góp đất trồng caosu khi thu hoạch, sẽ hưởng 10% sản lượng mủ. Thế nhưng, diện tích đất dân góp để trồng caosu vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết, và việc ký thỏa thuận với từng hộ dân vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi ngày khai thác mủ caosu đang đến gần. Liệu khi có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận cao, sẽ phát sinh tranh chấp về đất đai?  Rồi nỗi lo về tình trạng thương lái Trung Quốc mua rễ cây caosu nhằm phá hoại sản xuất như việc mua móng trâu, rễ hồi... liệu có xảy ra với cây caosu? Tất cả những câu hỏi trên, cần các cơ quan chức năng góp sức trả lời để cây caosu ngày càng bền chặt hơn với núi rừng miền Bắc.

Quan trọng nhất là tạo việc làm. Ông Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc VRG - cho biết: Do địa hình đồi dốc, không thể cơ giới hóa, mọi việc đều dựa vào sức người, nên suất đầu tư ở miền núi phía bắc khá cao, từ 175 - 200 triệu đồng/ha, gấp 1,5 -2 lần so với đầu tư tại Đông Nam Bộ. Vậy nên VRG chỉ đặt ra mục tiêu bảo toàn vốn, có lời chút đỉnh và quan trọng nhất là phải tạo công ăn, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.

Nam Dương (Theo Lao động)

.
.
.
.