.
.

Công tác triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Tư, 05/09/2012|07:32
Ngày 18/6/2012 Luật Bảo hiểm tiền gửi đã chính thức được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ Ba thông qua, ghi nhận một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi.  Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Để Luật Bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống, việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính của luật, ý nghĩa, sự cần thiết ban hành Luật là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý.    

Sự cần thiết, ý nghĩa của việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi

Trong xu thế phát triển của thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả là một yêu cầu khách quan. Cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam và sự ra đời tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi; mức bảo toàn hoặc bảo hiểm do Chính phủ quy định”.

Để triển khai qui định này, kể từ năm 1999 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân  hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng  để hoạt động Bảo hiểm tiền gửi phát triển. Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành xuất phát từ sự cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi; nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và bảo đảm cho các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh bằng văn bản Luật. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi được thông qua sẽ xác định rõ vị trí của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác; xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi để hoạt động bảo hiểm tiền gửi đạt hiệu quả cao hơn.

Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành tạo thành chỉnh thể thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong thời gian vừa qua như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  2010, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Đồng thời, việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật bảo hiểm tiền gửi hiện hành, nâng cao giá trị pháp lý của pháp luật bảo hiểm tiền gửi, giúp cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi hoạt động hiệu quả hơn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Việc xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi phải đảm bảo:

(i)Thể chế hóa được quan điểm chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị của Việt nam đã được qui định trong Hiến pháp năm 1992.

(ii) Phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn, sự phát triển của hệ thống ngân hàng, mức độ hiểu biết, thói quen tiết kiệm của người dân.

(iii) Kế thừa những nội dung phù hợp đã được trải nghiệm qua 10 năm thực hiện pháp luật bảo hiểm tiền gửi, bảo đảm tính kế thừa trong quản lý, đồng thời khắc phục được những thiếu sót, bất cập của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi.

(iv)Tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của các nước, cũng như tham khảo các hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế, bảo đảm Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam có sự tương thích nhất định với các chuẩn mực chung của quốc tế.

(v)Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống pháp luật ngân hàng, tạo điều kiện tăng cường sự phối hợp, hoạt động hiệu quả của các cấu phần trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.

Những nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm tiền gửi

Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 07 chương và 39 điều, với những nội dung cơ bản như sau:

- Quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

- Mô hình hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

- Chủ thể được bảo hiểm tiền gửi

- Mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi

- Chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm tiền gửi

- Hoạt động đầu tư của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

- Phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm

- Thời điểm tổ chức bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền

Với nội dung cơ bản trên, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã kế thừa những quy định phù hợp qua thực tiễn thực thi pháp luật bảo hiểm tiền gửi, bảo đảm tính kế thừa trong quản lý, đồng thời khắc phục được những thiếu sót, bất cập của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống pháp luật ngân hàng, tạo điều kiện tăng cường sự phối hợp, hoạt động hiệu quả của các cấu phần trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia. Mặt khác, Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng đã được ban hành trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia và hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế, bảo đảm sự tương thích nhất định với các chuẩn mực chung của quốc tế.

Công tác triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt nam

Để thực hiện Luật BHTG hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ triển khai nhiều công việc từ nay cho đến ngày Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành (01/01/2013), bao gồm các nội dung như sau:

a) Cùng với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức giới thiệu Luật Bảo hiểm tiền gửi như: (i) tổ chức các hội nghị giới thiệu Luật ở 3 miền Bắc, Trung, Nam… với thành phần là các cán bộ của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; (ii)tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi chuyên môn về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở các qui định của Luật; (iii) Đăng tải các bài giới thiệu, hỏi đáp nội dung Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với từng loại đối tượng dưới hình thức các ấn phẩm và trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát thanh, truyền hình, website…; (iv) tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nội dung của Luật bảo hiểm tiền gửi giữa các đơn vị trong hệ thống bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức tín dụng . 

b) Chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi

Nguyên tắc triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi là những quy định của Luật đã rõ ràng, cụ thể cần nhanh chóng triển khai, áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Những quy định cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện cần ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời đảm bảo khi Luật có hiệu lực có thể thực hiện được ngay.

Các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi bao gồm rà soát để lên danh mục các văn bản cần xây dựng để hướng dẫn Luật, dự kiến thời gian trình ban hành văn bản hướng dẫn và giao cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn. Các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng phù hợp với thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo hiểm tiền gửi từ ngày 01/01/2013.

Trên cơ sở rà soát sơ bộ, dự kiến danh mục văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi  gồm 01 Nghị định của Chính phủ, một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Cụ thể, các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi tập trung vào những vấn đề sau:

1. Khoản 13 Điều 13  của Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi: “Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ”.

2. Khoản 2 Điều 34 Luật BHTG quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ: “Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ.”

3. Khoản 1 Điều 20 Luật BHTG quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước”. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi.

4. Khoản 2 Điều 24 Luật BHTG quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ”.

5. Khoản 1 Điều 29 Luật BHTG quy định: “Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.”

6. Khoản 2 Điều 20 Luật BHTG quy định: “Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.”

7. Khoản 2 Điều 32 Luật BHTG quy định: “Chế độ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quy định”.

Với việc tích cực triển khai các công việc nói trên, tin tưởng rằng Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.


Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước
(Thông tin BHTGVN số 21)
.
.
.
.