.
.

Cần có kênh thông tin trực tiếp từ các tổ chức tín dụng để thực hiện tốt công tác tham mưu cho NHNN

Thứ Năm, 21/03/2013|08:30
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã đi vào cuộc sống hơn 2 tháng kể từ ngày 01/01/2013. Thực tế cho thấy, để BHTGVN thực hiện đầy đủ vai trò “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng” như quy định tại Điều 3, Luật BHTG, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa vai trò, chức năng của BHTGVN, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của người gửi tiền và các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (TCTGBHTG) Qua đó, mỗi bên có thể nắm rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, tránh những vướng mắc tồn tại và phối hợp thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ
Một trong những vấn đề cần quan tâm, làm rõ hiện nay là vai trò của BHTGVN trong việc phân tích, tổng hợp và xử lý thông tin của TCTGBHTG được quy định tại khoản 10, Điều 13 Luật BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng. Như vậy, để thực hiện được chức năng này, BHTGVN cần phải có nguồn thông tin về hoạt động của các TCTGBHTG. Tuy nhiên, tại khoản 6, Điều 12 Luật BHTG chỉ quy định TCTGBHTG “cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức BHTG theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức BHTG". Thông tin về tiền gửi ở đây có thể được hiểu là thông tin về tổng số dư tiền gửi, kỳ hạn, lãi suất tiền gửi, thông tin về khách hàng gửi tiền, đối tượng gửi tiền được bảo hiểm.v.v…được thể hiện trên sao kê tiền gửi, nhưng không bao gồm các thông tin có liên quan đến hoạt động của TCTGBHTG.
Mặc khác, tại khoản 1, Điều 34 Luật BHTG cho phép BHTGVN được "tiếp cận dữ liệu thông tin của NHNNVN về TCTGBHTG để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật này".
Như vậy, để thực hiện được chức năng nhiệm vụ trên, BHTGVN chỉ có một nguồn duy nhất là tiếp cận nguồn dữ liệu thông tin của NHNNVN. Ngoài ra, không có quy định nào yêu cầu TCTGBHTG phải báo cáo cho BHTGVN những thông tin về hoạt động để có thể tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu, từ đó tham mưu cho NHNNVN theo quy định của Luật BHTG.
Có thể thấy, theo quy định tại khoản 10, Điều 13 Luật BHTG, ngoài việc tổng hợp, phân tích, đánh giá an toàn hoạt động của TCTGBHTG, thì BHTGVN được xem là một kênh thông tin, tham mưu cho NHNNVN bên cạnh Thanh tra NHNN về an toàn hoạt động của các TCTGBHTG. Tuy nhiên, theo phân tích ở trên, nguồn dữ liệu để thực hiện chức năng này chỉ lấy từ nguồn của NHNNVN. Điều này dễ dẫn tới sự thiếu sự khách quan đối với những đánh giá về an toàn hoạt động của các TCTGBHTG. Bởi vì từ một nguồn thông tin giống nhau làm sao có thể cho ra những kết quả khác (nếu có) để tham mưu cho NHNNVN. Do đó, với những quy định như vậy BHTGVN chưa thể thực hiện đầy đủ vai trò là một kênh thông tin, tham mưu cho NHNNVN.
Để BHTGVN có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được quy định tại khoản 10, Điều 13 Luật BHTG, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng khi ban hành các văn bản hướng dẫn Luật BHTG cần quan tâm, hướng dẫn rõ hơn, cụ thể hơn nghĩa vụ cung cấp thông tin báo cáo về tình hình hoạt động của các TCTGBHTG cho BHTGVN. Đồng thời, hướng dẫn việc tiếp cận nguồn thông tin của NHNNVN để BHTGVN có được một kênh thông tin trực tiếp, đầy đủ từ các TCTGBHTG bên cạnh nguồn thông tin từ dữ liệu của NHNNVN. Có như vậy, BHTGVN mới có thể thực hiện tốt chức năng tham mưu cho NHNNVN về hoạt động của các TCTGBHTG, từ đó NHNNVN sẽ có sự so sánh, đánh giá một cách khách quan hơn về an toàn hoạt động của các TCTGBHTG, hoạch định chính sách đúng đắn nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.


Đăng Khoa

.
.
.
.