.
.

Ngành cao su: Để hiệu quả kinh tế tương xứng tiềm năng

Thứ Bảy, 26/11/2011|21:11

  Việt Nam là nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cao su hiện nay chủ yếu vẫn dưới dạng sơ chế, nguyên liệu thô nên giá trị xuất khẩu thấp, do đó hiệu quả kinh tế của ngành chưa tương xứng với tiềm năng.

Ảnh minh họa

Thị trường rất tiềm năng

 

Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam có thể đạt khoảng 3,67 tỷ USD với khối lượng hơn 820.000 tấn (tăng 50% so với năm trước) do nhu cầu cao su thiên nhiên tại các thị trường sản xuất ô tô chính châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh. 

Xuất khẩu cao su tăng trưởng về kim ngạch ở hầu hết các thị trường, giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.325 USD/tấn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, thị trường cao su thế giới tiếp tục có xu hướng tăng, duy trì ở mức 5 USD/kg những tháng cuối năm 2011 và có thể tăng lên 5,1 USD/kg trong năm 2012.

Năm 2012, dự báo nhu cầu cao su tiếp tục tăng, nhu cầu đối với mặt hàng cao su tổng hợp sẽ tăng 5% trong năm 2011 và 9% trong năm 2012, trong khi cao su thiên nhiên tăng với tốc độ thấp hơn 3,8% trong năm 2011 và 5,4% trong năm 2012.

Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng tối đa lên 10,3 triệu tấn vào năm 2012, hai nhà cung cấp Thái Lan và Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi Indonesia và Malaysia sẽ có sản lượng ổn định.

Mặc dù có nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, song các sản phẩm cao su xuất khẩu của nước ta chủ yếu dưới dạng sản phẩm sơ chế, nguyên liệu thô như SVR CV60, SVR CV50, SVRL, SVR 3L…, giá bán trên dưới 5 USD/kg, trong khi nếu chuyển sang sản xuất sản phẩm tinh chế thì giá trị có khả năng tăng gấp 3 lần. Nếu gia tăng chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm tinh chế từ cao su, sản phẩm gia dụng, công nghiệp… thì giá trị xuất khẩu của ngành cao su không dừng lại ở mức 3,6 tỉ USD như hiện nay.

Cần khắc phục những bất cập

Theo mục tiêu quy hoạch thì sản lượng cao su trong những năm  tới sẽ tiếp tục tăng, cụ thể đến năm 2015 sẽ là 1,1 triệu tấn và 1,2 triệu tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, cơ cấu chủng loại cao su sơ chế lại chưa đáp ứng được thị trường tiêu thụ trọng điểm của ngành cao su. Ngoài ra việc quy hoạch nhà máy chưa tương xứng với diện tích cao su đã dẫn đến nhiều bất cập.

Nhiều nhà máy sơ chế được thành lập, nhiều nơi có hiện tượng công suất vượt năng lực nguồn nguyên liệu dẫn đến hiện tượng tiêu cực tranh mua nguyên liệu bất chấp chất lượng, tranh bán với giá thấp, giảm giá thành bằng cách hạn chế đầu tư nâng cao và kiểm soát chất lượng. Vì vậy, cần thiết phải tìm hiểu về năng lực hiện có của các nhà máy sơ chế cao su để có cơ sở định hướng phát triển các nhà máy trong tương lai, nhằm cân đối nguồn nguyên liệu với xu hướng của thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo kết quả điều tra năm 2010 của Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 cả nước có 155 nhà máy được đăng ký và tổng công suất là 978.950 tấn. Tập trung nhiều nhất ở Đông Nam bộ có 104 nhà máy, chiếm 77,5% tổng công suất, bình quân công suất năm là 7.291 tấn/nhà máy. Tây Nguyên có 23 nhà máy, chiếm 16,4% tổng công suất và quy mô nhà máy khá lớn với bình quân công suất năm là 7.004 tấn/nhà máy. Trong khi đó, các nhà máy ở Bắc Trung Bộ chỉ chiếm 6,1% tổng công suất nhưng có đến 28 nhà máy và phần lớn có quy mô nhỏ, bình quân công suất năm là 2.129 tấn/nhà máy.

Công suất các nhà máy sơ chế cao su năm 2010 chỉ  được huy động sử dụng khoảng 76,9%, cao nhất là ở Tây Nguyên (81,1%), kế tiếp là Đông Nam bộ 77,1% và thấp nhất là Bắc Trung bộ  60%, ở Nam Trung Bộ chưa có nhà máy sơ chế cao su. Những chủng loại có công suất thiết kế cao nhất là cao su khối, chiếm trên 80%, trong đó nhiều nhất là SVR 3L, có tỷ lệ khoảng 50-51%, SVR 10 chiếm 15-18%; cao su ly tâm (latex) có tỷ lệ khoảng 10%, trong đó loại latex hàm lượng ammoniac cao (HA) chiếm khoảng 6-8%; cao su tờ xông khói chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 5,6-6,7%.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA nhận định: “Từ năm 2013 đến 2020 sản lượng cao su của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 370.000 tấn, đạt mục tiêu 1,2 triệu tấn. Với công suất nhà máy sơ chế hiện có đến năm 2010 là 980.950 tấn, cần mở rộng thêm 460.000 tấn giai đoạn từ 2013-2020. Để các nhà máy hoạt động hiệu quả cao, cần có chiến lược quy hoạch nhà máy cân đối với vùng nguyên liệu và cơ cấu chủng loại phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với các nhà máy sơ chế cao su để xây dựng thương hiệu, uy tín cho từng nhà máy góp phần xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam”.

Theo Chính Phủ

.
.
.
.