.
.

Cơ hội của Petrovietnam là ở đâu?

Thứ Năm, 21/03/2013|08:27

Nhiều người có thể dễ dàng hình dung ra viễn cảnh công nghiệp hóa và trả lời câu hỏi thế nào là hiện đại hóa, song “làm gì để khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội?” lại không phải là câu hỏi mà một người có thể trả lời.

Từ khoảng trống... nhận thức

Từ sau khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” được ban hành, môi trường KH&CN nước nhà như được thổi một luồng sinh khí mới.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm 8/3 vừa qua, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng chưa bao giờ những vướng mắc của hoạt động KH&CN có điều kiện giải quyết triệt để như hiện nay. Thực tế có thể lạc quan tới mức đó hay không?

Chúng ta không thể phủ nhận nhiều thành tựu của KH&CN nước ta những năm gần đây, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; trong một số lĩnh vực, có thể nói, việc ứng dụng sản phẩm công nghệ mới còn tiệm cận với thế giới xét theo thời gian thực. Tiềm lực KH&CN quốc gia được nâng lên rõ rệt; quản lý Nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới, hệ thống pháp luật về KH&CN được chú trọng hoàn thiện; thị trường KH&CN đã được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH&CN trong nước.

Tại Trung tâm mô hình hóa mỏ PVU, Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu trao đổi với các nhà khoa học của Công ty Schlumberger về khả năng phát triển hợp tác KH&CN

Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế khác, mặc dù Đảng ta đã có một số nghị quyết về KH&CN như Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa IV), Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (khóa VI), Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết TW 7 (khóa VII)..., kể từ khi có Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều nhiệm vụ và giải pháp từng được đặt ra, đến nay vẫn tiếp tục là... mục tiêu phấn đấu.

Chỉ xin lấy một ví dụ về nhận thức. Nghị quyết TW2 (khóa VIII) từng đánh giá: “Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền chưa thật sự coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, chưa tập trung trí tuệ, công sức cho sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động KH&CN. Nhiều chủ trương đúng đắn về KH&CN trong các văn kiện của Đảng chậm được thể chế hóa về mặt Nhà nước và chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Đến nay, sau 17 năm Nghị quyết TW 6 lại phải nhắc lại quan điểm mang tính định hướng: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...” và chỉ ra nguyên nhân: “Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm”.

Tại Hội nghị ngày 8-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục đưa ra đánh giá, vai trò và vị trí của KH&CN đã được khẳng định nhưng trên thực tế KH&CN chưa thực sự được coi là quốc sách. Nguyên nhân chính là do nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của KH&CN chưa đầy đủ.

Như vậy, từ chủ trương đúng, giải pháp đúng đến việc có thể hoàn thành các mục tiêu, thực sự là một khoảng cách lớn... hàng chục năm. Để đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, để các chính sách được thực thi hiệu quả, trước hết, khoảng trống nhận thức này cần phải được lấp đầy.

Đến hành động thực tiễn

Dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đang đóng vai trò trụ cột của đất nước. Đưa Nghị quyết TW 6 vào thực tiễn, xây dựng phát triển một nền KH&CN tiên tiến cho ngành Dầu khí hiển nhiên sẽ được coi là trọng trách “đặt lên vai” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với tính chất là “chìa khóa”, là “mũi đột phá” dẫn dắt các ngành công nghiệp khác.

Bằng các chiến lược cụ thể, giải pháp cụ thể, trong những năm gần đây, Petrovietnam đang lấp đầy những khoảng trống về nhận thức vai trò của KH&CN trên mọi lĩnh vực và bình diện thuộc các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, tạo ra những lợi thế rõ rệt.

Với đội ngũ trí thức trẻ và năng động, tiềm lực tài chính mạnh, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ đồng bộ, tổ chức và cơ chế hoạt động rõ ràng, cán bộ lãnh đạo ngành hầu hết đều được đào tạo bài bản về KH&CN, trưởng thành từ thực tế sản xuất và nghiên cứu khoa học, có tầm nhìn và tâm huyết, có kinh nghiệm và năng lực quản lý công nghệ. Có thể nói, từ thực tế này, Petrovietnam đang hội đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để đưa Nghị quyết TW6 vào cuộc sống. Thời điểm Nghị quyết được ban hành thực sự là cơ hội mang tính bản lề để ngành Dầu khí bứt phá, mở ra một giai đoạn phát triển mới về KH&CN.

Trả lời câu hỏi: “Làm gì để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển cho ngành Dầu khí?” là trách nhiệm, là thách thức mà Petrovietnam phải đối diện, đòi hỏi Petrovietnam đi tiên phong đề ra những giải pháp để đưa công nghiệp Dầu khí nước nhà trở thành một ngành có năng lực công nghệ đạt trình độ thế giới vào năm 2025 theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Nghĩa là, cũng sau 17 năm nữa, các nhiệm vụ mục tiêu phải được thực hiện, không chỉ nằm trên giấy và trong các khẩu hiệu quyết tâm.

Để Petrovietnam có thể phát triển vượt bậc về chất và lượng, phát triển bền vững, một lộ trình KH&CN cho ngành Dầu khí Việt Nam đã được hoạch định với 3 bước chuyển dịch kỹ thuật và thích nghi công nghệ, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, làm chủ và sáng tạo công nghệ..., thể hiện các trình độ phát triển công nghệ dầu khí theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, từ nhận thức đúng đến triển khai hành động hiệu quả là một khoảng cách không dễ vượt qua. Nhận diện các nhiệm vụ KH&CN cụ thể vẫn luôn là điều mà mỗi CBCNV ngành Dầu khí cần phải nắm vững. Trong các định hướng hoạt động KH&CN của Tập đoàn thời gian qua đã xác định khá rõ nét điều này. Đó là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN, quyết liệt triển khai các hoạt động đầu tư cho KH&CN, triển khai nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý KH&CN tiên tiến; nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các công nghệ cao, tiên tiến, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và các yêu cầu cụ thể của Tập đoàn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo nên sự đột phá.

Bên cạnh những giải pháp, nhiệm vụ chung là những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực như: Đổi mới, đồng bộ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phát triển công nghệ thông tin, tự động hóa trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, thu gom, vận chuyển, xử lý và sử dụng khí, chế biến dầu khí và hóa dầu, công nghệ công trình dầu khí, xây dựng và vận hành các nhà máy điện...; công nghệ xử lý chất thải, phòng chống sự cố, bảo vệ an toàn và môi trường; khai thác hiệu quả các mỏ có tính chất khó khăn, phức tạp, thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm dầu khí, tích cực tận thăm dò, tăng cường và nâng cao hệ số thu hồi dầu; đề xuất phương hướng tìm kiếm thăm dò mới, đưa ra các giải pháp duy trì và nâng cao sản lượng khai thác dầu khí; lựa chọn công nghệ khoan và khai thác phù hợp; triển khai và phát triển công nghệ khai thác mỏ có điều kiện địa chất phức tạp như móng nứt nẻ, áp suất nhiệt độ cao, mỏ có chứa khí CO2, triển khai công nghệ giàn đầu giếng, công nghệ khai thác thứ cấp, tam cấp v.v...

Có thể nói, đến nay, những “nút thắt” vĩ mô đã được mở, không chỉ đối với nền KH&CN cả nước nói chung, đối với ngành Dầu khí nói riêng, hầu hết những vướng mắc, hạn chế mà ngành từng đề xuất, kiến nghị đều được giải quyết hoặc có cơ chế để giải quyết. Đường lối và những chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước thông qua Nghị quyết TW 6 có thể giải phóng tiềm năng và sức sáng tạo để KH&CN trở thành động lực phát triển của Petrovietnam hay không, chính là câu hỏi mà đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN có trách nhiệm trả lời nhằm hoàn thành sứ mệnh đi đầu trong phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp chấn hưng nền KH&CN nước nhà, góp phần nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong thời kỳ mới.

Nguyễn Tiến Dũng

Petrotimes

.
.
.
.