.
.

Giới thiệu

Hơn 30 năm trước, ngày 3/9/1975 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay; gần một năm sau ngày thành lập, ngày 25/7/1976, chúng ta có nguồn khí thiên nhiên đầu tiên được khai thác từ giếng khoan số 51 ở Vùng trũng sông Hồng, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước; 5 năm sau, vào tháng 6 năm 1981, dòng khí công nghiệp ở mỏ khí Tiền Hải được khai thác để đưa vào phục vụ sản xuất; và 10 năm sau ngày thành lập, ngày 26 tháng 6 năm 1986 Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô đã khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ...

Kể từ đó Việt Nam đã bước vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Trải qua 33 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã vượt qua mọi trở ngại để vươn lên trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng hàng đầu, đã đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, ở những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, ngành Dầu khí đã góp phần tích cực vào việc đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, ở thập kỷ này – thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực sự đã trở thành đầu tàu kinh tế, là động lực đẩy nhanh tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong những năm gần đây, nhờ có một nền tảng vững chắc, tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn luôn ở mức cao, hàng năm chúng ta luôn có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Đến nay, toàn Tập đoàn đã khai thác được trên 280 triệu tấn dầu thô và Condensate, trên 45 tỷ m3, mang lại nguồn thu ngoại tệ trên gần 60 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ USD và tạo dựng được nguồn vốn chủ sở hữu trên 100 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động khai thác với 12 mỏ dầu khí (11 mỏ trong nước, 1 mỏ ở nước ngoài) có giá trị thương mại được lần lượt đưa vào khai thác (mỏ Bạch Hổ, Rồng, Lan Tây, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Đại Hùng, Cá Ngừ Vàng, PM3-CAA, 46 Cái Nước, Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây, Ruby, Tiền Hải, PM 304 – Malaysia), công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã bước đầu xác định được trữ lượng dầu khí tiềm năng có thể thu hồi của Việt Nam ước đạt 4,0 đến 4,6 tỷ m3 quy dầu, có khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước cho thời gian tới. Đến nay, chúng ta đã ký 63 hợp đồng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước, trong đó 37 hợp đồng đang có hiệu lực, thu hút vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Những năm gần đây, Tập đoàn đang tích cực triển khai đầu tư các dự án tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài, hiện tại Tập đoàn đang đầu tư vào 13 dự án, trong đó tự điều hành 8 đề án và bước đầu đã có phát hiện dầu khí quan trọng ở Malaysia, Angiêri. Đặc biệt, tháng 9/2006, Tập đoàn đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác ở nước ngoài tại mỏ PM – 304 Malaysia.

Song song với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lĩnh vực công nghiệp khí cũng đã được tích cực triển khai; dòng khí đồng hành từ bồn trũng Cửu Long (mỏ Bạch Hổ + Rạng Đông) và khí thiên nhiên bể Nam Côn Sơn (mỏ Lan Tây + Rồng Đôi Tây) đã cung cấp và tạo điều kiện hình thành cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã và đang được khẩn trương thực hiện có ý nghĩa rất quan lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung. Trong những năm tới đây, các mỏ khí mới như lô B, Sư Tử Trắng… sẽ được đưa vào khai thác và mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Trong lĩnh vực chế biến dầu khí và hóa dầu, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đi vào vận hành ổn định và có những đóng góp tích cực trong việc bình ổn thị trường giá phân urê, hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp ở trong nước thời gian qua; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được khẩn trương triển khai xây dựng với mục tiêu có sản phẩm đầu tiên từ tháng 2 năm 2009; các dự án: đầu tư xây dựng Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, Nhà máy Lọc dầu phía Nam và các dự án chế biến nhiên liệu sinh học đang được Tập đoàn tích cực triển khai để sớm đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhiên liệu cho đất nước và cung cấp cho ngành công nghiệp hóa dầu những nguyên liệu và sản phẩm mới.

Cùng với sự phát triển các lĩnh vực trong một nền công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh, các hoạt động thương mại, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, bảo hiểm Dầu khí, dịch vụ xây lắp dầu khí, dịch vụ tổng hợp cũng đã được hình thành, phát triển và có tỷ trọng đóng góp đáng kể trong doanh thu của Tập đoàn; Công tác đổi mới doanh nghiệp được triển khai tích cực theo hướng có hiệu quả cao nhất; Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, đặc biệt là những cán bộ khoa học và những cán bộ quản lý có trình độ cao luôn được các cấp lãnh đạo Tập đoàn quan tâm thực hiện. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật với hơn 25 nghìn người đã và đang đảm đương tốt công việc được giao phó.

Chúng ta hiểu rằng, để đạt được những thành công trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ công nhân viên, sự đoàn kết nhất trí của các cấp lãnh đạo trong Tập đoàn; Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Từ năm 1988, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 15 về dầu khí và năm 2006 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 41 – KL/TW ngày 19/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09/03/2006, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, với mục tiêu phát triển là: Phát triển ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế. Và ngày 29/08/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 198, 199/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã tạo ra một vóc dáng mới, sức mạnh mới và nâng cao tầm cao mới cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển trong tương lai.

Tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tự hào nhìn lại quãng đường đã đi qua đầy khó khăn gian khổ nhưng rất vẻ vang, đồng thời tin tưởng mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của các Bộ, các ngành, các địa phương, sự hợp tác trong nước và quốc tế trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xứng đáng là một Tập đoàn kinh tế mạnh và đầu tàu của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 


.
.
.
.
.