.
.

Giá bán lẻ điện bình quân phải do Nhà nước quản lý

Thứ Tư, 24/10/2012|14:44

 

 

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Quy định như vậy là phù hợp với chủ trương điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện- Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Điện lực của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ.


Trong hoàn cảnh hiện tại liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho nên giá điều chỉnh phải có ý kiến của Thủ tướng
Trong hoàn cảnh hiện tại liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho nên giá điều chỉnh phải có ý kiến của Thủ tướng

 

Tăng dưới 5% cũng phải có ý kiến Chính phủ

Các ý kiến thảo luận về Luật này cũng khẳng định rõ quan điểm: Nhà nước phải quản lý giá bán điện.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, không chỉ xem xét giá bán lẻ bình quân mà cần nói rõ hơn đến khung giá, biểu giá. Theo tôi giá bán lẻ bình quân hết sức quan trọng và Thủ tướng Chính phủ phải duyệt.

"Điều chỉnh tăng giá điện vẫn phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chứ không chỉ giao cho Tập đoàn điện lực xin ý kiến Bộ Công thương đồng ý nếu điều chỉnh dưới 5%. Vì trong hoàn cảnh hiện tại liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho nên giá điều chỉnh phải có ý kiến của Thủ tướng. Giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng phải tùy theo cấp độ thị trường như trong dự thảo luật đã đề cập” – đại biểu Lê Thị Nguyệt nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nói: "Tôi thấy quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước sẽ là một trong những nhân tố khuyến khích phát triển thị trường cung ứng điện và thúc đẩy gắn doanh nghiệp hướng tới đầu tư kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần phải cụ thể hóa nguyên tắc, cấu trúc vận hành cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước sẽ điều tiết những hoạt động, khía cạnh nào của thị trường điện. "Tôi đề nghị cần phải quy định ngay những nguyên tắc đối với điều chỉnh giá bán lẻ điện trong dự thảo luật để từ đó có thể minh bạch được giá điện và có sự điều tiết của nhà nước nhưng vẫn đảm bảo giá bán lẻ điện được vận hành theo cơ chế thị trường” – đại biểu Đồng đề nghị.

Về cơ cấu giá điện, đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận), khẳng định phải thật sự công khai minh bạch, phải được kiểm soát chặt chẽ vì nó hình thành nên cơ cấu giá bán lẻ điện, do đó không để Bộ Công thương quy định thành phần cơ cấu giá bán lẻ điện mà Bộ Tài chính phải có trách nhiệm kiểm tra thẩm định theo sự phân công của Chính phủ phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí.

Làm rõ hơn yêu cầu Nhà nước phải quản lý giá điện, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) khẳng định: "Điện là sản phẩm hàng hóa thiết yếu có tác động trong phạm vi rộng, vì vậy giá điện phải chịu sự điều tiết của nhà nước, đó là vấn đề có tính nguyên tắc không chỉ đặt ra với Việt Nam mà đã được thực  hiện ở nhiều nước trên thế giới”.

Không bù giá chéo

Nhiều đại biểu đồng tính với việc không nên tiếp tục cơ chế bù giá giữa các nhóm khách hàng, giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt vì như vậy rất bất hợp lý. Bù giá như vậy có nghĩa là ai dùng càng nhiều thì càng được bù giá nhiều. "Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, vùng chưa có lưới điện quốc gia, thông thường ở những nơi này chỉ xây dựng được các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu hoặc diesel nên giá thành sản xuất điện sẽ khá cao”, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM) nêu dẫn chứng. Và theo đại biểu này, người dân ở vùng khó khăn cũng phải được mua điện bằng với giá các vùng khác, bởi vì thật vô lý khi họ đã khó khăn lại phải mua điện với giá cao hơn thì không biết đến khi nào sản xuất và đời sống của họ mới được khá hơn?

Thống nhất bỏ quy định bù chéo giá điện sản xuất, giá điện sinh hoạt và bù giá giữa các nhóm hàng, đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho rằng, làm như vậy sẽ dẫn đến giá bán điện trên thị trường điện lực không kiểm soát được và không thống nhất giữa các quy hoạch vùng miền trong cả nước và nhà nước đã có chính sách riêng cho đối tượng ưu tiên về giá điện sinh hoạt theo từng mức tiêu thụ điện.

Ngoài ra, về phương thức thanh toán tiền điện, nhiều đại biểu không đồng tình với cách thanh toán như hiện nay là sử dụng hóa đơn điện mà cần biết tận dụng hệ thống thanh toán hiện đại của ngân hàng để giảm bớt độ phiền hà, lãng phí. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) dẫn chứng: Hiện nay chúng ta có khoảng 20 triệu hộ tiêu dùng điện, nếu mỗi tháng in 21 tờ hóa đơn như thế này thì lấy giấy đâu, phá bao nhiêu hecta rừng? Tôi đề nghị phải đổi mới tư duy thanh toán điện. Ở các nước tiên tiến không có ai đi ghi điện hàng tháng một, tính tiền điện hàng tháng như thế, người ta khoán định mức cho từng hộ điện theo từng năm, sau đó hết 1 năm thống kê lại định mức khoán đó vượt thì nộp thêm, nếu thừa thì cơ quan tiêu thụ điện phải trả lại, tất cả các thanh toán đó là thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. “Nguyên đoạn bớt được 2 người ngày ngày một ông cầm thang, một ông chiếu đèn để đọc số điện rồi ghi ra đã tiết kiệm được nguồn nhân lực” – đại biểu Kiên nói.

Các đại biểu cũng khẳng định, để đảm bảo sự công khai, minh bạch cần phải có sự giám sát của người tiêu dùng đối với thị trường điện./.

Vũ Hạnh/VOV online

 

.
.
.
.