.
.

Bưu điện Trung ương đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Thứ Tư, 11/01/2012|18:56

 

(ĐUKDNTW) - Ngày 11/1/2012, tại Hà Nội, Bưu điện Trung ương tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bưu điện Trung ương - Ảnh: Ngọc Ninh
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bưu điện Trung ương - Ảnh: Ngọc Ninh

Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cuộc chiến tranh chống Mỹ Cứu nước ngày càng ác liệt hơn. Nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa Trung ương với các địa phương, các chiến trường trở thành yêu cầu cấp bách, cần có một đơn vị chuyên trách thực hiện. Trong tình hình đó, ngày 17/4/1965, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Nghị quyết số 115-NQ/TW thành lập Cục Bưu điện Đặc biệt, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Trung ương Đảng. Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 17/6/1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương trực thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, làm nhiệm vụ biệt phái, trực tiếp phục vụ Văn phòng Trung ương Đảng và Chính phủ như Điều 2 quyết định 101/CP quy định: “Cục Bưu điện Trung ương có trách nhiệm phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc, cần được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và bí mật giữa Trung ương Đảng và Chính phủ với các cơ quan, các ngành, các cấp”. Không phụ niềm tin của Trung ương, các thế hệ CBCNV Cục Bưu điện Trung ương đã dũng cảm, tận tụy, quên mình để đảm bảo thông tin của Đảng và Chính phủ thông suốt. Những cống hiến của đơn vị trong chống Mỹ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều Huân chương các loại và danh hiệu Anh  hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong xây dựng hòa bình, Cục BĐTW vẫn giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo thông tin phục vụ Trung ương. Trong quá trình phát triển, đơn vị đã nhiều lần được tổ chức lại cho phù hợp với mô hình tổ chức của Tổng cục Bưu điện, Tổng Công ty rồi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam. Ngày 20/5/2008, Cục Bưu điện Trung ương được thành lập lại theo Quyết định số 239/QĐ-TCCB/HĐQT của Hội đồng Quản trị Tập đoàn BCVT Việt Nam với tên gọi Bưu điện Trung ương.

Trải gần nửa thế kỷ trưởng thành, qua những chặng đường đầy khó khăn, với phương châm phục vụ “Bí mật, An toàn, Nhanh chóng, Chính xác”, đội ngũ CBCNV Bưu điện Trung ương luôn thể hiện sự tận tụy, trung thành, dũng cảm, giữ vững thông tin thông suốt, phục vụ đắc lực cho Đảng và Nhà nước trong mọi tình huống.

Bưu điện Trung ương tự hào là đơn vị đã đào tạo hàng ngàn công nhân, kỹ thuật viên vô tuyến điện cho các chiến trường B, C, K và phục vụ thông tin cho Hội nghị đàm phán hòa bình Paris; phục vụ liên lạc cho Trung ương và Bác Hồ suốt những năm kháng chiến. Đất nước thống nhất, mạng lưới của Bưu điện Trung ương được mở rộng tới các tỉnh, thành phố trong cả nước với 3 trung tâm vùng: Bưu điện CP16 ở Hà Nội, Bưu điện T78 tại TP Hồ Chí Minh, Bưu điện T26 tại Đà Nẵng, bảo đảm thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Cùng với ngành Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương đã phát triển không ngừng cả về năng lực cơ sở hạ tầng mạng lưới, công nghệ kỹ thuật và nguồn nhân lực, nhờ đó, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo thông tin phục vụ các kỳ họp Trung ương Đảng, các Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ.

Đất nước hội nhập quốc tế, Bưu điện Trung ương cũng ghi thêm nhiều dấu ấn trong đảm bảo thông tin cho nhiều sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam và các hoạt động đối ngoại có ý nghĩa chính trị lớn như Hội nghị Hội đồng liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPO) năm 2002, Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM-5) năm 2004, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14 năm 2006… Tháng 12/2009, qua đường truyền mạng Truyền số liệu (TSL) chuyên dùng và thiết bị truyền hình hội nghị do Bưu điện Trung ương phục vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thảo luận trực tuyến với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon tại New York (Hoa Kỳ) và lãnh đạo một số quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu. Hệ thống đường dây nóng phục vụ lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã được Bưu điện Trung ương cùng Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với phía bạn thiết lập và quản lý, vận hành, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Qua các sự kiện trên, năng lực phục vụ của Bưu điện Trung ương đã tạo được sự hài lòng, tin cậy của bạn bè quốc tế về chất lượng dịch vụ, khả năng đáp ứng các yêu cầu thông tin …, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Không chỉ đảm bảo liên lạc thông suốt trong điều kiện bình thường, Bưu điện Trung ương còn đáp ứng tốt các yêu cầu đột xuất, cấp bách của đất nước. Khi Huế (năm 2001) và Tây Nguyên (năm 2003) bất ổn định an ninh chính trị, Bưu điện Trung ương đã kịp thời điều chuyển thiết bị thông tin, giúp cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành nhanh chóng ổn định tình hình. Mùa mưa năm 2008, mỗi lần Hà Nội ngập chìm trong biển nước, anh em bưu chính BĐTW lặn lội trong mưa gió, băng qua hàng cây sô đường ngập lụt để chuyển công văn Hỏa tốc kịp giờ hẹn tới tay các đồng chí lãnh đạo. Hình ảnh đó để lại ấn tượng sâu sắc trong nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi nhắc tới BĐTW. Năm 2009, trận bão số 9 lịch sử đổ vào Miền Trung, mọi tuyến liên lạc bị mất, Bưu điện Trung ương đã triển khai máy vô tuyến sóng ngắn, thiết bị liên lạc vệ tinh theo sát đoàn công tác của Chính phủ, sẵn sàng kết nối thông tin tới các điểm bị cô lập. Hay như trong dịp Tết Canh Dần 2010, Lào Cai bị cháy rừng phòng hộ Quốc gia, nằm sâu trong vùng hẻo lánh nên việc tiếp cận và đảm bảo thông tin vô cùng khó khăn. Bưu điện Trung ương đã kịp thời phối hợp với VNPT Lào Cai phục vụ đoàn công tác của Chính phủ chỉ đạo điều hành dập tắt cháy rừng.

Năng động, hiện đại, đổi mới

Thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước và của Ngành, Bưu điện Trung ương không ngừng vươn lên, năng động, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Cùng chiến lược Tăng tốc của ngành Bưu điện (1993 – 2000), mạng Viễn thông của Bưu điện Trung ương được đổi mới với công nghệ Digital, phát triển nhiều dịch vụ tiên tiến, kết nối quốc tế. Các cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã làm chủ công nghệ hiện đại; không ngừng phát triển số lượng thuê bao viễn thông, góp phần cùng VNPT đưa ngành Bưu điện thành ngành đi đầu trong đổi mới của đất nước. Giai đoạn hội nhập (2001-2010), mạng lưới BCVT-CNTT của Bưu điện Trung ương đã phát triển vượt trội, hiện đại hóa về công nghệ với quy mô ngày càng lớn, các dịch vụ đa dạng đáp ứng tốt yêu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và ra quốc tế; tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm bình quân đạt 20%.

Bưu điện Trung ương cũng là đơn vị được tin cậy giao thực hiện nhiều dự án quan trọng về thông tin quốc gia như “mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước”, mạng Thông tin chuyên dùng phòng chống thiên tai; nâng cấp mạng Thông tin vô tuyến sóng ngắn, sử dụng phương thức liên lạc qua vệ tinh (Inmarsat,VSAT-IP…). Đặc biệt trong đó, dự án mạng Truyền số liệu chuyên dùng là dự án trên phạm vi toàn quốc; có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội lớn và tầm quan trọng đặc biệt, giúp đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước tới các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương. Dự án còn góp phần tạo tiền đề cho quá trình thực hiện cải cách hành chính, hướng tới việc xây dựng chính phủ điện tử trong tương lai. Đến nay, giai đoạn II của Dự án đã cơ bản hoàn thành kết nối thông tin tới tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện (UBND và huyện ủy) trên cả nước với gần 4.000 điểm, cung cấp đa dịch vụ Viễn thông – Internet băng rộng chất lượng cao.

Từ năm 2007 đến nay, Bưu điện Trung ương đã thường xuyên đưa dịch vụ truyền hình hội nghị công nghệ IP vào phục vụ các phiên họp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước; các buổi họp trực tuyến của các Bộ, Ngành cùng các đơn vị trực thuộc ở địa phương với chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bưu điện Trung ương cũng không ngừng hiện đại hóa, phát triển mở rộng các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông cả về số lượng và chất lượng. Nếu như mạng điện thoại Trung ương (mạng 080) năm 1996 mới có 1.800 máy thì đến năm 2011 đã có hơn 10.000 máy trên địa bàn cả nước, phục vụ thông tin chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương với chất lượng cao nhất và tính bảo mật tốt nhất.

Quá trình phát triển của Bưu điện Trung ương cũng khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo, CBCNV trong đơn vị, đặc biệt là việc làm chủ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực VT-CNTT, xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, đa dịch vụ phủ rộng trên khắp 63 tỉnh thành phố và kết nối quốc tế, đáp ứng mọi yêu cầu phục vụ thông tin của Đảng và Nhà nước.

Ghi nhận những thành tích của đơn vị, trong gần nửa thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Bưu điện Trung ương nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng nhì, nhiều Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Ba… Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới được trao tặng hôm nay chính là phần thưởng cao quý tiếp nối trang sử vẻ vang và đáng tự hào của Bưu điện Trung ương.

Đến dự và phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bưu điện Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành tích mà Bưu điện Trung ương đã đạt được trong những năm qua. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là đơn vị chuyên trách phục vụ thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, những nhiệm vụ mà Bưu điện Trung ương thực hiện có đặc thù riêng biệt so với các đơn vị khác, bởi tầm quan trọng, đòi hỏi chất lượng và yêu cầu cao về tính bí mật, an toàn, nhanh chóng, chính xác trong bất kể tình huống nào. Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước không chỉ đặt ra những đòi hỏi về không ngừng hiện đại hóa mạng lưới thông tin, làm chủ những công nghệ và kỹ thuật mà yêu cầu then chốt còn là nhân tố con người. Do đó, mỗi CBCNV của Bưu điện Trung ương luôn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng gương mẫu và sự tâm huyết với nghề. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong rằng, trong những năm tới, Bưu điện Trung ương sẽ tiếp tục phát huy danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thu Trang

 

.
.
.
.