.
.

Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN:

Không có cơ sở truy thu 170 tỷ đồng thuế của Petrolimex

Thứ Ba, 14/05/2013|20:40

Mới đây cơ quan Hải quan đã có quyết định truy thu khoảng 170 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012 của Petrolimex, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN- xung quanh vấn đề này.


* Thưa ông, được biết, cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định truy thu khoảng 170 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012 của Petrolimex theo văn bản chỉ đạo số 17060/bTC-VP ngày 7/12/2012 của Bộ Tài chính, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Petrolimex

- Đúng là cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định truy thu khoảng 170 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012 đối với Petrolimex. Đây là số tiền thuế mà các cơ quan Hải quan tính theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại văn bản số 17060/BTC-VP, một văn bản xét về tính hiệu lực trong hệ thống các văn bản pháp lý của Nhà nước thì không thể thay thế được các thông tư do Bộ Tài chính ban hành và đã được Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện trước đó về vấn đề này. Vì vậy, không thể căn cứ vào đó để truy thu đối với doanh nghiệp khi đã thực hiện nghiêm chỉnh thông tư có liên quan vẫn còn hiệu lực.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện kê khai và nộp thuế khi hàng tạm nhập tái xuất không hết chuyển tiêu thụ nội địa đã được Petrolimex thực hiện theo đúng các qui định tại điều 37 thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 và điều 37 thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, các quyết định của cơ quan Hải quan chỉ thực hiện cho năm 2012, không chỉ không đúng với các quy định của pháp luật mà còn không đúng với tinh thần của văn bản 17069/BTC-VP nêu trên vì chỉ thực hiện đối với phần truy thu, còn phần doanh nghiệp được hoàn nếu tính theo cùng nguyên tắc, cụ thể theo tính toán của Petrolimex thì năm 2009- 2010 Petrolimex được hoàn khoảng 60 tỷ đồng và cũng năm 2012 Petrolimex được hoàn khoảng 20 tỷ đồng.

* Với các quyết định của cơ quan Hải quan thì Petrolimex sẽ thực hiện như thế nào thưa ông? Mức độ ảnh hưởng đối với Petrolimex nếu vẫn phải thực thi các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước ra sao?

- Do có tính bất cập về mặt pháp lý và thực tiện, khi Petrolimex nhận được văn bản số 17060/BTC-VP ngày 7/12/2012, một mặt Petrolimex vẫn chỉ đạo các Công ty xăng dầu thành viên đã được Petrolimex ủy quyền thực hiện làm các thủ tục Hải quan phối hợp với các đoàn kiểm tra sau thông quan thực hiện, mặt khác Petrolimex cũng đã gửi văn bản số 0020/PLX-XNK ngày 5/01/2013 và văn bản số 0116/PLX-XNK ngày 28/1/2013 báo cáo các vướng mắc và kiến nghị thời điểm thực hiện đối với văn bản 17060/BTC-VP.
Bên cạnh đó, khi cơ quan Hải quan ban hành các quyết định truy thu, Petrolimex tiếp tục có văn bản số 0556/PLX-HĐQT ngày 2/5/2013 báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc này, đồng thời có các văn bản gửi các Cục Hải quan địa phương đề nghị được tạm thời chưa thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của các cơ quan hải quan cho đến khi có quyết định chính thức về việc xem xét giải quyết kiến nghị của Petrolimex theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.

Quyết định truy thu thuế rõ ràng là rất ảnh hưởng đến Petrolimex, ngoài sự ảnh hưởng về kinh tế trong khi năm 2012 để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, kiềm chế lạm phát... Petrolimex đã lỗ 125 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh xăng dầu nội địa, nay nếu phải thực hiện truy thu thuế thì số lỗ kinh doanh xăng dầu nội địa năm 2012 của Petrolimex sẽ tăng thêm khoảng 170 tỷ đồng nữa. Nhưng cái thiệt hại lớn hơn đối với Petrolimex chính là thương hiệu trong quan hệ quốc tế và niềm tin của nhân dân khi Petrolimex là công ty cổ phần đại chúng từ ngày 1/12/2011, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn không có lỗi. Đồng thời cách truy thu này không những không làm rõ được trách nhiệm của các bên khi hướng dẫn  thực hiện thông tư 194/2010/TT-BTC vẫn đang còn hiệu lực?

* Có ý kiến cho rằng, phải chăng việc ban hành văn bản 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính vì cho rằng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã "lách luật" dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước, thưa ông?

- Tôi có thể trả lời ngay rằng, điều này hoàn toàn không có cơ sở vì: Thứ nhất, trong hoạt động kinh doanh của mình, thời gian vừa qua Petrolimex đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước về việc áp dụng thuế suất nhập khẩu xăng dầu ổn định trong một thời gian nhất định (nếu theo tỷ lệ phần trăm) hoặc thuế suất tuyệt đối để dễ dàng tính toán, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng dễ kiểm soát và tránh được chênh lệch thuế suất tại những thời điển khác nhau.

Thứ hai, thuế suất cụ thể từng thời kỳ hoàn toàn do Bộ Tài chính quyết định theo chế độ mật, doanh nghiệp không thể biết trước được thuế suất thời gian tới tăng hay giảm? Đồng thời, thuế suất là một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết và can thiệp về việc điều hành giá bán trong nước. Thực tế đã chứng minh, khi giá xăng dầu thế giới cao thì để ổn định giá bán trong nước thuế nhập khẩu thấp và ngược lại.
* Để khắc phục tình trạng trên, Petrolimex có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước thưa ông?

Thứ nhất, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản không nên áp dụng hình thức hồi tố trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện đúng các văn bản trước đó. Khi cần sửa đổi, bổ sung thì văn bản mới sẽ có hiệu lực từ ngày ban hành.
Thứ hai, đối với xăng dầu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu áp dụng thuế suất ổn định trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng hoặc 1 năm).

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hương (thực hiện)

Theo Báo Công thương

.
.
.
.