.
.

Tái cơ cấu VNPT sẽ đẩy thị trường viễn thông đột phá

Thứ Hai, 03/02/2014|20:50

Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Cùng với đó, vấn đề điều chỉnh giá cước dịch vụ và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhằm đánh giá những kết quả nổi bật của thị trường viễn thông-công nghệ thông tin năm 2013 và những giải pháp cần triển khai trong năm 2014 để tạo bước đột phá mới cho ngành thông tin-truyền thông Việt Nam.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2013 là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin đã nỗ lực vươn lên, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của ngành. Xin Bộ trưởng khái quát những điểm sáng nổi bật của các doanh nghiệp trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Nhìn lại năm 2013, có thể khẳng định rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành thông tin và truyền thông đã cùng với toàn Đảng, toàn dân nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin đã đóng vai trò quan trọng, tạo bước phát triển mới cho ngành. Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin là điểm sáng nổi bật.

Kinh tế ngành thông tin và truyền thông năm 2013 vẫn phát triển tương đối tốt và góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung.

Theo số liệu của Tổng cục Thông kê, ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2013 về điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,7 tỷ USD, tăng 78,8% so với năm 2012; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,2 tỷ USD, tăng 41,8% so với năm 2012.

Như vậy, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành công nghệ thông tin và truyền thông đạt 33,9 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 (xuất khẩu của cả nước là 132,2 tỷ USD). Công nghệ thông tin đã trở thành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp hơn 7% GDP của đất nước.

Riêng hai tập đoàn kinh tế chủ lực của ngành là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, năm 2013 vẫn giữ được vai trò tiên phong phát triển với kết quả kinh doanh ấn tượng.

VNPT ước đạt tổng doanh thu 119.000 tỷ đồng, bằng 102,53% so với năm 2012; nộp ngân sách nhà nước đạt 7.894 tỷ đồng, bằng 100,47% so với năm 2012. Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, bằng 179,09% so với năm 2012.

Viettel ước đạt tổng doanh thu 162.886 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2012. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2012; nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 17.586 tỷ đồng, tăng 19,4%.

Như vậy, trong tổng thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2013 là 174,2 nghìn tỷ đồng, thì đóng góp của VNPT và Viettel đạt khoảng trên 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 14%.

Kết quả này thực sự là điểm sáng nổi bật và là đóng góp hết sức quan trọng, có ý nghĩa đối với nguồn thu ngân sách của nhà nước.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường viễn thông Việt Nam năm 2013 còn “lùm xùm” về vấn đề tăng giá cước dịch vụ. Theo đó, người dân vẫn bức xúc về việc các nhà mạng tăng cước nhưng chất lượng không được cải thiện nhiều. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Năm 2013, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều biến động, ngành thông tin và truyền thông cũng như các ngành kinh tế khác gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, vì vậy cần phải đưa ra những chính sách điều hành phù hợp để đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả.

Thực hiện Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, đối với công tác điều hành giá cước viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường và mặt bằng giá cước chung của khu vực và thế giới, tiến hành rà soát, điều chỉnh giá cước các dịch vụ chưa theo kinh tế thị trường nhằm hài hòa lợi ích của cả người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp, nhà nước trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đó là cơ sở để trong năm 2013, Bộ đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giá cước thanh toán quốc tế chiều về, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G…

Sau hai tháng điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vào tháng 10/2013, theo báo cáo của các doanh nghiệp, số lượng thuê bao sử dụng và doanh thu của dịch vụ đang tăng trưởng ở mức bình thường.

Điều này cho thấy dịch vụ được người sử dụng chấp nhận, thị trường phát triển bình thường, không có đột biến. Việc điều chỉnh giá cước dữ liệu vừa qua đã đưa giá cước về gần hơn so với giá thành chung, nhờ vậy thị trường sẽ phát triển bền vững hơn và duy trì được môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chất lượng dịch vụ 3G của các doanh nghiệp hiện vẫn còn một số vấn đề chưa làm hài lòng khách hàng. Những lời phàn nàn, thậm chí khiếu nại của khách hàng thời gian qua về chất lượng 3G là có cơ sở và các doanh nghiệp cần nghiêm túc tiếp thu để có giải pháp chấn chỉnh, cải thiện.

Chính vì vậy, năm 2014, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, bao gồm cả chất lượng mạng lưới và công tác chăm sóc khách hàng.

Các doanh nghiệp cũng đã cam kết với Bộ về việc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trong năm 2014, doanh nghiệp cần đầu tư mở rộng mạng lưới, vùng phục vụ và điều này ngoài nguồn vốn cần phải có thời gian thực hiện.

Các cơ quan chức năng của Bộ cũng sẽ tăng cường công tác đo kiểm, giám sát chất lượng dịch vụ và công khai thông tin để người sử dụng dịch vụ biết và lựa chọn nhà mạng phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ vừa nêu, với sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung và chất lượng 3G nói riêng trong năm 2014 sẽ được cải thiện và làm hài lòng khách hàng hơn.

- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin và truyền thông năm 2014 là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ. Vậy chủ trương và lộ trình thực hiện công việc này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Xác định việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chịu sự quản lý của Bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, ngay từ những ngày đầu của năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện vấn đề này.

Trước hết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ đang tích cực chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về cơ chế chính sách, tình hình và kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; kịp thời phát hiện và phổ biến những biện pháp, cách làm sáng tạo, có hiệu quả cao.

Đối với các doanh nghiệp thuộc sự quản lý, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị và đội ngũ người lao động, tạo sự nhất trí cao về tư tưởng và hành động đối với chủ trương tái cơ cấu.

Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC xây dựng, báo cáo Bộ triển khai phương án tách Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về trực thuộc Bộ theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.

Sau đó, sẽ xây dựng phương án tổ chức lại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Bộ cũng đang chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tập trung nghiên cứu, đề xuất để kiện toàn mô hình tổ chức phù hợp với xu thế kinh doanh dịch vụ bưu chính trên thế giới cũng như xu hướng phát triển của ngành.

Đối với việc tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Bộ đã tập trung phân tích, đánh giá thận trọng, khoa học các phương án, trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong các đơn vị thành viên và trong ban lãnh đạo của VNPT, cùng sự đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các cán bộ lão thành trong ngành và các chuyên gia.

Đồng thời, trong cả quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu VNPT, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Chính phủ, trực tiếp là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đến nay, sau nhiều bước tiếp thu, chỉnh sửa, Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với nội dung chính của Đề án là tách mạng viễn thông di động Mobifone ra hoạt động độc lập với VNPT để hình thành Tổng công ty Mobifone và tách các đơn vị sự nghiệp trực thuộc VNPT về Bộ quản lý để VNPT tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, có thế mạnh và truyền thống.

Tôi tin rằng khi hoàn thành việc thực hiện tái cơ cấu VNPT, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những đột phá mới. Tiến trình cổ phần hóa Mobifone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23/3/2005 cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thể hiện trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Việt Hà (Theo TTXVN)

.
.
.
.