.
.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm

Thứ Hai, 22/10/2012|13:50

 

Hiện nay, giá gạo trong nước và xuất khẩu đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể do nhu cầu nhập khẩu từ Indonesia và Campuchia tăng. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi.

Xuất khẩu gạo năm 2012 có thể đạt 7,5 triệu tấn

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi.
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vừa cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu 6,018 triệu tấn gạo, trị giá 2,732 tỷ USD. Dự báo trong năm 2012, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 7,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Cũng theo VFA, tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đang diễn ra khá tốt, nhờ đó đã kéo theo giá gạo xuất khẩu tăng. Giá chào bán gạo Việt Nam hiện đang liên tục tăng. Cụ thể, gạo 5% tấm, giá sàn xuất khẩu hiện ở mức 460 USD/tấn, gạo 10% tấm 455 USD/tấn, gạo 15% tấm giá 445 USD/tấn; gạo 25% tấm giá 435USD/tấn.

Một nguyên nhân nữa khiến giá gạo xuất khẩu tăng trong thời gian qua là do giá gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đang thấp hơn giá gạo của Thái Lan, do đó, các tiểu thương vùng biên giới đã đẩy mạnh thu mua gạo trắng và tấm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng đang dần hạn hẹp nên các nhà nhập khẩu Thái Lan đã quay sang nhập gạo Việt Nam để đáp ứng các hợp đồng đã ký trước đó.

VFA cho biết, hiện nay, cơ hội để Việt Nam xuất khẩu gạo giá cao là rất khả quan khi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia đang muốn nhập khẩu gạo của Việt Nam. Mới đây, tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) Trương Thanh Phong cho biết Vinafood 2 vừa ký với Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia, hợp đồng tập trung cung cấp 300.000 tấn gạo loại 15% tấm. Thời gian giao hàng từ cuối tháng 10 đến cuối năm 2012. Đây cũng là thời điểm thu hoạch lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, trong những qua, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây lúa gạo Việt Nam liên tục bứt phá để phá vỡ những kỷ lục mới trong xuất khẩu. Cụ thể, năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn/năm, tăng gần 1,4 triệu tấn so với năm 2008, sang năm 2010, gạo xuất khẩu Việt Nam chiếm đến 21,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với 6,75 triệu tấn gạo xuất khẩu, còn kết thúc năm năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 7,105 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3,651 tỷ USD. Trong năm 2012, nếu xuất khẩu gạo có thể đạt 7,5 triệu tấn thì đây sẽ là dấu ấn tiếp theo của ngành lúa gạo Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới và cũng mở ra cơ hội lớn để Việt Nam trở thành trung tâm gạo của toàn cầu.

Cơ hội trong những tháng cuối năm

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo do nguồn cung cấp tại một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc, Philippine, Pakistan, Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh bị hạn chế bởi ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng gạo trong nước có nhu cầu xuất khẩu cũng còn lại không nhiều trong khi các nhà nhập khẩu từ châu Á lại đang có nhu cầu mua gạo với số lượng lớn để phục vụ dịp cuối năm. Do đó, thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ rất sôi động.

Cũng theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, trong đó điển hình là thị trường Trung Quốc, trong 9 tháng năm 2012, doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc 1,9 triệu tấn gạo và trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang khá nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao như: Hoa Kỳ, Nam Phi, Bỉ, Angiêri, UAE… Với lợi thế về những thị trường tiềm năng đang từng bước được mở rộng nên cơ hội bán gạo vào các thị trường này vẫn còn rất lớn…

Cùng với tiềm năng lớn của thị trường xuất khẩu gạo, giá lúa trong nước vẫn khá ổn định. Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.600 – 5.700 đ/kg, lúa dài khoảng 5.800 – 5.900 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.600 – 7.700 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.500 – 7.600 đ/kg tùy chất lượng và địa phương… do đó, đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa gạo trong dân nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, gạo cấp thấp của Việt Nam vẫn chiếm khá nhiều nên khi xuất khẩu thường bị ép giá. Để đảm bảo giá xuất khẩu luôn ổn định và ở mức cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến báo bà con nông dân nên chuyển hướng sang thị trường gạo cao cấp để phục vụ nhu cầu của thị trường quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng chất lượng gạo Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo để tăng lợi thế trên thị trường thế giới, làm được như vậy không chỉ tạo ra cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong đẩy mạnh xuất khẩu mà còn nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Theo Dangcongsan.vn

.
.
.
.