.
.

Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Thứ Năm, 17/01/2013|18:39

 

 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Mục tiêu của Đề án này là xây dựng thành Tổng công ty nhà nước mạnh có quy mô lớn, công nghệ hiện đại; là đầu mối tổ chức sắp xếp, thúc đẩy ngành thuốc lá Việt Nam phát triển; cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài, từng bước vươn ra khu vực và thế giới;...

Theo Đề án tái cơ cấu, ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là sản xuất kinh doanh thuốc lá. Bên cạnh đó, Tổng công ty được kinh doanh các ngành, nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính là chế biến thực phẩm; ngành nghề kinh doanh khác do Bộ Công Thương quyết định.

Vốn Điều lệ của Tổng công ty do Bộ Công Thương quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.

Sắp xếp các đơn vị thành viên

Theo Đề án, Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Duy trì các đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ gồm: Chi nhánh Tổng công ty tại 30 Nguyễn Du, Hà Nội; Công ty Thương mại thuốc lá; Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu thuốc lá (trên cơ sở hợp nhất Công ty Thương mại miền Nam và Công ty Xuất nhập khẩu thuốc lá). Duy trì các đơn vị sự nghiệp hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ gồm: Trung tâm Đào tạo Vinataba, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá.

Bên cạnh đó, chuyển Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá thành đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty, năm 2014 sau khi sắp xếp và cơ cấu lại các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Viện đối với các lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu thuốc lá và thuốc lá tấm theo quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì 9 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Thuốc lá Thăng Long; Thuốc lá Thanh Hóa; Thuốc lá Bắc Sơn; Thuốc lá Sài Gòn; Thuốc lá Cửu Long; Thuốc lá An Giang; Thuốc lá Đồng Tháp; Thuốc lá Bến Tre; Thuốc lá Long An.

Tổ chức lại các Công ty Thuốc lá: Thăng Long, Thanh Hóa, Bắc Sơn hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, trong đó Công ty Thuốc lá Thăng Long là Công ty mẹ.

Đồng thời, tổ chức lại các Công ty Thuốc lá: Sài Gòn, Cửu Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, trong đó Công ty Thuốc lá Sài Gòn là Công ty mẹ.

Cơ cấu lại Công ty Thực phẩm miền Bắc và chuyển thành công ty cổ phần, Tổng công ty nắm giữ 30% vốn điều lệ, thực hiện năm 2013.

Thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinataba trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Công ty Thương mại miền Nam, Công ty Xuất nhập khẩu thuốc lá, Công ty Thương mại thuốc lá và một số nhiệm vụ của các phòng ban của Tổng công ty. 

Theo Đề án, duy trì 9 doanh nghiệp do Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và duy trì 8 doanh nghiệp do Tổng công ty nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Quyết định nêu rõ, thực hiện thoái vốn nhà nước, trong đó Tổng công ty giữ 51% vốn điều lệ đối với Công ty cổ phần Hòa Việt và Công ty TNHH Thuốc lá Đà Nẵng.

Tổng công ty thoái hết vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi; Công ty cổ phần Bất động sản Lilama; Ngân hàng Vietcombank; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh; Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Thăng Long; Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Vinataba.

Thanh Giang

.
.
.
.