.
.

Những kỷ lục ở nhà máy thủy điện Sơn La

Thứ Bảy, 22/12/2012|08:36

Sẽ khánh thành vào ngày 23/12/2012 sau 7 năm xây dựng (tính từ thời điểm ngăn sông đợt 1 xây dựng nhà máy), Thủy điện Sơn La là công trình đang giữ nhiều kỷ lục!

Nhà máy thủy điện công suất lớn nhất

Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh).

Nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất!

 

Với công suất trên, Thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Khối lượng công việc thi công nhiều nhất

Thủy điện Sơn La có khối lượng công việc thi công lớn nhất trong khu vực: Diện tích lưu vực: 43.760 km2; Dung tích hồ chứa: 9,26 tỷ m3; Mực nước dâng bình thường: 215m; Mực nước gia cường: 217,83 m; Mực nước chết: 175m.

Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1 m; chiều dài đỉnh đập 961,6m; công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập.

Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

 

Khối lượng đào đắp đất đá các loại: 14,673 triệu m3; Khối lượng bê tông các loại: 4,920 triệu m3, trong đó 2,238 triệu m3 bê tông CVC và 2,682 triệu m3 bê tông RCC; Khoan phun gia cố và khoan phun chống thấm: 109.400 md; Khối lượng thiết bị: 72.070 tấn các loại.

Dự án có khối lượng công việc đồ sộ nhất!

 

Ngoài ra, Thủy điện Sơn La cũng là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất bao quanh thân đập chính để đảm bảo an toàn công trình.

Xung quanh thân đập, chân đập, trong lòng đập gồm có 668 thiết bị đo quan trắc, được bố trí thành bảy tuyến tại 7 khu vực có chức năng khác nhau; mỗi một nhóm thiết bị đo quan trắc “phụ trách” một nhiệm vụ: quan trắc đo áp lực lỗ rỗng trong nền đá (liên quan đến lượng nước thấm qua nền đập); quan trắc đo độ mở của các khe biến dạng; đo ứng xuất trong bê-tông; thiết bị đo địa chấn; thiết bị đo giám sát nhiệt độ trong bê-tông; thiết bị đo áp lực tổng của toàn bộ đập; hệ thống mốc đo chuyển vị bề mặt đập được quy chuẩn với hệ thống mốc Quốc gia; hệ thống đo rọi; quan trắc đo thấm tại các hành lang khu nước qua thân đập…

Tiến độ thi công “cán đích” nhanh nhất

Về tiến độ xây dựng, theo Nghị quyết của Quốc hội, nhà máy thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ Nhà máy vào năm 2015, được hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành công trình vào năm 2012.

Thế nhưng, trong quá trình thi công xây dựng nhà máy, Thủy điện Sơn La đã cán đích trước thời hạn 3 năm.

Lực lượng thi công đông đảo nhất.

 

Ngày 17/12/2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La, đã được khởi động không tải vào lúc 9 giờ ngày 23/9, sớm hơn dự kiến.

Các đơn vị thi công hoàn tất công việc cuối cùng để sẵn sàng cho tổ máy này phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 27/9. Đến nay, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được hơn 11,553 tỷ kWh (tính đến ngày 10/10/2012).

Tháng 12/2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy (vượt tiến độ Quốc hội phê duyệt 3 năm). Thủy điện Sơn La trở thành công trình lớn nhất Việt Nam, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là sản phẩm của bàn tay, khối óc, kết tinh trí tuệ, sáng tạo của Việt Nam.

Lực lượng thi công đông đảo nhất

Tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư; Tổ hợp nhà thầu xây lắp do Tổng công ty Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà – làm tổng thầu; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) là các nhà thầu phụ.

Các nhà thầu này đều là những đơn vị thi công thủy điện năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm.

Công trình có tiến độ thi công nhanh nhất!

 

“Ra quân” vào cuối năm 2003 để triển khai xây dựng mặt bằng công trường và đồng thời tận dụng thời gian chuẩn bị công trường 2 năm (2004-2005) để thi công các công trình dẫn dòng khi nhận được thiết kế, các đơn vị nhà thầu đã làm nên một sự kiện chưa từng có: Lễ khởi công đồng thời là Lễ ngăn sông ngày 2/12/2005, ngăn sông sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của quyết định đầu tư.

Trên công trường, thời kỳ cao điểm có tới hơn 12.000 công nhân thường xuyên làm việc; hơn 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc; hơn 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; đầm hàng triệu mét khối đất nền, đổ gần 6 triệu mét khối bê-tông; lắp đặt 115.000 tấn thiết bị…

Trong quá trình thi công nhà máy, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng, thi công xây dựng các hạng mục công việc đồ sộ (đường ống áp lực…) là những hạng mục công việc vô cùng lớn.

Công trình có dự án di dân đông nhất

Để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, hàng vạn hộ dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho dự án.

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, tổng số dân phải di chuyển là 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu.

Tính đến năm 2009, cả 3 tỉnh đã di chuyển được 18.157 hộ. Như vậy, số dân phải di chuyển đến năm 2010 là 2.103 hộ, trong đó Sơn La 1.012 hộ và Điện Biên 1.091 hộ, còn Lai Châu đã hoàn thành xong việc di dân.

Công trình có khối lượng di dân đông đảo nhất!

 

Kết hợp với công tác di dân ở công trình quan trọng quốc gia, dự án đã phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm… thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc.

Hồ chứa nước rộng nhất

Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước).

"Biển hồ" trên Tây Bắc.

 

Từ thời điểm chặn dòng, đóng cửa đập tích nước, hồ tích nước nhà máy Thủy điện Sơn La đã “xóa sổ” dòng sông Đà mạn thượng nguồn, hàng vạn hộ dân sống xung quanh hồ thuộc ba tỉnh Tây Bắc đã chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trong đó phát triển nhiều HTX nuôi tròng thủy sản, nhiều làng chài khai thác thủy sản tự nhiên trong lòng hồ.

Kiên Trung

VietNamNet

.
.
.
.