.
.

Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành xây dựng

Thứ Hai, 18/11/2013|14:51

Tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã phê duyệt xong 14/16 đề án tái cơ cấu (TCC) của các tổng công ty trực thuộc Bộ. Có thể nói đây là một nỗ lực trong bối cảnh thị trường và các doanh nghiệp (DN) xây dựng còn rất nhiều khó khăn. TCC là yêu cầu cấp bách nhưng thực tế triển khai tại các đơn vị ngành xây dựng còn chậm và để thành công, cần sự nỗ lực từ chính các DN cũng như những bước đột phá về cơ chế, chính sách.

Tái cơ cấu chậm chạp

Tổng Giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn cho biết, Tổng công ty đã thoái vốn 100% tại công ty cổ phần (CTCP) và bất động sản Việt Nam thu về 20 tỷ đồng; thoái vốn tại CTCP xi-măng Thăng Long, thu về được bốn tỷ đồng; đang tích cực làm việc với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) về TCC Công ty Tôn mạ mầu Việt - Pháp (VIFA)... Hiện nay, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính và cổ phần hóa (CPH) các đơn vị thành viên mà không làm thất thoát nguồn vốn nhà nước...

Với Tổng công ty Sông Ðà, trong năm 2013, Tổng công ty đã thỏa thuận chấm dứt hoạt động liên doanh Sông Ðà - Jurong đồng thời thông qua phương án sáp nhập khoảng 10 đơn vị thành viên. Còn Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) tập trung TCC Công ty mẹ - Vicem, duy trì ba DN do Công ty mẹ - Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện sáp nhập Công ty CP Vicem Ðá xây dựng Hòa Phát vào Công ty CP xi-măng Vicem Hải Vân...

Trong bối cảnh thị trường xây dựng vẫn còn u ám, các DN xây dựng đều xác định việc TCC là hết sức cần thiết và để duy trì sản xuất, kinh doanh. Hiện nay hầu hết các tổng công ty trong ngành xây dựng đều gặp khó khăn về tài chính, nợ đọng kéo dài, vướng mắc trong việc thoái vốn ngoài ngành. Vì vậy, mặc dù đã có quyết định của Bộ Xây dựng phê duyệt đề án tái cấu trúc nhưng hầu hết tiến độ triển khai TCT các đơn vị đều dẫm chân tại chỗ. Thực tế, không tổng công ty nào dám mạnh dạn đẩy mạnh việc TCC vì lo ngại làm mất phần vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên hoặc chưa có chính sách, tiền lệ nào cho phá sản các đơn vị làm ăn thua lỗ, chủ yếu chỉ sắp xếp lại, tinh giản đội ngũ, duy trì sản xuất cầm chừng.

Nhìn nhận tiến độ TCC các DN ngành xây dựng, Vụ trưởng Ðổi mới doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) Ðặng Văn Long thẳng thắn cho rằng, tiến độ còn chậm. Theo kế hoạch, năm 2013 sẽ hoàn thành cổ phần hóa năm tổng công ty: Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty xây dựng Bạch Ðằng, Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) và Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi); năm công ty con bao gồm ba công ty của Licogi và hai công ty của HUD. Ðến nay đã công bố giá trị DN của bốn tổng công ty: Bạch Ðằng, Viwaseen, Viglacera, Hancorp và đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu của Viglacera.

Trông chờ tháo gỡ vướng mắc về chính sách

Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Bạch Ðằng Phạm Tiến Hưng cho rằng, để tiến hành TCC thì DN phải có một nguồn tài chính nhất định. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phần lớn các DN đều gặp khó khăn về tài chính, nợ đọng kéo dài. Tổng công ty xây dựng Bạch Ðằng không có đầu tư ngoài ngành nên không phải thực hiện TCC ngành nghề. Vì thế, hiện Tổng công ty chỉ tập trung TCC về mặt tổ chức, tài chính với cách làm DN nào dễ thì làm trước. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Phạm Tiến Hưng, việc định giá lại DN để cổ phần hóa là khó khăn lớn nhất mà Tổng công ty gặp phải. Có những tài sản không còn giá trị nữa nhưng theo quy định vẫn phải đưa vào danh mục tài sản để định giá. Chính những bất cập về cơ chế, chính sách này khiến lãnh đạo nhiều DN sợ làm mất vốn nhà nước, làm chậm quá trình cổ phần hóa DN.

Vụ trưởng Ðặng Văn Long cho biết, có nhiều nguyên nhân làm chậm quá trình TCC. Giai đoạn hiện nay việc CPH các đơn vị không được các nhà đầu tư quan tâm như trước. Cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng "bó chân" các DN  trong việc thực hiện thoái vốn tại các ngành nghề kinh doanh không thuộc ngành nghề chính, trong khi vẫn phải bảo đảm không làm mất vốn nhà nước. Ðiều này là khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay và cũng là lý do các DN lo ngại nhất khi tiến hành TCC. Bên cạnh đó, Thông tư 204/2012/TT-BTC ngày 19-11-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng quy định các công ty phải có hai năm liền làm ăn có lãi trước khi phát hành cổ phiếu mới đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán. Nhưng thực tế phần lớn các công ty đều khó có khả năng đáp ứng điều kiện này, do vậy gần như kênh huy động qua thị trường chứng khoán cũng "tắc"...

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cũng nhận xét: TCC các DN ngành xây dựng chưa thật sự chuyển biến rõ rệt, thậm chí rất chậm. Cũng còn khá may mắn là hai tập đoàn xây dựng thí điểm đã giải tán, vừa tạo tâm lý thoải mái, chủ động cho các tổng công ty khi về lại mô hình cũ, vừa giảm bớt sự cồng kềnh và chi phí trong mô hình tổ chức quản lý. Nếu vẫn giữ như mô hình tập đoàn, khó khăn sẽ còn lớn hơn nhiều.

Bộ Xây dựng cũng đang tích cực triển khai các đề án TCC các tổng công ty thông qua việc thoái vốn, hợp nhất theo lộ trình. Theo Vụ trưởng Ðặng Văn Long, Bộ đang đẩy mạnh xem xét TCC tại một số dự án như: xi-măng Ðồng Bành của Coma, Sông Ðà - Thăng Long, Công ty CP thủy điện Trà Son của Sông Ðà,  xi-măng Ðô Lương của HUD, Công ty CP thủy điện Sông Vàng, Sông Ông, Tôn Việt - Pháp của Lilama... Theo dự kiến, trước ngày 31-12, sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho bốn tổng công ty và năm công ty con, cháu và trong năm 2014 sẽ tiếp tục cổ phần hóa ba tổng công ty và bảy công ty thành viên. Hiện nay, các DN xây dựng đang mong đợi những chính sách tháo gỡ khó khăn mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ, nhất là cơ chế về bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại các đơn vị khi tham gia cổ phần hóa, TCC và bảo đảm nguồn lực tài chính thuận lợi để giúp các DN có thể chuyển nguồn nợ đang ở mức ngắn hạn, lãi suất cao sang dài hạn, lãi suất thấp. Ðồng thời có chính sách về thu hồi công nợ để bảo đảm lành mạnh nguồn lực tài chính của các DN vì hiện nay tình trạng nợ đọng giữa các DN là hiện tượng phổ biến, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Lê Xuân Thủy

.
.
.
.