.
.

Một số ý kiến về Chương Chế độ kinh tế

Thứ Sáu, 01/03/2013|19:47

Chế độ kinh tế là một chương quan trọng trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) gồm 15 điều (từ Ðiều 15 đến Ðiều 29). So với các quy định tương ứng trong Chương Chế độ kinh tế của Hiến pháp năm 1980, các nội dung trong Chương Chế độ kinh tế của Hiến pháp hiện hành có giá trị thực tiễn và giá trị lịch sử to lớn. Sau hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, của định hướng xây dựng và phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới, yêu cầu bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trở nên rất cần thiết.

Trước hết, về cấu trúc mới của Dự thảo Hiến pháp thể hiện tính chặt chẽ, sự kết hợp một số chương của Hiến pháp năm 1992 thành các chương mới phù hợp  bối cảnh chính trị, kinh tế và vị trí mới của đất nước. Việc Dự thảo kết hợp Chương II về chế độ kinh tế và Chương III về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ thành chương mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường đã thể hiện tầm quan trọng của trục phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Ðây là một sự sửa đổi rất tích cực và đáng ghi nhận của Dự thảo lần này.

Một trong những điểm mới của Dự thảo là đã thừa nhận tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, là một trong những đặc trưng của kinh tế thị trường, khẳng định các thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế và ghi nhận nguyên tắc tự do, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp.

Ðiều 54 (sửa đổi, bổ sung)

 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Tôi tán thành với Dự thảo theo hướng không nêu cụ thể các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Bởi vì hiện nay chỉ còn một Luật Ðầu tư (năm 2005), một Luật Doanh nghiệp (năm 2005) áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, là phù hợp xu hướng phát triển của xã hội và quá trình xây dựng pháp luật, không cần liệt kê tất cả các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế cũng như ghi nhận vai trò cố định của từng thành phần trong Hiến pháp. Còn mô hình, vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp.

Tại Ðiều 55, ghi nhận về  trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển kinh tế của đất nước, Dự thảo đã bổ sung một khoản với nội dung là: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Tôi hoàn toàn tán thành với đề xuất này vì hiện nay, sự phát triển không cân đối giữa các vùng, miền đã minh chứng là nếu chúng ta không chú trọng đến điều này thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,  dân chủ, công bằng,  văn minh sẽ khó có tính khả thi.

Tại Ðiều 56 (sửa đổi, bổ sung), Dự thảo ghi nhận:

1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 

2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.

3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định.

Sự ghi nhận về việc có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường đối với tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai... là một điểm mới của Dự thảo lần này. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến tán thành sự ghi nhận này. Tuy nhiên, tại khoản 3, Ðiều 58 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 18) lại quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cần có sự quy định nhất quán về bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường và bồi thường theo quy định của pháp luật và vì từ trước đến nay, tại hầu hết các địa phương, quyết định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích công cộng vẫn bồi thường theo quy định của pháp luật, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật đó thường chứa đựng các biểu giá không phản ánh mức giá thị trường.

Một điểm mới của Dự thảo lần này là sự ghi nhận mới của Ðiều 59.  1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 2. Ngân sách nhà nước là thống nhất gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thực tế đã có ý kiến đề nghị trong Hiến pháp nên cân nhắc có một chương về tài chính công hoặc tài chính quốc gia, do đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp tới chủ quyền của nhân dân, mặt khác, Hiến pháp nhiều nước có chương về tài chính công. Tôi cho rằng, trong khi bảo đảm nguyên tắc bao quát của một đạo luật gốc, có thể chưa cần thiết có một chương riêng về tài chính công. Tuy nhiên, việc Dự thảo lần này thiết kế Ðiều 59 đã có đề cập có tính nguyên tắc về tài chính công. Tuy vậy, về kỹ thuật lập pháp, Ðiều 59 khoản (1) liệt kê các đối tượng của tài chính công, trong khi đó, khoản (2) lại chỉ nêu định nghĩa về ngân sách nhà nước đã ảnh hưởng đến kết cấu toàn diện của điều luật. Theo cách tiếp cận này thì Ðiều 59 tại Chương này cần được điều chỉnh theo hướng bao quát hơn và toàn diện về khái niệm tài chính công hoặc tài chính quốc gia cho phù hợp hơn.

PGS, TS TRẦN VĂN NAM
(Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Quốc dân)

Báo Nhân Dân

.
.
.
.