.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - 2019:

Bưu điện Văn hóa ở đảo Trường Sa - Nơi gắn kết hải đảo và đất liền qua những cánh thư

Thứ Hai, 14/10/2019|10:54

Để rút ngắn khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền, tháng 4/2014, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã khai trương hai điểm Bưu điện - Văn hóa tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa lớn) và đảo Sinh Tồn. Con dấu có tên của hai địa danh nói trên đóng trên những bức thư gửi về đất liền đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Cần mẫn, thầm lặng, những cán bộ Bưu điện nơi đây là cầu nối góp phần đưa cuộc sống nơi đảo xa tương đồng và ngày càng gần gũi hơn với đất liền.

Lễ Khai trương Bưu điện - Văn hóa đảo Trường Sa
Lễ Khai trương Bưu điện - Văn hóa đảo Trường Sa

Sự ra đời của Bưu điện - Văn hóa tại huyện đảo Trường Sa là một trong những hoạt động nằm trong “Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2012 - 2015” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 05/9/2012.

Mang ý nghĩa chính trị quan trọng, vào thời điểm đó, sau nhận được quyết định từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tiến hành công tác chuẩn bị để khai trương hai điểm Bưu điện - Văn hóa tại Trường Sa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng phương án và kế hoạch triển khai; hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị, tập huấn nghiệp vụ, trang bị đồng phục cho nhân viên làm việc tại Bưu điện - Văn hóa đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn.

Trong các ngày 23 và 25/4/2014, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo vui mừng chứng kiến sự ra đời của hai điểm Bưu điện - Văn hóa nơi hải đảo xa xôi này. Theo đó, điểm Bưu điện - Văn hóa đảo Sinh Tồn đặt tại khu dân sự xã Sinh Tồn mang số hiệu 654810 và điểm Bưu điện - Văn hóa đảo Trường Sa đặt tại khu dân sự thị trấn Trường Sa mang số hiệu 654820.

Những con người thầm lặng

Một ngày hè tháng 5/2018, anh Phạm Hoàng Dũng bịn rịn chia tay gia đình để lên đường đến với Trường Sa. Vẫy tay tạm biệt người vợ trẻ và con trai mới 4 tháng tuổi, anh chỉ biết giấu nỗi niềm nhớ nhung bằng nụ cười tươi để yên lòng người ở lại.

Trước đó, hay tin Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa tuyển dụng công chức ra làm việc tại các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa, anh Dũng liền nộp hồ sơ dự tuyển. Nhớ lại quyết định táo bạo của mình, anh Dũng chia sẻ: “Từ rất lâu, tôi đã mong muốn được một lần đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió. Trường Sa là tuyến đầu của Tổ quốc nên nếu có thể được đóng góp phần nào đó trong một chặng đường của cuộc đời là điều hết sức thiêng liêng, ý nghĩa".

Còn với anh Hồ Lữ Hiếu, là đảng viên trẻ hiện công tác tại Bưu điện - Văn hóa đảo Sinh Tồn được hơn 1 năm. Vốn có thâm niên 4 năm làm cán bộ Đoàn Thanh niên ở phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nên ngày nhận được tin trúng tuyển ra phục vụ tại Trường Sa, anh Hiếu tự hào và vui mừng khôn xiết. “Vậy là một phần tuổi trẻ của con đã được cống hiến tại vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là điều không phải ai cũng vinh dự có được”, là những dòng thư tay đầy xúc động mà anh Hiếu viết gửi về cho gia đình khi mới đến công tác tại đảo Sinh Tồn.

Công việc của anh Dũng, anh Hiếu tại Bưu điện - Văn hóa đảo ở Trường Sa chủ yếu phục vụ nhu cầu trao đổi thư tín, bưu phẩm của quân, dân trên đảo. Bưu điện - Văn hóa đảo nằm trong khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân nhân - nơi làm việc và sinh sống của cán bộ nơi đây nên không chỉ mở cửa vào giờ hành chính như trong đất liền mà bất cứ lúc nào người dân có nhu cầu hay các em thiếu nhi đến vui chơi, đọc sách báo, các anh đều sẵn sàng phục vụ.

Nhân viên Bưu điện tại Trường Sa đóng dấu gửi thư vào đất liền
Nhân viên Bưu điện tại Trường Sa đóng dấu gửi thư vào đất liền

Mỗi cánh thư đi từ Trường Sa mang một thông điệp yêu thương chứa chan tình cảm. Đó là nỗi lòng của những chiến sĩ trẻ mới ra đảo với nỗi nhớ quê nhà đong đầy, ai cũng tìm đến Bưu điện viết một lá thư gửi về cho gia đình. Không chỉ là lời hỏi thăm sức khỏe, nhắn nhủ cho người thân ở quê nhà yên lòng mà những bức thư còn là kỷ niệm lưu giữ suốt cuộc đời, khẳng định một phần máu thịt tuổi trẻ đã từng sống, cống hiến và gắn bó ở vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Đó còn là chia sẻ về cuộc sống của những gia đình trẻ sống trên đảo viết cho cha mẹ, là tâm tình người chồng gửi cho vợ đang công tác ở đất liền hay món quà sinh nhật làm từ những con ốc biển mà một chiến sĩ gửi cho người thương từ trước đó 2 tháng… Những tình cảm trong những lá thư, món quà giản dị mà sâu sắc, thể hiện sự gắn kết yêu thương của những người nơi đảo xa với người thân. Từ đó, mọi người sẽ cảm thấy khoảng cách giữa Trường Sa không còn xa xôi nữa.

Với ý nghĩa như vậy nên những bức thư, món quà dạt dào tình cảm từ Trường Sa luôn được anh Dũng, anh Hiếu tìm cách gửi đi nhanh nhất. Điều kiện tự nhiên và khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, nắng gió, giông bão thường xuyên, trong đó, mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau gây khó khăn cho các tàu ra đảo. Vì vậy, hễ biết có chuyến tàu nào ra công tác, làm nhiệm vụ hay các đoàn đến thăm, anh Dũng, anh Hiếu ngay lập tức gói ghém những lá thư, bưu phẩm hết sức cẩn thận để theo đó vào đất liền, với mong muốn trong thời gian ngắn nhất có thể đến tay người thân của cán bộ, chiến sĩ. Tận tay tỉ mỉ làm các công đoạn này khiến các anh thấy ấm lòng và tự hào về công việc của mình.

Bên cạnh những lá thư của quân, dân trên đảo, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, các điểm đảo ở Trường Sa thường đón đoàn công tác ra thăm bởi đây là mùa biển ít sóng to gió lớn. Dù nhiều người đã không còn viết thư tay từ rất lâu nhưng một cách tự nhiên, bất kỳ ai khi đến với Trường Sa cũng dâng trào cảm xúc rồi tìm đến Bưu điện viết một bức thư, gửi một kỷ vật về đất liền. Những lá thư viết vội, những tấm bưu thiếp, những dòng chữ đầy cảm xúc trên lá bàng vuông, lá tra, lá phong ba gấp trong phong bì có đóng dấu đóng dấu Bưu điện không chỉ là món quà kỷ niệm thiêng liêng đầy ý nghĩa mà còn góp phần mạnh mẽ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Còn những cánh thư gửi từ đất liền ra đảo, là lời thăm hỏi, động viên không chỉ của người thân mà còn của người dân cả nước hướng về Trường Sa thân yêu. Những lá thư sâu sắc, dạt dào tình cảm đã tiếp thêm sức mạnh cho những người đang cống hiến nơi đây nên mỗi khi nhận được từ nhân viên Bưu điện, anh em chiến sĩ đều rất vui mừng, thích thú, cùng đọc và chia sẻ. Nhờ đó, những khó khăn, vất vả vơi bớt phần nào theo những dòng chữ thân thương.

Cùng với công việc ở Bưu điện - Văn hóa đảo, anh Dũng, anh Hiếu còn phụ trách các công việc khác ở Ủy ban nhân dân xã đảo để cùng với chính quyền thực hiện công tác tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp bà con nhân dân yên tâm bám đất, bám biển, tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống ổn định. Các anh chính là những người lính không cầm súng, vượt muôn trùng sóng biển, từng ngày thầm lặng, cần mẫn góp sức mình xây dựng và bảo vệ biển đảo.

Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến thăm và gửi thư, bưu thiếp về đất liền tại Bưu điện - Văn hóa đảo Sinh Tồn.
Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến thăm và gửi thư, bưu thiếp về đất liền tại Bưu điện - Văn hóa đảo Sinh Tồn.

Góp phần nối liền khoảng cách và khẳng định chủ quyền đất nước

Việc mở Bưu điện - Văn hóa tại huyện đảo Trường Sa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điểm Bưu điện - Văn hóa tại đảo Trường Sa lớn và đảo Sinh Tồn là thành phần của mạng bưu chính công cộng được nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quản lý.

Mỗi cánh thư, bưu phẩm đến và đi từ Trường Sa, cùng con dấu bưu cục đóng trên đó, mang ý nghĩa thiêng liêng, được gìn giữ, trân trọng, bởi đó là tình cảm, là minh chứng chủ quyền quốc gia với quần đảo thân yêu. Và những tâm tư, tình cảm, nhu cầu trao đổi thư từ, bưu phẩm sẽ giúp cho đồng bào thấy đất liền đang ở bên, không còn sự xa cách.

Anh Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa khẳng định: Bưu điện - Văn hóa tại thị trấn Trường Sa và đảo Sinh Tồn phục vụ nhu cầu trao đổi thư từ, bưu phẩm đến và đi, thực hiện chức năng tiếp nhận, cấp phát công văn giấy tờ, báo chí và tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền; nhờ đó những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời đến với quân, dân trên đảo. Với hoạt động của hai điểm Bưu điện - Văn hóa này, người dân, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây thuận tiện hơn trong việc liên lạc, trao đổi thông tin với người thân ở đất liền; động viên tinh thần và vật chất với quân và dân trên quần đảo, giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ các hoạt động cho Bưu điện - Văn hóa tại huyện đảo Trường Sa, Chị Ung Thị Vân, Giám đốc Bưu điện tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Theo quy định của Tổng công ty, do tính chất đặc thù, hai điểm Bưu điện - Văn hóa tại Trường Sa nằm trong diện các điểm Bưu điện - Văn hóa xã đặc biệt khó khăn, do đó, hàng tháng, đơn vị đều thực hiện hỗ trợ mức thù lao cố định. Trong 5 năm qua, các đồng chí công tác tại đây luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định nghiệp vụ của ngành Bưu điện trong công tác; đảm bảo an toàn bưu gửi, thư từ, báo chí cho cán bộ và chiến sĩ nhân dân trên đảo; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn 2014-2017, Bưu điện tỉnh đã tặng giấy khen cho 2 đồng chí có thành tích xuất sắc trong chiến dịch đổi mới Bưu điện - Văn hóa xã”. Bên cạnh đó, trong các chuyến đi theo đoàn công tác đến với Trường Sa, Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã mang những món quà ý nghĩa từ đất liền tặng cán bộ đang làm việc tại đây.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa chính trị quan trọng đối với công việc đang đảm nhiệm, mỗi cán bộ công tác tại điểm Bưu điện - Văn hóa ở Trường Sa như anh Dũng, anh Hiếu đều thể hiện quyết tâm hết mình với nhiệm vụ được giao. Các anh luôn xác định và tự nhủ bản thân luôn không ngừng nỗ lực cùng nhân dân phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn, để bà con cảm nhận được nơi đảo xa cũng tương đồng như trong bờ, từ đó khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền mỗi ngày sẽ thêm gần gũi.

Qua chặng đường 5 năm hình thành và hoạt động đã khẳng định rằng, việc xây dựng, tổ chức, vận hành Bưu điện - Văn hoá tại Trường Sa là một trong những niềm tự hào, đánh dấu sự đóng góp của ngành Bưu điện trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hoàng Thị Hương Nhung

Đảng ủy Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

.
.
.
.