.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - 2019:

Hành trình về miền khói lửa!

Thứ Tư, 09/10/2019|16:53

Tháng 7 tri ân, một hành trình linh thiêng về với mảnh đất của cha ông, những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những ngày cuối tháng 7, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Vietinbank - chi nhánh Hoàng Mai đã có một chuyến đi về nguồn đầy cảm xúc.

Chuyến xe đưa đoàn chúng tôi đến những địa chỉ đỏ cách mạng - chiến trường Bình Trị Thiên xưa kia, một trong những vùng đất bị đánh phá ác liệt nhất trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Ngã ba Đồng Lộc!
 
Ngày 24/07/2018, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc, nơi mà cách đó đúng 50 năm, 16h ngày 24/07/1968, trận bom khốc liệt đã dội xuống nơi đây. Và 10 thanh niên xung phong đã ra đi mãi mãi ở tuổi đời còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất chỉ mới 24 và cô em út Trần Thị Hường tuổi mới 17. Tuổi thanh niên của các chị, các em chỉ để giành đổi lấy bình yên cho Tổ quốc.
 
Đoàn chúng tôi dừng chân tại nơi đây, thắp nén hương thơm tưởng nhớ 10 cô gái. Trong cuộc hành trình, chúng tôi gặp được rất nhiều những vị khách đặc biệt. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, là những sinh viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện đi để thêm yêu Tổ quốc mình. Họ là những đoàn khách đến từ nhiều địa phương, đơn vị trên khắp mọi miền đất nước, là những cô cậu học trò tìm về với mảnh đất cha ông. Dù ở những lứa tuổi khác nhau, công việc và địa vị khác nhau, nhưng trên từng gương mặt, trong từng ánh mắt đều ẩn chứa một cảm xúc chung khi đi qua từng ngôi mộ, khi chăm chú đọc từng cái tên trên tấm bia đá, dù rất nhiều người trong số họ đã thuộc lòng. Lặng lẽ theo nhau, chúng tôi dừng chân lại bên từng ngôi mộ, thắp nén nhang và đặt những bông hoa cúc trắng bên cạnh 10 ngôi mộ ngay ngắn, thẳng hàng. Với thế hệ trẻ như chúng tôi, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không có hình ảnh nào trong tâm trí, mà chỉ có những cái tên của các chị, các em vấn vương trong lòng mỗi người qua những câu thơ:
 
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
 
Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp?
 
Chín bạn đã quây quần đủ hết
 
Nhỏ, Xuân , Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
 
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
 
Chỉ thiếu mình em
 
(chín bỏ làm mười răng được)
(Cúc ơi - Yến Thanh)
 
Lên xe tiếp tục cuộc hành trình, những câu thơ ấy vẫn còn trở đi trở lại trong tâm trí mỗi chúng tôi. Hình ảnh về tấm bia đá khắc tên 10 cô gái và 10 ngôi mộ ở Ngã ba Đồng Lộc theo chúng tôi suốt chặng đường đến điểm tiếp theo.
 
Bình Trị Thiên khói lửa!
 
Chúng tôi đang đi qua vùng đất Quảng Bình, nơi nổi tiếng với danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng. Cũng là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có rất vị trí quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.
 
Quảng Bình được mệnh danh là “hạt giống cách mạng”. Huyện Lệ Thủy, cái nôi của Cách mạng, nơi chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực được thành lập (gọi tắt là chi bộ Mỹ - Trung) đánh dấu sự nảy mầm của hạt giống Cách Mạng trên quê hương này.
Khu vực Hang Tám Cô cũng là tọa độ lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Đây là địa danh mà du khách hành hương về nguồn, những cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa đều ghé thăm để tưởng nhớ và tri ân.
 
Dời Quảng Bình, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình với điểm đến là tỉnh Quảng Trị, vùng đất chịu nhiều đau thương nhất tại khu vực Bình Trị Thiên năm xưa. Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ con số ấy thôi, đã cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh năm xưa nơi đây. Và một trong số những nghĩa trang lớn nhất, đó là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Cùng với Nghĩa trang Trường Sơn, đây là 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất cả nước đặt tại tỉnh Quảng Trị.
 
Theo chân bác cựu chiến binh từng đảm nhận công việc đón tiếp thân nhân liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị, và nay bác phụ trách việc giữ giấc ngủ yên cho các liệt sĩ nơi đây, chúng tôi được biết thêm nhiều điều rất linh thiêng và anh dũng tại nơi này. Hiện nay, Nghĩa trang Đường 9 có hơn 10.700 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có gần 70% là mộ chưa xác định tên, 30% là mộ có tên và quê quán đầy đủ, 822 liệt sĩ là mộ khuyết danh chỉ có tên các anh nhưng không có quê quán. Ngoài ra còn có khu mộ anh hùng lực lượng vũ trang. Chỉ những con số biết nói ấy thôi, đã phần nào nói lên sự khốc liệt của chiến tranh năm xưa. Bao nhiêu người con của đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất này để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Bởi vậy, Bình Trị Thiên trở thành tuyến hành hương tâm linh về nguồn của tất cả những người dân Việt.
 
Đoàn chúng tôi chia thành các ngả đi thắp những nén hương thơm trên từng ngôi mộ. Dù có đi mãi, đi mãi, có thắp bao nhiêu nén hương, thì khi quay đầu nhìn lại, cũng mới chỉ một phần rất nhỏ những ngôi mộ đã được thắp. Bởi lẽ, nơi các anh nằm rộng lớn lắm, mặc dù từng ngôi mộ chỉ cách nhau chừng một bước chân. Đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh một bác cựu chiến binh với bàn tay trái bị mất 2 đốt ngón giữa, tay ôm cây đàn ghi ta cũ, cúi đầu bên cạnh một ngôi mộ rất lâu.
 
“Dậy đi nào! Dậy đi đồng đội ơi
 
Tớ đến thăm rồi nè, dù muộn hơn lời hứa
 
Nhưng bù lại tớ mang thêm cây ghita nữa
 
Dậy đi, anh em ta cùng đàn hát bập bùng.”
Thành cổ Quảng Trị!
 
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Thành cổ Quảng Trị, nơi hứng chịu 81 ngày đêm khói lửa. Bước từng bước chân trên mảnh đất Thành cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều là máu chiến sĩ. Cô hướng dẫn viên, với giọng nói đậm chất quê hương Quảng Trị mặn mà, kể với chúng tôi về những ngày tháng khốc liệt ấy. Nghẹn ngào, muốn nhấc chân thật khẽ, chỉ sợ nơi mình đứng, bước mình đi, đều dẫm lên xương thịt các anh.
 
“Hôm nay đoàn chúng ta về dâng hương ở di tích thành cổ Quảng Trị, đi giữa một màu cỏ non thành cổ ta nghe lời nhắn nhủ của anh cựu chiến binh Phạm Đình Lân, nhắn lại với tất cả những ai về dâng hương tại thành cổ Quảng Trị rằng:
 
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
 
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
 
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
 
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
 
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
 
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
 
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
 
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.
 
Đoàn chúng tôi đứng quây quần dưới chân thành cổ, nghe cô nói đến đây đã có những tiếng nấc nghẹn ngào, những bàn tay lặng lẽ đưa lên lau nước mắt, dù đã thầm nhủ lòng mình “thắp nén nhang và khóc ít thôi”.
 
Thành cổ Quảng Trị tiễn chúng tôi với những xúc cảm còn nguyên vẹn. Chúng tôi đến thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn. Dòng sông ấy cũng được người dân nơi đây gọi là một nghĩa trang, vì nước Thạch Hãn là máu các anh, xương thịt các anh cũng mãi nằm lại dưới lòng sông ấy. Không còn gì nguyên vẹn nơi đây ngoài ý chí và khát vọng của những người con Quảng Trị.
 
“Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ
 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
 
Có tuổi hai mươi thành sông nước
 
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
 
Trở về sau cuộc hành trình!
 
Kết thúc chuyến đi an toàn, chúng tôi trở về với cuộc sống và công việc thường ngày. Hành trình đã để lại trong mỗi người những cảm xúc riêng. Nhưng có lẽ tất cả mỗi người trong chúng tôi đều có một suy nghĩ chung: đó là một chuyến hành hương về nguồn mang nhiều ý nghĩa.
 
Trước hết, cuộc hành trình về miền khói lửa ấy là một buổi “sinh hoạt Đảng bộ” dài ngày và thật đặc biệt của chúng tôi. Đã từ lâu, những buổi sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ ở VietinBank Hoàng Mai chúng tôi không còn là những buổi họp khô khan với những lời nhận xét, những lời hứa quyết tâm mang tính hình thức nữa. Mà thay vào đó là những buổi sinh hoạt tập thể được lồng ghép với những buổi văn nghệ, cùng với công tác triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Bởi vậy, công tác Đảng luôn gắn chặt với nhiệm vụ kinh doanh. Mỗi cán bộ, đảng viên không còn mơ hồ về vai trò, nhiệm vụ của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa. Những chỉ tiêu, kế hoạch được triển khai chi tiết, cụ thể đến từng cá nhân, đơn vị. Thêm vào đó, Bí thư Đảng bộ cũng luôn tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, những chuyến đi về nguồn ngắn ngày để được cùng nhau trải nghiệm nhiều hơn, và góp phần cân bằng cuộc sống cho cán bộ. Hành trình về miền khói lửa là một trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa như vậy.
Trở về từ cuộc hành trình, mỗi chúng tôi, những đảng viên là đại diện được lựa chọn từ các chi bộ, càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những điều mà trước đây, thế hệ trẻ như tôi chỉ biết đến qua những bài học lịch sử, thì nay, mọi thứ được tái hiện trước mắt, hào hùng và xúc động. Những cô thanh niên xung phong, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuổi trẻ của họ chỉ hướng về một lý tưởng duy nhất: vì Tổ quốc. Chợt nghĩ, những bon chen đời thường, những lúc nản chí vì áp lực công việc, những khi gặp khó khăn muốn chùn bước… thì nay lại muốn cố gắng nhiều hơn, muốn được đóng góp nhiều hơn cho tổ chức. Trong lòng mỗi người đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này. Dù không nói ra, nhưng có lẽ Ban lãnh đạo chi nhánh muốn gửi gắm nhiều điều với những người tham gia cuộc hành trình. Đã được Ban lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ là những cán bộ chủ chốt, những đảng viên tiêu biểu của chi bộ, mỗi người đều tự ý thức sẽ gương mẫu hơn trong công việc, đoàn kết với đồng nghiệp, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ban lãnh đạo và cấp trên giao phó.
 
Không hô hào, không kêu gọi mọi người bằng bằng những khẩu hiệu, Ban giám đốc chi nhánh Hoàng Mai, đứng đầu là đồng chí Bí thư Đảng ủy, qua những việc làm hàng ngày, những hoạt động được tổ chức… đã truyền lửa đến cho từng phòng ban, từng cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú đều không còn mơ hồ về chủ trương đường lối của Đảng. Công tác Đảng, đã từ lâu không còn là điều gì xa vời với chúng tôi. Nhiệm vụ Đảng là nhiệm vụ chuyên môn, rõ ràng, cụ thể, được lãnh đạo vạch đường chỉ lối. Từng phòng ban, từng cá nhân đều tự mình cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Chi nhánh Hoàng Mai giờ đây đã trở thành một khối thống nhất, cùng chung một niềm tin, sẽ cùng nhau vượt qua gian khó.
 
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai…”
 
Đảng bộ Vietinbank Chi nhánh Hoàng Mai
.
.
.
.