.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - 2019:

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của mỗi cán bộ đảng viên

Thứ Tư, 09/10/2019|22:39

1.Tìm hiểu về sinh hoạt chi bộ, chất lượng sinh hoạt Chi bộ

Sinh hoạt chi bộ là một trong những loại hình sinh hoạt đảng diễn ra ở cơ sở đảng, đó là hoạt động tập thể của tất cả đảng viên để bàn bạc, thảo luận, quyết định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Sinh hoạt chi bộ trước hết nhằm giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên, tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Sinh hoạt chi bộ là biện pháp tích cực để quản lý, giáo dục đảng viên. Để Đảng có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì phải thường xuyên sinh hoạt để giáo dục rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đảng viên. Sinh hoạt chi bộ vì vậy được coi là trường học giáo dục cộng sản và rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ là tổng hợp những đặc điểm, tính chất và hoạt động thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ cách mạng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các quyết định chính trị của các tổ chức đảng, đến chương trình hành động của đảng viên, đến việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ có chất lượng sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng được quán triệt, nhiệm vụ của chi bộ được triển khai, trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên được nâng cao, kỷ luật của Đảng được tăng cường, mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố và phát triển.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ có chất lượng mới đảm bảo được vai trò lãnh đạo chính trị của chi bộ, đối với việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

2. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế. Đảng ta đã chỉ rõ: Khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên là chưa ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Một số tổ chức đảng ở các cấp chưa được chỉnh đốn; dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết, chất lượng sinh hoạt đảng giảm sút. Công tác tư tưởng, lý luận còn yếu kém, bất cập, công tác cán bộ còn một số biểu hiện trì trệ. Trong sinh hoạt, theo đánh giá của Đảng có không ít cơ sở đảng yếu kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên lỏng lẻo, nội dung sinh hoạt nghèo nàn; tự phê bình và phê bình yếu. Tất cả những yếu kém, khuyết điểm đó đều có nguyên nhân từ chất lượng sinh hoạt đảng giảm sút; những hạn chế, yếu kém, bất cập biểu hiện cả về nội dung, hình thức, cách thức tiến hành sinh hoạt đảng...

Trong tình hình chung đó, nhiều tổ chức cơ sở đảng và các chi bộ đảng cũng bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội... Nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có liên quan trực tiếp đến tình hình sinh hoạt đảng. Trong sinh hoạt đảng còn nhiều hạn chế, sinh hoạt còn hình thức, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm, tính chiến đấu kém, công tác quản lý đảng viên thiếu chặt chẽ. Vì vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết phải đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đảng nói chung.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên trong việc đề ra các quyết sách chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt đầy đủ, được thực hiện nghiêm túc; đội ngũ cán bộ, đảng viên được giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống, được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

3. Thực trạng chất lượng sinh hoạt Chi bộ thời gian qua

3.1. Những ưu điểm

- Nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Trong những năm qua, chi bộ đã triển khai tương đối đầy đủ các nội dung sinh hoạt: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin thời sự, chính sách; nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên và quần chúng trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị tháng trước, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho tháng tới.

Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đều được các chi bộ trực thuộc chú trọng thực hiện trong sinh hoạt đảng, tạo ra những chuyển biến quan trọng về nhận thức, biện pháp tiến hành và hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng.

Chi bộ đã bám sát nghị quyết của cấp trên, đồng thời xuất phát từ thực tế đơn vị mình để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động toàn khóa, từng năm, từng quí và hàng tháng. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch và tình hình cụ thể của chi bộ để chi ủy lựa chọn nội dung sinh hoạt và những nội dung cần phải tập trung thảo luận, ra nghị quyết.

- Về dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy chuẩn bị cho sinh hoạt chi bộ.

Về sinh hoạt chi ủy, chi ủy chuẩn bị nội dung sinh hoạt nói chung đảm bảo tính dân chủ. Chẳng hạn, trước khi sinh hoạt, chi ủy có bàn bạc, nhất trí lựa chọn nội dung, hình thức sinh hoạt, thông báo nội dung rộng rãi cho đảng viên. Chi bộ luôn phát huy dân chủ trong thảo luận, tranh luận, bàn bạc thống nhất về quan điểm, chủ trương tại mỗi cuộc sinh hoạt Chi bộ

- Về dân chủ trong thảo luận triển khai nghị quyết của cấp trên

Khi có nghị quyết của cấp trên, chi ủy tiến hành nghiên cứu kỹ, bàn bạc phương hướng triển khai, xây dựng chương trình hành động và tổ chức bàn bạc, thảo luận đề ra nghị quyết và chương trình hành động tại Chi bộ để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chi ủy thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, lắng nghe thông tin phản hồi từ cán bộ, đảng viên và quần chúng để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho sát hợp với thực tế.

3.2.Những hạn chế và nguyên  nhân:

- Hạn chế:

+ Về nội dung, hình thức sinh hoạt: Mặc dù nội dung và hình thức sinh hoạt trong chi bộ gần đây có những đổi mới nhất định, nội dung, hình thức đa dạng hơn, tuy nhiên, trên nhiều mặt, nội dung và hình thức sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: Nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng còn mang nặng tính hình thức, đôi khi vẫn còn tình trạng lúng túng trong cải tiến nội dung sinh hoạt và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt thường “lấn sân” chuyên môn, sang nhiệm vụ của chính quyền.

+ Về thực hiện các qui định, qui trình sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, thiếu sót

Việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ, trước các cuộc họp cấp ủy đều bàn bạc thống nhất nội dung sinh hoạt, nhưng việc lựa chọn nội dung sinh hoạt đôi khi  chưa cụ thể, thiết thực, còn mang tính máy móc, thiếu chủ động, chưa nhạy bén với những vấn đề thực tiễn.

- Nguyên nhân:

+ Không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ. Công tác chuyên môn thường bận rộn, cán bộ, đảng viên hiểu sinh hoạt đảng quá đơn giản, vấn đề chính trị có thể tự đọc, tự nghiên cứu là được, chủ trương, đường lối, chính sách tự nhận thức là chính. Cho nên đảng viên tham gia sinh hoạt với thái độ thiếu tích cực, các buổi sinh hoạt thường diễn ra buồn tẻ, không đúng với tính chất, tinh thần nhiệm vụ của sinh hoạt đảng.

+ Chất lượng sinh hoạt của các chi bộ tùy thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực của cấp ủy mà quan trọng nhất là người bí thư chi bộ. Đội ngũ cấp ủy và bí thư chi về cơ bản đều có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong Đảng, trong chuyên môn và quần chúng, nhưng hầu hết họ đều công tác kiêm nhiệm, đảm nhiệm công tác chuyên môn nặng nề, nên việc đầu tư cho công tác đảng không được nhiều...

+ Chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc của cấp ủy cấp trên. Cấp ủy chưa thường xuyên kiểm tra, đánh giá và kịp thời uốn nắn. Đồng thời các cấp ủy cấp trên cũng chưa chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, các chi ủy viên của các chi bộ.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ:

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và sinh hoạt chi bộ

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trước hết phải nâng cao nhận thức của chi uỷ cơ sở và của từng đảng viên về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và các chi bộ trực thuộc trong cơ quan, đơn vị. Phải coi trọng giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng về vai trò sinh hoạt chi bộ, về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, để bồi dưỡng lòng nhiệt tình và và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng và đảng viên đối với sinh hoạt chi bộ.

- Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Một trong những biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng mà Đảng đề ra là phải “Đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ”. Đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, đảm bảo yêu cầu cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng chính trị, tư tưởng, trình độ kiến thức, lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ thị của cấp trên; nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của chi bộ.

Nội dung sinh hoạt phù hợp là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Để xác định nội dung sinh hoạt phù hợp cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng của đảng ủy cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cấp uỷ cần lựa chọn chủ đề sinh hoạt trong hàng tháng, hàng quý trên cơ sở chương trình công tác đã xác định và yêu cầu của đơn vị trong từng thời gian. Xác định nội dung sinh hoạt Đảng phù hợp phải trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đề ra những quyết định chính trị và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên

- Duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, chi ủy; nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ

Việc duy trì nền nếp sinh hoạt có tác động đến ý thức, thói quen sinh hoạt của đảng viên nên là căn cứ quan trọng không thể thiếu trong khi đánh giá chất lượng sinh hoạt đảng. Sinh hoạt trở thành nền nếp tạo cho đảng viên ý thức tổ chức, tự giác chấp hành Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Phải tăng cường quản lý đảng viên, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật trong sinh hoạt chi bộ. Những đảng viên ý thức tham gia sinh hoạt kém, tham gia không thường xuyên, thiếu tích cực, ngại phát biểu ý kiến xây dựng thì phải chỉnh đốn, nhắc nhở kịp thời. Với những đảng viên cá biệt ý thức quá kém phải nghiêm khắc và có biện pháp giáo dục tích cực, tránh tạo tâm lý không tốt trong chi bộ. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo và quản lý phải nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia sinh hoạt chi bộ. Đảng viên trong chi bộ là cấp ủy cấp trên và chi ủy cần gương mẫu trong thực hiện chế độ sinh hoạt để đảng viên và cán bộ cấp dưới noi theo. Gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, thẳng thắn, chân thành trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, quan liêu, lãng phí và những tiêu cực khác trong chi bộ, đảng bộ.

Chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ của cấp ủy, trực tiếp là người chủ trì cuộc sinh hoạt là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc sinh hoạt chi bộ. Việc điều hành sinh hoạt phụ thuộc phần lớn vào năng lực, kinh nghiệm của cấp uỷ, trước hết là người chủ trì. Vì vậy, cần tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ đi đôi với việc nâng cao năng lực tổ chức điều hành của cấp uỷ, nhất là bí thư cấp uỷ. Cấp uỷ cần quán triệt các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ của đảng viên trong tranh luận, thảo luận, làm rõ chân lý trên tinh thần giữ vững kỷ luật, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đồng thời, cần dự kiến các tình huống có thể xảy ra để xử lý kịp thời và đúng đắn; thực hiện một cách chu đáo chặt chẽ, khoa học qui trình tổ chức sinh hoạt, điều hành hội nghị.

- Chăm lo bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cấp ủy

Chất lượng cấp ủy phụ thuộc vào chất lượng của từng cấp ủy viên, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ. Để chọn được cấp ủy có chất lượng, vấn đề quan trọng là bảo đảm quyền dân chủ thực sự để đảng viên lựa chọn và bầu được những đồng chí tiêu biểu có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực tổ chức thực tiễn; có đạo đức, lối sống lành mạnh, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

Cần lựa chọn đội ngũ cấp ủy, trước hết là người bí thư chi bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có đủ trình độ, năng lực, nhất là có tinh thần trách nhiệm cao, giàu nhiệt tình. Phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ quyết định chất lượng sinh hoạt Đảng và hoạt động của chi bộ. Họ là những người tiếp thu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, truyền đạt đến mọi đảng viên trong chi bộ, đồng thời vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cơ sở. Đây cũng là những người có trách nhiệm xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, tổ chức, điều khiển sinh hoạt chi bộ. Đồng thời chính họ tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy còn phải thường xuyên chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức mới cho đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ. Mặt khác, cần phải có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho bí thư chi bộ.

- Thực hiện tốt công tác đảng viên nhằm bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và nâng cao trình độ mọi mặt cho đảng viên

Chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc vào phẩm chất và năng lực của đội ngũ đảng viên, vì vậy để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên; thực hiện tốt việc phân công và quản lý đảng viên.

+ Thường xuyên giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt đẹp cho đảng viên..

Nội dung phấn đấu rèn luyện của đảng viên phải theo những yêu cầu sau:

Thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, nghị quyết của Đảng, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, lấy đó làm cơ sở để tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng, củng cố kỷ luật, kỷ cương của Nhà nước.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - điều này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên trọng yếu của các chi bộ, các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Yêu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải thực chất, bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

+ Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; phân công, quản lý đảng viên; kiểm tra, giám sát và đánh giá đảng viên.

Chi bộ là cấp tổ chức trực tiếp tiến hành công tác đảng viên, sinh hoạt chi bộ có tác động trực tiếp đến sự trưởng thành của từng đảng viên và chất lượng đội ngũ đảng viên. Các cấp ủy cần nắm tư tưởng, năng lực, sức khỏe và hoàn cảnh của đảng viên trong chi bộ để tiến hành có hiệu quả việc phân công, giao nhiệm vụ và kiểm tra công tác, kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng của từng đảng viên một cách cụ thể. Thực hiện tốt việc phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên; thường xuyên đôn đốc, giúp đỡ và kiểm tra sự phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên để kịp thời uốn nắn, động viên khích lệ, chính là làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ thêm phong phú, thiết thực, có chất lượng hơn.

Nguyễn Thị Thanh Hương

Chi bộ 6-Đảng bộ Sở Giao dịch I-Ngân hàng Phát triển VN

 

 

.
.
.
.