.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chủ Nhật, 20/10/2019|14:41

Hòa trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Chi bộ Ban Quản lý rủi ro (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) đã có đợt sinh hoạt chính trị “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về công tác xây dựng Đảng. 

Liên quan đến đạo đức và trách nhiệm của Đảng, trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với tinh thần và ý nghĩa đó, Chi bộ Ban Quản lý rủi ro đã lựa chọn chủ đề về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để làm chủ đề bài dự thi tham gia giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IV năm 2019 nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ về Đảng, về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chuyên môn của đơn vị.

1. Từ trước đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, là thứ “giặc nội xâm”. Người nói: Tham ô, lãng phí, quan liêu, dù cố ý hay không cũng là đồng minh của thực dân phong kiến, là một thứ “giặc nội xâm”, nó “làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ  của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”.

Trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” đăng trên Báo Nhân dân số 68 ra ngày 31/7/1952, Bác Hồ đã nhắc nhở: "Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc''.

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã được thể chế hóa thành Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nhiều văn bản pháp luật khác, mới đây nhất Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Những kết quả này đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước ta.

2. Đối với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, được coi là có tính chất khá “nhạy cảm” do liên quan đến tài chính, tiền vốn của nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được các cấp ủy Đảng, Ban Tổng giám đốc đặc biệt quan tâm, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ ở nhiều khâu, nhiều nội dung công việc và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Một là, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được coi là công tác trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện dưới nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo như tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, mời các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm để phổ biến, triển khai trên cổng thông tin điện tử nội bộ, scan luân chuyển tài liệu thông qua hệ thống thư điện tử nội bộ của Tổng công ty, phổ biến lồng ghép trong các cuộc họp cơ quan, đơn vị v.v... Nhờ đó nhiều chủ trương, chính sách của Đảng nhà nước đã được cán bộ, đảng viên trong đơn vị, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp hiểu, nắm bắt được vấn đề để triển khai trong công việc, cuộc sống hàng ngày như Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, phát hiện, tố giác chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 06-CT/ĐUK về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng v.v…

          Hai là, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế về công tác này cũng đã được Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc quan tâm, chỉ đạo. Nhiều lĩnh vực hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đều đã được đưa vào “tầm ngắm”, có quy chế, quy trình thực hiện cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ tính riêng trong năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc SCIC đã ban hành 25 quy chế, phủ sóng tất cả các lĩnh vực hoạt động tại đơn vị, từ công tác tổ chức cán bộ (Quy chế bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, quy chế người đại diện), công tác quản lý vốn (Quy chế quản trị vốn đầu tư của SCIC tại các công ty TNHH hai thành viên trở lên; Quy chế quản trị vốn đầu tư của SCIC tại các công ty cổ phần), công tác bán vốn (Quy chế bán cổ phần, Quy chế mẫu bán đấu giá cả lô cổ phần tại doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch của SCIC thực hiện đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán), công tác đầu tư  (Bộ tiêu chí sàng lọc cơ hội đầu tư), công tác mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị (của Quy chế thuê, mua sắm tài sản, lựa chọn dịch vụ, tư vấn cho hoạt động kinh doanh, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản), công tác kiểm tra, giám sát, công bố thông tin (Quy chế tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cao, kiến nghị, phản ánh, Sổ tay kiểm tra nội bộ, Quy chế giám sát tài chính đối với công ty con, công ty liên kết, Quy chế báo cáo và công bố thông tin đối với các cơ quan quản lý nhà nước, kê khai và công bố bản kê khai tài sản, thu nhập) và công tác dân chủ ở cơ sở (Quy chế thực hiện dân chủ, Quy chế chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp, Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Thỏa ước lao động tập thể).

Ba là, kiện toàn bộ máy tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng mà nòng cốt là Ban Quản lý rủi ro với những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ kiểm tra, giám sát; xây dựng chương trình, tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở đảng, đảng viên sát với tình hình thực tế, qua đó phát hiện và khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy chế nội bộ.

Bốn là, công tác đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục theo quy định, nhất là các vị trí dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch phù hợp năng lực cán bộ.

Năm là, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, quần chúng như Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của các cấp, các ngành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tham nhũng, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; Thực hiện công khai, minh bạch các quy chế, quy định, chế độ, chính sách đến các đơn vị, tổ chức. cá nhân. Đồng thời, thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn, quản trị doanh nghiệp của Tổng công ty, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng và đề cao văn hóa doanh nghiệp, quy tắc ứng xử, kỷ luật lao động, thực thi quy trình, quy chế quản lý cán bộ, nhân viên, tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

3. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước không chủ quan, bằng lòng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tham gia tích cực triển khai thực hiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Tổ chức triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp.

Thứ hai, kiện toàn và phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Tổng công ty; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể chính trị, quần chúng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đảng ủy Tổng công ty, các Chi bộ tăng cường công tác quản lý đảng viên về mọi mặt, từ tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách lối sống, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh hoạt. Thực hiện phê bình, tự phê bình một cách dân chủ, công khai và tự giác, khắc phục mọi biểu hiện: hình thức, nể nang, né tranh, nhất là những đảng viên ở vị trí lãnh đạo càng phải thực hiện nghiêm túc hơn, trên cơ sở đó phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm của đảng viên về tham nhũng tiêu cực để ngăn chặn (nếu có). Kiên quyết xử lý và thay thế những cán bộ, đảng viên vi phạm tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chủ động xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình nội bộ trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công khai, minh bạch, thị trường, đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước và người dân, “bịt kín” các lỗ hổng pháp lý dẫn đến tham nhũng, lãng phí để bảo đảm “không để tham nhũng tiêu cực” và “không dám tham nhũng tiêu cực”; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, loại bỏ cơ chế “xin - cho”, “tham nhũng vặt” xảy ra, gây phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giải quyết công việc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019.

Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thang, bảng lương theo hiệu suất công việc KPI tương xứng, hợp lý với sự đóng góp, cống hiến của cán bộ, nhân viên; kiên quyết điều chuyển, sắp xếp lại hoặc đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, đảng viên yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức; cất nhắc những cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, trung thực, có trình độ và năng lực vào những vị trí quan trọng trong cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản, thuê ngoài dịch vụ với tinh thần tiết kiệm nhất; Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ, đảng viên nhất là những cán bộ ở vị trí lãnh đạo, thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị.

Đất nước đang đứng trước vận hội mới. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cũng đang đứng trước những thời cơ lớn song đồng thời phải đối mặt với những thách thức, khó khăn lớn. Tuy nhiên với kinh nghiệm gần 15 năm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn, đạt được nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự đoàn kết, nhất trí trong suy nghĩ và hành động, sự quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty, tin tưởng chắc chắn rằng SCIC sẽ xây dựng một bộ máy quản lý và lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả, củng cố niềm tin của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp, xứng đáng trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính hàng đầu ở Việt Nam, một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Bùi Đức Long

Chi bộ Ban quản lý rủi ro, SCIC


Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. NXB CTQG. HN. 2002. Trang 166.

 

.
Các bài viết khác:
.
.
.