.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Công tác xây dựng Đảng trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 30/10/2019|17:29

Đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, cả cuộc đời, Bác của chúng ta đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Trước lúc đi xa, Người để lại cho Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc lịch sử của Người.

Trong 30 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận có 5 tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các tác phẩm: “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký trong tù”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước”, và “Di chúc”. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo vật Quốc gia cuối cùng mà Người để lại là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, phong cách cao đẹp của Bác Hồ. Người suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính Cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha, cháy bỏng; là sức mạnh vô biên thôi thúc cả dân tộc “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất giang sơn, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vào giữa những năm 60, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vững tin vào thắng lợi cuối cùng.

Trong bộn bề công việc của nước, của dân, Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ đến việc để lại những lời dặn dò, những mong muốn cháy bỏng của Bác với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Bác đặt bút viết bản Di chúc đầu tiên vào ngày 10/5/1965, Bác viết trong 5 ngày, dài 3 trang, có cả chữ ký của người chứng kiến là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Từ đó đến năm 1969, hàng năm, Bác Hồ chọn đúng vào tuần sinh nhật mình, bắt đầu từ sáng ngày 10 đến ngày 20/5 , mỗi ngày Người dành ra một giờ đồng hồ, chọn giờ đẹp nhất từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, để suy nghĩ, chỉnh sửa, hoàn thiện bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật - như cách Bác gọi. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người ngày 9/9/1969.

Nghiền ngẫm trong suốt 4 năm, từ 1965 - 1969, chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, Di chúc để lại những lời căn dặn của Bác về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo của Đảng, về thế hệ thanh niên, về nhân dân lao động... và nhiều vấn đề hệ trọng khác của đất nước sau chiến tranh.

“Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ… Đảng đã lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người yêu cầu“cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người chỉ rõ “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”

“Mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nói về nhân dân lao động, Bác viết: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nói về Đoàn viên thanh niên, Bác nhấn mạnh: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Người dự báo: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Đã 50 năm kể từ ngày “Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được công bố, nhưng giá trị cốt lõi của Di chúc vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh và người đảng viên luôn xác định phải trung thành tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Trong Di chúc, Người cũng vẫn nhấn mạnh những vấn đề cơ bản, quyết định đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền, đó là: Đoàn kết, tự phê bình và phê bình, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Mỗi bước đi của nhân dân ta và của Đảng ta đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước thương dân, suốt đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân của một vị lãnh tụ lập quốc vĩ đại, mà còn tỏa sáng lòng bao dung, nhân ái của một vị thánh Cộng sản đối với tất cả con người, niềm tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục tiêu duy nhất để hướng tới, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để nhân dân có quyền làm chủ đất nước. Vì thế, Người luôn tâm niệm rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân và Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân nên bất luận trong hoàn cảnh nào: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Đối với một đơn vị kinh doanh như Vietcombank trong thời đại hiện nay, càng nghiên cứu tìm hiểu, học tập Di chúc của Người, chúng tôi càng tìm ra được những giá trị thực tiễn trong Di chúc để áp dụng trong công tác xây dựng Đảng tại đơn vị. Trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ, Vietcombank Đông Anh ngày càng quan tâm chú trọng đến các đoàn viên thanh niên, bồi dưỡng các đoàn viên trẻ có chuyên môn cao, có sức chiến đấu mạnh mẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng để tạo ra một đội ngũ kế cận đáp ứng, thích nghi với những diễn biến của thời đại nhằm không ngừng thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đồng thời đào tạo họ thành đội dự bị tin cậy của Đảng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng như Bác đã căn dặn: “để đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, thời gian không ngừng trôi với biết bao sự biến đổi và phát triển của đất nước, dân tộc và quốc tế, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên Vietcombank trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

                                                                 Chu Thị Châu Hạnh

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đông Anh

.
.
.
.