.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Đã làm nghề lái tàu là phải có bản lĩnh nghề nghiệp

Thứ Sáu, 25/10/2019|18:04

Vinh dự là một trong hai đại biểu của Bộ Giao thông Vận tải tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018) và biểu dương tôn vinh các anh hùng, điển hình tiên tiến toàn quốc, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn - Kiện tướng An toàn chạy tàu lần thứ 6 đã có những chia sẻ về nghề lái tàu vất vả và nhiều hiểm nguy.

Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn
Kiện tướng Hoàng Ngọc Sơn trên buồng lái.

Từ người phụ lái đốt lửa đầu máy hơi nước

PV: Được biết, anh đã có thâm niên 34 năm công tác, gắn bó với nghề lái tàu. Anh có thể chia sẻ về quãng thời gian theo nghề vất vả, nguy hiểm này không?

Anh Hoàng Ngọc Sơn: Tôi vào nghề lái tàu cũng xuất phát từ yêu nghề, nên học xong phổ thông năm 1984 là tôi xin đi công nhân và học lái tàu đầu máy hơi nước ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Sau gần hai năm học tập mới được bố trí đi phụ lái. Đến năm 1991 lại được chuyển qua học lái đầu máy Tiệp là đầu máy diesel xí nghiệp mới nhập về. Năm 2001, khi ngành đầu tư đầu máy đổi mới lại chuyển sang học lái đầu máy đổi mới và sử dụng loại đầu máy này cho đến nay.

Đào tạo bài bản là vậy nhưng thực ra tôi đã đi nhiều loại đầu máy diesel. Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội có bao nhiêu đầu máy thì tôi đã điều khiển hết rồi nên cũng “thuộc” tính năng từng loại. Tính mình lại hay mày mò nên rút kinh nghiệm từ những lần phải sửa chữa hỏng máy dọc đường nên mỗi khi máy vào xưởng lại đề xuất với bộ phận sửa chữa hoặc kĩ thuật để thay đổi cho đảm bảo an toàn và thuận lợi hơn;anh em lái máy cũng tin tưởng, hay gọi điện, kể cả đêm hôm để hướng dẫn họ xử lý những sự cố, hỏng hóc dọc đường.

PV: Vậy hồi mới vào nghề, có khi nào anh nản, muốn bỏ nghề không?

“Tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của người lái tàu rất cao vì phải tự chiến thắng bản thân để tập trung lái tàu an toàn. Vì thế, lái tàu như anh Hoàng Ngọc Sơn là “của hiếm” của Xí nghiệp, không chỉ vì là số ít Kiện tướng An toàn chạy tàu lần thứ 6, thứ 7 mà vì anh còn là lái tàu kì cựu, nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững nhất, nhì trong đội ngũ lái tàu. Lãnh đạo Xí nghiệp rất tin tưởng gửi gắm nhiều lớp phụ lái, lái tàu trẻ vào tổ anh phụ trách để anh đào tạo, hướng dẫn”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết. 

Anh Hoàng Ngọc Sơn: Hồi mới vào nghề, đi đầu máy hơi nước vất vả lắm. Lái đầu máy hơi nước toàn làm thủ công, cả ngày lấm lem than củi, dầu mỡ. Công việc của phụ lái chủ yếu là kiểm tra dầu mỡ, xả xỉ than, xúc than đốt lửa mới. Đầu máy thì như cái lò lửa cả nghìn độ, phả ra hơi nóng. Quần áo bảo hộ lao động lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi, nhưng không có đồ thay, phải cởi ra vắt rồi hong cho khô rồi mặc tiếp. Nếu đi tuyến Thanh Hóa, Vinh còn phải chịu thêm gió Lào nóng khủng khiếp, đến khô người.

Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn dự Lễ kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn dự Lễ kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Sinh hoạt cũng rất khó khăn. Ba người lên ban “ôm” đầu máy kéo tàu trên các tuyến, độc lập “tác chiến” nên phải chuẩn bị gạo để tự nấu, thức ăn cũng phải chuẩn bị sẵn, nhưng món chủ đạo vẫn là muối vừng. May mắn, tàu dừng ở trạm nghỉ, có nhà ăn thì đổi tem phiếu lấy suất ăn. Vất vả thế nhưng chúng tôi vẫn rất yêu đời, yêu nghề, vượt qua được hết, chưa bao giờ nghĩ bỏ nghề cả. Phụ lái như tôi còn cố gắng hơn nhiều để được thi lên lái chính nữa.

Áp lực từ lối đi tự mở, nguy hiểm rình rập

PV: Nếu so sánh, lái tàu bây giờ với thời bao cấp ngày trước, thời nào vất vả, khó khăn hơn?

Anh Hoàng Ngọc Sơn: Trước kia vất vả hơn thật nhưng chỉ là mệt nhọc về thể chất, xuống ban nghỉ ngơi là thoải mái, vô tư. Giờ thì áp lực, căng thẳng vô cùng. Đường ngang, lối đi tự mở nhan nhản, tàu như đi trên vỉa hè thế này, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Lái tàu phải tập trung cực độ, mọi giác quan đều phải huy động. Mắt luôn nhìn phía trước nhưng cũng phải bao quát cả hai bên. Dù tiếng động cơ máy, tiếng bánh xe xiết trên mặt ray ầm ầm nhưng vẫn phải căng tai nghe xem có gì bất thường không… Chỉ nhãng đi vài chục giây là đã có thể xảy ra chuyện, không xử lý kịp thời. Nếu không may va phải, có người tử nạn thì day dứt, tâm lý bị ảnh hưởng hàng tháng.

“Anh Sơn là người tổ trưởng giàu kinh nghiệm và rất trách nhiệm trong công việc. Khi lên ban anh rất nghiêm khắc, tận tình hướng dẫn anh em trẻ trong tổ để tạo thành nếp tự giác trong công việc. Điều này thực sự cần thiết vì nghề này phải tập trung, đảm bảo tàu đi an toàn. Còn khi xuống ban, hoàn thành nhiệm vụ, anh lại hòa đồng, vui vẻ với anh em, trao đổi thân tình những kinh nghiệm cũng như về tinh thần, đạo đức nghề nghiệp”, lái tàu Nguyễn Xuân Tuyên, tổ máy D19E - 948, Đội lái máy 5, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chia sẻ.

Nhưng ngược lại, nếu tránh được thì vui sướng vô cùng. Vì thế, khi lái tàu tôi phải tập trung quan sát, luôn luôn nhìn phía trước, thậm chí với kinh nghiệm nhìn người hoặc ô tô đi kiểu này là sẽ không biết có tàu đến, nên tôi phải xử lý hãm phanh từ xa. Như vụ gần đây ở đầu ga Huế, từ xa tôi nhìn thấy có người đứng trên đường sắt nghe điện thoại mà còi mãi vẫn không tránh ra, tôi phải xử lý hãm ngay. Đến khi đầu máy dừng sát người đó, tôi thò đầu ra gọi to, người đó mới giật mình chạy vội ra. Hay tháng trước, tôi cũng tránh được một máy xúc vượt ẩu qua lối đi tự mở ở khu vực Long Đại, Quảng Bình. Nói chung, cứ chuyến nào đi an toàn là biết chuyến đấy, xuống đất rồi mới thở phào nhẹ nhõm.

PV: Những vụ tai nạn đường sắt gần đây cho thấy, lái tàu rất dễ gặp nguy hiểm, như vụ tàu đâm ô tô ở Thanh Hóa đã khiến hai lái tàu tử nạn. Với kinh nghiệm 30 năm trong nghề, anh có chia sẻ gì với anh em lái tàu để đảm bảo an toàn?

Anh Hoàng Ngọc Sơn: Với những vụ đã xảy ra, thực ra khi phát hiện chướng ngại vật, nguy hiểm, lái tàu hoàn toàn có thể rời vị trí, nhảy thoát ra ngoài qua cửa cabin. Nhưng với trách nhiệm nghề, lái tàu thường ở lại xử lý vì chỉ tích tắc đắn đo, suy nghĩ, không xử lý nhanh là hậu quả đã khác rồi.

Đối với người lái tàu, ba yếu tố quan trọng nhất là tự giác, chịu khó học hỏi, đảm bảo sức khỏe và phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Để có yếu tố đó đều phải tự trau dồi. Đã theo nghể thì phải yêu nghề, chưa kể còn là trách nhiệm với cả nghìn hành khách, hàng nghìn tấn hàng, tài sản của Nhà nước và người dân. Vì thế, đã lên ban lái tàu là phải tự giác, trách nhiệm để có thể xử lý nhanh những tình huống trên đường, tránh được những tai nạn, sự cố đáng tiếc.

Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn là tổ trưởng tổ máy D19E - 948, Đội lái máy 5, Phân xưởng Vận dụng đầu máy, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Từ năm 2005 đến nay, anh được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 6 lần tặng danh hiệu "Kiện tướng an toàn chạy tàu". Đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cở sở liên tục: 2014, 2015, 2016, 2017; được tặng Bằng khen của Bộ GTVT năm 2016; Năm 2018 được Bộ GTVT tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành GTVT.Ngoài ra, trong 5 năm (từ 2013 - 2017) đã chạy tàu tiết kiệm được 18.181 lít dầu DC, giảm chi phí nhiên liệu cho ngành.

Trịnh Thị Năm - Thanh Thúy

Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

.
.
.
.