.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên internet và mạng xã hội

Chủ Nhật, 20/10/2019|14:24

Một sáng mùa hè cuối tuần, tôi và cô bạn thân rủ nhau đến thăm thầy giáo cũ dạy đại học. Thầy nguyên là Trưởng khoa Xây dựng Đảng của trường chúng tôi và là một người thầy được rất nhiều sinh viên thế hệ chúng tôi yêu quý bởi nhân cách, tâm huyết với nghề và tận tâm chăm lo, đào tạo thế hệ kế cận. Tuy nghỉ hưu đã lâu nhưng thầy vẫn thường xuyên viết sách, tham gia các đề tài khoa học chuyên ngành nên với chúng tôi, thầy vừa là người thầy, vừa là đồng nghiệp để có thể thỏa sức trao đổi về kiến thức, nghiệp vụ.

Sau giây phút tíu tít hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, thầy trò chúng tôi trải lòng về công việc và các vấn đề xã hội. Nhấm ngụm nước trà đặc, thầy chậm rãi kể: Các em ạ, thầy đang tham gia một đề tài khoa học (nội dung đề tài nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng), thời gian vừa rồi, thầy đi thực tế một số nơi để thêm kiến thức viết bài. Có đi mới biết các công tác an ninh quốc phòng, đấu tranh trên trên mặt trận ngoại giao của ta ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải mềm dẻo, khôn khéo, cương nhu đúng lúc. Ấy vậy mà trên mạng xã hội lại xuất hiện ngày càng nhiều những “nhà ngoại giao bàn phím”, trong đó đáng buồn là có những đảng viên, từng là đồng nghiệp của thầy mà lại có những bình luận không có trách nhiệm, hùa theo thông tin tiêu cực, không được kiểm chứng. Nếu họ không có kiến thức đã đành, đây còn là giáo viên, lại đào tạo lý luận chính trị mà còn phát ngôn không kiểm soát như vậy thật có phải là biểu hiện suy thoái không? Thầy có nhắn tin trao đổi nhưng họ không trả lời, thỉnh thoảng thầy vẫn thấy bình luận dạo của họ trên trang facebook của một số thành phần tiêu cực, bất mãn có thâm niên. Nghĩ mà buồn và xót quá.

Như chạm đúng mạch, cô bạn tôi ngay lập tức tham gia: Ôi thầy ơi, đúng rồi. Ở cơ quan em và một số nơi mà em biết, không thiếu cán bộ, đảng viên gì mà cứ thấy có thông tin trái chiều mà liên quan đến cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, quan chức là share (chia sẻ) ngay trên trang mạng xã hội của mình, rồi hùa theo bình luận mà không cần kiểm chứng thông tin đúng hay sai.

Những vấn đề mà thầy và bạn tôi nêu quả thật bây giờ đang trở thành một “căn bệnh” mới phát sinh với xu hướng lây lan rất đáng báo động. Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia viết bài, phát ngôn, bình luận... thể hiện quan điểm sai trái, lệch chuẩn, cố tình bóp méo sự thật vì mục đích tư lợi cá nhân và lợi ích nhóm, cùng một bộ phận cán bộ, đảng viên khác do nhiều nguyên nhân khác nhau đã vô tình cổ xúy, like (thích), chia sẻ, thông tin sai sự thật, gây bất lợi và ảnh hưởng xấu đến thành quả và tiến trình cách mạng. Trong số đó, có một số tài khoản facebook của cán bộ, đảng viên có lượng người theo dõi “kha khá” đã đăng tin, viết bài sai sự thật, không đúng bản chất sự việc, không đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, gây phương hại đến tình hình chung của đời sống xã hội và tâm lý đám đông. Đáng nói là chủ các tài khoản cá nhân này vốn là những đảng viên, cán bộ hưu trí, nhà văn, nhà báo.... từng giữ vị trí lãnh đạo, cương vị công tác quan trọng, lại có học hàm, học vị khá cao và nhất là có lượng người theo dõi khá lớn trên mạng xã hội. Những người này đã nhiều lần vi phạm, được nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc, nhưng vẫn cố tình tiếp diễn với tính chất, mức độ ngày càng nguy hại; thể hiện thái độ bất chấp quy định pháp luật; thiếu thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng; tỏ rõ cực đoan thông qua những nhận định, đánh giá mang nặng tư tưởng cá nhân với thiên hướng tiêu cực. Họ tỏ vẻ có kiến thức uyên thâm, năng lực bề trên đủ khả năng răn dạy, chỉ bảo đội ngũ cán bộ, đảng viên đương chức phải làm thế này, thế thế kia cho hợp với lòng dân.

Khách quan mà nói, việc góp ý cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, việc phát huy trí tuệ góp phần xây dựng đất nước, giữ vững ổn định xã hội là cần thiết, đáng quý. Thế nhưng, đáng phê bình ở đây là văn phong của các “anh hùng bàn phím” này luôn thể hiện rõ thái độ trịch thượng, lời lẽ vô văn hóa, nội dung sai lệch, phiến diện. Các trang facebook này tuy hoạt động có thể độc lập, không bắt tay với các thế lực thù địch chống phá cách mạng, tuy nhiên, với mục đích thiếu tinh thần xây dựng, lật lọng, mưu cầu lợi ích riêng nên họ cũng ít nhiều bóp méo sự thật, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cố tình nói xấu, vu khống, làm sai lệch những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của chế độ mà cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang nỗ lực vun đắp, xây dựng.

Và vì tham gia mạng ảo, nên những “anh hùng bàn phím” này cũng có những biểu hiện "ảo" trên mạng xã hội, như: Không ngại đấu tranh, thẳng thắn phê bình, tỏ vẻ anh hùng thời cuộc, đưa ra nhiều kế sách vĩ mô, to tát... vì cái chung. Thực chất, đây là những cán bộ đã ít nhiều "tự diễn biến", rơi vào cực đoan, bất mãn; mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân thuần túy, bị ảo tưởng về năng lực và sức mạnh bản thân, biểu hiện kiêu ngạo cộng sản và thích được làm người nổi tiếng, sính khoe mẽ, lấy số lượng like trên từng bài đăng trên facebook làm lẽ sống... Thái độ, hành động của các cán bộ, đảng viên trên mạng xã hội kiểu này tuy ảo nhưng lại rất nguy hại, dễ gây ra hiểu nhầm, làm sai lệch sự thật; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Đảng, tổ chức, cơ quan, đơn vị; gây cản trở và làm chậm tiến trình thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới, xây dựng đất nước. Nó càng nguy hại hơn khi trên không gian mạng lại xuất hiện thêm một bộ phận cán bộ, đảng viên vô tình cổ xúy, tán dương, ngợi ca, ủng hộ, thích, chia sẻ, tạo sự lan tỏa rộng khắp các nội dung, thông tin tiêu cực mà những "anh hùng bàn phím" sáng tạo, khởi phát trên mạng xã hội; dẫn đến tư tưởng, tâm lý xã hội bất ổn và gián tiếp tạo ra các nguy cơ gây mất an toàn chính trị - xã hội ngoài đời thực.

Dẫn chứng cụ thể của việc từ thông tin sai lệch trên mạng xã hội dẫn đến mất an toàn chính trị xã hội là sự việc vừa mới xảy ra năm 2018 tại Bình Thuận. Theo đó, cùng với hàng loạt âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng được lực lượng thù địch chuẩn bị từ trước, cộng với ý kiến phiến diện, trái chiều của một vài cán bộ "có tên tuổi" đưa lên mạng xã hội về Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế (Đặc khu) để quy chụp rằng “Đảng, Chính phủ Việt Nam bán đất tại 3 vị trí chiến lược cho nước ngoài với thời hạn 99 năm” đã tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội trên không gian mạng. Tuy một số bài viết về dự luật này đăng tải trên các trang mạng không chính thống, không bảo đảm về độ chính xác nhưng lại được nhiều người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên chia sẻ, khi mà chính họ cũng chưa tìm hiểu sâu về dự thảo luật, chưa thẩm định thông tin. Gần đây nhất, trước hành vi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có biểu hiện vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở bãi Tư Chính, Biển Đông, khi Đảng và Chính phủ còn đang triển khai các biện pháp đấu tranh ngoại giao thì các anh hùng bàn phím đã nhao nhao đòi làm thay Bộ ngoại giao, bôi đen Đảng, Nhà nước là “dắt mũi dân, bịt tai bịt mắt dân, phản bội dân, phản bội đất nước”.

Những phát ngôn không đúng về dự luật, có màu sắc chống phá cách mạng, cố tình bóp méo sự thật được tích cực chia sẻ, bàn luận theo kiểu “thầy bói xem voi”, đã vô hình trung tạo ra những luồng dư luận xã hội tiêu cực trên mạng xã hội và đời sống tâm lý cộng đồng. Như vậy, từ số ít các đối tượng "anh hùng bàn phím" tuy là chủ thể khơi mào cho những quan điểm, tư tưởng sai lệnh, nhưng chính sự mơ hồ, mất cảnh giác của một bộ phận cán bộ, đảng viên mới là nguyên nhân chính vô hình chung tiếp tay, châm ngòi cho các điểm nóng, sự vụ, sự việc diễn ra phức tạp trên không gian mạng. Cùng với đó, hệ quả lan truyền tiêu cực trên mạng xã hội đã khiến không ít người sử dụng tài khoản cá nhân có cảm giác: Cứ vào mạng xã hội là thấy toàn nghịch cảnh, chuyện sai trái; xã hội đầy rẫy màu đen; tương lai đất nước trở nên u ám, mịt mù; cuộc sống bế tắc, túng quẫn, không có lối thoát.

Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, mục tiêu xuyên suốt không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với Việt Nam là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp... Để thực hiện mục đích, chúng triệt để lợi dụng môi trường internet và mạng xã hội để làm nhiễu loạn thông tin, đưa tin thật giả lẫn lộn hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là lớp trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ trong dẫn dắt đất nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước việc chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách; đồng thời, là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

Để kịp thời đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội, ngày 22/8/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW, trong đó xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.

Để công tác đấu tranh, phản biện có hiệu quả đòi hỏi vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của các cấp, các ngành, trong đó mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

- Cơ quan có thẩm quyền của Trung ương Đảng, Chính phủ: Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh trên mạng internet, mạng xã hội. Thực hiện phương châm công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không để khoảng trống thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá, cần quan tâm biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo, xây dựng ngân hàng comment làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Duy trì tốt việc cung cấp thông tin đột xuất và định kỳ cho các địa phương và cán bộ nghiệp vụ đấu tranh trên không gian mạng, chỉ rõ mục tiêu, luận điểm chống phá của các thế lực thù địch trong các tin, bài. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, cũng như một số chủ trương, chính sách mới liên quan đến người dùng internet, mạng xã hội (Luật An ninh mạng), cần tăng cường tuyên truyền về tư tưởng, lợi ích theo hướng “dân không vi phạm, sao phải phản đổi”. Chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên quan tâm gặp mặt các đồng chí cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác để cung cấp thông tin bởi đây là lực lượng quan trọng, có uy tín, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân ở địa phương. Chủ động gặp những người có quan điểm khác biệt để trao đổi cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất.

- Các cơ quan an ninh, quốc phòng, công nghệ thông tin: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Trang bị và đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm phát huy tính hiệu quả của các cơ quan báo chí truyền thông, hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới. Các cơ quan nêu trên cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai hệ thống giải pháp kỹ thuật phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguồn phát tán thông tin tiêu cực, xấu độc, nhất là các quan điểm sai trái, thù địch vi phạm pháp luật Việt Nam trên intenet, mạng xã hội.

- Các cơ quan báo chí: Cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh công khai, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, thiết lập các trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội nhằm tiếp cận, chia sẻ thông tin tham gia đấu tranh phản bác trên internet, mạng xã hội với các hình thức, phương pháp linh hoạt (công khai, bán công khai); chú trọng chia sẻ thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu về chuyên ngành để độc giả kịp thời cập nhật thông tin, hiểu đúng về các thông tin tiêu cực.

- Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp: Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng từ cấp, đơn vị chức năng có thẩm quyền để cung cấp lại cho cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương, đơn vị mình để họ có thông tin chính thống, không bị động khi nhận thông tin sai trái, tiêu cực, luận điệu bóp méo, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cần tăng cường đối thoại với nhân dân; kịp thời giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị hợp pháp của nhân dân trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.

Trong sinh hoạt, công tác, các ấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, kịp thời thông tin trao đổi, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại của các thế lực thù địch, phản động và sự sai lệch, sai phạm của các "anh hùng bàn phím" trên mạng xã hội. Đối với những đối tượng không thể áp dụng các biện pháp vận động, giáo dục cần nghiêm trị bằng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định hiện hành. Đặc biệt, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan tuyên giáo cần chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin chính thống, hướng dẫn cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm các quy định trong sử dụng, khai thác thông tin trên mạng xã hội. Từng cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nhất là phải nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng hiện hành. Mỗi cán bộ, đảng viên cần biến trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân của mình thành một địa chỉ tin cậy, kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên thông tin chính thống; đồng thời chủ động, tích cực tham gia phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết và phản ánh, ngợi ca gương người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương, làm cho cái tốt, cái hay trở thành thông tin chủ đạo trên mạng xã hội.

Cấp ủy cơ sở và chi bộ phải quản lý chặt chẽ đảng viên đơn vị mình, kịp thời nắm bắt, xử lý những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, người dân. Thường xuyên rà soát đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW (Khóa XII), kiên quyết đưa bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa"; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ra khỏi Đảng. Phải đưa việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ hoặc chuyên đề của cấp ủy, tổ chức đảng và nội dung sinh hoạt thường xuyên của tất cả các tổ chức, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị; khi bình xét, phân loại, đánh giá chất lượng các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên phải gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ này.

- Về đội ngũ cán bộ, đảng viên: Mỗi cán bộ đảng viên phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng về kỷ luật phát ngôn. Không ngừng nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố vững chắc thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng trong nhận thức, phân tích, đánh giá và hoạt động thực tiễn. Phải tích cực học tập, nghiên cứu, quán triệt đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước trên mọi lĩnh vực, phương diện. Kết hợp chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng; đủ trình độ, khả năng nhận diện, phản biện, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội và phân định chính xác đúng - sai, tốt - xấu, bản chất - hiện tượng, chính thống - bịa đặt, sai lệch... trong “biển thông tin” chưa rõ thực hư trên mạng xã hội để không bị rơi vào một trong các biểu hiện "4 thiếu" (thiếu tỉnh táo, thiếu thông tin, thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm). Từng cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình "hệ thống miễn dịch" vững chắc; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; thẳng thắn góp ý, không để đồng chí, đồng nghiệp rơi vào "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bị chệch hướng tư duy, sai lệch nhận thức.

Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình phải tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật trong quá trình triển khai, thực hiện chức năng, chức trách, nhiệm vụ được giao đảm bảo công minh, chính trực, vô tư. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát; nghiêm túc, nghiêm khắc, kịp thời xử lý những vi phạm, sai phạm của những tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên (nếu có). Có như vậy mới củng cố được niềm tin, lòng tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch theo đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị (Khóa XII)./.

Đinh Quang Hòa

Chi bộ Văn phòng Điều hành, SCIC

* Bài viết có tham khảo một số thông tin trên báo điện tử Quân đội nhân dân (qdnd.vn)

.
.
.
.