.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

"Đường Kách Mệnh" của Hồ Chí Minh là ánh sáng - phương hướng cho Quy định số 205 của Bộ Chính trị

Thứ Năm, 10/10/2019|15:28

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là công việc quan trọng nhất của Đảng, do đó phải kiên quyết chống thói xem nhẹ tư tưởng. Người nhiều lần khẳng định lý luận là gốc, tư tưởng dẫn đầu. Gốc của vấn đề là phải “có chủ nghĩa làm nòng cốt”. “Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Đảng phải luôn quan tâm đến tổng kết thực tiễn để không ngừng phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng. Người nhấn mạnh “Mục đích của chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”.

Công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, Người nêu rõ lý do viết sách này là “để giác ngộ đồng bào, đồng chí làm cách mạng”, “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh”. Theo Người thì tinh thần, tư tưởng, sự giác ngộ là yếu tố đầu tiên tạo lên lòng quyết tâm, ý chí kiên cường của người cách mạng; là tiền đề, cơ sở để có hành động thống nhất, mạnh mẽ, hiệu quả. Người coi sự thống nhất về tư tưởng, hành động là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”.

Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng công tác vận động quần chúng, coi đó là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức. Người từng khẳng định vai trò và nhiệm vụ của công tác vận động quần chúng “trước hết phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích của họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Muốn vậy phải đặc biệt chú ý phương pháp thuyết phục và nêu gương. Bản thân Hồ Chí Minh là người thuyết phục không mệt mỏi đối với các tầng lớp xã hội trong và ngoài nước, xuất phát từ lòng tin vào con người, nắm được đặc điểm của mỗi người. Trong thư Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí Pêtơrốp - Tổng Thư ký Ban phương Đông (1924) có đoạn “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sau nay, khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, Người nêu ra những chuẩn mực có giá trị hướng dẫn hành vi con người qua nhiều thế hệ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Học để làm việc, để làm người”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính sáng tạo, tự do tư tưởng. Người viết “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Cán bộ làm công tác tư tưởng phải thông qua những việc làm cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo mình. Người nhắc nhở “Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải có người, mà trong số người muốn lên chủ nghĩa nghĩa xã hội thì cán bộ là đầu tiên và cốt cán. Như vậy, trước hết cán bộ phải có tư tưởng muốn lên chủ nghĩa xã hội, mới quyết tâm thi hành, hướng dẫn nhân dân...”. Đã có tư tưởng rồi thì phải lựa chọn phương pháp thích hợp với từng đối tượng, không gian, thời gian, hoàn cảnh cụ thể để tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân. Người chỉ ra rằng, sau khi có đường lối, chủ trương rồi, phải có biện pháp thực hiện tốt. Công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức “Tư tưởng thông, mọi người hăng hái thực hiện kế hoạch mới tốt”, “Mỗi người phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa đúng đắn, thì mới có thể góp phần xứng đáng vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người luôn coi các đợt vận động chỉnh huấn xây dựng Đảng, chính quyền là các cuộc vận động lớn về tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân “nhằm xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”.

Khi nói về âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, Người chỉ rõ “... không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc họp... để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục, tập quán; chúng bịa đặt những câu sấm và những tin đồn nhảm để tuyên truyền... Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta để tuyên truyền”. Do vậy, đối với địch, Bác căn dặn: Phải nêu cái xấu của chúng nó ra... sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho nhân dân ta hiểu.

Đối với cán bộ, Bác căn dặn: Khi đấu tranh nội bộ, cần phải phê bình, vạch rõ những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ như tệ tham nhũng, quan liêu. Nhưng cần chú ý kẻ địch sẽ lợi dụng sự phê bình này của chúng ta để thổi phồng, bôi đen chế độ. Vì vậy, phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn, chứ không phải để cho địch lợi dụng, để chúng phản tuyên truyền.

Như vậy, có thể thấy tư tưởng là vấn đề cốt lõi trong đời sống tinh thần của con người, nó luôn giữ vai trò chủ đạo, chi phối suy nghĩ và hành động của con người. Tư tưởng đúng đắn, thông suốt, lập trường giai cấp vững vàng luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên lòng quyết tâm, ý chí kiên cường của người cách mạng; là tiền đề, cơ sở để hành động thống nhất, mạnh mẽ, hiệu quả. Ngược lại, tư tưởng lạc hậu, phản động là lực cản kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nguồn sức mạnh đặc biệt to lớn của Đảng. Công tác tư tưởng là sự tác động lên trạng thái tư tưởng, tinh thần, tình cảm của những đối tượng khác nhau, nhằm tạo nên sự ổn định về chính trị, tinh thần trong xã hội, thúc đẩy cách mạng tiến lên.

Quan điểm, phương châm xử thế ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn, còn nguyên giá trị cho hôm nay. Học Người và vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong điều kiện không giai, thời gian, công việc cụ thể sẽ đưa chúng ta đến thành công và ngược lại.

Ngày 23/09/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 205. Đây là lần đầu tiên vấn đề “Kiểm soát quyền lực” trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng do Bộ chính trị ban hành. Đây cũng là lần đầu tiên một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Quy định nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền. Đầu tiên là tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Hành vi chạy chức, chạy quyền cũng được thể hiện ở việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản; sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Người chạy chức, chạy quyền còn có thể lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

Hành vi chạy chức, chạy quyền khác được chỉ ra là dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...

Quy định cũng nêu 8 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, bao gồm: Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn thể hiện ở việc trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ...

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay sẽ bị kỷ luật theo quy định hiện hành; các trường hợp khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức thì bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn lần lượt là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định, đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, quy định nêu cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan không được bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương...

Nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ.

Quy định cũng nghiêm cấm việc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

Đối với nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ, quy định nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ.

Có thể nói, Quy định Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những góc tối nhất trong công việc "gốc" của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Dù rằng đó là công việc hết sức khó khăn và nhiều gian truân, nhưng trước mắt, việc ban hành Quy định này sẽ làm cho những người có ý định "chạy" và "được chạy" cũng sẽ phải chùn bước.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ban hành tại thời điểm các cấp ủy Đảng trên toàn quốc đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Quy định này được đánh giá là kịp thời để ngăn chặn tình trạng lộng quyền, lạm quyền và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang có ý định chạy chức, chạy quyền.

Đáng chú ý, Quy định 205 nêu rõ: Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ. Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách.

Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp).

Đánh giá cao Quy định đã ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu, tổ chức giới thiệu với người được giới thiệu vào các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, song ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lấy làm tiếc vì nếu Quy định này sớm được ban hành thì sẽ phần nào hạn chế được những vụ việc bê bối trong công tác cán bộ thời gian qua.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, hàng chục cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Song, dường như chúng ta chưa thấy một cá nhân nào đứng ra nhận khuyết điểm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân về việc chính họ đã giới thiệu nhân sự vào cấp ủy, chính quyền các cấp mà sau đó không hoàn thành nhiệm vụ, mắc khuyết điểm, thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  nhấn mạnh: “Đây chính là lỗ hổng, khoảng trống trong kiểm soát quyền lực”. Và Quy định lần này có tác dụng làm cho người giới thiệu thận trọng hơn, nghiên cứu một cách kỹ càng, thấu đáo hơn và tự chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình.

Theo ông Tiến, nên công khai danh tính của người giới thiệu nhân sự để cơ quan, tổ chức giám sát. Đồng thời hiện thực hóa quy định, ràng buộc trách nhiệm giữa người giới thiệu và người được giới thiệu trong các văn bản cụ thể để các cấp, tổ chức thực hiện.

Ông Lê Như Tiến cho biết “Nếu người được giới thiệu thực sự tốt thì người giới thiệu được tiếng thơm, được vinh danh. Còn nếu người được giới thiệu mắc khuyết điểm, bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu công khai, minh bạch về việc cá nhân giới thiệu nhân sự thì khi công tác cán bộ có vấn đề, chỉ cần lật lại hồ sơ xem người giới thiệu thì sẽ biết trách nhiệm thuộc về ai thì khi đó những khuyết điểm, tồn tại cũng sẽ được khắc phục”.

Vi phạm công tác cán bộ để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó không chỉ là nguy cơ mà đã trở thành thực tế qua hàng loạt vụ việc bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua.

Chưa bao giờ dư luận lo ngại, bức xúc về tình trạng bổ nhiệm cán bộ tràn lan ở nhiều địa phương, cơ quan như hiện nay. Chồng bổ nhiệm vợ, bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em. Thế mới có hiện tượng “cả họ làm quan” hay muốn được bổ nhiệm, cất nhắc phải có các yếu tố như: quan hệ, tiền tệ, hậu duệ…

Nhà báo Bắc Văn, nguyên Trưởng Ban xây dựng Đảng, báo Nhân dân đã từng có loạt bài nhan đề “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” vào tháng 3/2017. Loạt bài này đã dành giải nhất Giải báo chí Búa liềm vàng năm 2018, trong đó cho biết: Vụ Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho 7 cán bộ bị kỷ luật, gồm cả những cán bộ cấp cao ở ban, bộ, cơ quan Trung ương, dù có người đã về hưu. Tìm hiểu kỹ vụ việc, cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do yếu kém, khuất tất trong công tác cán bộ.

Nhà báo Bắc Văn cho rằng, có 3 bài học sâu sắc rút ra từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trước hết là việc cố tình làm sai các quy định về công tác cán bộ. Quy định có rồi nhưng những người có trách nhiệm vẫn cố tình lờ đi. Thứ hai, chính những cơ quan tham mưu chiến lược về công tác cán bộ lại không thực hiện đúng yêu cầu, chỉ đạo của Ban Bí thư. Thứ ba là có lợi ích nhóm trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch Trịnh Xuân Thanh để từ 1 cán bộ sai phạm, lại được quy hoạch làm Thứ trưởng Bộ Công thương…

Với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, nhà báo Bắc Văn cho rằng: Đây là việc làm hết sức cần thiết sau một quá trình chuẩn bị công phu, thận trọng. Nhà báo Bắc Văn nêu quan điểm “Ban hành vào thời điểm này là rất kịp thời khi chúng ta đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trong đó vấn đề nhân sự là vấn đề cực kỳ quan trọng. Việc ban hành Quy định này chính là sự cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang lăm lăm ý định chạy chức, chạy quyền”.

Nguyên Trưởng Ban xây dựng Đảng báo Nhân dân cho rằng, để thực hiện nghiêm quy định này, những cơ quan làm công tác cán bộ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung của Quy định, phải thấy rõ nguy cơ, tác hại của vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Nếu không ngăn chặn sẽ để lại hậu quả khôn lường, sẽ làm hỏng cả tổ chức, cả bộ máy. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của Ủy ban Kiểm tra các cấp đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ. Mọi dấu hiệu không bình thường cần được kịp thời xem xét, kết luận; nếu vi phạm phải xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Bên cạnh đó phải minh bạch thông tin về công tác cán bộ để nhân dân giám sát.  

Qua nội dung 14 nhóm giải pháp được đưa ra trong Qui định 205 của Bộ Chính Trị với mục tiêu hướng tới 4 không gồm: "không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy" tôi nhận thấy để là một đảng viên tốt, một quần chúng ưu tú thì phải thấy được giá trị xã hội mà chúng ta mang lại cho cộng đồng một cách thiết thực chứ không phải vịn vào những chức vụ đi bằng “cửa sau” mà không đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Từ một chuyến về nguồn của đoàn viên chi nhánh ngân hàng BIDV… ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chúng tôi thấy được những tấm gương người lính cụ Hồ không chỉ ngoan cường anh dũng trong thời chiến mà còn là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bé Hai chia sẻ: Năm 2006, ông nghỉ  hưu theo chế độ, trở về quê nhà tại ấp Mỹ Cần, xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy trước đây, nay là Khu phố 2, phường 4, thị xã Cai Lậy. Sau khi trở về từ môi trường Quân đội, với tình yêu quê hương, đất nước, còn sức lực là còn chiến đấu và công tác, ông tiếp tục tham gia các phong trào ở địa phương như: Ban Liên lạc cán bộ hưu trí xã Nhị Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cai Lậy và hiện nay ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Cai Lậy.

Với 3.000m2 đất nông nghiệp trước kia trồng chủ yếu là vườn tạp, năng suất thấp, thu nhập không đáng kể, ông Hai đã cải tạo thành 3 ao nuôi cá tai tượng với diện tích mặt nước 1.500m2, diện tích còn lại ông trồng 90 cây nhãn tiêu quế và nhãn da bò. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong chăm sóc, cá tai tượng đẻ sớm đầu vụ cộng thêm trúng giá, ước tính sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Thấy việc nuôi cá tai tượng lãi gấp 4 lần trồng nhãn, ông mở rộng diện tích ao cá thêm 500m2, lượng cá tai tượng bố mẹ tăng lên 320 con với số vốn đầu tư khoảng 25 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lần cá tai tượng đẻ, ông thu lãi khoảng 70 triệu đồng và hiện mô hình này đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, ông Hai còn canh tác thêm 4.000m2 trồng nhãn da bò, tuy nhiên thấy hiệu quả kinh tế của nhãn da bò không cao, nhất là dễ bị bệnh chổi rồng, qua tìm hiểu về thổ nhưỡng của vùng đất cát giồng thích hợp với nhiều loại nhãn, ông mạnh dạn đốn bỏ toàn bộ nhãn da bò trồng lâu năm, trồng xen nhãn tiêu quế và nhãn xuồng cơm vàng, cải tạo hệ thống ống nước tưới, vườn nhãn phát triển tốt. Sau 4 năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, trên 160 cây nhãn cho thu hoạch nhưng cũng chưa đạt năng suất cao. Không nản lòng, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm trồng nhãn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, cùng với sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang. Đến năm thứ 6 cây nhãn bắt đầu cho năng suất cao, 160 gốc nhãn cho thu hoạch mỗi năm từ 4 - 5 tấn, bán giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập từ diện tích trồng nhãn trên 120 triệu đồng/năm. Theo ông Hai, giống nhãn ông đang trồng có khả năng kháng bệnh tốt. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông chú trọng cắt tỉa cành, tạo tán cho cây thông thoáng để đâm chồi mạnh hơn.

Cùng với trồng nhãn xuồng cơm vàng, cuối năm 2016, thấy nhu cầu thị trường nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch nên ông đầu tư sản xuất trại nấm với diện tích trên 120m2. Ban đầu gặp khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật, ông tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm tìm cách nhân giống, sử dụng dưỡng chất để nuôi cấy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thấy mô hình có lợi, không chỉ mang lại thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng/năm, mà còn tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bé Hai được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 cấp nhiều năm liền. Mới đây, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đáng để các hội viên cựu chiến binh khác học tập và noi theo.

Công tác cán bộ là công tác về con người, một lĩnh vực khó, nhạy cảm. Sai phạm trong công tác cán bộ sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống tổ chức, làm suy yếu bộ máy; làm cho cán bộ trung thực có năng lực mất động lực phấn đấu; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền các cấp. Càng chặt chẽ, càng cụ thể, càng nghiêm túc bao nhiêu, càng hy vọng chặn được nạn chạy chức, chạy quyền, mới chọn được cán bộ có đức, có tài thật sự.                                                                  

Nguyễn Bá Hùng

Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn

 

.
.
.
.