.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Học cách đón Tết của Bác Hồ

Thứ Ba, 29/10/2019|15:28

Cách đây tròn 60 năm, nhân dịp tết Canh Tý, Hồ chủ tịch viết bài "Mừng tết nguyên đán như thế nào" đăng trên Báo Nhân dân số 2132 ngày 18.01.1960. Mở đầu Bài báo, Bác viết: "Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân!"

Bác Hồ đón tết cùng các cháu thiếu nhi
Bác Hồ đón tết cùng các cháu thiếu nhi.

Trong bài báo, Bác có nêu 02 ví dụ điển hình một là việc tổ chức liên hoan lãng phí tốn kém tiền của, sức lao động của nhân dân; một trường hợp tiết kiệm để đầu tư cho sản xuất, làm ra nhiều lương thực.

Cuối bài viết Bác dặn: “Các đồng chí cán bộ cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho tết Canh Tý thành một tết vui vẻ và tưng bừng, đồng thời là một Tết tiết kiệm và thắng lợi.

          Trăm năm trăm cõi người ta,

          Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.

          Mừng xuân xuân cả thế gian,

          Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân.”

Tết nguyên đán là tết quan trọng nhất trong năm, dân gian có câu: “đói quanh năm, no ba ngày tết”. Câu này phản ánh một nét văn hoá trong tập tục truyền thống của dân tộc và nhắc nhở mọi người một năm chỉ có ba ngày tết cố gắng lo cho tươm tất; song cũng phải tuỳ hoàn cảnh để mà lo toan cho hợp lý, không nên quá tằn tiện song cũng đừng nên lãng phí, tốn kém.Tuy nhiên, cũng không ít người lại hiểu câu nói trên theo nghĩa khác dù thế nào thì cũng phải cố gắng lo cho ba ngày tết thật đàng hoàng, cho “bằng chúng bằng bạn”... thế nên thiên hạ đua nhau lo cho ba ngày tết của mình sao cho thật hoành tráng, năm nay phải to hơn năm ngoái, nhà mình phải hơn hàng xóm. Thế nên nhà nhà, người người đua nhau mua sắm, săn tìm hàng tết. Không ít người cho rằng hàng tết phải thật giá trị, thật nhiều tiền, nhất là tìm được “hàng độc” thì mới oách.

Cứ mỗi dịp chuẩn bị đến tết, nhiều người không khỏi toát mồ hôi khi giở những trang mạng đọc các tin về giá cả, hàng tết, nào là gà Đông Tảo vài chục triệu một đôi, đào cổ thụ hàng trăm triệu một gốc, bưởi "khủng" 200 triệu một cây, lan Trần mộng hàng trăm triệu một chậu...

Đành rằng xã hội hiện đại thì cần phải kích thích tiêu dùng song tiêu dùng phải tuỳ hoàn cảnh, làm sao cho hợp lý. Trong những năm qua, tiêu dùng ngày tết của dân ta có xu hướng ngày càng tốn kém và không ít khoản chi chưa hợp hoàn cảnh, chưa thiết thực hay có thể coi là lãng phí. Không ít gia đình, chỉ riêng tiền trang trí trong nhà ba ngày tết đã lên đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt có người bỏ ra tiền tỷ để trang hoàng đón tết. Tất nhiên những người giầu có, những doanh nhân tìm cách quảng bá thương hiệu của mình nhân dịp tết đến thì không nói làm gì; những gia đình kinh tế vốn không dư giả, những người “thường thường bậc trung” cũng cố gắng đua theo. Tìm mọi cách để có tiền lo cho ba ngày tết thật hoành tráng để “bằng chúng bằng bạn”. Không ít người thu nhập bình bình cũng dám bỏ ra cả tháng lương để dinh được cây đào thế, hay chậu lan về trưng trong nhà để rồi sau tết đến mấy tháng mà “quỹ” vẫn còn âm...

Theo phong tục dân ta, ngày tết, phải có hoa, có quả trong nhà để xua đi những sui xẻo của năm cũ và cầu mong sự may mắn, thịnh vượng, vui tươi cho cả năm mới. Song các cụ chỉ cần một cành nhỏ hoa đào hay hoa mai, một cây quất; người cầu kỳ hơn thì chọn cây có đủ “ngũ phúc”, thế là được rồi. Nhưng giờ đây xem ra thú chơi của lớp trẻ còn mạnh bạo hơn nhiều các cụ ngày xưa nhiều. cây phải càng to, càng cổ, quả càng lớn, càng nhiều và tất nhiên càng độc và càng đắt giá thì càng quý.

Không chỉ có các gia đình đua nhau sắm tết, mà các cơ quan, doanh nghiệp hình như cũng không chịu “thua thiệt”. Nhiều cơ quan trang trí trong dịp tết cũng khá tốn kém. Không ít những chậu hoa, cây cảnh có giá hàng chục triệu đồng được trưng tại trụ sở cơ quan để rồi không ai ngắm (ngày tết các cơ quan đều được nghỉ). Đấy là còn chưa kể đến các khoản chi phí để tiếp khách, để làm quà biếu và lỳ xì cho nhân viên trong cơ quan... Ngoài ra còn phải kể đến khoản những kẻ cơ hội “đục nước béo cò” nhân cơ hội sắm tết để khai khống, khai tăng, bớt xén những khoản chi tết để vơ vào túi.

Chưa có cơ quan nào thống kê được một cái tết cả nước chi phí hết bao nhiêu, nhưng nếu có thống kê được thì con số đó chắc sẽ phải làm cho nhiều người giật mình.

Hàng năm cứ vào dịp chuẩn bị đón tết, từ Trung ương tới các địa phương đều ban hành các văn bản, chỉ thị về việc tiết kiệm. Các danh mục cấm như: cấm dùng rượu ngoại để tặng quà tết, cấm biếu quà tết cấp trên... Nhưng cứ vào dịp tết, nhìn các cửa hiệu bán rượu ngoại và những dòng xe có biển số của các doanh nghiệp và địa phương đổ về Hà Nội thì ai cũng hiểu hiệu quả của các chỉ thị đó đến đâu.

Hiện nay, cả nước ta đang sôi nổi thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại trụ sở của tất cả các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương; trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những khẩu hiệu về cổ vũ cho việc học tập, làm theo Bác. Song tại sao ta không nghĩ rằng tư tưởng và tấm gương đạo đức rất quan trọng của Bác đó là cần, kiệm để xây dựng đất nước.

Nước ta đã thoát khỏi nước nghèo, nhưng vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp. Lãnh đạo nhiều địa phương vẫn đang phải đau đầu để lo cho dân “no trong ba ngày tết”. Nhiều gia đình vẫn còn phải vất vả bươn chải để lo cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Mặt khác, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển vẫn đang đặt ra rất cấp thiết, trong khi hàng năm, Chính phủ vẫn phải đi vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển thì tiết kiệm nguồn lực trong nước vẫn được coi là Quốc sách.

Các cụ ta có câu “buôn tầu bán bè không bằng ăn dè ở tiện”. Nếu như trong dịp tết, mỗi cơ quan, mỗi gia đình, mỗi người cùng tiết kiệm một chút, chi tiêu cho hợp lý, không lãng phí, thì hàng năm chúng ta sẽ dành ra được một nguồn tài chính không nhỏ.

Tết đến, xuân về, hy vọng rằng mỗi cơ quan, mỗi gia đình, mỗi người và toàn thể dân ta học tập và làm theo lời dạy của bác để lo cho cái tết của mình vui tươi, đầm ấm và tiết kiệm, tránh những chi tiêu lãng phí chưa thiết thực để dành ra những đồng vốn quý báu cho đầu tư phát triển. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện và hướng dẫn, vận động nhân dân ở cơ quan đơn vị mình, địa phương mình chi tiêu dịp tết sao cho hợp lý, tiết kiệm. Làm như thế, mới thực sự là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Như vậy, chắc chắn đất nước ta sẽ ngày càng phát triển hơn và tất nhiên Tết của dân ta cũng sẽ ngày càng vui vẻ hơn, đàng hoàng hơn, sang trọng hơn.

Lương Văn Lợi - Phó Chánh VP

Tổng công ty Hàng không Việt Nam

.
.
.
.