.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Hướng về Quốc kỳ ta vững bước trong tương lai

Thứ Ba, 29/10/2019|10:12

Như chúng ta đã biết một đất nước có phồn vinh, đất nước đó phải có một điểm tựa để tất cả mọi công dân phải hướng về đó chính là lá cờ của một quốc gia, đất nước Việt Nam cũng không ngoại trừ có chung điểm tựa ấy. Trở về những năm tháng hào hùng của một đất nước anh hùng, một dân tộc anh hùng chúng ta mới thấy được ý nghĩa của lá Cờ đỏ sao vàng của chúng ta sao mà thiêng liêng thế.

Lá cờ đỏ sao vàng là một minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và lịch sử kiểm chứng trong gần một thế kỷ qua, đó là:

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Việt Nam gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, đổ máu hy sinh anh dũng của nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi của Tổ quốc, giành chính quyền, thống nhất đất nước, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc ngày nay.

Quốc kỳ Việt Nam hiện nay, còn gọi là Cờ đỏ sao vàng, có ngôi sao vàng năm cánh đặt giữa nền đỏ hình chữ nhật. Lá cờ này thể hiện ý tưởng màu đỏ nền cờ tượng trưng dòng máu đỏ, màu vàng ngôi sao tượng trưng da vàng, và năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Nền cờ đỏ còn tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, tượng trưng cho máu và nước mắt đã rơi xuống vì nền độc lập của nước nhà. Mầu vàng của ngôi sao ở chính giữa là biểu tượng của linh hồn dân tộc. Năm cánh sao vàng đại diện cho các tầng lớp nhân dân cùng nhau đoàn kết chiến đấu, xây dựng đất nước.

Lá cờ thiêng liên này xuất hiện lần đầu tiên tại Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, và sau đó trở thành lá cờ của Việt Minh. Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình. Nó được công nhận là quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa theo sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 9 năm 1945, và được Quốc hội khoá 1 năm 1946 khẳng định lại. Trong cuộc họp Quốc hội khóa I ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ và quốc ca”. Lời nói của Bác hiện nay còn nguyên giá trị

Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI đã lấy cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó Quốc kỳ cùa chúng ta tung bay trên các mặt trận văn hóa, kinh tế, đối ngoại… và từng bước hòa nhập với cộng đồng khu vực và trên toàn thế giới và cũng từ đây “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” nhằm mục tiêu “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Trở về lịch sử thời cứu quốc, khi ngọn cờ chúng ta được tung bay phất phới, khi cầm ngọn cờ với khúc khải hoàn ca “Xung phong… Xung Phong… Xung phong”, biết bao nhiêu thế hệ cha anh chúng ta hàng triệu, triệu người đã bỏ xương máu anh dũng hy sinh để giành lấy từng tấc đất, từng trận địa cho dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Xương máu của các anh hùng liệt sĩ đó càng tô thêm màu đỏ son cho lá cờ của một dân tộc mà cả một dân tộc chúng ta tự hào về những hy sinh thầm lặng ấy.

Cũng lá cờ này biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ khi bị giam cầm tại các nhà tù, nhà lao khi bị địch tra tấn thử ý chí kiên cường của người cộng sản và yêu cầu bước qua lá cờ trong sự kỳ thị của quân thù, các chiến sĩ này vẫn thầm lặng bước lên và ngồi xuống hai tay trân trọng cầm lá cờ choàng lên ngang vai trong nổi sợ kinh hoàng của quân giặc.

Hiện nay, cứ vào những dịp lễ của dân tộc, lá cờ và quốc ca tiếp tục được vang lên như khúc khải hoàn ca để ôn lại truyền thống hào hùng và nhắc nhở mọi công dân phải biết yêu lấy nền độc lập từ đó có những hành trang quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của tổ quốc giao cho.

Thế mà, có một bộ phận nhỏ thanh niên không thuộc lời bài Quốc ca, thậm chí còn dửng dưng khi thấy Quốc kỳ tung bay trước gió khi bài Tiến quân ca anh hùng vang lên.

Việc hát Quốc ca đối với các nước trên thế giới là người ta đã mặc định đó là tôn vinh. Hát Quốc ca là sự tôn vinh của cả dân tộc chứ không phải là của riêng ai. Không phải Quốc ca ấy là do Bác Hồ đặt ra hay do Đảng đặt ra mà đó là thể hiện sự thiêng liêng của cả dân tộc. Khi hát Quốc ca, là sự tôn vinh những giá trị, những biểu tượng thiêng liêng của một dân tộc, một đất nước.

Lâu nay trong các đại lễ, hội nghị, đại hội… ở Việt Nam từ cấp nhà nước cho đến làng xã, thì nghi thức chào cờ và hát Quốc ca đã trở thành một mặc định. Việc hát Quốc ca chỉ là sự bột phát từ trái tim, từ tinh thần như một nhu cầu cá nhân. Xuất phát từ Quốc ca là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn với lịch sử đặc biệt, vận mệnh thiêng liêng và ý chí, khát vọng của mỗi dân tộc. Hơn 70 năm qua, Quốc ca Việt Nam mang hồn sông núi, khí thiêng dân tộc và anh linh của bao liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, băng qua muôn trùng thử thách, đau thương, quả cảm đi suốt cuộc trường chinh đầy máu lửa trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quốc ca Việt Nam với những lời ca oai hùng và bi tráng, khơi dậy những trang sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ khuất phục trước bất cứ  kẻ thù xâm lược, hung hãn, tàn bạo nào, thề không cúi đầu trước bất kỳ thế lực to lớn nào.

Chào cờ, hát quốc ca không chỉ là một nghi thức mà Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca từ xưa nay là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào và tinh thần dân tộc. Không thể xem đây như một nghi thức cho có lệ, mà phải thấy đó như là một nghi lễ linh thiêng, có trách nhiệm công dân với đất nước, như một lời thề danh dự cá nhân với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhưng tự lúc nào, lâu nay, trong nghi thức chào cờ có hát quốc ca, chỉ có ở các đơn vị quân đội, công an, trường học và một số sinh hoạt của giới trẻ. Còn nhìn lại các đại lễ, đại hội, hội nghị, lễ chào cờ chỉ phát nhạc, đại biểu ai thích thì hát theo…

Không thể không xúc động khi nhìn các vận động viên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng trong thi đấu thể thao quốc tế, khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên cùng giai điệu Quốc ca Việt Nam vang lên hùng tráng, các vận động viên hát quốc ca trong nước mắt, vinh dự và tự hào. Không thể không xúc động khi cả đấu trường đỏ thắm màu cờ, và vang lên như một sức mạnh đầy nội lực tiếp sức cho các cầu thủ  Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc đấu bóng đá quốc tế, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc. Và có lẽ không thể không trào nước mắt, khi chứng kiến cảnh các em học sinh câm - điếc, “hát” Quốc ca bằng ánh mắt, bằng tay và cả bằng thân hình, thể hiện sự khát khao tột bậc được hát những lời thiêng liêng của Tổ quốc đầy khát vọng.

Để góp một phần nhỏ trong việc thể hiện tự hào, tự tôn dân tộc và cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Đảng bộ Trung tâm Vận chuyển và Kho vận miền Nam (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã thực hiện tổ chức sinh hoạt chào cờ đầu tuần, qua đó nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho CNVC-LĐ về ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tôn trọng Nhân dân theo như chuyên đề năm 2019 mà Đảng ủy đã quán triệt làm nền tảng cho việc tôn trọng dân tộc. Qua buổi sinh hoạt chào cờ kịp thời biểu dương các tập thế, cá nhân, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chắc chắn việc hát quốc ca đầu tuần nhìn thấy lá cờ thiêng liêng của dân tộc chúng ta càng tự tin về đất nước Việt Nam với một tương lai tốt đẹp. Tổng công ty Bưu diện Việt Nam sẽ vững tin bước vào hội nhập và thành công trong thời gian tới.

Nguồn tư liệu:

1. Web của Bộ Ngoại giao với nội dung chính sách đối ngoại của nước Cộng Hòa Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam.

2. Web Đài phát thanh truyền hình Gia lai với trích dẫn Tinh thần dân tộc trong Bài hát “Tiến quân ca”.

3. Vietnamnet – Quốc ca: Câu hỏi đau đánh mạnh vào tự tôn dân tộc tác giải Hoài Hương.

Võ Quốc Dũng - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

.
.
.
.