.
.

Vai trò của tổ chức Đảng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Thứ Năm, 31/10/2019|22:26

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đang trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vai trò rất quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Những năm qua, do chuyển đổi hình thức sở hữu, tái cơ cấu, khu vực DNNN đang được đổi mới, với tỷ trọng GDP giảm dần (từ mức 29% năm 2017 xuống 28% năm 2018), nhưng DNNN vẫn có vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu. DNNN vừa không ngừng đổi mới, đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trên thương trường, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; là lực lượng nòng cốt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.  Có thể nêu một số ví dụ cụ thể: như lĩnh vực điện (cung cấp trên 80% lượng điện sản xuất), than (cung cấp cho nhu cầu công nghiệp, dân dụng, xuất khẩu), dầu khí (là nguồn thu lớn cho nộp ngân sách nhà nước), xăng dầu (Petrolimex trước đây chiếm khoảng 70% thị phần, hiện nay khoảng 50% thị phần xăng dầu), Bưu chính viễn thông (đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc quốc gia; mạng điện thoại di động), bưu điện (chiếm 32% thị phần ngành bưu chính); vận chuyển đường không và đường sắt, dệt may, xuất khẩu lương thực (đầu mối xuất khẩu 70% lượng gạo), xi măng (trên 35% thị phần xi măng), tín dụng ngân hàng (các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 55-52% thị phần huy động tiền gửi và thị phần tín dụng của toàn hệ thống)…

DNNN chỉ hoàn thành được nhiệm vụ chính trị nặng nề ấy, khi tổ chức đảng ở đó phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình, thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.

Để bảo đảm cho DNNN hoạt động đúng định hướng, các cấp ủy, tổ chức đảng trong DNNN luôn chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo; nghiêm túc quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng... Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, quản lý, phát triển đảng viên, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được tăng cường. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy có nhiều điểm mới, phát huy dân chủ, nội bộ thống nhất, vai trò của các tổ chức quần chúng được phát huy. Các mặt công tác đảng ở cơ sở dần vào nền nếp; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên được củng cố và nâng lên một bước quan trọng.

Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đầu tư của Nhà nước; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ, trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, còn nhiều bất cập. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm, công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, tình trạng hẫng hụt cán bộ còn phổ biến; không ít nơi mất đoàn kết trong nội bộ cán bộ lãnh đạo; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp; sinh hoạt đảng ở một số nơi mang tính hình thức, tự phê bình và phê bình yếu. Nhiều cấp ủy đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng kiểm tra, giám sát chưa cao, chậm phát hiện khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống, có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật.

Những hạn chế, khuyết điểm trên do một số nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, những mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường đã và đang tác động từng ngày, từng giờ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, kiến thức về kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và trình độ quản trị doanh nghiệp hiện đại của một bộ phận cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng. Thứ ba, tính chiến đấu của một số cấp ủy chưa cao, nội dung kiểm tra, giám sát nhất là người đứng đầu chưa rõ; một bộ phận cán bộ, đảng viên rèn luyện đạo đức, lối sống chưa thường xuyên liên tục. Thứ tư, mô hình tổ chức đảng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, có nơi còn bị cắt khúc, thiếu sự chỉ đạo, lãnh đạo đồng bộ. Thứ năm, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng chậm đổi mới, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, hiệu quả hạn chế đã góp phần làm giảm vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức doanh nghiệp nhà nước.

Để tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong loại hình doanh nghiệp này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp để khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong doanh nghiệp nhà nước đã được chỉ ra. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị các quy định đã có về xây dựng Đảng, đồng thời tập trung thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là cơ hội để tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước cũng cố và phát triển. Trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, quán triệt và học tập nghị quyết, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống, chủ động phòng ngừa tự diễn biến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp đúng pháp luật và có hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp phù hợp với mô hình quản lý doanh nghiệp, nhằm đảm bảo nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, gắn chặt chẽ giữa yêu cầu công tác xây dựng Đảng với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ của doanh nghiệp. Đồng thời xác định rõ và đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ lãnh đạo, quan hệ công tác của cấp ủy đảng.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Tiểu ban Văn kiện chủ trì phiên họp.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Khối DNTW lần thứ III.

Thứ ba, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị đối với doanh nghiệp nhất là trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, gắn chặt giữa công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; chú trọng cũng cố, kiện toàn cấp ủy nhất là chức danh bí thư cấp ủy, cấp ủy cấp trên cần phải làm tốt việc phân công cấp ủy phụ trách cơ sở đảng trọng điểm, yếu kém, nội bộ mất đoàn kết. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, chống mọi biểu hiện vi phạm quyền dân chủ, dân chủ hình thức, hoặc lợi dụng dân chủ để làm những việc sai trái, nhóm lợi ích, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Bộ Chính trị; Kết luận số 18-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; chi bộ phải thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, giáo dục rèn luyện, quản lý và phân công công tác cho đảng viên, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác, học tập và lối sống.

Thứ tư, Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác đảng sau hợp nhất, khi thực hiện việc hợp nhất theo Quy định 69 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 17 của Ban Tổ chức Trung ương; cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn liên quan hoạt động của doanh nghiệp, có trình độ, năng lực chuyên môn ít nhất bằng cán bộ làm công tác chính quyền. Các cấp ủy, HĐQT, ban giám đốc cần thống nhất xây dựng quy chế, quan hệ công tác nhằm bảo đảm thực hiện tốt chủ trương “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, đổi mới đồng bộ các khâu công tác cán bộ: tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi duỡng cán bộ; bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ. Thực hiện công tác cán bộ công khai, dân chủ và lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo đối với cán bộ, gắn với kết quả thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hằng năm có kiểm tra, rà soát đánh giá việc thực hiện và bổ sung yêu cầu mới. Thực hiện thống nhất chủ trương: chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) đồng thời là bí thư cấp ủy. Xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ; sửa đổi các quy định về quản lý cán bộ theo hướng các cấp ủy quyết định đối với cán bộ từ khâu đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nhưng mỗi cấp tập trung vào một số nội dung và đối tượng nhất định đặc biệt là nhân sự chủ chốt; phân công, phân cấp rõ về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện công tác cán bộ và các khâu trong công tác cán bộ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ theo phân cấp.

Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nhiệm vụ, chất lượng các chỉ chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhất là ở các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực, người đứng đầu doanh nghiệp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cần quy trình hóa trong kiểm tra, giám sát thường xuyên theo vụ việc và giải quyết đơn thư; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác đảng đối với các cấp ủy trực thuộc để các tổ chức cơ sở đảng chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc nổi cộm phức tạp kéo dài. Công tác kiểm tra, giám sát phải kết hợp chặt chẽ với công tác tư tưởng và tổ chức với công tác thanh tra của chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa trong doanh nghiệp và về thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy và quy chế phối hợp công tác với các cơ quan liên quan; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, làm rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, gắn bó chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ trong doanh nghiệp. Đảng lãnh đạo doanh nghiệp bằng chủ trương, chỉ thị, nghị quyết và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về mô hình quản lý doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Tuyệt đối không được “hành chính hóa” công tác đảng. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề bất cập trong mô hình tổ chức đảng, trong cơ chế phối hợp giữa lãnh đạo và điều hành, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đẻ kiến nghị lên cơ quan chức năng có thẩm quyền báo cáo cấp ủy cấp trên, có thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do vậy việc triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp trọng tâm nêu trên phải được tiến hành tích cực, kiên quyết, liên tục với quyết tâm chính trị và sự thống nhất cao nhằm sớm khắc phục những yếu kém, tồn tại, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, tạo động lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng để doanh nghiệp nhà nước thực sự “là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”./.

                                                                                               Nguyễn Trường Sơn

                     (Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương)

 

.
.
.
.