.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Đảng viên, cán bộ ngân hàng là tấm gương đi đầu sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ Hai, 16/11/2020|16:06

Kinh tế - xã hội càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm. Tội phạm rửa tiền là một trong những loại tội phạm đó. Hệ lụy từ tội phạm rửa tiền đối với nền kinh tế là rất nghiêm trọng và là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ thông tin, tội phạm rửa tiền trở nên ngày càng tinh vi và khó phát hiện để hô biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế bằng những thủ đoạn tinh vi để hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm thành tiền và tài sản hợp pháp.

Thị trường tài chính - tiền tệ được nhận định có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công và gây bất ổn. Hoạt động rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ. Nguy hiểm hơn, tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn thậm chí là lệch lạc.

Bên cạnh nạn rửa tiền một vấn nạn cũng gây nhức nhối nghiêm trọng bao năm nay, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế và xã hội, đó chính là tệ nạn tham nhũng. Chúng ta đều biết nạn tham nhũng không phải xuất hiện khi kinh tế phát triển, mà nó có từ rất lâu rồi. Cùng với sự đấu tranh và tố giác của người dân, chúng ta đã phá được rất nhiều vụ án tham nhũng tuy nhiên với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, nạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi khó lường. Các năm gần đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính Phủ, một loạt các vụ án lớn về tham nhũng được đưa ra ánh sáng, những con số thiệt hại được thống kê gây “choáng” cho toàn bộ xã hội.

Chính vì thế, một câu hỏi đặt ra là “phải làm cách nào để chống nạn tham nhũng, rửa tiền?”.

Giải pháp hiện được cho là có hiệu quả cao chính là việc “Thanh toán không dùng tiền mặt”. Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Để đạt được mục tiêu đó cần sự vào cuộc của toàn bộ các ngành như tài chính ngân hàng, cơ quan Nhà nước, các công ty, đoàn thể và người dân trong toàn xã hội.

Vậy thế nào là “thanh toán không dùng tiền mặt” và thực trạng hiện nay tại Việt Nam là như thế nào?

Bản chất của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chính là hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Thay vào đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp như mở tài khoản và thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử… mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt qui đổi. Tiền mặt là tiền vô danh, nhưng tiền thẻ hay tiền điện tử là tiền định danh nên nếu mất tiền mặt là mất luôn còn mất thẻ hay mất ví điện tử vẫn không bị mất tiền vì thẻ hay ví đều có mã riêng mà đối với người nhặt được chỉ là vật vô giá trị. Việc mở tài khoản tại Ngân hàng sẽ nâng cao độ an toàn và quản lý tiền bạc, chi tiêu của người dân một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt luôn thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, sản xuất và dịch vụ được nâng cao. Thực tế cũng đã chứng minh nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Điều này cũng đồng nghĩa với xu thế phát triển của nghiệp vụ thanh toán trong thương mại của một nền kinh tế thị trường là thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, chắc chắn cả nền kinh tế vĩ mô sẽ cùng hưởng lợi theo. Cụ thể, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt như: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa, tránh được các rủi ro nếu phải mang tiền mặt đi nhận hàng, nhất là khi phải mang theo các khoản tiền lớn. Khi thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như từ ngân hàng như: tích lũy điểm thưởng, thẻ khách hàng thân thiết, giảm giá trên hóa đơn thanh toán nếu quẹt thẻ, quét mã QR, cùng vô vàn những chương trình khuyến mãi đối với người tiêu dùng. Cùng với đó thì xã hội giảm được chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm hay bảo quản một khối lượng tiền mặt rất lớn như nước ta hiện nay.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và Ngân hàng. Với người dân thay vì phải tích trữ tiền mặt để phục vụ nhu cầu cá nhân nhưng có rủi ro cao như mất mát, thất lạc, kiểm đếm, lưu trữ, bảo quản, không sinh lợi thì nay chỉ với việc mở tài khoản tại Ngân hàng đã giải quyết được hết các vấn đề trên. Với Ngân hàng, việc cung cấp tài khoản và các sản phẩm dịch vụ của mình cho khách hàng đã thu hút được các khoản tiền nhàn rỗi, tăng nguồn vốn đầu tư, mở rộng và phát triển kinh doanh cho đơn vị.

Ngoài sự tiện lợi và nhanh chóng thì thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp minh bạch hóa thông tin trong nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo gian lận, không đầy đủ. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin nhất là trong thời đại Công nghệ 4.0 kết hợp với những cơ chế chính sách của Nhà nước, việc quản lý các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với các cán bộ Nhà nước, các cấp Lãnh đạo cũng dễ dàng, minh bạch và chặt chẽ hơn. Cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tất cả các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng sẽ kiểm soát được thu nhập, nguồn gốc và đích đến của nguồn tiền. Từ đó hạn chế được nạn rửa tiền, tham nhũng, hối lộ, hoạt động kinh tế ngầm, buôn bán gian lận, trốn thuế…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến ban đầu đáng ghi nhận, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay. MoMo, ví điện tử nổi tiếng nhất ở Việt Nam đã thu hút được 10 triệu người dùng, hình thành hơn 100.000 đối tác và hơn 100.000 điểm bán hàng (POS). Phương thức này đang tiếp tục thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách hợp tác với các ngân hàng và tạo ra nhiều điểm thanh toán cũng như các dịch vụ ngoại tuyến và trực tuyến.

Trước sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam cũng cạnh tranh gay gắt hơn. Các ngân hàng trong và ngoài nước cũng như các công ty tài chính đang thực hiện các chương trình hoàn lại tiền và sử dụng miễn phí trong năm đầu tiên, đồng thời có các cơ chế để các nhà hàng, khách sạn và đại lý du lịch giảm giá cho người thụ hưởng nếu sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, các trường học, bệnh viện... sẽ phải lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, sinh viên, người bệnh... sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán tương tự như việc mua hàng trong siêu thị. Theo NHNN, hiện nay, Việt Nam đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi các giao dịch qua internet, điện thoại di động tăng tới 238% về giá trị.

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế, tới 90% giao dịch, tức là tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ chiếm khoảng 10%, còn thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ này phải chiếm hơn 30% trên tổng giá trị thanh toán thương mại trong tiêu dùng tại Việt Nam. Theo thống kê của NHNN, hiện nay, mới có khoảng 30% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% số người chưa có tài khoản tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng thì mới có thể sử dụng được phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay cả đối với không ít người ở thành phố dù đã có tài khoản tại ngân hàng nhưng trong trao đổi, người ta chỉ đặt mua hàng bằng thẻ tín dụng, đến khi thanh toán thì đa số lại thanh toán bằng hình thức giao hàng thu tiền (COD). Đó vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất với mua bán online tại Việt Nam hiện nay. Như vậy, trong thanh toán hàng online, việc thanh toán trước bằng thẻ tín dụng chỉ chiếm phần nhỏ, còn phần lớn thì khi nhận hàng mới thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho bên giao hàng. Lý do chính là độ tin cậy vào chất lượng, số lượng hàng hóa chưa cao.

Thẻ ATM đã có tại Việt Nam hơn chục năm nhưng phải đến 90% người dân vẫn dùng thẻ ATM để rút tiền mặt sau đó thanh toán, chỉ có khoảng 10% là thanh toán qua thẻ. Như vậy chưa phát huy được hết các chức năng của tài khoản và thẻ.

Bắt kịp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, 5 năm trở lại đây ngành Ngân hàng cũng có những phát triển vượt bậc. Việc áp dụng những chính sách theo định hướng của Nhà nước và Chính phủ hoạt động của Ngân hàng đang dần chuyển đổi mạnh mẽ từ việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ truyền thống như tiền gửi và tiền vay sang tập trung và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử phù hợp hơn với nhu cầu của người dân như: mở tài khoản số đẹp, thẻ khách hàng ưu tiên, thẻ tín dụng quốc tế, Internet Banking đối với cả cá nhân và các doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể trong cả nước, thanh toán điện tử thông qua tài khoản hoặc các trang mua bán điện tử chính thống, dịch vụ chi trả lương qua tài khoản Ngân hàng, dịch vụ thu hộ chi hộ cho các bệnh viện và trường học…

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, theo đúng chỉ thị của Chính phủ, người dân hạn chế ra đường, tránh tụ tập nơi đông người, nơi công cộng nên việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm ưu thế. Tuy dịch bệnh gây nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và xã hội nhưng cũng là thời điểm đẩy nhanh, đẩy mạnh phương thức thanh toán này.Người tiêu dùng đã dần thay đổi từ thói quen mua sắm tại chợ, siêu thị và thanh toán bằng tiền mặt sang mua sắm và thanh toán trực tuyến thông qua các ứng dụng của Ngân hàng hoặc trên các trang web chính thống của các nhà cung cấp, điển hình như các siêu thị lớn và các trung tâm điện tử lớn như: Vinmart, Pico, HC, Nguyễn Kim…

Theo một khảo sát của Cục Thương mại điện tử tháng 3/2020, tỷ lệ đơn đặt hàng và giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại tăng mạnh. Loại hình hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay khô được giao dịch nhiều nhất. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng liên quan đến dịch vụ ăn uống cũng tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu giao dịch điện tử của người dân, các Ngân hàng nhanh chóng đưa ra một loạt các chương trình khuyến mãi liên quan đến các sản phẩm dịch vụ điện tử nhằm khuyến khích người dân nâng cao hơn nữa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng trong việc ứng phó với dịch Covid-19, Công ty CP thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các Ngân hàng đồng loạt miễn hoặc giảm phí chuyển tiền qua mạng cho khách hàng.

Về thanh toán dịch vụ công, sang đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước địa phương đáp ứng được như cầu chi tiêu ngân sách của các đơn vị nhanh chóng và kịp thời. Các bệnh viện, trường học lần lượt mở tài khoản tại các Ngân hàng, thực hiện dịch vụ chi trả lương qua tài khoản và thu hộ chi hộ học phí. Tổng công ty Điện lực và Công ty nước sạch kết hợp với Ngân hàng để thực hiện thu hộ tiền điện, tiền nước cho người dân. Đây là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước.

Việc ra mắt Cổng dịch vụ Công Quốc gia vào tháng 12/2019 đã kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Thông qua Cổng dịch vụ Công Quốc Gia, người dân cũng sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; dịch vụ công.

Xu hướng và các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt hiện là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do mặt bằng thu nhập và trình độ dân trí còn khác nhau, chi phí ban đầu cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt còn cao và đặc biệt là thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên để triển khai rộng khắp phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng từ đó tạo chuyển biến, thay đổi thói quen người dùng.

Chính vì vậy, để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự trở thành công cụ thanh toán hữu hiệu, thời gian tới cần tập trung làm tốt những vấn đề sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Các bộ, ban, ngành liên quan cần tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và cân bằng sự phát triển trong xã hội. Đồng thời đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật và với chi phí hợp lý nhất, tiếp tục giảm phí cho việc sử dụng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Tại Việt Nam thời điểm này đang có những lợi thế để phát triển mạnh mẽ, nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng, do đó cần đặc biệt nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại Ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ thanh toán cho cộng đồng, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Các bộ, ngành cần có những giải pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thúc đẩy việc phối hợp với các NHTM để triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp tạo nhiều tiện ích và thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay, có một số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có thể thực hiện không qua ngân hàng mà qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán manh mún hoặc qua mạng xã hội. Theo đó, người có tài khoản có thể chuyển khoản từ tài khoản tại ngân hàng của họ sang tài khoản của tổ chức cung cấp dịch vụ phi ngân hàng vì khi thực hiện thanh toán giữa các chủ tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng dù tiềm ẩn rủi ro, nhưng rất rẻ, thậm chí miễn phí và không bị kiểm soát. Do vậy cần xem xét, nghiên cứu cho ra đời loại tiền điện tử duy nhất do NHNN phát hành và làm chủ ví. Theo đó chỉ có NHNN mới có thể là trung gian giữa các NHTM, người dân, công ty thanh toán và doanh nghiệp. Mọi khách hàng đều có thể mở tài khoản và thanh toán với nhau một cách miễn phí qua chủ ví.

Đối với hệ thống các NHTM và tổ chức thanh toán

Các NHTM cần tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử với mọi khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa chức năng,thẻ liên kết với nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khi sử dụng và bảo quản thẻ, không như hiện nay, nhiều người dân phản ảnh họ có đến gần chục loại thẻ trong ví, điều đó cũng gây lãng phí cho cả nhà cung cấp và người sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

Chủ động liên kết với chủ ví, các tổ chức có chức năng thanh toán để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các khách hàng cá nhân, tập thể sang ví điện tử.Việc này vừa chia sẻ rủi ro vừa tăng thêm tầng bảo vệ an toàn cho tài sản của người dân.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán; phối hợp với các đơn vị thanh toán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán thống nhất của ngành Ngân hàng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ

Tăng cường liên kết với nhau, với trung tâm thanh toán của ngành ngân hàng trong việc kết nối giao dịch qua tiền ghi sổ, ví điện tử để người mua hàng có thể thanh toán qua ngân hàng.

Nâng cấp, số hóa và mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng ra toàn quốc từ việc chi tiêu Chính phủ, dịch vụ hành chính công như thuế, điện nước, học phí và thanh toán viện phí trong khám, chữa bệnh... đều áp dụng hình thức thanh toán không dung tiền mặt.

Cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Covid-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chịu ảnh hưởng vì sự gián đoạn ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng.

Đảng viên là tấm gương đi đầu và khuyến khích người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Đảng viên, cán bộ ngân hàng phải tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, thường xuyên cập nhật những sản phẩm dịch vụ mới của Ngân hàng, nâng cao nhận thức, kiến thức, trau dồi kỹ năng tài chính của bản thân, chia sẻ với đồng nghiệp và của khách hàng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Đảng viên, cán bộ ngân hàng phải trực tiếp sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó sẽ có kinh nghiệm để tư vấn, hướng dẫn, khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức trên đối với các dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, cước viễn thông, truyền hình, du lịch và giải trí….

Đảng viên, cán bộ ngân hàng phải tìm hiểu những sản phẩm, dịch vụ mới của đối tác, của đối thủ cạnh tranh, phân tích ưu nhược điểm của các sản phẩm, dịch vụ đó, từ đó có thể để xuất với các cấp lãnh đạo, các ban ngành tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử, cải tiến quy trình, rút gọn, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ điện tử của Ngân hàng nhiều hơn nữa.

Đảng viên, cán bộ ngân hàng chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… những khu vực mà công nghệ thông tin còn chưa phát triển, để từ đó đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với họ, thay đổi thói quen tiêu dùng và sử dụng tiền mặt của người dân trong các khu vực đó.

Đảng viên, cán bộ ngân hàng chủ động tiếp cận khách hàng, tìm kiếm và mở rộng tệp khách hàng, chia phân khúc khách hàng một cách cụ thể rõ ràng, như vậy thì sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc đến từng đối tượng khách hàng cụ thể, tăng khả năng bán chéo các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng cho khách hàng. Từ đó sẽ tạo dựng được mối quan hệ thân thiết, niềm tin và uy tín đối với khách hàng.

Có thể nói, với tình hình xu thế phát triển hiện nay của nền kinh thế thế giới nhất là trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, lợi ích của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là quá rõ ràng, việc thay đổi thói quen của người dân từ thường xuyên sử dụng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết, khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của toàn bộ xã hội, từ trên xuống dưới, của Nhà nước, Chính phủ với ngành tài chính Ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân Việt Nam. Bên cạnh đó cán bộ ngân hàng là đảng viên nói riêng và cán bộ ngành Ngân hàng nói chung phải luôn là tấm gương đi đầu và khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đảng bộ VietinBank Chi nhánh Nam Thăng Long

.
.
.
.