.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Đạo đức cách mạng theo Di chúc của Bác Hồ

Thứ Ba, 17/11/2020|19:53

Tôi có cơ hội được đọc một số Di chúc (trong đó có cả di chúc của các danh nhân). Di chúc luôn thể hiện những điều thật nhất. Chân dung của một con người hiện ra, đầy đủ phẩm chất, được trui rèn qua thời gian và rồi những dòng chữ của họ thay thế cho hành động luôn có tính pháp lý và quyết định rất cao. Cả một đời người chỉ gói gọn trong vài trang giấy, nhưng người đi sau, thế hệ nối tiếp, mỗi khi lần giở đều cảm nhận sự phản chiếu như một tấm gương, soi rọi lại chính bản thân mình.

Casumina tổ chức Cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đảng ủy Công ty CP công nghiệp Cao su miền Nam tổ chức Cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tôi đọc di chúc của Bác Hồ với tâm thế của một thế hệ hậu bối, xem Bác như một người ông, người cha. Tôi gạt bỏ tất cả những luận cứ khoa học chứng minh mang tầm vóc lịch sử, xem di chúc của Bác là một di sản. Bởi vì, đã có rất nhiều nhà Khoa học, nhà Chính trị làm điều này.

Tôi đọc di chúc của Bác với suy ngẫm về những hiện thực cuộc sống thời điểm Bác bắt đầu viết, đến lúc Bác hoàn tất và đối chiếu với hiện tại ngày nay. 

Trong đoạn nói về Đảng - đây là nội dung Bác đề cập trước tiên, có nghĩa là quan trọng nhất, thiết yếu nhất. Bác cho rằng giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng giống như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình. Bác cũng đề cập đến sự cần, kiệm, liêm, chính – là phẩm chất của mọi đảng viên cần phải hiểu rõ, nắm chắc, thực hành và rèn luyện thông qua một công cụ sắc bén là tự phê bình và phê bình.

Giai đoạn cả nước bước vào cuộc chiến giành độc lập. Có thể với mục tiêu “tất cả cho tiền tuyến”, ý thức hệ dân tộc đang dâng cao, tất cả dân tộc Việt Nam giành ưu tiên “giải phóng đất nước” lên hàng đầu. Như vậy tính quân đội, quân ngũ, sự rèn luyện mang tính kỷ luật đã thể hiện rất rõ trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Hay nói cách khác, đây chính là môi trường để thực thi tốt nhất và thể hiện rõ nhất sự đoàn kết của cả dân tộc. Công cụ tự phê và phê bình đã phát huy tác dụng cao nhất để thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

Với câu khẩu hiệu có sức truyền cảm hứng mãnh liệt đến toàn thể dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ” đã lay động, đã thức tỉnh và trên hết đã tạo ra một làn sóng siết chặt tay nhau, dốc hết toàn lực để giải phóng đất nước, giải phóng con người khỏi ách nô lệ trên chính mảnh đất tổ tiên ngàn đời đã khai mở và dựng xây. Chính từ đây, những kẻ lợi dụng lòng tin, những kẻ dựa vào vị trí vai trò được phân công để sách nhiễu, đi ngược lại với quyền lợi của đất nước rất dễ bị phát hiện. Công cụ tự phê bình và phê bình đã phát huy tác dụng, đã cảnh tỉnh đảng viên, nhất là các đảng viên đảm nhận những trọng trách của đất nước.

Trong di chúc, Bác không đề cập đến nạn tham nhũng, nạn sách nhiễu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng phảng phất ý tứ này trong nội dung nói về Đảng, đó là “đạo đức cách mạng”. Đạo đức cách mạng là phẩm chất mà người đảng viên phải xem đã là nội dung phải rèn luyện, tu dưỡng và thực hành thường xuyên. Khi ấy, sẽ không còn đất sống cho vấn nạn tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân. Khi sự liêm chính, chí công, vô tư được xem là những phẩm chất của người đảng viên. Điều đó cũng đồng nghĩa với một lực lượng đông đảo quần chúng sẽ được quy tụ dưới ngọn cờ của Đảng, đồng thuận theo Đảng, hết lòng hết dạ theo Đảng, bởi vì họ đã tin, tin vào một đội ngũ Cán bộ đảng viên hết lòng hết dạ phục vụ mình.

Để thực hành tự phê bình và phê bình khó hay dễ? Theo tôi, trong giai đoạn lịch sử mà ý thức dân tộc được đẩy lên cao nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi việc có lẽ sẽ được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi việc đều xuôi chèo mát mái nếu như công tác tự phê và phê bình không được duy trì thường xuyên, liên tục và rõ ràng minh bạch.

Khi những người đảng viên gọi nhau là đồng chí, có nghĩa là họ đang cùng chí hướng, cùng mục tiêu và họ là người tự nguyện tuân theo những quy định của tổ chức. Vì vậy, trước khi nhìn ra sự hạn chế của đồng chí của mình, họ phải nhìn nhận và soi lại chính bản thân mình đã thực sự tốt trong tư tưởng đạo đức, suy nghĩ và hành động. Có như vậy, khi nhắc nhở đồng chí, đồng đội của mình sẽ tăng phần thuyết phục, thông qua tấm gương của chính bản thân họ.

Có lẽ trải nghiệm qua nhiều năm hoạt động cách mạng, cộng với sự nhạy bén của một chiến sĩ cách mạng, Bác đã đúc rút ra nhiều bài học cho chính bản thân và truyền đạt lại cho thế hệ kế tiếp về sự trong sáng, giản dị, lấy bản thân mình làm tấm gương soi rọi thực hành tự phê bình và phê bình.

Điều trăn trở lớn nhất cho người đứng đầu tổ chức là phải xử lý cán bộ thế nào để trọn tình, trọn lý và điều quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Chính trong những hoàn cảnh như vậy, phẩm chất liêm chính, chí công vô tư sẽ thể hiện rõ trong suy nghĩ của người cán bộ, đảng viên, có như vậy mới có thể giải quyết tận gốc được vấn đề. Sinh thời, trong giai đoạn Bác làm Chủ tịch nước, Bác đã phải có một quyết định táo bạo, quyết đoán giữa vận mệnh dân tộc và tình cảm cá nhân: Bác đã quyết định tử hình Bộ trưởng canh nông. Tôi nghĩ, Bác đã trăn trở rất nhiều với quyết định này. Câu nói của Bác vẫn như còn vang vọng “Thà giết một con sâu, mà cứu được cả một cây”.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học mạng và máy tính, thế giới dường như thu nhỏ lại. Bất kỳ sự biến chuyển ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều được cập nhật ngay lập tức và lan truyền khắp nơi. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đem đến những thuận lợi, hiệu quả vô cùng to lớn đối với chúng ta. Tuy nhiên, song hành với nó thì thế giới ngày nay cũng bộc lộ vô vàn những hạn chế khi mà sự phân chia ý thức hệ, sự phân định khoảng cách giàu nghèo ngày càng trở nên khốc liệt. Sự xuất hiện một số đông “Công dân toàn cầu” với đầy đủ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự lưng chừng trong nhận thức của con người, đặc biệt là giới trẻ. Họ nhìn nhận cuộc sống giản đơn, không mục đích. Ranh giới giữa cái tốt – cái xấu bị “làm mờ đi”. Sự che giấu bản chất thật trở nên phổ biến và tinh ranh hơn.

Trên một diễn đàn mà tôi tình cờ lướt qua và đọc được, có bạn trẻ đã đặt câu hỏi “Khi Đảng đang ra sức củng cố, chỉnh đốn bằng hàng loạt những biện pháp rắn, mạnh tay thì vẫn có cán bộ, đảng viên tiếp tục nhúng chàm. Điều này, có làm cho một lực lượng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết trở nên dao động, thất vọng hay không?”. Tôi xin khẳng định rằng, đây là một câu hỏi hay, thể hiện được xu hướng của thời đại, nhưng đâu đó, chúng ta có thể thấy được sự lo lắng cho một tương lai bất định (mà vốn dĩ khoa học đã chứng minh từ rất lâu bản chất của thế giới này là bất định và thay đổi nhanh chóng với tốc độ ngày càng cao).

Tôi cho rằng, cuộc vận động chỉnh đốn đảng trong thời gian qua đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ những thành phần cơ hội, luồn sâu - leo cao vào những vị trí lãnh đạo. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, đã thể hiện bằng những hành động cụ thể theo Di chúc của Bác trong việc thực hành và thấm nhuần đạo đức Cách mạng trong Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, sự đoàn kết trong Đảng là hết sức cần thiết. Bác đã viết “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng giống như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình”. Khi hàng loạt cán bộ đảng viên bị kết án, thì tâm lý ngán ngại, tâm lý đình trệ, không dám quyết, không dám làm đang nhen nhóm trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đoàn kết trong đảng phải thể hiện rõ bằng được hành động thống nhất từ trung ương đến địa phương, đến cả những chi bộ cơ sở. Đoàn kết trong đảng phải thể hiện được sự nhất trí, sự đồng lòng, không hô khẩu hiệu và tạo mọi điều kiện để các địa phương có thể thực hiện các giải pháp đúng, phù hợp với thực tiễn mà không phải ngán ngại. Điều này, đòi hỏi người đứng đầu, lực lượng đảng viên phải là lực lượng tiên phong. Tuy nhiên, đoàn kết không có nghĩa là kết bè, kết phái để loại bỏ những cán bộ năng nổ, dám bứt phá, dám nói - dám làm.

Đoàn kết được thể hiện thông qua công cụ tự phê bình và phê bình. Có thể nói, để thực hành công tác tự phê bình và phê bình trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Trong cuộc sống, cơm áo gạo tiền chiếm một tỷ lệ cao trong quỹ thời gian hàng ngày. Sự xoay vần, kiểm soát để theo kịp với nhịp sống của xã hội, thì việc dừng lại vài phút, nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại hạn chế, khuyết điểm của mình xem chừng rất khó. Thêm nữa, bản chất chung nhất của con người là cần được khen ngợi, cần được tôn trọng và rất khó chấp nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, nếu được thực hành thường xuyên, nhìn lại chính mình, dành vài phút trong ngày để chiêm nghiệm những gì đã trải qua, gột bỏ những suy nghĩ tiêu cực, sẽ dẫn đến hành động tích cực và cũng là một “bộ phanh” ngăn chặn bản thân sa ngã. Là đảng viên, thông qua tổ chức, sẽ nhận thấy những vấn đề tiêu cực, thấy hạn chế của bản thân thông qua góp ý của các đồng chí của mình. Mặt khác, một khi hành động tự phê bình được đẩy lên thành phương châm, mục tiêu bản thân của người đảng viên thì lúc đó công tác phê bình mới đạt được hiệu quả.

Tôi được kết nạp đảng vào năm 2008 và trở thành đảng viên chính thức một năm sau đó. Với một quá trình rèn luyện, phấn đấu trưởng thành từ phong trào đoàn thanh niên trong suốt 8 năm, ngày trở thành đảng viên luôn là niềm tự hào và kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc kỹ và đặt bút viết về Di chúc của Bác. Tôi học được từ di chúc của Bác, chỉ vỏn vẹn có một chữ, nhưng mãi vẫn không cảm nhận hết ý nghĩa sâu xa của nó - đó là chữ “Tâm”. Chữ tâm thể hiện rất rõ trong nội dung nói về Đảng: Đoàn kết cần phải có một tấm lòng hướng đến đồng đội, cần một chữ tâm khi thực hành đạo đức cách mạng, cần một chữ tâm khi thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Ngay cả “Cần, Kiệm, Liêm Chính, Chí công, vô tư” cũng đều xuất phát từ chữ tâm. Khi tâm trong sáng thì mọi việc dường như dễ dàng hơn.

Cuộc sống ngày nay có thể làm thay đổi định nghĩa về giá trị sống. Thông tin đa chiều có thể làm chúng ta (trong một thời khắc nào đó) ngả nghiêng, chao đảo. Đảng viên, trước hết hãy sống với đúng nghĩa là một công dân Việt Nam gương mẫu, cùng nhau đoàn kết hành động theo những di huấn cao đẹp, thực tiễn, đầy sức sống của Bác cho đến ngày nay. Sự thực hành liêm, chính, chí công, vô tư chính là kẻ thù của thói tham nhũng. Tự phê bình và phê bình là lá chắn an toàn đảm bảo sự đoàn kết trong đảng.

Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên BCH Đảng bộ Công ty CP CN Cao su Miền Nam

Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

.
.
.
.