.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ của chi bộ

Thứ Ba, 17/11/2020|19:07

Sinh hoạt chi bộ là phương thức hoạt động cơ bản nhất của mỗi tổ chức đảng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ. Không tổ chức sinh hoạt chi bộ hoặc chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tiễn đã chứng minh, những chi bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là những chi bộ duy trì sinh hoạt chi bộ nề nếp, có hình thức sinh hoạt đa dạng, nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực và chất lượng tốt.

Đảng viên Chi bộ Pháp chế - Khối Pháp chế & Tuân thủ Vietinbank.
Đảng viên Chi bộ Pháp chế - Khối Pháp chế & Tuân thủ Vietinbank.

Vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được các cấp Đảng rất quan tâm và đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về nội dung này, song trên thực tế tùy thuộc vào địa bàn hoặc lĩnh vực hoạt động, công tác mà công tác sinh hoạt đảng tại mỗi tổ chức, cơ sở đảng sẽ được triển khai, thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của chi bộ mình. Trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ kinh doanh như hiện nay đòi hỏi các tổ chức Đảng trong hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp với tình hình thực tế, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh có hiệu qủa, hoàn thành tốt các kế hoạch và mục tiêu được giao. Để làm được điều đó thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của mỗi chi bộ là một trong những biện pháp quan trọng, căn cơ và tiên quyết.

Xuất phát từ những nhận thức nêu trên, trong thời gian vừa qua, Chi bộ Pháp chế trực thuộc Đảng bộ Khối Pháp chế, Tuân thủ và Tuyên giáo đã thực hiện tốt công tác sinh hoạt chi bộ, duy trì sinh hoạt nề nếp, đúng thời gian qui định; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Chi bộ hiện có 05 đảng viên và đều là đảng viên chính thức. Số lượng đảng viên ít cũng chính là yếu tố thuận lợi để tạo được không khí cởi mở, gần gũi, tích cực thảo luận trong mỗi buổi sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh đó, phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận gợi mở, linh hoạt cũng thể hiện rõ nét vai trò chủ trì của Bí thư Chi bộ, đã khuyến khích các đảng viên phát biểu, thể hiện quan điểm cá nhân, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình.

Từ thực tế sinh hoạt chi bộ trong thời gian qua, Chi bộ Pháp chế đã rút ra được một số kinh nghiệm và giải pháp để tự nâng cao chất lượng sinh hoạt trong Chi bộ mình, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và của mỗi đảng viên, là tiền đề để mỗi đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị gắn với nhiệm vụ chuyên môn của mình. Trong khuôn khổ của tham luận, tôi xin chia sẻ với Đại hội về một số giải pháp căn bản như sau:

Thứ nhất, về nề nếp sinh hoạt: Chi bộ cần thực hiện nghiêm túc, nề nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và bám sát các Văn bản chỉ đạo sinh hoạt cấp ủy, chi bộ hàng tháng của Đảng ủy nơi công tác; thực hiện nghiêm túc và có chất lượng việc sinh hoạt chuyên đề. Đối với sinh hoạt định kỳ, Chi bộ tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần, thời gian cụ thể được sắp xếp hợp lý để tất cả các đảng viên được tham gia đầy đủ. Các đảng viên khi được thông báo kế hoạch sinh hoạt cần đề cao trách nhiệm, tích cực chuẩn bị ý kiến tham luận. Tại Chi bộ Pháp chế, việc sinh hoạt chi bộ định kỳ được thực hiện hết sức nghiêm túc. Tuy công việc chuyên môn rất bận rộn, thường xuyên tham gia nhiều cuộc họp nhưng đồng chí Bí thư Chi bộ luôn cố gắng thu xếp lịch sinh hoạt chi bộ vào tuần đầu tiên của mỗi tháng và đều đảm bảo các đảng viên của Chi bộ có mặt đầy đủ. Trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, các đảng viên sẽ được giao chuẩn bị ý kiến đối với các nội dung cụ thể để tập trung nghiên cứu, chuẩn bị trước nhằm nâng cao chất lượng, chiều sâu của các ý kiến trong buổi sinh hoạt. Ngoài các vấn đề được phân công, đảng viên được khuyến khích tích cực tham gia ý kiến ở các nội dung khác.

Thứ hai, về nội dung sinh hoạt: Nội dung sinh hoạt phải cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của đơn vị; việc chuẩn bị nội dung phải chu đáo, hiệu quả, tránh hình thức. Để làm được điều đó, Chi ủy (hoặc Bí thư, Phó bí thư ở những nơi không có Chi ủy) phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để lựa chọn đúng và trúng nội dung sinh hoạt, vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa coi trọng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm.

Thực tế tại Chi bộ Pháp chế, đồng chí Bí thư Chi bộ sẽ chuẩn bị các nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình, đặc điểm của Chi bộ trên cơ sở nội dung tại Văn bản chỉ đạo sinh hoạt cấp ủy, chi bộ của Đảng ủy NHCTVN trong tháng đó, đồng thời bám sát chức năng, nhiệm vụ của Phòng Pháp chế. Các nội dung chính được đồng chí Bí thư Chi bộ báo cáo, trao đổi tại các buổi sinh hoạt Chi bộ thường là: Thông tin chung và những sự kiện nổi bật về tình hình thế giới, trong nước và tình hình hoạt động của NHCTVN; Quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối, Đảng ủy và Ban lãnh đạo NHCTVN; Đánh giá tình hình tư tưởng của đảng viên, người lao động trong phạm vi Phòng Pháp chế; Đánh giá kết quả công tác của Chi bộ trong tháng trước (về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng); nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện trong tháng tới, phân công nhiệm vụ cho đảng viên (trong đó phân công rõ từng đảng viên phụ trách nhiệm vụ cụ thể để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm cả công tác chuyên môn và công tác đảng). Những nội dung sinh hoạt chính sẽ được thông báo trước cho các đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt.

Thứ ba, về phương pháp, hình thức sinh hoạt: Người chủ trì cần tạo không khí cởi mở, dân chủ và lắng nghe, khuyến khích đảng viên thể hiện quan điểm, tâm tư, nguyện vọng; làm cho đảng viên thấy được việc tham gia sinh hoạt và phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi, là dịp được thể hiện chính kiến, bộc lộ suy nghĩ, quan điểm của mình. Có như vậy, cuộc họp chi bộ mới thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, đảng viên có cảm giác hứng thú khi đi họp để được đóng góp, được xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở. Có thể nói, việc tham gia tích cực của mỗi đảng viên tại các buổi sinh hoạt chi bộ cũng chính là một trong những hình thức góp phần xây dựng tổ chức Đảng.

Đối với Chi bộ Pháp chế, mỗi buổi sinh hoạt đều tạo được không khí đầm ấm, gần gũi, sôi nổi; phần báo cáo thường được trình bày rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận, tạo điều kiện để từng đảng viên được phát biểu, thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân, bộc lộ tâm tư, nguyện vọng. Những nội dung mang tính thời sự, nổi cộm, sát với tình hình thực tế, gắn với nhiệm vụ chính trị của Chi bộ hoặc các hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ sẽ được tập trung trình bày và thảo luận nhiều hơn. Trong quá trình điều hành, chủ trì buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ luôn ghi nhận, công tâm, khách quan trong việc lắng nghe ý kiến của đảng viên, đồng thời gợi ý những vấn đề quan trọng để đảng viên tập trung thảo luận, luôn có các phân tích, đánh giá đa chiều trước khi nhận định hay kết luận đối với các vấn đề được đưa ra thảo luận tại buổi sinh hoạt.

Chi bộ là tế bào của Đảng và Đảng chỉ mạnh khi có các chi bộ mạnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng nói: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Một trong những biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh là nâng cao chất lượng sinh hoạt. Bởi vậy, có thể nói sinh hoạt chi bộ là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng và là chế độ được quy định rõ trong Điều lệ Đảng.

Làm sao để mỗi buổi sinh hoạt của các chi bộ, trong đó có Chi bộ Pháp chế, thực sự có chất lượng với nội dung phong phú, thiết thực, phương pháp phù hợp, lôi cuốn đảng viên nhiệt tình, tích cực tham gia, khắc phục được sự nhàm chán, bệnh hình thức trong sinh hoạt chi bộ là yêu cầu cấp thiết và thường xuyên. Đây không chỉ là trách nhiệm của chi ủy hay bí thư chi bộ mà còn là trách nhiệm của bản thân mỗi đảng viên. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp chi ủy và từng đảng viên có các biện pháp, hành động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của mỗi chi bộ, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo tiền đề để thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu qủa nhiệm vụ chính trị gắn với nhiệm vụ chuyên môn trong hoạt động kinh doanh, hoàn thành tốt các kế hoạch và mục tiêu được Ban lãnh đạo NHCTVN giao.

Lê Thị Quỳnh Hoa, Chi bộ Pháp chế

Đảng bộ VietinBank

.
.
.
.