.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Tín dụng xanh - xu hướng tài chính bền vững

Thứ Năm, 19/11/2020|16:38

Tín dụng xanh là việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung đặc biệt là dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Nông trại Greenfarm trồng rau theo phương pháp thủy canh đạt tiêu chuẩu Viet Gap.
Nông trại Greenfarm trồng rau theo phương pháp thủy canh đạt tiêu chuẩu Viet Gap.

Tín dụng xanh và sự cần thiết của tín dụng xanh

Từ năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ một trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, cụm từ "tín dụng xanh" mới trở nên quen thuộc hơn với giới tài chính ngân hàng. Đó là những khoản vay cho các dự án có liên quan đến yếu tố môi trường, như thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...được các ngân hàng chú trọng hơn khi cấp tín dụng.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng kéo theo là những tác động ngày càng nghiêm trọng đến môi trường. Khi đó, vai trò của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng được đẩy lên cao với xu hướng tín dụng xanh. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay.

Với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, tín dụng xanh là giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong bối cảnh mà môi trường đang là một trong những vấn đề bức thiết trên toàn cầu, thì những lợi ích mà tín dụng xanh có thể mang lại cho các TCTD ngày càng lớn. Tín dụng xanh không chỉ giúp các TCTD đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường mà còn cải thiện được chất lượng tín dụng thông qua việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Phát triển tín dụng xanh, hướng tới ngân hàng xanh bước đi thông minh để nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định thương hiệu, thu hút thêm được nhiều nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Thực trạng phát triển của tín dụng xanh tại Việt Nam

Theo số liệu từ NHNN cho biết đến tháng 6 năm 2019, dư nợ tín dụng dành cho các dự án xanh đã tăng 317.600 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2018, trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9-12%/năm.

Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ.

Kết quả khảo sát về áp dụng “tín dụng xanh” trong ngành ngân hàng của NHNN cho thấy có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho “tín dụng xanh”, 17 TCTD đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Những TCTD gắn nhiều với tín dụng xanh thời gian qua có thể kể đến như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, HDBank, VPBank, Nam A Bank, Sacombank,... Không chỉ đơn thuần là cấp tín dụng xanh mà một số ngân hàng gắn tính "xanh" vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn của mình, qua đó tạo được dấu ấn rõ nét hơn trên thị trường. Trong đó có thể kể đến Ngân hàng BIDV đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời.

Ngày 07/03/2019, tại Đại sứ quán Pháp, Hà Nội, BIDV, tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cùng tổ chức Lễ Ký kết chính thức hợp đồng tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Bình Định  với hạn mức tín dụng lên tới 37 triệu USD.

BIDV là một trong số ít ngân hàng đã cấp tín dụng cho nhiều dự án lớn điện gió, biến những khu vực tưởng như hoang hóa trở thành nguồn năng điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Cụ thể, Dự án Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 (Quảng Trị), tổng công suất 60 MW và dự án Phương Mai 3 (Bình Định), công suất 20,7 MW.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo định hướng phát triển của Chính phủ, BIDV luôn dành sự quan tâm, nguồn lực đặc biệt và thực tế đã trở thành Ngân hàng thương mại tiên phong tại Việt Nam cho vay tài trợ các dự án trong  lĩnh vực này. Danh mục cho vay các dự án năng lượng tái tạo tại BIDV hiện nay bao gồm hơn 10 dự án với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng đạt gần 346 triệu USD.

Năm 2020, VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về cho vay xanh, mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cũng như cho các nhà đầu tư quốc tế.

Những khó khăn vướng mắc

Về góc độ quản lý, các TCTD đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh như hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh chưa có các tiêu chí cụ thể để các ngân hàng có căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”. Hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh… Đó là chưa kể các phương án kinh doanh, dự án tham gia chính sách phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Bởi vậy, nếu không có hỗ trợ lãi suất, các khách hàng sẽ chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.

Đặc thù cho vay của các TCTD đối với các dự án xanh còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro vì cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn và trung hạn. Một số dự án điện mặt trời nếu không nằm trong vùng quy hoạch (chỉ dự án trong quy hoạch mới được Nhà nước chấp nhận cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện), đồng nghĩa với đầu ra rất bấp bênh.

Giải pháp từ NHNN

Thứ nhất là xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Thứ hai, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Những khuyến nghị

Thứ nhất không tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn; ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án xanh.Về phía các ngân hàng, việc rà soát, chọn lọc hồ sơ các dự án cần thận trọng để hạn chế rủi ro môi trường - xã hội khi cấp tín dụng xanh; đồng thời tạo cơ chế tài chính bền vững về thời hạn, lãi suất, thủ tục bảo lãnh…

Khi vay tín dụng xanh từ các TCTD, các doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo để tăng cường đầu tư vào dự án thân thiện với môi trường. Đồng thời doanh nghiệp cần sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tìm kiếm các nhu cầu đầu tư xanh cùng hợp tác triển khai

Thứ hai lựa chọn một số định chế tài chính lớn làm mô hình ngân hàng đầu tư xanh thí điểm cũng như lựa chọn một số lĩnh vực, dự án đầu tư xanh thí điểm, sau đó nhân rộng ra.

Tín dụng xanh sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong cơ cấu tín dụng của các TCTD. Đó không chỉ là hành động thiết thực, trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường, mà những khoản vay này còn có độ an toàn hơn so với nhiều lĩnh vực khác, qua đó giúp ngân hàng tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động song hành với kiểm soát chặt chẽ rủi ro theo đúng chủ trương của cơ quan quản lý. 

Thúy Lê - BIDV Lam Sơn

.
.
.
.