.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Vai trò Đảng viên góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong công cuộc phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 tại Việt Nam

Chủ Nhật, 15/11/2020|19:59

Dịch bệnh Covid vẫn đang ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, làm hàng triệu người mắc, hàng trăm người tử vong, tại Việt Nam tính đến ngày 03/08/2020, đã có 621 ca nhiễm, trong đó 6 ca tử vong. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành ngân hàng.

 Thực trạng tác động của dịch bệnh Covid -19 đến ngành ngân hàng tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng chống Covid 19, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, xác định rõ việc chống dịch là chặng đường dài hơi, căn cơ đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, các nước là thị trường tiêu thụ lớn và cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho ngành kinh tế ở Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EUR, ASEAN,…. lại đang gồng mình ứng phó kiểm soát dịch. Việc xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu sản phẩm phụ trợ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, bị gián đoạn do chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gãy đứt, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Việc này đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...  Trước tình hình này, các doanh nghiệp đang vay, có tiền thanh khoản sẽ nhanh chóng tất toán khoản vay hiện có để giảm áp lực về lãi vay. Các doanh nghiệp thiếu hụt vốn cũng e ngại trong việc đi vay mới. Như vậy, nguồn vốn hiện hữu và dư nợ vay của ngân hàng có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phá sản giải thể, làm ăn thua lỗ không đủ tiền trả nợ vay, nợ xấu phát sinh, ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dẫn đến việc lợi nhuận sụt giảm.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ cho nền kinh tế như: Gói chính sách tiền tệ - tín dụng (cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng; gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1-2,5%/năm); Gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng); và gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế. Các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ giảm doanh thu và lợi nhuận do tham gia cho vay các khoản giải ngân mới ưu đãi lãi suất thấp nhằm ứng cứu khách hàng; cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ vay cho các khách hàng gặp khó khăn do tác động của dịch covid – 19 và thực hiện các chính sách giảm phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Hay việc giảm lãi suất huy động xuống thấp cũng dẫn đến tình trạng, nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư sẽ chuyển kênh đầu tư sang mua vàng để tích trữ.

Các ngân hàng phải đối mặt với việc nguy cơ gián đoạn hoạt động kinh doanh do có nhân viên nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Khi đó, việc tạm ngưng hoạt động trong 14 ngày để đảm bảo an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng, khoanh vùng và dập dịch cũng ảnh hưởng lớn đến ngân hàng. Khách hàng sẽ mang tâm lý e ngại khi đến giao dịch, tự rời bỏ ngân hàng chuyển sang đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, một số ngành được đánh giá là có thể hưởng lợi từ dịch bệnh như Y tế, dược phẩm, sản xuất, phân phối trang thiết bị y tế, thương mại điện tử (mua sắm online, giao hàng, chuyển nhanh) do người tiêu dùng có tâm lý lo ngại bị nhiễm bệnh nên thay đổi thói quen thay vì đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị thì sử dụng mua bán qua kênh thương mại điện tử do ưu điểm không phải đến nơi đông người, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi. Đây cũng là một cơ hội để ngành ngân hàng phát triển mảng cho vay tiêu dùng mua sắm hàng hóa thiết yếu và phát triển mạnh mẽ các mảng dịch vụ ngân hàng số.

Giải pháp góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong công cuộc phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 tại Việt Nam

Để làm giảm tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, các ngân hàng cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tiết giảm chi phí, tăng nguồn thu nhập ngoài lãi, giảm rủi ro từ hoạt động tín dụng, cụ thể:

Thứ nhất, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng và quyết liệt, duy trì thường xuyên công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng và duy trì hoạt động liên tục của ngân hàng, góp phần chung tay phòng chống dịch bệnh với cùng xã hội.

Thứ hai, rà soát lại tổng thể danh mục, quy trình, hệ thống xếp hạng tín dụng và điều chỉnh/áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần thiết, tiết giảm các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa mọi nguồn lực hiện có, tăng năng suất lao động. Cập nhật liên tục các thay đổi về chính sách, lãi suất để tránh gây tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Tiến hành rà soát, theo dõi, nắm bắt, đánh giá kịp thời các lĩnh vực, tình hình sản xuất kinh doanh, tiềm lực của các khách hàng có nguy cơ, rủi ro cao do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Từ đó, ngân hàng sớm có chính sách hỗ trợ, sàn lọc và lên phương án ứng phó phù hợp với từng đối tượng cụ thể như giảm lãi vay, giảm/miễn phí trả nợ trước hạn, áp dụng lãi suất ưu đãi, chọn lọc đối tượng khách hàng vay mới, giảm phí dịch vụ. Đây là giai đoạn khó khăn, ngân hàng và các doanh nghiệp/ cá nhân cần đồng hành, tương trợ nhau cùng vượt qua.

Thứ ba, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cung ứng qua kênh ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh (nhất là mảng bán lẻ) như: phát triển mảng POS, QR pay, ngân hàng điện tử, rút gửi tiền mặt tại các kios tự động, mở tài khoản thanh toán/ tài khoản thẻ tín dụng online. Liên kết với các ví điện tử, các công ty mua bán vận chuyển hàng hóa online để tăng việc thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp …miễn phí sẽ gia tăng nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn duy trì trên tài khoản thanh toán thường xuyên và ổn định; cho vay các doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng về y tế, dược phẩm, sản xuất, phân phối trang thiết bị y tế, thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng mua sắm hàng hóa thiết yếu… Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH); hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Trong đó, về tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí...).

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…), nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình; kế hoạch triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Cần phải đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cụ thể, hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử. Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác; phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, tài khoản thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng, kết hợp với mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt (bưu điện, đại lý) và các hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi, có chi phí hợp lý. Tiếp tục mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; có các biện pháp vận động, khuyến khích để cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại khác).…

Vai trò Đảng viên góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong công cuộc phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 tại Việt Nam

Có thể nói, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở vai trò, vị trí công tác nào cũng phát huy cao tính tiên phong, gương mẫu, là những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bằng những việc làm ý nghĩa, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, cho đến thời điển hiện tại, người dân trên địa bàn đã thực hiện rất nghiêm túc và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ nhất, chung tay trong việc phòng chống ứng phó với dịch bệnh covid – 19 tại nơi cư trú, nơi làm việc. Việc triển khai đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng, giảm bớt việc quan ngại cho khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng. Là một cán bộ ngân hàng vừa là một đảng viên phải thường xuyên nắm bắt các chủ trương, chính sách về phòng dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, chính quyền Thành phố. Giữ vững lập trường chủ động phòng chống dịch bệnh nhưng không hoang mang, bình tĩnh nhưng không chủ quan, nâng cao cảnh giác, không lơ là, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh tại các kênh thông tin chính thống Bộ Y Tế; nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh, cụ thể: tăng cường rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn tay nhanh, kiểm tra đo thân nhiệt toàn bộ đối tượng vào chi nhánh trước khi bước chân vào điểm giao dịch, đeo khẩu trang khi giao dịch hoặc đi công tác đặc biệt là giao dịch viên, thủ quỹ CN/PGD bắt buộc đeo khẩu trang, găng tay 24/24 tại điểm làm việc ngay cả khi không giao dịch với khách hàng, giữ khoảng cách an toàn. Lưu ý, cần chú trọng công tác xác thực khách hàng đảm bảo an toàn giao dịch, phòng ngừa kẻ gian trà trộn lợi dụng trục lợi, giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tới các nơi tập trung đông người, thường xuyên khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh tại khu vực giao dịch, nơi làm việc, máy ATM. Lưu ý: có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi chuyển nộp về kho bảo quản.

Đồng thời, nắm rõ các triệu chứng nghi ngờ bệnh, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe cá nhân, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có bất kì biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở, viêm họng, hụt hơi hoặc các biểu hiện khác của bệnh đường hô hấp, thân nhiệt cao bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế đế khám và điều trị. Đồng thời, báo cáo với cơ quan y tế địa phương và Bộ phận y tế Trụ sở chính để được hỗ trợ xử lý. Chủ động thực hiện tự rà soát và chủ động khai báo trung thực về các trường hợp bản thân/người thân (có tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp) có đi công tác, du lịch, hoặc quá cảnh tại các địa phương/ nước có dịch; có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại Chi nhánh để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời theo dõi sức khỏe và có kế hoạch cách ly (nếu cần).

Cần tránh tâm lý kỳ thị đối với người bệnh, người vừa đi đến vùng có dịch về... Bản thân không mua tích trữ hàng hóa và động viên mọi người xung quanh không tích trữ, chỉ cần mua sắm đủ các đồ dùng, thực phẩm thiết yếu; các cơ quan chức năng, các siêu thị, cửa hàng… luôn bảo đảm cung cấp đủ các nhu yếu phẩm.

Chủ động và tích cực giải thích, phê phán, phản bác các ý kiến sai lệch, sai trái, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh. Công văn số 79-CV/TW nêu rõ: “Đấu tranh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”. Thông báo 172-TB/TW tiếp tục nêu: “Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh”. Bản thân cán bộ, đảng viên là người sử dụng mạng xã hội cần thận trọng đưa các thông tin về dịch bệnh, nhất là tránh chia sẻ, dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời cần tích cực thông tin tốt, các tác động lan tỏa nhận thức và hành động đúng đắn trong nhân dân.

Thứ hai, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe cũng như tiềm lực tài chính của khách hàng để kịp thời áp dụng các chính sách tài chính thích hợp, hỗ trợ, đồng hành khách hàng trong giai đoạn khó khăn, tránh gây thất thoát vốn, phát sinh nợ xấu.

Thứ ba, làm gương và khuyến khích khách hàng trong việc áp dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính điện tử; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính…: 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phải phối hợp ngân hàng để thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Khuyến khích khách hàng: nạp tiền mặt vào ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng, giới thiệu trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code. Tự mình sử dụng và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, học phí, cước viễn thông, truyền hình…

Đề xuất với cấp cao hoặc Ban ngành tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thẻ thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán trường gần (NFC) trên di động, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, thanh toán số và thương mại dựa trên thiết bị điện tử.

Thứ ba, tăng cường đào tạo cán bộ, nhân viên của phòng, Chi nhánh để có kiến thức, kỹ năng hướng dẫn khách hàng nắm bắt và sử dụng hiệu quả các dịch vụ, phương tiện thanh toán phù hợp, nhận định và đánh giá tình hình kịp thời,chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong công cuộc phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid – 19.

                            Võ Khánh Linh - ViettinBank chi nhánh Chợ Lớn

.
.
.
.