.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong triển khai chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động tại Tổng công ty Hạ tầng mạng

Thứ Hai, 13/09/2021|15:19

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng nhiều lĩnh vực; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức  khai trương Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.

Kể từ khi đại dịch COVID -19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đồng hành cùng cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân với rất nhiều các giải pháp, dịch vụ được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời. Từ việc tăng băng thông cho Cổng dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh thành để đáp ứng lưu lượng truy cập tăng cao, cho tới việc tiên phong cung cấp gói dịch vụ V-Com được tích hợp gần như đầy đủ các dịch vụ số cần thiết cho một doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động bình thường trong điều kiện xảy ra dịch bệnh. Những việc đó đã cho thấy sự sẵn sàng, chủ động của VNPT trong cung cấp các dịch vụ số, đồng thời thể hiện vai trò đồng hành cùng Chính phủ và dẫn dắt đối với xã hội của VNPT trong việc chuyển đổi số để thích ứng với điều kiện xảy ra dịch bệnh nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Thời gian qua, Tập đoàn VNPT đã và đang sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới. Tập đoàn VNPT nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi số trên tất cả các khía cạnh: Hệ thống kỹ thuật, Quy trình kinh doanh và Tổ chức kinh doanh; giữ vai trò và thể hiện vị trí dẫn dắt công tác chuyển đổi số Quốc gia. Với 18 nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm (trong năm 2020) theo 04 chủ đề: Số hóa tương tác khách hàng với VNPT; Số hóa quản trị, điều hành của Tập đoàn; Số hóa hoạt động, quản trị trên các địa bàn; Số hóa công tác quản lý, vận hành và khai thác mạng lưới VNPT và phân giao các đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai từ Tập đoàn đến địa bàn tỉnh thành phố, trong đó VNPT-Net chủ trì 3 nhiệm vụ liên quan tới số hóa mạng lưới.

Thực hiện mục tiêu chung của Tập đoàn, Đảng bộ Tổng Công ty Hạ tầng mạng sớm nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc chuyển đổi số trong việc quản lý, chuyển hoá công việc một cách đột phá nhằm hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Ngay từ khi Tập đoàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số dẫn dắt bởi hành động chiến lược H26 của chiến lược VNPT 4.0, VNPT NET đã chủ động tham gia và tiên phong tổ chức thực hiện các nội dung hướng tới đầy đủ các đối tượng người lao động, công việc và khách hàng. Với 27 chương trình hành động chuyển đổi số, trong đó có 10 chương trình thuộc 03 nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn phục vụ công tác vận hành số hướng tới các mục tiêu sau:

Thứ nhất, làm chủ toàn bộ tài nguyên, năng lực, thiết bị mạng lưới; tự động, tối ưu hoá các quy trình khai thác;

Thứ hai, quản lý, kiểm soát nguồn lực con người và các hoạt động, tiến trình nội bộ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm - Customer Centric;

Thứ ba, phát triển, trang bị các hệ thống, công cụ phục vụ đo lường, đánh giá và quản lý, chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, nhận thức khái niệm về “chuyển đổi số” còn khá mới mẻ, tinh thần về thực hiện chuyển đổi số chưa lan tỏa được tới từng cá nhân, từng người lao động, mức độ chủ động tham gia về chuyển đổi số còn chậm. Từng đơn vị, cá nhân chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong bức tranh chung về chuyển đổi số của Tổng Công ty. Ngoài ra, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các chương trình hành động. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển theo kỳ vọng.

Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện chưa có sự đổi mới, bứt phá. Tính chủ động, tích cực phối hợp giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.

Đảng bộ Tổng công ty Hạ tầng mạng đã nhất quán chỉ đạo trong quá trình chuyển đổi số theo quan điểm: Thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác chuyển đổi số. Chuẩn hóa đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát. Chủ động, tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, gắn chặt với nhu cầu của hoạt động SXKD hàng ngày; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chuyển đổi số để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để VNPT nói chung và VNPT Net nói riêng bứt phá chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống chuyển sang kinh doanh, khai thác dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tập trung nghiên cứu giải pháp để nâng cao trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm của nhân viên thông qua các giải pháp số. Phát huy tối đa các nguồn lực, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; Đảm bảo đủ nguồn lực cho việc chủ động thực hiện chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng Giám đốc Đặng Anh Sơn chỉ đạo quá trình triển khai chuyển đổi số của VNPT Net với các chuyên gia CNTT của VNPT IT và Viễn thông Tỉnh/Thành phố (8/7/2020)
Tổng Giám đốc Đặng Anh Sơn chỉ đạo quá trình triển khai chuyển đổi số của VNPT Net với các chuyên gia CNTT của VNPT IT và Viễn thông Tỉnh/Thành phố (8/7/2020)

Từ những quan điểm nêu trên, Đảng bộ Tổng công ty Hạ tầng mạng đề ra mục tiêu là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do chuyển đổi số đem lại để nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các giải pháp số; đổi mới cơ chế chính sách, mô hình quản trị, mô hình kinh doanh mới nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Triển khai chuyển đổi số trong VNPT Net theo đúng định hướng chuyển đổi số H26 của Tập đoàn VNPT, trọng tâm vào 4 lĩnh vực: Doanh nghiệp số (Digital Enterprise), Vận hành số (Digital Oprerations), Khách hàng số (Digital Customer) và Công nghệ (Technology), xác định các vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết và đưa ra mức độ ưu tiên thực hiện như sau:

Nhanh chóng đáp ứng công tác điều hành hạ tầng mạng theo chất lượng dịch vụ, địa bàn Online theo phương pháp của hành động chiến lược F19. Bên cạnh đó là các hoạt động phát triển mạng lưới, điều hành cơ sở hạ tầng mới cho vô tuyến di động theo phương pháp của hành động chiến lược G20.

Kiến trúc và xây dựng/điều chỉnh các chương trình OSS theo hướng quản lý đối tượng từ lớp tài nguyên, năng lực đến lớp thiết bị và cuối cùng là hạ tầng nhà trạm theo cấu trúc hiện đại, thực tiễn tốt nhất trên thế giới. Các hoạt động cơ sở xoay xung quanh đối tượng, theo suốt vòng đời đều được ghi nhận và quản lý.

Số hoá toàn bộ hạ tầng mạng lưới, lấy hệ thống RIMS (hệ thống quản lý tài nguyên, thiết bị hạ tầng mạng) làm trọng tâm của khung OSS, ưu tiên thực hiện cho mảng vô tuyến di động, truy nhập băng rộng cố định, nhà trạm, cáp quang …

Nhanh chóng đưa các hoạt động chuyển đổi số vào thực tiễn với dữ liệu phải được phản ánh nhất quán, cập nhật từ các hoạt động thực tế một cách đầy đủ và thường xuyên theo các quy trình chi tiết.

Từng bước xây dựng hợp lực các mảng công tác kỹ thuật, đầu tư, tài chính, nhân sự xoay xung quanh các đối tượng của hạ tầng mạng tạo tiền đề, nền tảng cho công tác quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các chương trình chuyển đổi số của Tổng công ty, Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty đã có những chỉ đạo sát sao về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong chiến lược chuyển đổi số với nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau :

Một là, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của chuyên môn, phát huy sự tham gia của các tổ chức đoàn thể

Cấp ủy các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong công cuộc chuyển đổi số của Tập đoàn, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đơn vị, gắn kết chặt chẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số với chiến lược sản xuất kinh doanh.

Tập trung quán triệt cho cán bộ Đảng viên, công nhân viên nắm vững Nghị quyết, chỉ thị cấp trên về thực hiện chuyển đổi số trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tổng công ty. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản trong phát triển VNPT 4.0; làm rõ cơ hội thách thức, sứ mệnh, vai trò của VNPT trong kỷ nguyên số với quan điểm VNPT là một tổ chức số.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả chuyển đổi số, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đưa nội dung chuyển đổi số vào sinh hoạt định kỳ, thường xuyên của các tổ chức Đảng, chuyên môn, tổ chức đoàn thể; đưa yêu cầu về chuyển đổi số vào công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá tổ chức, cá nhân đã có những thành tích đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhân rộng điển hình tại đơn vị.

Khẳng định vị thế chủ lực của Tổng công ty trong việc đáp ứng yêu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số Tập đoàn.

Bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn về vấn đề chuyển đổi số để kịp thời chỉ đạo thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Xác định chuyển đổi số yêu cầu phải Chuyển mình tư duy, Đổi mới hoạt động, Số hóa giá trị. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Chuyển hướng quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt (OKR - Objectives and Key Results), thúc đẩy các hoạt động theo hướng Bottom-up giúp các hoạt động nền tảng phía dưới chủ động gắn kết mục tiêu cụ thể với mục tiêu chung của đơn vị và Tổng Công ty.

Kiểm tra, giám sát và đánh giá các tổ chức đảng, cấp ủy, Bí thư cấp ủy; lựa chọn các đơn vị điển hình có tính tiên phong, có cách làm mới, sáng tạo để phổ biến nhân rộng, truyền thông nội bộ.

Phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn tại Tổng công ty và các đơn vị trong các phong trào về chuyển đổi số. Đoàn Thanh niên tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong việc đăng ký đảm nhận các công trình thanh niên liên quan đến chương trình chuyển đổi số.

Hai là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số

Tập trung quản trị các chỉ số điều hành trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Triển khai bộ chỉ số điều hành và phân nhiệm rõ ràng từ cấp lãnh đạo Tổng công ty/Lãnh đạo đơn vị đến từng bộ phận, người lao động, làm cơ sở để đánh giá/trả lương. Tập trung vào các chỉ số Quản trị nguồn nhân lực của Tổng công ty (Nâng cao chất lượng nhân sự quản lý, người lao động, đáp ứng chuyển đổi số, chuyển đổi nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, trả lương cho người lao động trên HRM…). Xây dựng mô hình hoạt động phủ hợp với sự chuyển đổi của công nghệ và dịch vụ.

Hoàn thiện các chính sách và cơ chế tạo động lực cho các nhân sự (đội ngũ, chính sách nhân sự) tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Rà soát đội ngũ lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khuyến khích các lao động có năng lực chuyển đổi sang lĩnh vực CNTT, đồng bộ với việc tuyển dụng mới lao động CNTT trong thời gian tới.

Tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, trong đó ưu tiên nhân lực liên quan đến công nghệ, dịch vụ số.

Phân công giao nhiệm vụ cho các vị trí quan trọng PO/VPO/PM các chương trình chuyển đổi số. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc VNPT trong thực hiện chuyển đổi số theo RACI từng quy trình/ chương trình cụ thể.

Thành lập bộ phận nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật với đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ trình độ năng lực, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc nghiên cứu triển khai công nghệ mới; khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học/sáng kiến sáng tạo.

VNPT Net thực hiện chuyển đổi hệ thống OCS.
VNPT Net thực hiện chuyển đổi hệ thống OCS.

Ba là, nâng cao năng lực và tăng cường áp dụng công cụ, giải pháp, mô hình hiện đại thúc đẩy chuyển đổi số  

Triển khai xây dựng hạ tầng mạng hiện đại (bao gồm hạ tầng, năng lực, công nghệ đảm bảo năng lực, linh hoạt trong tương lai) với các nền tảng cho phép phát triển và triển khai nền tảng cung cấp dịch vụ (Service Enabling Platforms) của VNPT, phục vụ mục tiêu phát triển không gian số cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và nội bộ VNPT; tuân thủ quy hoạch phát triển của Tập đoàn, đạt chuẩn tiến độ, đáp ứng kịp thời yêu cầu kinh doanh và phục vụ.

Triển khai các nền tảng để phục vụ các chương trình Chính phủ điện tử, Chính quyền số, đô thị thông minh và các hệ thống phục vụ chuyên ngành y tế, giáo dục, giao thông…

Chỉ đạo triển khai việc cụ thể hóa các công cụ quản trị hiện đại (mô hình quản trị eTOM, ITIL, BSC/KPI, Learn Six Sigma, OKR) trong xây dựng quy định chức năng nhiệm vụ các tổ chức, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý, điều hành theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm; xây dựng hệ thống trải nghiệm khách hàng một cách nhất quán và xuyên suốt; chuyển hướng các hoạt động của Tổng công ty theo mô hình doanh nghiệp số.

Áp dụng chuyển đổi số trong công tác vận hành khai thác, phân cấp và có công cụ để giám sát và tối ưu chất lượng theo hướng trải nghiệm khách hàng.

Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của Tổng công ty đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ hiện địa khác (Clouds, BigData…), đáp ứng yêu cầu quản trị của Tổng công ty.

Đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực về chất lượng dịch vụ, quản trị chi phí, quản lý tài sản, số hóa tài liệu, trải nghiệm khách hàng; phương pháp hoàn thiện các quy trình điều hành quản lý lỗi, xử lý lỗi và quản lý tài nguyên mạng, tiến tới chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống chuyển sang kinh doanh, khai thác dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ thông tin.

Những kết quả bước đầu trong lĩnh vực Vận hành số. Đầu tiên là số hoá toàn diện các mảng tài nguyên, thiết bị hạ tầng mạng tạo điều kiện triển khai các quy trình công việc chi tiết tới từng người lao động, từng đối tượng hạ tầng mạng và cuối cùng góp phần quan trọng tạo ra những giá trị cho VNPT như: vận hành mạng lưới theo dự dẫn dắt bởi chất lượng dịch vụ, chất lượng trải nghiệm khách hàng cùng với sự gia tăng việc tự động hoá các quy trình khai thác; hỗ trợ tuyến đầu cho lực lượng trực tiếp phục vụ, khai thác hạ tầng mạng và chăm sóc khách hàng; phát triển mạng lưới đột phá theo cách thức mới gắn chặt chẽ với hoạt động kinh doanh theo địa bàn đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trong tháng 8/2020, Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty đã quyết liệt chỉ đạo đưa vấn đề trên làm nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai, làm cơ sở cho việc triển khai Nghị quyết chuyên đề về ” Tăng cường sự lãnh đạo trong chiến lược chuyển đổi số”, trong đó giao cho Tổng giám đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan/các vị trí PO/VPO/PM thực hiện chương trình chuyển đổi số theo định hướng kế hoạch chuyển đổi số 2020 của Tập đoàn và tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ Tổng công ty. Đảm bảo triển khai đúng tiến độ của Tổng công ty về thực hiện chương trình chuyển đổi số.

Trong những năm tới, Xác định chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu. VNPT đang giữ vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam và đã đặt ra mục tiêu trở thành nhà mạng đem lại nhiều trải nghiệm nhất cho khách hàng trong việc triển khai công nghệ mới, dịch vụ mới với chất lượng mạng, dịch vụ và phục vụ tốt. Để đạt những mục tiêu đó, VNPT Net cần phải khẳng định hơn nữa vị thế là đơn vị chủ lực của Tập đoàn, góp phần giữ vững và phát huy vai trò dẫn dắt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia./.

Đặng Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng

.
.
.
.