.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Lan tỏa và đẩy mạnh văn hóa học hỏi sáng tạo tại BIDV

Thứ Sáu, 22/10/2021|15:22

Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; Học để phụng sự đoàn thể”. Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức. Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, khi đã tuổi cao, sức yếu, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là. Tư tưởng của Bác về không ngừng học tập, làm việc và sáng tạo luôn luôn đúng đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi giai đoạn, là một người Đảng viên tôi luôn tâm niệm và thấm nhuần tư tưởng của Bác trong quá trình công tác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tư tưởng của Bác về không ngừng học tập, làm việc và sáng tạo:

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Cảng Nhà Rồng ra nước ngoài để bắt đầu một hành trình vĩ đại kéo dài 30 năm với mục đích chính là “xem người ta làm thế nào” để về giúp cho dân tộc mình chống ngoại xâm, giành được độc lập tự do. Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, tài sản duy nhất và quý báu nhất của Người lúc đó là hai bàn tay, đôi mắt và con tim, khối óc cùng với khát vọng giải phóng dân tộc. Chính khát vọng đó đã hun đúc cho người thanh niên mảnh khảnh một sức mạnh phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng cứu nước, cứu dân. Bác Hồ học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính, đó là phẩm chất nổi bật ở Bác. Người tìm hiểu phong tục tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, kiếm sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Làm rất nhiều việc, nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi. Danh họa Picaso đã nhận xét về những bức tranh do Bác vẽ trên báo “Người cùng khổ”: “Chỉ mấy nét vẽ này thôi, ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tiềm ẩn bên trong. Nếu tác giả tiếp tục con đường hội họa thì ắt sẽ trở thành một đại danh họa!”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương phong phú và vô giá, tiêu biểu là tập thơ “Nhật ký trong tù”. Như chúng ta đã biết, học chữ Hán cực kỳ khó, để nắm vững nó và làm thơ thì lại khó hơn gấp bội. Chắc chắn, nếu Bác không có quá trình nỗ lực tự học thì sẽ không làm được điều đó.

Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mát-xcơ-va vào tháng 8 năm 1935, Bác đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Về tự học ngoại ngữ, cần học chữ nào Bác liền viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học, đến cuối ngày chữ mờ dần đi cũng là lúc Bác nhớ được hết. Trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Thái Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do tự nhiên mà có, mà chính là cả một quá trình khổ công rèn luyện, học tập của Người.

Việc tự học của Bác Hồ có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Sau này, khi nước nhà độc lập, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác vẫn tự học qua sách báo và trong thực tiễn, bằng sự miệt mài và say sưa tự học, Bác đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng. Nhà nghiên cứu Vaxiliép đánh giá: “Hiếm có một chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Việc tự học của Bác diễn ra suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, cho tới khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn giữ được tinh thần tự học như xưa. Đại tướng Hoàng Văn Thái lại, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường của Bác để nhiều sách báo. Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời, giọng dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”.

Những vấn đề cốt lõi trong tinh thần tự học của Hồ Chí Minh mà mỗi người cần soi chiếu vào để rút ra bài học cho bản thân:

Thứ nhất, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, Người dạy, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi; mọi người đều được học hành, học suốt đời; công nhân và nông dân phải trí thức hóa; dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Người nhấn mạnh, để toàn dân học tập, cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu của tự học là để làm cách mạng: giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ mục tiêu lớn lao đó, Người đã xác định học là một nhu cầu; học tập và tự học tập là việc phải làm suốt đời: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Thứ hai, hành trang khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là chủ nghĩa yêu nước với tài sản duy nhất và quý báu nhất là hai bàn tay, đôi mắt, trái tim và khối óc. Tài sản đó ai cũng có, nó vốn tồn tại như một tài sản vô giá của mỗi con người. Song khác nhau là cách ứng xử của mỗi người. Với Bác Hồ thì “thông minh do rèn luyện mà có…”; thái độ học tập của Người là say mê, luôn khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, không dấu dốt. Người cho rằng: “Không ai có thể tự cho mình là đã biết hết rồi” và “Người nào tự cho mình là đã biết đủ rồi, thì người đó là dốt nhất”, “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”...

Thứ ba, phương pháp học tập của Hồ Chí Minh là: có động cơ học tập trong sáng (học để làm cách mạng, học để phụng sự Tổ quôc, phục vụ nhân dân); thiết lập được một kế hoạch cụ thể, khoa học và học một cách sáng tạo, không dập khuôn theo người khác; học ở mọi người; học ở mọi nơi (học ở trường, học trong sách vở, học ở dân và học lẫn nhau).

Thứ tư, học đi đôi với tự học. Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà trong mọi hoạt động; cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. học phải hiểu cho thực chất. Người căn dặn, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Bác chỉ rõ, đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, chứ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách... Quan điểm xuyên suốt của Bác là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.

Thứ năm, giúp đỡ nhau, hợp tác nhau trong học tập. Theo Hồ Chí Minh, việc học dù là việc riêng của từng cá nhân nhưng mọi người phải học lẫn nhau và giúp nhau học tập, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi. Bác thường bảo, phải học lẫn nhau và học nhân dân; đối với mọi vấn đề, thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu.

Thứ sáu, học để hành. Đây vừa là mục đích vừa là phương pháp. Tức là học để làm (được) việc và làm (được) việc là để kiểm nghiệm việc đã học như thế nào. Hồ Chí Minh dạy, học để hành, hành để học, học với hành phải đi đôi; học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy. Vậy nên, nếu không tự học, không học suốt đời thì khó có thể có đủ kiến thức để hành.

Thứ bảy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong học tập và tự học. Bác nhắc nhở người cán bộ phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng việc học của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải từ thực tế cuộc sống. Bởi có học được từ cuộc sống thì mới thấu hiểu được đời sống của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất…

Tính năng động, sáng tạo trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về sự rèn luyện phẩm chất năng động, sáng tạo. Trong mọi lúc, mọi nơi, Người luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn, không sao chép của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh là quá trình học hỏi, thấm nhuần sâu sắc di huấn của các bậc thầy cách mạng vô sản, “không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm”, mà “phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”. Đó chính là quan điểm thực tiễn, cơ sở của sự sáng tạo. 

Tính năng động, sáng tạo trong Hồ Chí Minh được thể hiện nhiều ở cách nói, lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân là gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”,... 

Khi nói, khi viết, Hồ Chí Minh thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay hơn, bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “lý luận như cái tên (hoặc viên đạn), thực hành như cái đích để bắn”; “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”… Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh cũng luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng; đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo (trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp), sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục… Người dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Lan tỏa và phát huy Văn hóa học hỏi, sáng tạo tại BIDV:

Trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, nếu mỗi người không có ý thức tự bồi đắp, trang bị, cập nhật kiến thức, tri thức cho bản thân thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí là lạc hậu ngay từ khi tuổi đời còn trẻ.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát huy tinh thần tự học; tăng cường đổi mới sáng tạo trong học tập và làm việc; ngày 26/6/2020, tại Hà Nội, BIDV đã tổ chức thành công “Ngày hội Sáng tạo 2020”. Đây là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi hoạt động triển khai Đề án Xây dựng và thực hành văn hóa học hỏi - sáng tạo tại BIDV.

Trong chiều dài lịch sử phát triển, BIDV luôn đề cao tinh thần “sáng tạo hướng đến khách hàng” và đã cung cấp nhiều sản phẩm, chương trình đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhu cầu của thị trường trong từng giai đoạn. Đặc biệt là những năm gần đây, trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các phong trào phát triển nghiên cứu khoa học tại BIDV đã tạo ra khoảng hơn 200 sáng kiến, ý tưởng mỗi năm, tập trung vào việc cải tiến quy trình hoạt động và xây dựng sản phẩm mới phục vụ khách hàng. Nhờ đó, BIDV thường xuyên cung cấp ra thị trường những sản phẩm dịch vụ hiện đại có hàm lượng công nghệ cao.

Như một hiệu ứng từ Ngày hội Sáng tạo, trong năm 2020 toàn hệ thống đã công nhận hơn 350 sáng kiến cấp Cơ sở tại Trụ sở chính, 300 sáng kiến cấp Cơ sở tại Đơn vị trực thuộc và 41 sáng kiến cấp Hệ thống, 12 sáng kiến tiêu biểu cấp hệ thống. Đây đều là các sáng kiến có giá trị cho BIDV, bao trùm những lĩnh vực đổi mới, sáng tạo của tổ chức theo thông lệ quốc tế như: Chiến lược nâng cao năng lực quản trị rủi ro; Các giải pháp tăng cường năng lực công nghệ thông tin (an toàn, bảo mật); Chương trình phần mềm theo xu thế phát triển ngân hàng số/ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Nghiên cứu phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới… Trong đó, tỷ lệ nhiệm vụ có sự ứng dụng CNTT chiếm 54% tổng số nhiệm vụ đăng ký, cho thấy hoạt động nghiên cứu đang bám sát với định hướng chiến lược ngân hàng số của BIDV hiện nay.

Trong chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV xác định rất rõ giá trị cốt lõi: Hướng đến khách hàng – Đổi mới sáng tạo – Chuyên nghiệp tin cậy – Trách nhiệm xã hội. Đồng thời, định hướng và quyết tâm của Ban lãnh đạo BIDV là xây dựng BIDV trở thành một Tổ chức Học hỏi - Sáng tạo. Đặc biệt, BIDV đã hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank, do vậy việc đổi mới sáng tạo trong công tác quản trị điều hành, trong hoạt động kinh doanh là một yêu cầu tất yếu, khách quan phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để chuẩn bị cho “Ngày hội sáng tạo 2021”, BIDV đặt ra chủ đề cho năm tới là “Đột phá để phát triển hệ sinh thái BIDV trong kỷ nguyên số” với thông điệp BIDV - hơn cả 1 ngân hàng. Đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, vừa là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, phát triển khách hàng trong dài hạn. Do vậy, mỗi cán bộ, mỗi lãnh đạo các cấp đều được kêu gọi thấm nhuần tinh thần này, hưởng ứng nỗ lực hơn nữa trong hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó giúp BIDV hiện thực hóa giấc mơ trường tồn và thịnh vượng.

Đào Thu Hằng, Ban Kế hoạch

.
.
.
.