.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

ĐẢNG VIÊN TRẺ TIÊN PHONG, GƯƠNG MẪU, ĐỒNG HÀNH CÙNG NGÂN HÀNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thứ Hai, 08/11/2021|10:13

Tác động của chuyển đổi số đến ngành ngân hàng

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mở ra nhiều thời cơ và thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Xu hướng số hóa tác động sâu rộng tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt yêu cầu người dân, doanh nghiệp, ngân hàng phải chuyển dịch mạnh sang giao tiếp qua kênh số. Trong xu thế số hóa mạnh mẽ đó, phát triển ngân hàng số là con đường tất yếu phải đi của các ngân hàng Việt Nam, là "cuộc đua" không có điểm dừng, thậm chí là cuộc chiến "sống còn" nếu không muốn thất bại. Chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Các ngân hàng Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn từ bối cảnh mới này. Để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, các ngân hàng phải nhanh chóng xây dựng, thực thi chuyển đổi số bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tinh gọn, linh hoạt, tạo dựng văn hóa của tổ chức thích ứng với sự thay đổi và đổi mới sáng tạo không ngừng, phát triển sản phẩm, cung ứng dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, tái trang bị kỹ năng số, xây dựng văn hóa số cho lực lượng lao động, thu hút và giữ chân các tài năng số bằng môi trường làm việc năng động, chính sách đãi ngộ cạnh tranh… Nhiều ngân hàng đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh, không đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin và xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với đặc thù đơn vị mình.

Lợi ích của việc chuyển đổi số đối với các ngân hàng

Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới - hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Từ đó tạo cơ hội cho khách hàng tiềm năng đến với ngân hàng của mình.

Chuyển đổi số giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa các quy trình hoạt động và gia tăng lợi nhuận. Cải thiện hiệu quả vận hành ngân hàng số: số hóa các quy trình nghiệp vụ trong ngân hàng, cải thiện hiệu quả làm việc của nhân viên. Việc kinh doanh cũng như dịch vụ công tác tại ngân hàng được điều chỉnh theo hướng số hóa, các mảng kinh doanh số mới và toàn cầu hóa số, tạo ra các dịch vụ mới và xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Chuyển đổi số giúp ngân hàng bắt kịp được xu hướng của thời đại công nghệ so với các đối thủ cùng ngành.

Các ngân hàng tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, hiểu biết sâu sắc hơn vể khách hàng, mối quan hệ số và các điểm tiếp xúc của họ, luôn đổi mới, thích ứng. Nâng cao trải nghiệm khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm hấp dẫn hơn.

Thực trạng việc chuyển đổi số tại các ngân hàng ở Việt Nam

Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn (Big data), tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo (AI)/học máy (ML), Blockchain, nhận biết và định danh khách hàng bằng eKYC,... trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng. Trong đó, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,... được các ngân hàng áp dụng nhiều nhất và tận dụng triệt để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng giúp tối ưu hóa, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Một số dịch vụ ngân hàng (thanh toán, nhận tiền tiết kiệm) gần như đã được số hóa 100% cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán,...), nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML, Big data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa thủ tục, rút thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày.

Nhiều ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp, tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực như: hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế... nhờ đó, trên ứng dụng di động của ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng được nhiều tiện ích hơn so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng như: Ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV Smart Banking, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB;... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng hợp tác với các công ty Fintech và kết nối với các hệ sinh thái số của các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực khác (các công ty Fintech, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ (Vingroup, Grab,...), các công ty thương mại điện tử (Lazada, Shopee,...), các công ty viễn thông (Viettel, VNPT,...),... để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ một cách liền mạch được cá nhân hóa, từ đó tạo sự gắn kết và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng ở Việt Nam có những thuận lợi như: Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Căn cứ các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách tại Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ: Ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Từ đó NHNN được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Triển khai định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo, ban hành Kế hoạch hành động của Ngành triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị nêu trên, như: Quyết định số 711/QĐ-NHNNngày 15/4/2020; Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 8/7/2020, trong đó đề ra các kế hoạch và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ CMCN 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Kế hoạch, chương trình hành động của ngành Ngân hàng đặt ra yêu cầu mỗi ngân hàng phải xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0 trong giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đối với toàn Ngành: “thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng”; các ngân hàng “chuẩn hóa hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ... phát triển các dịch vụ ngân hàng số trên không gian mạng”.

Với tinh thần đó, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động ngân hàng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số. NHNN đã nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp lý trong hoạt động ngân hàng như: (i) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, trong đó có quy định cho phép các tổ chức tài chính xác minh thông tin nhận biết khách hàng không gặp mặt trực tiếp thông qua phương tiện điện tử (e-KYC); (ii) Ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư  số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn về việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng cá nhân bằng eKYC; (iii) Ban hành chuẩn QR Code áp dụng trong thanh toán, tiêu chuẩn thẻ Chip nội địa nhằm tăng cường khả năng kết nối, xử lý liên thông trong thanh toán cũng như tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác; (iv) Ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nghiệp vụ, hoạt động ngân hàng; (v) Nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển thanh toán điện tử và đề xuất xây dựng Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng;...

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ (Fintech startup), NHNN đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech2; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, công ty Fintech phát triển các giải pháp, mô hình kinh doanh mới với sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi và chi phí thấp. NHNN đã thực hiện việc cấp phép cho các công ty Fintech cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đến nay đã có 39 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép.

Đồng thời cũng nhiều khó khăn là: trong quá trình triển khai chuyển đổi số, các chuyên gia đều nhận thấy các ngân hàng cũng gặp phải không ít thách thức: Trước hết là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, trở thành điểm nghẽn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số mà cụ thể là những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng. Bên cạnh đó là những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật….Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi, cụ thể, rủi ro lộ SMS OTP, rủi ro từ người thân, rủi ro từ tài khoản giả mạo, mua bán dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản. Khi khách hàng bị lừa tiền, tiền chuyển rất nhanh qua các tài khoản giả mạo. Điều này dẫn đến không định danh được người thực hiện giao dịch, khó khăn trong điều tra thu hồi tiền cho khách. Việc chuyển đổi số cần thực hiện đổi mới thường xuyên liên tục, do vậy đòi hỏi rất nhiều nguồn lực của ngân hàng.

Vai trò của đảng viên trẻ tiên phong, gương mẫu, đồng hành cùng ngân hàng trong hoạt động chuyển đổi số

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, hành động; những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”; “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Điều lệ Đảng, Đảng ta khẳng định: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng. Người đảng viên có vị trí và vai trò rất quan trọng - là chiến sĩ, người xây dựng, người lãnh đạo và là người phục vụ. Chúng ta có thể thấy vai trò chiến sĩ của người đảng viên ở vị trí người chiến sĩ cách mạng trong đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu và chiến đấu vì lợi ích nhân dân. Không những vậy, đảng viên còn là người tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân; có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách đó.

Hiện nay, trước yêu cầu của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là đảng viên trẻ phải tiên phong, gương mẫu, đồng hành cùng ngân hàng trong hoạt động chuyển đổi số. Với nhiệt huyết, trách nhiệm, nhạy bén và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, đảng viên ý thức được trách nhiệm vai trò của mình, tích cực thay đổi tư duy, phong cách làm việc và quản lý, tạo bước đột phát cho quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan, là cơ hội, là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, là công cụ đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của ngân hàng, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Hơn ai hết, đảng viên trẻ là những người tiên phong thay đổi để theo kịp thời đại vì một thực tế khắc nghiệt rằng nếu chúng ta không thay đổi nhanh chóng, chúng ta chậm chạp, trì trệ,… đồng nghĩa với việc chúng ta trì trệ, chậm chạp và tụt hậu. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu ở các cấp đóng vai trò quan trọng đảm bảo thành công của quá trình chuyển đổi số. Đảng viên trẻ cần đổi mới tư duy, tư duy tổng thể toàn cầu, tư duy tiến cùng thời đại, tư duy kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, mà trong đó nguồn lực, động lực quan trọng nhất là tri thức và sáng tạo. Tri thức và sáng tạo dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ  cao - nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Đảng viên trẻ luôn ý thức phải không ngừng trao dồi tri thức và ứng dụng tri thức vào công việc hàng ngày của mình; bắt kịp và dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới có khi trái ngược với những gì mà chúng ta đã từng theo đuổi trong quá khứ.

Để góp phần thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số của ngân hàng, đảng viên trẻ cần

Thứ nhất, chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và đổi mới phong cách làm việc dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo. Đó là tư duy tích hợp, gắn với sản phẩm thông minh, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật... là sự tích hợp và hội tụ của các công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là cơ sở trực tiếp để đổi mới tư duy đột phá vào một nguồn lực mới, khâu quan trọng của CMCN 4.0. Đảng viên trẻ luôn tâm niệm và thực hành đó là trí tuệ con người luôn phải được cập nhật và phát triển, do đó phải học, học nữa, học liên tục, học mãi, và đặc biệt là vận dụng vào công việc, là chia sẻ tài nguyên tri thức cho đồng đội, cho cộng đồng.

Thứ hai, mỗi đảng viên luôn nắm rõ, nắm vững để nói, viết và làm theo chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị. Đảng viên xung kích, đi đầu trong việc tự nguyện đảm nhận những công việc mới, công việc khó do tổ chức giao cho. Thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ chuyện môn, năng lực công tác và nhận thức chính trị. Muốn nâng cao tính tiền phong, người đảng viên phải có kiến thức chuyên môn cần thiết và nhận thức chính trị cơ bản. Nhận thức chính trị giúp mỗi đảng viên hiểu rõ lý tưởng cộng sản, ý nghĩa chính trị của từng việc làm cụ thể, để kiên định mục tiêu cách mạng, tự giác đi đầu trong mỗi hành động. Tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh, nhất là đảng viên có chức, có quyền.

Thứ ba, chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện mọi nhiệm vụ, tận tâm, trung thực, sáng tạo với năng suất, chất lượng cao; kết hợp được lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích đơn vị; góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của  đơn vị. Đảng viên có phong cách làm việc khoa học, thái độ đúng đắn với lãnh đạo và quần chúng và là người nêu gương trong mọi tình huống. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, không “dĩ hòa vi quý”, không thỏa hiệp, bao che cho cái chưa tốt, chưa tiến bộ của đồng nghiệp. Trung thực và cầu thị trong phê và tự phê bình. Mạnh dạn nhận khuyết điểm và tìm giải pháp khắc phục để ngày càng tốt hơn.

Thứ tư, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành công việc, hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong từng công việc cụ thể khi được lãnh đạo đơn vị phân công để thực hiện. Hoàn thành công việc đúng tiến độ với chất lượng cao. Không bằng lòng với kết quả của ngày hôm nay mà chủ quan, lơ là trong việc nghiên cứu, học hỏi từ lãnh đạo và đồng nghiệp. Công bằng, khách quan hơn nữa trong điều phối, đánh giá công việc trong nhóm.

Thứ năm, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, linh hoạt hơn, xây dựng kế hoạch cụ thể cho công việc tuần, tháng, quý một cách phù hợp để khi triển khai công việc sẽ đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch và đạt chất lượng cao, đồng thời có thể tiếp nhận thêm các công việc phát sinh đột xuất.

Thứ sáu, không có một nền tảng công nghệ nào tuyệt đối bất khả xâm phạm nên các ngân hàng đầu tư đầy đủ công nghệ, hệ thống bảo mật theo chuẩn mực thế giới. Song song với đó, ý thức, cũng như tinh thần của mỗi khách hàng cần phải nâng cao khi dùng dịch vụ ngân hàng số. Do vậy, đảng viên trẻ cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho mọi người về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử, tạo sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử (như thanh toán qua Internet, ví điện tử, điện thoại di động…).

Võ Khánh Linh, Tạ Thị Lê Ly, Ngô Lưu Phúc, Nguyễn Cao Khanh

Chi bộ chi nhánh Chợ Lớn

.
.
.
.