.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Dịch Covid-19 và cơ hội đổi mới hoạt đông Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Thứ Hai, 08/11/2021|19:00

Dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử toàn thế giới, với nhiều yếu tố khắc nghiệt, nguy hiểm: Gây bao tang thương cho người dân vô tội, chia cách con người, giãn đoạn nguồn cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, quá tải hệ thống y tế; con người trở lên nhỏ bé, bị cô lập, đơn độc bởi một loại virut vô hình “Covid-19”. Nhưng dịch Covid-19 cũng là cơ hội thúc đẩy đổi mới của hoạt động Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân viên trực điều độ hệ thống điện thực hiện “3 tại chỗ”.
Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân viên trực điều độ hệ thống điện thực hiện “3 tại chỗ”.

Ngày 12/6/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về việc “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, vào thời điểm làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát diễn biến phức tạp, là nỗi ám ảnh cho nhiều ngành, địa phương, và ngành Điện cũng không nằm ngoài cơn sóng chấn của đại dịch Covid-19 đó. Nghiên cứu nắm bắt được toàn bộ nội dung, giá trị cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 02-NQ/TW, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã sáng tạo vận dụng đưa Nghị quyết số 02-NQ/TW vào công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Điện lực Việt Nam trong tình hình mới dịch Covid-19 bùng phát.

Với đặc thù ngành Điện là ngành kỹ thuật yêu cầu sự đồng bộ hệ thống rất cao và có mối liên hệ chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất nguồn điện - truyền tải - phân phối. Chỉ cần đứt gãy ở một chuỗi sản xuất nào đó là ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Điện, ảnh hưởng trực tiếp kinh tế xã hội đất nước, đời sống nhân dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước khó khăn, thử thách, nguy hiểm là cơ hội cho sự đổi mới ra đời.

Chia sẻ về giai đoạn khó khăn vừa tạm lắng, đồng chí Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam người thủ lĩnh cán bộ Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết. Chưa bao giờ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như hoạt động phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) của Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) gặp nhiều khó khăn, thử thách như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua. Trước khó khăn, thử thách do dịch Covid-19 gây ra, đòi hỏi các cấp Công đoàn ĐLVN phải kịp thời đổi mới, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, cụ thể:

Đổi mới phương thức điều hành, hoạt động Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam đã kịp thời kích hoạt phương án hoạt động thích ứng với tình hình dịch covid-19 bùng phát đó là: Tận dụng tối đa công nghệ mạng internet vào điều hành, hoạt động của tổ chức Công đoàn như: Ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử D-office vào điều hành hoạt động trong các khâu: Tiếp nhận văn bản đến, phân công giao việc cho nhân viên xử lý văn bản; công tác trình ký văn bản; áp dụng chữ ký số, phát hành văn bản đi phần mềm (tất cả thành một vòng khép kín trên mạng internet mà không cần văn bản giấy), đảm bảo kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 là không tiếp xúc.

Áp dụng phương thức làm việc trực tuyến online, điều hành hội họp, giao ban, tập huấn nghiệp vụ qua phần mềm Zoom, Zalo, fabook, gmail... Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức hơn 30 cuộc họp giao ban hoạt động công đoàn các cấp; tổ chức hơn 10 cuộc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ (Tập huấn quán triệt triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, tập huấn nghiệp vụ cộng tác viên dư luận xã hội; hội nghị tập huấn công tác tổ chức, công tác Văn phòng, công tác kiểm tra Công đoàn… với hơn 1.000 điểm cầu tại các cấp Công đoàn trực thuộc Công đoàn ĐLVN qua phần mềm Zoom; tổ chức hơn 05 Đại hội công đoàn cơ sở bằng hình thức online trực tuyến…

Công tác tuyên truyền hoạt động các cấp Công đoàn ĐLVN hoạt động làm việc chế độ online, đảm bảo phản ánh thông tin hoạt động của các cấp Công đoàn ĐLVN kịp thời, liên tục với hơn 400 tin, bài viết, video truyền hình được đăng tải trên Website Công đoàn ĐLVN.

Đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Đối với nguồn nhân lực, ngành Điện đòi hỏi trình độ lao động kỹ thuật cao, quy trình đào tạo, kiểm tra sát hạch kiến thức về quy trình kỹ thuật vận hành, quy trình an toàn nghiêm ngặt, phải được đạt yêu cầu và cấp chứng chỉ theo quy định mới được thực hiện nhiệm vụ; định biên, định mức lao động chặt chẽ và hầu như không có nguồn lao động dự phòng, thay thế. Khi dịch bệnh covid-19 bùng phát, để bảo về sức khỏe cho lực lượng lao động trực tiếp, đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị, công nghệ của ngành Điện, các cấp Công đoàn ĐLVN đã phối hợp cùng chuyên môn đồng cấp kịp thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư chăn, màn, giường, đệm, đồ dùng thiết yếu, phương án cung cấp lương thực, hậu cần… phục vụ cho người lao động làm việc cách ly tập trung “3 tại chỗ” tại trụ sở cơ quan, nhà máy, trạm biến áp... Có những trung tâm thực hiện “3 tại chỗ”, người lao động ăn ở tại đơn vị 5 tháng mới được về nhà. Có trường hợp, cả trạm trực nhiễm Covid-19 dẫn đến phải điều động nhân lực từ nơi khác tới thay thế.

Mặt khác ngành điện là ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu đời sống nhân dân, phòng chống, điều trị bệnh nhân nhiễm covid-19... Do vậy người lao động ngành Điện rất vất vả phục vụ người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từng ngõ hẻm; điều kiện làm việc nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Trước tình hình đó Công đoàn cùng chuyên môn đã trang bị cho người lao động đầy đủ trang thiết bị bào hộ lao động phòng chống dịch Covid-19, nhưng do tình hình dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 lớn tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh miền Nam, dù biết gia đình người dân bị F0, khu vực bệnh viện điều trị, cách ly F0, F1, F2… nhưng người lao động ngành Điện vẫn phải trực tiếp tiếp xúc để phục vụ bà con. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, toàn Tập đoàn có tổng số 1.269 người là F0, F1. Trong số đó có 496 người là F0 và 6 công nhân tử vong do Covid-19.

Trong dịch bệnh Covid-19, người lao động gặp không ít vấn đề về tâm lý do thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, đối diện với F0 khi thực hiện nhiệm vụ, bị lây nhiễm, chứng kiến đồng nghiệp tử vong. “Người lao động không tránh khỏi sang chấn tâm lý khi đối mặt với nguy hiểm chưa từng có. Để kịp thời chăm lo cho đoàn viên, NLĐ Công đoàn ĐLVN; có thời điểm, chúng tôi phải đưa ra quyết định ngay lập tức để hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Cán bộ Công đoàn phải làm việc ngày đêm, cả thứ 7, chủ nhật, tháo gỡ vướng mắc thủ tục để nhanh chóng đưa các túi cứu sinh y tế vào phía Nam cho F0 điều trị. Thời điểm đó, hệ thống y tế quá tải, người lao động khó tiếp cận dịch vụ y tế tại chỗ. Công đoàn phối hợp với chuyên môn hỗ trợ túi cứu sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Đồng thời theo dõi liên tục quá trình vận chuyển, đảm bảo túi cứu sinh y tế kịp thời đến tận tay đoàn viên, người lao động” - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam nhớ lại.

Để giảm áp lực tâm lý hoang mang, lo lắng của người lao động, Công đoàn đã thành lập Tổ tư vấn Covid-19, thành lập đường dây nóng với sự hỗ trợ của các y, bác sĩ có kinh nghiệm tư vấn điều trị cho hơn 600 trường hợp, trong thời gian 24/24h.

Có trường hợp là F0 tử vong, theo quy định chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/người. Nhưng trước mất mát to lớn của người lao động, Công đoàn mạnh dạn đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 50 triệu cho mỗi cán bộ, công nhân viên hi sinh do Covid-19. Công đoàn cũng đề xuất tăng suất ăn từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/ngày để tăng cường sức khỏe cho người lao động. Người lao động cảm ơn công đoàn, Tập đoàn đã sát cánh khiến anh em vững tâm nơi tâm dịch. 

Theo đồng chí Đỗ Đức Hùng, trong giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người lao động ở các đơn vị thực hiện “3 tại chỗ” như nấu cơm cho các ca trực, mua sắm các vật dụng thiết yếu, Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn mua sắm trang thiết bị thể thao, sách để người lao động giải trí, rèn luyện sức khỏe, phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh. 

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chi hơn 51,78 tỷ đồng chăm lo cho đoàn viên, NLĐ cụ thể:

Hỗ trợ bữa ăn 3 tại chỗ từ nguồn tài chính công đoàn hơn 7,702 tỷ đồng;

Hỗ trợ 1.269 đoàn viên, NLĐ (F0, F1, F2), cách ly y tế tại nhà, con nhỏ dưới 6 tuổi từ nguồn Tài chính Công đoàn và người lao động đóng góp hơn 44,087 tỷ đồng.

Kỳ 2: Đổi mới phong trào thi đua “Càng khó khăn càng phải thi đua”

Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) thuộc EVN đã vinh dự đạt danh hiệu Top 10 doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (ảnh chụp 9/10/2021)
Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) thuộc EVN đã vinh dự đạt danh hiệu Top 10 doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (ảnh chụp 9/10/2021).

Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi người lao động phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành các chỉ tiêu, tiến độ. Nhưng xác định càng khó khăn càng phải thi đua, chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua Covid-19”.

Đồng chí Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức về dịch Covid-19, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Toàn thể cán bộ, công nhân viên đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua chiến thắng Covid-19” nhằm động viên người lao động nỗ lực hơn nữa, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 sớm nhất có thể.

Để triển khai thực hiện phong trào thi đua này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án, chủ trương của Đảng và Chính phủ: Không thể đạt mục tiêu “zero virus” mà phải khích lệ người lao động sống chung an toàn với Covid-19. Tập đoàn đặt ra mục tiêu từ nay đến hết quý I/2022, 100% người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tham gia xây dựng kịch bản ứng phó khi có dịch bệnh, vận động 100% cán bộ, công nhân viên cam kết chấp hành nghiêm các quy định “5K” phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không để cơ quan, đơn vị phải dừng hoạt động do Covid-19. 

“Phát động phong trào thi đua trong giai đoạn này, chúng tôi rất trăn trở. Các công trình trọng điểm đều nằm ở địa phương đã và đang giãn cách xã hội, khiến việc đi lại, thi công rất khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ và các mục tiêu, chỉ tiêu sẽ khó hoàn thành. Nhưng xác định càng khó khăn càng phải thi đua, chúng tôi đã chủ động các giải pháp động viên khích lệ anh em. Đồng thời thay đổi hình thức phát động, tổng kết phong trào thi đua bằng hình thức trực tuyến, họp từ xa”- đồng chí Đỗ Đức Hùng cho biết.

Phong trào thi đua lần này của Công đoàn Điện lực Việt Nam gắn liền công tác chuyển đổi số của Tập đoàn với các mục tiêu: Hoàn thành sớm nhất một số chỉ tiêu kinh doanh dịch vụ khách hàng, tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện. Phấn đấu tỷ lệ giao dịch điện tử tên 95%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 trên 80%. Tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên 70% khách hàng.

“Quá trình chuyển đổi số của ngành Điện đã diễn ra từ lâu. Nhưng trong giai đoạn này sẽ đẩy mạnh hơn, tăng thêm quy trình, thông minh của hệ thống. Xác định chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về nhận thức của người lao động, Công đoàn tuyên truyền và đạt được kết quả rất tích cực, nhất là ở khối kỹ thuật (quản lý vật tư, mạng dịch vụ…). Công đoàn động viên người lao động không nản lòng trước khó khăn, chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới”, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.

Ngày 01/10/2021, Công đoàn ĐLVN đã phối hợp với Tập đoàn đã phát động Phong trào thi đua liên kết trên Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa mưa lũ của Nhà máy để phát điện. Từ đó nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí, cường độ làm việc của các tổ máy, kéo dài tuổi thọ thiết bị… Đồng thời, Công đoàn Điện lực Việt Nam đang cùng chuyên môn phát động phong trào thi đua thi công, giải tỏa công suất tại Trung tâm Nhiệt điện Vân Phong và đường dây 500kV Vĩnh Tân - Vân Phong. Tại các công trình này, Công đoàn cùng chuyên môn phát động thi đua, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo của các đơn vị, nhà thầu thi công, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ…

Để kịp thời động viên, lan tỏa những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất, cũng như phòng, chống dịch Covid-19 Công đoàn Điện lực Việt Nam đã khen thưởng cho 07 tập thể và 24 cá nhân là những tấm gương tiêu biểu, có giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời khen thưởng động viên các tổ, đội Điện lực làm việc trong những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao tại các tâm dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Như vậy có thể nói dịch Covid-19 bùng phát cũng là cơ hội để tổ chức Công đoàn Điện lực Việt Nam đổi mới phương thức hoạt động trong môi trường mới” trên cơ sở giá trị cốt lõi của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Kế hoạch số 12-KH/ĐU ngày 23/9/2021 của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc Quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình số 505/CTHĐ-CĐĐVN ngày 13/10/2021 của Công đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nhằm đưa Nghị quyết số 02-NQ/TW vào thực tiễn trong tình hình mới, góp phần quan trọng để Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, xây dựng Công đoàn ĐLVN vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ Tập đoàn ĐLVN; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, chuyên môn với đoàn viên, NLĐ; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết đoàn viên, NLĐ trong Tập đoàn ĐLVN; góp phần xây dựng đội ngũ đoàn viên, NLĐ Tập đoàn ĐLVN hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển EVN nhanh và bền vững.

Kỳ 3: Tâm sự cảm xúc của người lao động tại tâm dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh

Túi thuốc y tế Công đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ F0 điều trị.
Túi thuốc y tế Công đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ F0 điều trị.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch, chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của. Đoàn viên người lao động của ngành Điện thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày, tháng đầy khó khăn, nguy hiểm, nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt qua đại dịch để hoàn thành mục tiêu kép vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, trong họ có những cảm xúc chân thực, ý nghĩa, đầy xúc động.

Túi thuốc y tế cho F0 là việc làm ý nghĩa trong mùa dịch

Tâm sự của anh Nguyễn Khánh Ngọc Đạt - Đội quản lý thu ghi số 2 thuộc Công ty Điện lực Thủ Đức thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết: Túi thuốc cho F0 là việc làm ý nghĩa mùa dịch. Từ ngày Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu phong tỏa, người dân trên cả nước lại gọi tên Thành phố mình bằng cái tên quen thuộc Sài Gòn. Sài Gòn vắng tiếng rao hàng, hàng quán đóng cửa… Số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng… Nhưng Sài Gòn vẫn đầy ắp tình người, bệnh viện dã chiến dựng lên, bếp ăn thiện nguyện đỏ lửa từng ngày. Đó là bản chất của người Sài Gòn, không bỏ lại ai phía sau. Hôm trước, khi nói chuyện tâm sự với một anh đồng nghiệp F0 anh cho biết những ngày nằm trong bệnh viện dã chiến, điều mà anh ấm lòng vững tin nhất để vượt qua bệnh tật hiểm nghèo này chính là sự quan tâm hỏi han hàng ngày của Ban Giám đốc Điện Lực. Chính anh Song Toàn- Phó Giám đốc Kỹ thuật, Chủ tịch Công đoàn PC Thủ Đức cứ cách ngày lại điện thoại hỏi thăm. Các anh chị em Đội Quản lý thu ghi 2 ngày nào cũng nhắn tin hỏi thăm lo cho anh từ bữa ăn, có ăn được không, trang thiết bị trong bệnh viện có thiếu gì không? Ông bà mình nói khi mình bệnh thì mới biết tình cảm của anh em, bạn bè với mình. Và những ngày đó anh không lúc nào cảm thấy cô đơn khi quanh anh có những đồng nghiệp nghĩa tình như vậy. Nhưng điều anh quý nhất là ngày đầu tiên ở bệnh viện dã chiến anh đã nhận được nhận túi thuốc hỗ trợ từ Công Đoàn Điện lực Việt Nam.

Mùa dịch bệnh, để tiếp cận nhu yếu phẩm hàng ngày còn khó khăn nói gì đến thuốc men. Tại bệnh viện dã chiến nơi có đến hàng ngàn bệnh nhân mà chỉ có hơn 10 y, bác sỹ thì mình không thể yêu cầu họ phát thuốc là có ngay cho mình. Nhận được túi thuốc lúc đó anh vui mừng lắm, nó thật sự là thứ cần thiết nhất đối với anh lúc bấy giờ mà có tiền cũng không mua được. Trong đó có đầy đủ thuốc hạ sốt, vitamin C, nước xịt mũi họng, dầu khuynh diệp… và đặc biệt là có cả khẩu trang. Cầm túi thuốc vừa tự hào vừa hãnh diện là công nhân ngành Điện được Công Đoàn Điện lực Viêt Nam quan tâm đến mình lúc dịch bệnh khó khăn này. Tâm sự của anh làm tôi, một cán bộ công đoàn cảm thấy yêu quý công việc của mình hơn, tự hứa sẽ cố gắng hơn trong công tác chuyên môn, cũng như quan tâm sâu sắc đến đời sống anh chị em trong Tổ Công đoàn của mình hơn.

Những ngày sống trong sợ hãi dịch bênh Covid-19

Tâm sự của anh Nguyễn Thế Cường, Phòng KHVT Công ty Điện lực Thủ Đức thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết: Những ngày sống trong sợ hãi bởi cả gia đình mắc bệnh, mỗi người cách ly một nơi, mẹ và chị chuyển biến nặng không qua khỏi... Đại dịch thật quá khủng khiếp! Biến cố lớn trong đời nhưng may thay lại có những người bạn, những đồng nghiệp luôn bên cạnh thăm hỏi, giúp đỡ, động viên tinh thần để vợ, chồng mình có động lực vượt qua những mất mát, đau thương và còn có sự quan tâm chăm sóc của lãnh đạo Công ty Điện lực Thủ Đức, Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh và những hỗ trợ từ Công đoàn Điện lực Việt Nam ở nơi xa gửi đến. Một lần nữa, xin tri ân sâu sắc đến tất cả các anh/chị trong Ban lãnh đạo, Ban Chấp hành Công đoàn ĐLVN, bạn bè, đồng nghiệp yêu quý ở "ngôi nhà thứ hai" Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã giúp đỡ gia đình chúng em trong lúc khó khăn, đau thương vừa qua!

Nguyễn Đắc Cường, Ban Tuyên giáo Nữ công - Công đoàn Điện lực Việt Nam

.
.
.
.