.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Đổi mới hoạt động KHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng

Thứ Năm, 04/11/2021|09:44

Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách làm việc không cố chấp, bảo thủ mà luôn luôn có sự đổi mới và sáng tạo. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta... Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Cuộc đời cách mạng của Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới sáng tạo và luôn có sức khơi gợi, kích thích sự đổi mới sáng tạo cho mỗi chúng ta. Phong cách của Người là không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn. Đó cũng là phong cách mà cuộc sống hiện đại đang đòi hỏi ở mỗi người đảng viên chúng ta.

Bám sát thực tiễn, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp, quy trình công việc đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Khoa học và Công nghệ (KHCN) và tổ chức triển khai hoạt động Nghiên cứu ứng dụng (NCUD) tại Trung tâm NCUD nói riêng và tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCT) nói chung, đó là những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của đồng chí Nguyễn Bội Hồng Minh, Bí thư Chi bộ cùng tập thể cấp uỷ, lãnh đạo Trung tâm và toàn bộ đảng viên thuộc Chi bộ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng thời gian qua.

Kỳ 1: “Đổi mới sáng tạo”: Khai thông thế bế tắc, định hướng tương lai.

Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.
Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.

Trung tâm NCUD, tiền thân là Viện Khoa học Hàng không. Trước khi chuyển về Tổng công ty HKVN, Viện Viện Khoa học Hàng không là tổ chức KHCN duy nhất của ngành Hàng không trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viện lúc bấy giờ đã thể hiện đúng vai trò của mình với các đề tài nghiên cứu hỗ trợ phát triển ngành Hàng không dân dụng như: Nghiên cứu tổ chức khai thác vùng trời cho hoạt động Hàng không dân dụng đạt hiệu quả cao; Đề án thiết kế qui hoạch mạng Cảng hàng không - sân bay toàn quốc; Phương pháp xác định thông số đường bay và thiết lập mạng đường bay tối ưu trong không phận Việt Nam; đánh giá hiện trạng môi trường tại các cụm Cảng hàng không - sân bay  và các giải pháp bảo vệ...

Tuy nhiên, sau khi chuyển sang hình thức là Cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc doanh nghiệp với mục đích nghiên cứu và áp dụng trực tiếp kết quả vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh tại TCT HKVN thì Viện bắt đầu gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Năm 2015, TCT đã quyết định chuyển đổi từ Viện, đơn vị nghiên cứu khoa học có con dấu, tài khoản riêng sang Trung tâm NCUD, tổ chức tương đương cấp Ban thuộc TCT nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó. Mặc dù vậy, sau 5 năm hoạt động (2015 - 2020), kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Trung tâm NCUD nói riêng và của TCT nói chung vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của lãnh đạo TCT.

“Nghiên cứu ứng dụng” hay “Nghiên cứu và Ứng dụng”

Sau khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo trung tâm nghiên cứu ứng dụng từ tháng 4/2020, đồng chí Nguyễn Bội Hồng Minh, Bí thư chi bộ Trung tâm NCUD, đã cùng với các cán bộ và người lao động bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm ra những hướng đi mới để khắc phục những khó khăn vướng mắc mà Trung tâm đã gặp phải trong thời gian qua.

Đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Bội Hồng Minh chủ trì cuộc họp trao đổi các vấn đề đổi mới hoạt động KHCN.
Đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Bội Hồng Minh chủ trì cuộc họp trao đổi các vấn đề đổi mới hoạt động KHCN.

Là một cơ quan KHCN của TCT, vận dụng tư tưởng của Bác trong việc phải tìm cách gắn kết chặt chẽ hoạt động KHCN với hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT. Đồng chí Bội Minh đã cùng mọi người nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến hoạt động KHCN để xác định lại đâu là hoạt động mà Trung tâm cũng như TCT cần làm trong thời gian tới để có thể thực sự đưa hoạt động KHCN đến với thực tiễn hoạt động sản xuất như ý kiến chỉ đạo của nguyên Tổng giám đốc TCT Dương Chí Thành trong buổi họp với Trung tâm năm 2016 “Trung tâm phải làm thế nào tổ chức được các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh (SXKD) của TCT chứ không phải nghiên cứu xong là đút vào ngăn bàn”.

Qua những nghiên cứu mang tính hết sức căn bản ban đầu này mà nhiều vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản lại là những thứ đã gây ra những hiểu nhầm trong cách hiểu cũng như cách thức tổ chức hoạt động của Trung tâm. Một trong số đó chính là cụm từ gắn liền với tên của Trung tâm: “Nghiên cứu ứng dụng”. Vậy là ở đây phát sinh ra những mâu thuẫn, hiểu nhầm giữa cách dùng cụm từ “Nghiên cứu ứng dụng” và “Nghiên cứu, ứng dụng” hay “Nghiên cứu và ứng dụng”. Sau khi cùng mọi người tìm hiểu cụ thể, ý nghĩa của những khái niệm này đã được làm rõ lại:

Phân loại theo tính chất của sản phẩm thì Nghiên cứu được phân loại thành: (1) Nghiên cứu cơ bản; (2) Nghiên cứu ứng dụng và Triển khai (R&D)

(1) Nghiên cứu cơ bản (Fundamental Research): là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Sản phẩm của nghiên cứu cơ bản có thể là các khám phá, phát hiện, phát minh dẫn tới hình thành một hệ thống lý thuyết có giá trị tổng quát ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học.

(2.1) Nghiên cứu ứng dụng (Applied Research): là sự vận dụng quy luật được phát hiện từ nghiên cứu cơ bản để giải thích một sự vật. Sản phẩm của nghiên cứu ứng dụng là những nguyên lý mới về các giải pháp và áp dụng chúng vào sản xuất và đời sống. Lưu ý rằng kết quả của NCUD thì chưa ứng dụng được. Để có thể đưa kết quả NCUD vào sử dụng thì còn phải tiến hành một loại hình nghiên cứu khác, có tên gọi là triển khai.

(2.2) Triển khai (Development), còn gọi là triển khai thực nghiệm hoặc triển khai thực nghiệm kỹ thuật, là sự vận dụng các quy luật (thu được từ nghiên cứu cơ bản) và các nguyên lý (thu được từ nghiên cứu ứng dụng) để đưa ra các hình mẫu với những tham số khả thi kỹ thuật. Lưu ý rằng Kết quả triển khai thì chưa triển khai được. Sản phẩm của triển khai mới chỉ là những hình mẫu khả thi về kỹ thuật, nghĩa là không còn rủi ro về mặt kỹ thuật.

Mối liên hệ giữa các loại hình Nghiên cứu khoa học.
Mối liên hệ giữa các loại hình Nghiên cứu khoa học.

Như vậy có thể thấy rằng, hoạt động NCUD vẫn là một hoạt động nghiên cứu khoa học mang nét học thuật và lý thuyết là chủ yếu. Khả năng áp dụng vào thực tiễn là không cao. Và khi Trung tâm NCUD định hình hoạt động theo mô hình này thì các hoạt động nghiên cứu sẽ phải đi theo đúng quy trình, phương pháp của một hoạt động nghiên cứu mang tính lý thuyết. Kèm theo đó nữa, chính tên gọi của Trung tâm cũng khiến nhiều người thuộc các CQ/ĐV trong TCT mặc định hiểu rằng Trung tâm là một tổ chức R&D riêng biệt và nhiệm vụ của Trung tâm là “ngồi nghiên cứu”. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không đưa hoạt động KHCN vào thực tiễn hoạt động SXKD như yêu cầu của Lãnh đạo TCT.

Liên tục trong nhiều cuộc họp cấp uỷ, lãnh đạo Trung tâm và các cán bộ chủ chốt, đồng chí Bội Minh đã chỉ rõ và nhiều lần nhắc lại yêu cầu của lãnh đạo TCT là Trung tâm phải triển khai hoạt động nghiên cứu và tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lãng phí và gia tăng tính cạnh tranh cho TCT. Tức là phải thực hiện được tốt hoạt động “Nghiên cứu và Ứng dụng”.

Thế nhưng có thể thấy rằng nếu triển khai tổ chức của Trung tâm theo hướng hoạt động Nghiên cứu ứng dụng đúng như tên gọi thì sản phẩm của Trung tâm vẫn chỉ dừng ở góc độ lý thuyết là chủ yếu. Nếu có triển khai thêm giai đoạn hoạt động nghiên cứu “triển khai” thì kết quả cũng chỉ dừng ở sản phẩm mẫu. Muốn “ứng dụng” vào thực tế thì cần thêm các giai đoạn nghiên cứu những tính khả thi khác như khả thi về tài chính, khả thi kinh tế, khả thi môi trường, khả thi xã hội. Hay nói cách khác, Trung tâm muốn thực hiện tốt yêu cầu của lãnh đạo TCT là phải đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động SXKD thì cần phải triển khai tốt hoạt động “ứng dụng”.

Vậy hoạt động “ứng dụng” này là những hoạt động gì? Nó được triển khai như thế nào?

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bội Minh, cấp uỷ và các cán bộ chủ chốt của Trung tâm NCUD đã tiếp tục nghiên cứu để tìm ra hướng đi cho Trung tâm xoay quanh vấn đề về “ứng dụng” này. Một trong những hướng đi được mở ra đó chính là hoạt động “đổi mới sáng tạo”.

“Đổi mới sáng tạo” - cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào SXKD

Trong vài năm gần đây, chủ đề “Đổi mới sáng tạo” (ĐMST) đã được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn khác nhau. Chủ đề này đang thu hút sự chú ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, giới truyền thông và công chúng nói chung. Vậy tại sao ĐMST lại trở thành một chủ đề quan trọng như vậy, và những vấn đề gì đang được đặt ra đòi hỏi sự quan tâm của các chuyên gia? 

Trong Luật KHCN 2013, lần đầu tiên khái niệm ĐMST được đưa vào với định nghĩa như sau: Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ĐMST có thể hiểu một cách đơn giản là “việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế xã hội (KTXH)”. Khi một ý tưởng hay tri thức, dù có hấp dẫn và tiềm năng đến đâu, nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là ĐMST. Chức năng của ĐMST chính là đưa sự sáng tạo và tính mới thâm nhập vào hệ thống KTXH nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có ĐMST, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và không tạo ra được giá trị mới cho phát triển. Do đó, ĐMST đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội.

Hay nói cách khác, ĐMST là sự nối dài và là một bước tiếp theo của hoạt động nghiên cứu khoa học đi ra thị trường và xã hội. ĐMST chính là việc đưa các ý tưởng vào thực tiễn để tạo ra giá trị gia tăng, ví dụ thông qua thương mại hóa. Mặc dù đôi khi hoạt động nghiên cứu khoa học tạo ra các sáng chế và ĐMST gắn kết chặt chẽ với nhau đến mức khó mà có thể phân biệt chúng, trong nhiều trường hợp thì thường là có độ trễ về mặt thời gian giữa sáng chế và ĐMST. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là trong khi các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo ra các sáng chế nói chung có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào mà phổ biến nhất là ở các viện nghiên cứu và các trường đại học thì ĐMST lại chủ yếu diễn ra trong các nhà máy, doanh nghiệp.

Mô hình Các loại hình hoạt động Đổi mới sáng tạo.
Mô hình Các loại hình hoạt động Đổi mới sáng tạo.

Các hoạt động ĐMST có thể được phân loại theo một số cách khác nhau. Phân chia theo nội hàm của ĐMST sẽ bao gồm các loại sau:

ĐMST sản phẩm: đưa nhanh sản phẩm mới ra thị trường hoặc đơn giản là cải tiến dòng sản phẩm hiện có.

ĐMST dịch vụ: cung cấp một dịch vụ mới hoặc cải tiến các mô hình dịch vụ hiện có.

ĐMST quy trình: đưa một quy trình mới vào sử dụng, mặc dù có thể cho một sản phẩm không mới.

ĐMST cách làm thị trường: tạo ra một mô hình kinh doanh hoặc thị trường hoàn toàn mới.

ĐMST cũng được chia theo tốc độ, mức độ thực hiện, gồm 3 loại hình:

ĐMST tuần tự (từ từ, dần dần, tiệm tiến): loại ĐMST đưa ra những cải tiến nhỏ nhưng có tác động đáng kể tới các sản phẩm và dịch vụ hiện có. Đây chính là hoạt động “CẢI TIẾN” mà người phương Đông thường hay sử sụng với thuật ngữ “KAIZEN”.

ĐMST triệt để (đột biến): loại ĐMST nhằm ứng dụng những công nghệ hiện có vào một thị trường mới hoặc ứng dụng một công nghệ mới vào một thị trường hiện có hoặc thay đổi phương thức giao hàng.

ĐMST thay đổi hẳn “kiểu chơi”: loại ĐMST này nhằm thay đổi thị trường hiện có và tạo ra một thị trường hoàn toàn mới. Hai loại hình cuối được người phương Tây sử dụng với thuật ngữ là “ĐỔI MỚI”.

Một phân loại khác hay được sử dụng và được coi là định nghĩa kinh điển với phân loại của OECD, chia ĐMST thành 4 loại theo 4 yếu tố cấu thành với mục đích cụ thể hóa hoạt động ĐMST, gồm: ĐMST sản phẩm, ĐMST quy trình, ĐMST marketing và ĐMST về mặt tổ chức (OECD, 2005). Phiên bản mới nhất của OECD (2018) đã sắp xếp lại chỉ còn ĐMST sản phẩm và quy trình.

Như vậy, sau một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về cách thức tổ chức cũng như triển khai hoạt động KHCN, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Bội Hồng Minh, thế bế tắc đã dần được khai thông. Với đặc thù của TCT trong lĩnh vực hoạt động vận tải hàng không cùng với năng lực hiện tại của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thì định hướng hoạt động trong thời gian tới được đồng chí Bí thư chi bộ xác định lại như sau:

Hoạt động Nghiên cứu ứng dụng: Hoạt động mang nhiều tính lý thuyết, phù hợp với hoạt động trong các Viện nghiên cứu, Trường đại học. Khả năng ứng dụng, triển khai vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của TCT chưa cao. Trong thời gian tới, cách thức tổ chức triển khai hoạt động này tại TCT và Trung tâm sẽ hạn chế hơn và chuyển sang hình thức liên kết giữa TCT với các tổ chức KHCN.

Hoạt động Đổi mới sáng tạo: Hoạt động mang tính thực tiễn cao, giúp TCT nhanh chóng triển khai các giải pháp hữu ích vào hoạt động SXKD, sẽ được tập trung tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Kỳ 2: “Sáng kiến” và “Ý tưởng/Giải pháp Đổi mới sáng tạo”: Muốn có quả thơm thì gốc phải tốt.

Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của sáng tạo, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.
Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của sáng tạo, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.

Trung tâm NCUD là Cơ quan quản lý hoạt động KHCN của TCT, cũng là Cơ quan thường trực Hội đồng KHCN TCT, nơi tiếp nhận đơn đề nghị xét công nhận sáng kiến của người lao động trong toàn TCT.

Xác định hoạt động “sáng kiến” chính là một phần của hoạt động “đổi mới sáng tạo”, chính là cầu nối giúp đưa các kết quả nghiên cứu từ lý thuyết đến thực tiễn hoạt động SXKD, đồng chí Nguyễn Bội Hồng Minh, Bí thư Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiếp tục chủ trì các cuộc họp với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Trung tâm để đánh giá lại tổng thể hoạt động sáng kiến của TCT thời gian qua, qua đó nhìn nhận lại những mặt đã đạt được, những mặt cần phải thay đổi trong thời gian tới.

Ý tưởng đổi mới sáng tạo: Nền tảng cho các giải pháp hữu ích và sáng kiến

Thống kê số lượng đơn yêu cầu đã được cấp Giấy chứng nhận sáng kiến trong toàn TCT thời gian qua:

Con số thống kê trên đã phần nào nói lên kết quả thực tế của hoạt động sáng kiến trong TCT, trong đó, vai trò của Trung tâm là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý. Vậy nguyên nhân là ở đâu? Và đâu là hướng đi và giải pháp cho vấn đề này?

Trong các cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư chi bộ, một dẫn chứng quan trọng đã được đưa ra: Tổng hợp kết quả thực hiện đợt 2 tại các Khối/lĩnh vực chủ đề “Thay đổi cùng thế giới” đến cuối năm 2019 có tổng cộng 3.015 ý tưởng/1.379 người. Như vậy, trung bình mỗi người có trên 2 ý tưởng đưa ra trong 1 buổi hội thảo.

B/c kết quả thực hiện đợt 2 tại Khối/Lĩnh vực chủ để “Thay đổi cùng thế giới” năm 2019
B/c kết quả thực hiện đợt 2 tại Khối/Lĩnh vực chủ để “Thay đổi cùng thế giới” năm 2019

Hai số liệu thống kê trên nói lên điều gì? Tại sao số “Ý TƯỞNG” đề xuất trong 1 buổi hội thảo lại lớn như vậy? Trong khi đó số lượng “SÁNG KIẾN” của 1 năm lại thấp như vậy? Rất nhiều người đã cho rằng “ý tưởng” đó chỉ như một ý kiến đưa ra cho vui chứ ý nghĩa thực tiễn không cao. Tuy nhiên, đối với hoạt động khoa học, mọi số liệu đều có ý nghĩa của nó. Nhận thức rõ được điều này, đồng chí Bội Minh đã chỉ đạo và cùng mọi người đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Mối liên hệ giữa ý tưởng và sáng kiến về cơ bản được xác định như sau:

Ý tưởng: được hiểu một cách cơ bản là ý kiến đề xuất để mong muốn giải quyết một vấn đề gặp phải. Bản thân ý tưởng không có giá trị. Chỉ có quá trình thực thi làm ý tưởng mới có giá trị. Quá trình này tóm lược là việc xây dựng và triển khai giải pháp.

Giải pháp: Là các cách thức, phương pháp về mặt kỹ thuật, tổ chức, điều hành hay quy trình, thao tác nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Các giải pháp sau khi được triển khai áp dụng thực tế có thể đem lại hiệu quả về mặt kinh tế hoặc xã hội được gọi là tính Lợi ích. Một “giải pháp” có thể có tính “mới” và tính “lợi ích” hoặc chỉ có 1 trong 2 tính đó.

Sáng kiến: Là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là Giải pháp), được một tổ chức công nhận nếu có cả tính “mới” và tính “lợi ích” trong phạm vi tổ chức đó.  

Có thể minh hoạ mối liên hệ giữa ý tưởng, giải pháp đến sáng kiến như sau:

Mô hình mối liên hệ giữa Ý tưởng ĐMST với Giải pháp và Sáng kiến
Mô hình mối liên hệ giữa Ý tưởng ĐMST với Giải pháp và Sáng kiến

Quản lý hoạt động Sáng kiến: Chuyển từ THỤ ĐỘNG sang CHỦ ĐỘNG

Như vậy có thể thấy rằng nếu xem hoạt động đổi mới sáng tạo như một cái cây với “Sáng kiến” là quả ngọt thì chúng ta phải bồi đắp, chăm lo cái cây cho tốt từ gốc, đó chính là làm thế nào để khuyến khích người lao động đưa ra càng nhiều ý tưởng sáng tạo càng tốt. Và đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng mà Trung tâm đề xuất liên quan đến việc thay đổi quy trình tổ chức hoạt động sáng kiến trong TCT:

Đề xuất Thay đổi quy trình tổ chức hoạt động Sáng kiến trong TCT
Đề xuất thay đổi quy trình tổ chức hoạt động sáng kiến trong TCT

Với việc thay đổi lại quy trình như trên, Trung tâm NCUD sẽ chuyển từ thế THỤ ĐỘNG trong việc chờ đợi người lao động trong TCT có đơn đăng ký xét công nhận sáng kiến sang một trạng thái mới. Đó là CHỦ ĐỘNG trong việc quản lý, theo dõi và thúc đẩy các hoạt động Đổi mới sáng tạo trong toàn TCT từ khi chỉ mới hình thành Ý tưởng cho đến hỗ trợ người lao động trong quá trình tổ chức triển khai nghiên cứu và áp dụng các giải pháp vào thực tế hoạt động SXKD của TCT.

Kỳ 3: Ai là người Nghiên cứu? Tiền thưởng sáng kiến bao nhiêu là đủ?

       Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của sáng tạo, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.
Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của sáng tạo, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.

Từ năm 2015 đến 2020, TTNC đã phối hợp với các CQ/ĐV trong TCT để tổ chức triển khai khoảng 22 nội dung nghiên cứu (trung bình 4-5 nội dung nghiên cứu/năm). Các nội dung nghiên cứu đã được báo cáo với Lãnh đạo TCT và tổ chức triển khai ứng dụng. Một số nội dung chính như: Các chuyên đề về OTP, KPI, Delay Cost, Công tác lịch bay, Sharklet, Nâng cao chất lượng dữ liệu FIMS, Data mining, KPI người đại diện vốn, CRM, Data Governance, Data Quality, Dự báo sử dụng AI…

Như vậy, nếu tính số lao động chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động nghiên cứu (thuộc phòng Giải pháp KHCN và Quản lý) là khoảng 10 người thì bình quân đầu người trung bình khoảng 2 người/đề tài/năm. Xét về cả con số tuyệt đối lẫn tương đối đối với một Trung tâm nghiên cứu quy mô nhỏ, với chỉ từng đấy con người thì kết quả nêu trên là không hề kém so với bất kỳ tổ chức KHCN nào.

Tuy nhiên, nếu nhìn quy mô hoạt động SXKD trong lĩnh vực vận tải hàng không của TCT thì số lượng 4 – 5 nội dung nghiên cứu/năm là rất thấp, chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của TCT. Và dường như có một quy tắc bất thành văn là công việc nghiên cứu là do CBNV của Trung tâm thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm NCUD. Người lao động tại các CQ/ĐV khác trong TCT không thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu này.

Huy động tối đa nguồn nhân lực của TCT cho hoạt động ĐMST

Như vậy, ở đây xuất hiện một vấn đề là nếu chỉ tập trung công việc nghiên cứu cho Trung tâm nghiên cứu ứng dụng thì Trung tâm không đủ nguồn lực để thực hiện đáp ứng nhu cầu TCT. Trong khi nguồn lực nằm tại các CQ/ĐV/Công ty với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác trong ngành Hàng không lại rất lớn. Nếu khai thác tốt được nguồn lực này thì hoạt động nghiên cứu của TCT sẽ có một bước phát triển nhảy vọt.

Đây cũng chính là vấn đề mà cấp uỷ, lãnh đạo Trung tâm nhận thấy. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Chi bộ, áp dụng những bài học, những tư tưởng chỉ đạo của Bác về Phát huy động lực sáng tạo và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, giải pháp đã được đưa ra như mô hình sau:

Mô hình tháp huy động nguồn nhân lực trong TCT tham gia hoạt động ĐMST
Mô hình tháp huy động nguồn nhân lực trong TCT tham gia hoạt động ĐMST

Mô hình trên được lý giải như sau:

Ý TƯỞNG ĐMST: Nếu mỗi NLĐ trong TCT đề xuất 1 ý tưởng ĐMST/1 năm để cải tiến công việc hàng ngày của họ hoặc liên quan đến họ thì trong 1 năm, TCT sẽ có trên 10.000 ý tưởng ĐMST. Còn nếu có biện pháp thúc đẩy động lực sáng tạo đến mỗi người lao động để tăng lên 1 Ý tưởng/1 tháng thì 1 năm TCT có trên 100.000 ý tưởng.

GIẢI PHÁP HỮU ÍCH: Trong số các ý tưởng đề xuất, chỉ tính khoảng 50% Ý tưởng ĐMST được triển khai và đem lại hiệu quả về mặt kinh tế/xã hội thì 1 năm TCT có được trên 5.000 Giải pháp hữu ích. Trên thực tế, nếu các ý tưởng đề xuất để giải quyết những vấn đề mà người lao động đang phải đối mặt hàng ngày thì tính khả thi sẽ cao hơn rất nhiều.

SÁNG KIẾN: Trong số các Giải pháp hữu ích hàng năm, nếu chỉ xem xét những giải pháp có tính MỚI trong phạm vi TCT (ước tính khoảng 10%) thì 1 năm TCT đã có được trên 500 Sáng kiến. So với các năm trước đây khoảng 5 sáng kiến/năm thì đó là một kết quả rất lớn.

Tăng mức trả thù lao; Bổ sung tiền thưởng, tiền công đối với tác giả sáng kiến

Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nổi lên là làm thế nào để người lao động trong TCT đưa ra các Ý tưởng ĐMST và tổ chức nghiên cứu, phát triển thành giải pháp để áp dụng thực tế? Theo Quy chế sáng kiến hiện thời của TCT, tác giả Sáng kiến được công nhận sẽ được nhận 5 tháng lương cơ sở (khoảng 8 triệu đồng) đối với những sáng kiến không xác định được số tiền làm lợi hoặc được trả 1 lần >= 10% số tiền làm lợi nhưng không quá 200 triệu đồng (nếu xác định được số tiền làm lợi). Tiền thưởng sáng kiến theo quy định là quá nhỏ so với công sức và kết quả họ tạo ra. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này.

Sau nhiều lần so sánh, đối chiếu, dưới sự chỉ đạo của đồng chí bí thư Nguyễn Bội Hồng Minh, Trung tâm cũng đề xuất phương án điều chỉnh mức thưởng, thù lao cho những người lao động tham gia hoạt động Đổi mới sáng tạo như sau:

Như vậy, để thúc đẩy Người lao động trong toàn TCT tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo để tận dụng nguồn nội lực to lớn của TCT, hai đề xuất thay đổi đã được nghiên cứu bổ sung như sau:

Động viên về mặt tinh thần: Tổ chức Khen NLĐ theo Quy chế khen thưởng có bổ sung thêm các nội dung xét nâng Bậc, nâng Mức lương đối với NLĐ có kết quả tốt.

Động viên về mặt vật chất: Bổ sung thêm khen thưởng cho NLĐ từ lúc đề xuất Ý tưởng, trả tiền công cho quá trình NC và áp dụng giải pháp đem lại hiệu quả cao cho đến trả thù lao ở mức cao hơn cho tác giả Sáng kiến (thay vì trước chỉ có phần chi trả thù lao).

Kỳ 4: Hoạt động Đổi mới sáng tạo trong TCT, lựa chọn mô hình Push hay Pull?

Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.
Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.

Trong một buổi sinh hoạt chuyên đề về học tập phong cách làm liệc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc vận dụng quan điểm “làm việc phải có chương trình, kế hoạch” của Bác đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng. Đối với hoạt động Quản lý KHCN, việc này có nên hay không nên? Nhiều quan điểm cũng đã nêu ra rằng Trung tâm đã có những đề xuất thay đổi về việc “Khen thưởng” cho các tác giả sáng kiến với mức thay đổi rất lớn so với trước đây. Việc động viên, khuyến khích như vậy nếu được phê duyệt và đưa vào triển khai sẽ thu hút được đông đảo người lao động trong TCT tham gia.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến ở góc độ quản lý nêu ra quan điểm về “cây gậy và củ cà rốt”. Nếu TCT đưa ra “củ cà rốt” cho người lao động là chưa đủ, mà cần phải có “cây gậy”. Giải pháp này đã được nhiều ý kiến ủng hộ.

Bài học kinh nghiệm từ hoạt động KAIZEN của Nhật cũng đã chỉ cho chúng ta thấy rất rõ.

Chuyển từ “Thụ động” chờ NLĐ đưa ra ý tưởng ĐMST sang “Chủ động” để NLĐ phải đưa ra ý tưởng ĐMST

Nếu chỉ đưa ra “củ cà rốt” thì cuối cùng, hoạt động KHCN cũng sẽ chỉ như đi câu, ta mắc mồi vào cần câu và chờ đợi cá đến đớp. Còn cá có đến không thì “Nhà quản lý” không thể xác định được. Đây là cách làm việc “thụ động” mà bao nhiêu năm qua TCT đã áp dụng. Và việc cần thay đổi bây giờ là phải chuyển sang “chủ động”.

Nhận thấy những bất cập trong vấn đề quản lý KHCN hiện nay của TCT, Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm đã nghiên cứu, đề xuất những giải pháp quản lý mới. Đó là mô hình kết hợp giữa “Push và Pull” cho mọi hoạt động KHCN trong TCT.

Chiến lược “Đẩy – PUSH”:

Chiến lược “Đẩy” bao gồm các cách thức tác động đến mọi người từ bên ngoài, thúc đẩy họ theo phương hướng hoạt động mong muốn. Một số cách thức được thực hiện mạnh mẽ (Phương pháp “Cứng”) nhưng cũng có những cách thức mềm dẻo, tế nhị (Phương pháp “Mềm”):

 + Phương pháp “Cứng”: Là cách thức sử dụng các biện pháp mang tính bắt buộc như TCT sẽ tiến hành giao các Chỉ tiêu, Định mức, Hạn ngạch đối với hoạt động KHCN. Hình thức này có thể được thực hiện qua hoạt động XÂY DỰNG KẾ HOẠCH hàng năm với các chỉ tiêu KPI như: Số lượng Ý tưởng Đổi mới sáng tạo, Tỷ lệ Giải pháp Hữu ích được triển khai thực hiện, Số Sáng kiến được công nhận, Số Đề tài nghiên cứu, Kinh phí đầu tư Chuyển giao công nghệ, Kinh phí đầu tư máy móc thiết bị kèm theo đối tượng CGCN, Thông tin KHCN, Đào tạo nhân lực KHCN, Hội nghị hội thảo KHCN… Phương pháp này sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian ngắn. Chúng rất cần thiết cho giai đoạn đầu và giúp thúc đẩy người lao động hình thành thói quen trong hoạt động Đổi mới sáng tạo.

+ Phương pháp “Mềm”: Được thực hiện dưới các hình thức tổ chức các cuộc vận động, các sự kiện thúc đẩy người lao động tham gia hoạt động Đổi mới sáng tạo như các cuộc thi “VNAer tự hào, cống hiến” năm 2021 hay sự kiện “Thay đổi cùng thế giới” năm 2019.

Chiến lược “Kéo – PULL”:

Chiến lược “Kéo” bao gồm các biện pháp nhằm mục đích khuyến khích hay động viên được lan truyền từ người này sang người khác tạo sự kích thích của từng cá nhân vào việc tham gia hoạt động Đổi mới sáng tạo. Chiến lược này có thể sử dụng hai công cụ chính sau:

+ Công cụ “Tiền thưởng”: Công cụ tiền thưởng được sử dụng linh hoạt để kích thích mọi đối tượng người lao động tham gia. Tiền thưởng từ mức nhỏ mang tính tượng trưng ghi nhận cho những Ý tưởng đề xuất cải tiến cho đến những mức thưởng lớn tương xứng với những giá trị mà các Giải pháp đó đem lại cho TCT.

+ Công cụ “Khen tặng – Biểu dương”: là một trong những công cụ cực kỳ hữu ích trong việc kích thích sự tham gia của người lao động. Việc được Lãnh đạo ghi nhận những nỗ lực của bản thân nhiều khi còn đem lại hiệu quả cao hơn việc thưởng tiền cho người lao động. Do vậy, việc phân loại, phân cấp để đánh giá và tổ chức khen thưởng, biểu dương người lao động có những cống hiến cho công tác Đổi mới sáng tạo của TCT là rất quan trọng.

Như vậy, giải pháp cải tiến hoạt động KHCN của TCT trên cơ sở sử dụng kết hợp cả hai chiến lược “PUSH” và “PULL” trong thời gian tới sẽ vừa giải quyết được những hạn chế trong khâu tổ chức quản lý hoạt động KHCN của TCT thời gian qua, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động KHCN nói chung và hoạt động Đổi mới sáng tạo của TCT nói riêng phát triển hơn. Hướng tới đưa hoạt động Đổi mới sáng tạo trở thành nét văn hoá công sở trong toàn TCT trong tương lai gần.

Kỳ 5: Xây dựng Hệ sinh thái và hình thành văn hoá đổi mới sáng tạo trong TCT

Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đoàn kết, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.
Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đoàn kết, năm 2021, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động KHCN nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo tại TCT nói riêng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Hội đồng KHCN TCT, Phó Tổng giám đốc Trịnh Ngọc Thành về việc xây dựng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TCT, cấp uỷ và lãnh đạo Trung tâm đã tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cách thức phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh hoạt động hiện tại của TCT.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là gì?

Trước tiên, cần làm rõ lại một số khái niệm liên quan: Hệ sinh thái ĐMST được phát triển từ khái niệm Hệ thống ĐMST kết hợp ý tưởng hệ sinh thái tự nhiên. Lịch sử khái niệm Hệ sinh thái ĐMST (innovation ecosystem) khác biệt đáng kể với lịch sử khái niệm của Hệ thống ĐMST (innovation system). Khái niệm này đã được sử dụng sau khi một bài báo nói về vấn đề này được xuất bản trên Harvard Business Review của Adner (2006), một ấn phẩm cũng cung cấp định nghĩa được sử dụng rộng rãi nhất về Hệ sinh thái ĐMST như sau: “Một Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là những sự sắp xếp hợp tác thông qua đó các công ty kết hợp các bên cung cấp riêng lẻ của họ để tạo một giải pháp mạch lạc, hướng tới khách hàng”.

Gần đây cũng có một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra định nghĩa cụ thể hơn cho khái niệm này như sau:

Still et al. (2014): Hệ sinh thái ĐMST, thường được xem là thực thể gồm các tổ chức và kết nối giữa chúng, được định nghĩa là các mạng lưới của con người nhằm tạo ra khả năng sáng tạo và sản lượng phi thường trên cơ sở bền vững và cũng bao gồm các công ty phụ thuộc lẫn nhau hình thành các mối quan hệ cộng sinh nhằm tạo và cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Autio and Thomas (2014): Một Hệ sinh thái ĐMST là một mạng lưới các tổ chức liên kết với nhau, được tổ chức xung quanh một công ty hoặc một nền tảng đầu mối, và kết hợp cả những người tham gia sản xuất và sử dụng, và tập trung vào phát triển giá trị mới thông qua ĐMST.

Ding and Wu (2018): Hệ sinh thái ĐMST là một hệ thống mạng lưới bao gồm chính phủ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bổ sung và khách hàng, tương tác, giao tiếp hoặc thúc đẩy ĐMST để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị.

Từ các định nghĩa trên, có thể thấy hầu hết các định nghĩa Hệ sinh thái ĐMST đều bao gồm: 1) các thành phần/tác nhân (actors), khác với các tạo phẩm (artifacts) (như các sản phẩm tri thức và công nghệ; vốn và các nguồn lực; các sản phẩm và dịch vụ; và các nền tảng) chỉ có trong khoảng một nửa các định nghĩa; 2) thành phần phổ biến thứ hai là cộng tác/bổ trợ (bổ trợ, hợp tác chia sẻ mục tiêu, cùng sáng tạo), tương phản với thành phần cạnh tranh/thay thế; 3) thành phần phổ biến thứ ba là các hoạt động (đồng sáng tạo, quy trình ĐMST, hoạt động ĐMST, hoạt động R&D); 4) cuối cùng là thành phần thể chế/tổ chức và đồng tiến hóa/đồng chuyên môn hóa.

Tóm lại, định nghĩa Hệ sinh thái ĐMST thường nhấn mạnh vào sự hợp tác/bổ sung và các tác nhân, trong khi ít phổ biến hơn về cạnh tranh/thay thế và tạo tác. Hay nói một cách khác, có thể hiểu Hệ sinh thái ĐMST là tập hợp các tác nhân, các hoạt động, các tạo phẩm, các thể chế/tổ chức và các mối quan hệ, bao gồm cả quan hệ bổ sung và thay thế rất quan trọng đối với hoạt động ĐMST của một tác nhân nhân hoặc nhiều tác nhân.

Các dạng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo:

Hệ sinh thái ĐMST quốc gia: Đó là Hệ sinh thái ĐMST ở quy mô quốc gia, theo Deborah J. Jackson (NSF, 2011) mô tả, là tập hợp các mối quan hệ giữa các công ty, cơ quan chính phủ, trường đại học, nhà nghiên cứu, người tiêu dùng, chủ sở hữu vốn, người lao động, những người có mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghệ và ĐMST, nhằm mục tiêu đạt được sự tăng trưởng và phát triển bền vững thông qua các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sáng tạo.

Hệ sinh thái ĐMST của thành phố, địa phương (Cohen et al., 2014; Morrison, 2013; Lin, 2014). Phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch của các thành phố với sự giúp đỡ của các trường đại học. Nó có xu hướng tập trung vào các công ty mới và nhỏ, và có thể bắt đầu với sự phát triển cơ sở hạ tầng đầy triển vọng.

Hệ sinh thái ĐMST của ngành/lĩnh vực, như Hệ sinh thái ĐMST kỹ thuật số. Ví dụ hệ sinh thái kỹ thuật số tại Apple Inc. và Google - các nền tảng trực tuyến mà khách hàng, người dùng và nhà phát triển có thể xây dựng mối quan hệ hiệp đồng, tạo ra các yếu tố bên ngoài mạng làm tăng giá trị của cả ĐMST phần cứng và phần mềm. Do đó, một Hệ sinh thái ĐMST kỹ thuật số có thể có nghĩa là các ứng dụng, nền tảng và nhà phân phối làm cho công nghệ trở nên khả thi. Các ví dụ khác bao gồm hệ sinh thái của Apple Apple Health Healthitit (Tweedie, 2014) và hệ sinh thái di động (Hyrynsalmi et al., 2014).

Hệ sinh thái ĐMST của doanh nghiệp: bao gồm các nhà cung cấp, người dùng, đối tác và những người đóng góp khác cho quy trình ĐMST của doanh nghiệp. Các yếu tố như các cơ quan của Chính phủ, các hiệp hội ngành công nghiệp và các bên liên quan khác của họ có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Các thành phần, yếu tố cấu thành Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo

Tham gia vào các hệ sinh thái (dù là hệ sinh thái doanh nghiệp, ngành công nghiệp,
khởi nghiệp và ĐMST) thường là các tổ chức từ cả hai khu vực công và tư: Đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp (vừa, nhỏ và lớn), quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức trung gian, cơ quan chính phủ, trung tâm hỗ trợ ĐMST, các quỹ, tăng tốc khởi nghiệp (accelerators), vườn ươm, …

Các thành phần/tác nhân (Actors) tham gia vào một Hệ sinh thái ĐMST là các loại tổ chức khác nhau thực hiện các vai trò khác nhau trong Hệ sinh thái ĐMST và do đó xác định loại Hệ sinh thái ĐMST. Von Leipzig và Dimitrov (2015) đã xác định 5 thành phần/tác nhân tham gia vào một Hệ sinh thái ĐMST:

Các tác nhân trong ngành công nghiệp (các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn),

Các tác nhân khu vực hàn lâm (trường đại học, cao đẳng, văn phòng chuyển giao công nghệ, phòng thí nghiệm, khu công nghệ, tổ chức nghiên cứu và công nghệ (RTO), vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp…),

Các cơ quan công (chính quyền trung ương, thành phố, khu vực, cơ quan công….),

Các tổ chức tài chính (ngân hàng, đầu tư mạo hiểm, thiên thần kinh doanh,…)

Các chủ thể khác (truyền thông, các mạng chính thức và không chính, tổ chức thương mại, tổ chức cụm, hiệp hội, phòng thương mại…)

Mô hình Hệ sinh thái ĐMST với doanh nghiệp là trung tâm, Trần Ngọc Ca, Bộ KH&CN
Mô hình Hệ sinh thái ĐMST với doanh nghiệp là trung tâm, Trần Ngọc Ca, Bộ KH&CN

Vai trò của các tác nhân trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như sau:

Xây dựng Văn hoá đổi mới sáng tạo trong TCT

Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng Hệ sinh thái ĐMST, Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm cũng nhìn nhận Văn hoá ĐMST là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng nhất trong một hệ sinh thái như vậy. Và để hình thành Văn hoá ĐMST trong toàn TCT như một nét cấu thành Văn hoá Doanh nghiệp, Trung tâm NCUD cũng đã tìm hiểu và đề xuất ba yếu tố chính giúp thúc đẩy hình thành Văn hoá ĐMST trong TCT như sau:

Đổi mới tư duy:

Đổi mới tư duy đối với hoạt động ĐMST là việc làm hàng đầu và quan trọng nhất. Đối tượng của nó không chỉ nằm ở người lao động mà cần thiết phải bắt đầu từ đội ngũ các nhà Lãnh đạo các cấp của TCT vì đó là những người quyết sách, những nhà hoạch định chính sách phát triển cho TCT. Còn đối với người lao động, đổi mới tư duy về văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ khuyến khích mọi người dám suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, dám mạo hiểm và chấp nhận thất bại để thay đổi và hướng tới những thứ hoàn thiện hơn.

Gây dựng niềm tin:

Hình thành một nét Văn hoá ĐMST bền vững ở nơi mà niềm tin là một trong những nhân tố cốt lõi quyết định thành công. Để gây dựng niềm tin, TCT cần lưu ý tới hai điều kiện sau: Một là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người lao động trong TCT, từ nhóm Nhân viên nghiệp vụ tại các đơn vị đến chuyên viên, chuyên gia trong khối cơ quan, tất cả đều có cơ hội tiếp cận và tham gia vào hoạt động Đổi mới sáng tạo tại TCT; Hai là, sự ghi nhận những đóng góp của người lao động. Ngoài việc khen thưởng xứng đáng với công sức, thời gian người lao động bỏ ra thì việc Lãnh đạo TCT ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng vinh danh khác mà không phân biệt vị trí, đơn vị công tác sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút người lao động tham gia vào hoạt động ĐMST;

Hướng tới lợi ích khách hàng

Khách hàng ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả khách hàng truyền thống đang sử dụng các dịch vụ của VNA và cả khách hàng nội bộ. Nếu đối với khách hàng truyền thống, đó chính là đích đến cuối cùng của mọi dịch vụ mà VNA đang hướng tới, là trung tâm của mọi hoạt động của TCT thì khách hàng nội bộ lại chính là đích đến của mỗi quy trình, mắt xích riêng lẻ trong guồng máy hoạt động chung của VNA. Mỗi mắt xích có hoạt động trơn tru hay không thì cả bộ máy VNA mới vận hành được trôi chảy. Vì vậy, việc hướng tới lợi ích của khách hàng chính là mục tiêu, là đích đến của hoạt động Đổi mới sáng tạo mà TCT đang hướng tới.

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng – cầu nối giữa các thành phần trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TCT

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với các công nghệ vượt trội và ứng dụng của cách mạng này vẫn còn khá mới mẻ với hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển Hệ sinh thái ĐMST quốc gia bằng cách thiết lập Mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo để kết nối các Trung tâm ĐMST khác nhau trong nước.

Với việc định hướng hình thành Hệ sinh thái ĐMST của TCT, việc làm thế nào kết nối giữa các tác nhân (Doanh nghiệp, Nhà nước, Tổ chức nghiên cứu, Tổ chức tài chính) để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động ĐMST là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn lực tại chỗ trong TCT phục vụ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là nguồn Nhân lực với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao chuyên về chuyên ngành Hàng không, sẽ là một lợi thế rất lớn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào TCT có thể có được các mối liên kết đó cũng như tận dụng được tối đa nguồn lực tại chỗ cho công cuộc Đổi mới này. Trước những vấn đề cấp bách hiện tại, đồng chí Bội Minh, Bí thư Chi bộ Trung tâm nghiên cứu đã cùng Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu, đánh giá lại thực trạng hoạt động cũng như đưa ra những định hướng cho hoạt động của Trung tâm để mọi bộ phận, mọi cá nhân đều có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động ĐMST của TCT.

Một trong những định hướng chính về vai trò và đóng góp của Trung tâm để thúc đẩy hoạt động ĐMST của TCT trong thời gian tới được Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm đưa ra như sau:

Về đối ngoại: Trung tâm NCUD là đầu mối kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các Tổ chức ĐMST và phát triển Công nghệ trong và ngoài nước để phối hợp tổ chức các hoạt động Nghiên cứu khoa học, Triển khai ứng dụng cũng như tổ chức tiếp nhận, áp dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới cho VNA.

Về đối nội: Trung tâm NCUD là Cơ quan Quản lý hoạt động KHCN trong TCT. Qua đó, giúp Lãnh đạo TCT trong việc Tổ chức xây dựng, triển khai, theo dõi thực hiện Kế hoạch KHCN TCT; Tổ chức triển khai theo kế hoạch các hoạt động ĐMST, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lãng phí, tăng tính cạnh tranh; Tổ chức, điều phối, sử dụng tối ưu các nguồn lực, đặc biệt là nguồn Nhân lực KHCN, để thúc đẩy hoạt động ĐMST trong toàn TCT.

Luôn luôn học tập và rèn luyện bản thân theo tấm gương đạo đức cũng như phong cách làm việc của Bác là điều mà mỗi người Đảng viên chúng ta phải noi theo. Trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, việc Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm NCUD cũng như mỗi người Đảng viên trong Trung tâm tiếp tục nghiên cứu Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào hoạt động quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động KHCN, Đổi mới sáng tạo cũng như để xây dựng một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh là rất cần thiết.

Trần Thanh Tuấn- Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng

.
.
.
.