.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Đổi mới phương thức lãnh đạo doanh nghiệp của các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Thứ Tư, 10/11/2021|21:35

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng (TCĐ) đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã được khẳng định, có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng TCĐ trong sạch, vững mạnh và phát triển doanh nghiệp (DN) bền vững.

Nỗ lực hoạt động hiệu quả, xứng đáng vai trò nòng cốt

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ, DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ứng phó với những biến động thị trường, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Những kết quả đó được cụ thể hóa trong các DNNN thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (gọi tắt là Đảng bộ Khối).

Hiện nay, Đảng bộ Khối có 38 đảng bộ trực thuộc. Trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính, 02 đảng bộ cơ quan. Đến ngày 30/9/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.169 tổ chức cơ sở đảng; 154 đảng bộ bộ phận, 5.568 chi bộ trực thuộc, 87.428 đảng viên và 742.958 người lao động trong các DN thuộc Khối.

Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối được tổ chức theo 3 mô hình: Đảng bộ toàn DN (13 đảng bộ); đảng bộ công ty mẹ, hội sở chính ngân hàng mở rộng (23 đảng bộ) và đảng bộ cơ quan (2 đảng bộ). Đảng ủy Khối là cấp ủy trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, có đặc điểm riêng không có chính quyền cùng cấp. Các TCĐ, đảng viên trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trong toàn quốc và một số ở nước ngoài. TCĐ trong các đơn vị thành viên của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị chủ yếu thuộc Đảng bộ Khối, một số TCĐ còn lại trực thuộc cấp ủy địa phương.

Trước những biến động khó đoán định của thị trường, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hiện nay, bằng quá trình đổi mới, cơ cấu lại DN, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước trong Khối DN Trung ương vẫn hoạt động hiệu quả, thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, bảo đảm giữ vững một số cân đối lớn của nền kinh tế. Đáng kể, kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2019 của 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng có sự tăng trưởng rất tốt với tổng doanh thu tăng 38% (từ 1.179.549 tỷ đồng lên 1.628.936 tỷ đồng). Hiệu quả hoạt động tăng mạnh, với lợi nhuận trước thuế tăng 60,8% (từ 101.242 tỷ đồng lên 162.861 tỷ đồng); nộp ngân sách Nhà nước tăng 24% (từ 205.707 tỷ đồng lên 254.907 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu không chỉ được bảo toàn mà còn tăng 18,9% (từ 1.250.337 tỷ đồng lên 1.486.591). Đặc biệt, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khối nhưng với sự cố gắng nỗ lực, vượt khó, các doanh nghiệp trong Khối đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp vừa duy trì ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa chủ động phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh của cả nước và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. 9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%; lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, tăng 28% và nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 149 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020; đảm bảo việc làm, thu nhập cho 742.958 người lao động.

Kết quả trên đã thể hiện rõ được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trong doanh nghiệp. Các cấp uỷ đảng đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với các DNNN thuộc Đảng bộ Khối. Các cấp ủy, TCĐ đã đổi mới nội dung, phương thức, quy trình xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và chương trình hành động thực hiện nghị quyết ngắn gọn, thiết thực, cụ thể, có tính khả thi, sát với yêu cầu. Tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, hội nghị chuyên đề và hội nghị báo cáo viên của Đảng bằng hình thức trực tuyến đã tiết kiệm được thời gian, kinh phí, tạo thuận lợi trong việc cung cấp thông tin, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm quán triệt, triển khai các chủ trương lớn, bàn các giải pháp, trao đổi ý kiến, tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy địa phương để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng nhằm củng cố tổ chức đảng và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị.

Quan tâm xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần cơ sở, vì cơ sở, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm; duy trì chế độ làm việc của cấp ủy, ban thường vụ theo đúng quy chế làm việc. Nội dung các phiên họp được chuẩn bị kỹ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề lớn quan trọng của đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển các văn bản chỉ đạo. Qua đó đã góp phần cải cách hành chính trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm hội họp; đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc.

Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Công khai kết quả thực hiện các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; khuyến khích các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục về công tác cán bộ. Hầu hết các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy đều đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành và thực hiện nghiêm quy chế mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, tạo sự đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, xây dựng nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện, việc cấp ủy cho ý kiến đối với những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp tốt hơn; tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy và hội đồng quản trị (hội đồng thành viên, chủ tịch công ty), tổng giám đốc (giám đốc) về triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác tổ chức, cán bộ và các nhiệm vụ khác của doanh nghiệp; hầu hết các chủ trương đưa ra đều có sự nhất trí cao của cấp ủy và lãnh đạo doanh nghiệp.

Đổi mới trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nội dung có trọng tâm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối thời gian qua đã góp phần vào việc ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi mới manh nha, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh.

Các cấp ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của quần chúng lao động trong tham gia xây dựng Đảng, giám sát đối với các hoạt động của DN, ngân hàng, đơn vị, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở. Việc tham gia, hưởng ứng các cuộc thi, cuộc vận động do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương phát động như “Giải báo chí Toàn quốc về xây dựng Đảng”, “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, “Dân vận khéo”.... được các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động tham gia đông đảo; thể loại bài viết đa dạng, chất lượng bài viết tốt, tác động tư tưởng và lan tỏa mạnh mẽ, được các cơ quan trung ương tổ chức cuộc thi, cuộc vận động ghi nhận và đánh giá cao.

Bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nhà nước và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại nước ta, các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đối với các vấn đề còn nhiều vướng mắc, các nhiệm vụ triển khai mới, nhận thức về thực hiện còn khác nhau, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp phần phát hiện những điểm nghẽn, mâu thuẫn, lực cản về cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đề xuất với Trung ương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp nhà nước nắm vững thời cơ, vượt qua thử thách, phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục ký, thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối với các ban cán sự đảng bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan ở Trung ương để lãnh đạo các đảng ủy, DN trực thuộc Khối thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng đảng được thuận lợi hơn. Trên cơ sở nội dung Quy chế phối hợp đã ký, Đảng ủy Khối và các ban cán sự đảng bộ, ngành đã lãnh đạo các đảng ủy, doanh nghiệp trực thuộc Khối thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng Đảng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo công tác công đoàn, đoàn thanh niên được thuận lợi hơn; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung công tác nêu trên của các doanh nghiệp trong Khối được phối hợp giải quyết đảm bảo có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan về chủ trương, quan điểm và cách làm; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy trực thuộc đã ký 123 quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương nơi đơn vị thành viên đứng chân hoặc chỉ đạo các cấp ủy, TCĐ tại DN thành viên phối hợp tốt với cấp ủy địa phương tạo thuận lợi trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ của DN.

Dù vậy, phương thức lãnh đạo DN của TCĐ còn gặp những khó khăn nhất định. Đơn cử như, một số cấp ủy còn thiếu quyết liệt, đồng bộ trong xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Ban hành nghị quyết chưa sát tình hình thực tế, thiếu tính khả thi. Hay có tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ở một vài nơi, công tác quản lý tổ chức đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên bị buông lỏng, sinh hoạt đảng không bảo đảm quy định, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Đánh giá phân loại tập thể, cá nhân còn biểu hiện hình thức. Việc đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử còn biểu hiện nể nang, thiếu chặt chẽ, khách quan. Công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch, kiện toàn cấp ủy, cán bộ chủ chốt có nơi, có lúc chưa thực hiện đúng quy trình; có giai đoạn có nhiều doanh nghiệp khuyết các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhưng chưa được kiện toàn kịp thời, làm ảnh hưởng đến hoạt động của cấp ủy, doanh nghiệp và đơn vị. Một vài cấp ủy còn lúng túng khi triển khai thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đâu đó vẫn còn tình trạng cấp ủy bao biện làm thay, có nơi có biểu hiện buông lỏng vai trò lãnh đạo của đảng đối với DN, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Còn có cấp ủy chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc; tình trạng họp hành nhiều, ban hành nhiều nghị quyết, nhưng việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tính nêu gương của một số ít cán bộ lãnh đạo cấp ủy, cán bộ chủ chốt DN, ngân hàng, đơn vị chưa rõ nét. Điều đáng nói, việc kiểm tra, giám sát TCĐ, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm của một số tổ chức cơ sở đảng còn lúng túng, chưa sâu sắc. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa kịp thời phát hiện các vi phạm về tham nhũng, lãng phí, chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi sai phạm, nhất là lĩnh vực sử dụng nguồn vốn và đầu tư xây dựng. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn lúng túng, hình thức…

Còn có nơi cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự lấy lợi ích của người lao động làm mục tiêu, động lực phát triển của doanh nghiệp; công tác dân vận có nơi, có lúc giao hoàn toàn cho tổ chức Công đoàn thực hiện. Có đơn vị, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn lúng túng, hình thức; công tác tiếp dân, đối thoại không theo đúng quy định; vai trò trách nhiệm người đứng đầu không rõ, quyền làm chủ của người lao động chưa được phát huy đầy đủ, một số chính sách, quy chế, quy định trong doanh nghiệp, đơn vị chậm được bổ sung. Có lúc nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Người đứng đầu, tập thể cấp ủy của một số doanh nghiệp còn lúng túng, thiếu quyết tâm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát mục tiêu, lộ trình đề án tái cơ cấu; chưa kịp thời đề xuất các kiến nghị hoặc nội dung đề xuất thiếu khả thi trong giải quyết khó khăn, vướng mắc nên thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp chậm so với đề án được phê duyệt. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một vài doanh nghiệp trong Khối còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Vai trò dẫn dắt, nòng cốt, tạo động lực phát triển của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực kinh tế còn hạn chế.

Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng

Để phương thức lãnh đạo DN của TCĐ thuộc Đảng bộ Khối được đổi mới, chất lượng, hiệu quả, các đơn vị cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, lãnh đạo DN, cán bộ, đảng viên. Các đơn vị, tổ chức cần thống nhất về tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong giai đoạn mới. Thực hiện có hiệu quả vai trò lãnh đạo toàn diện của TCĐ tại DNNN, đặc biệt là lãnh đạo chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước. Trong lãnh đạo thực hiện công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong DN, phát huy dân chủ cơ sở. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCĐ trong các đảng bộ DN, cần thiết phải đổi mới quy trình ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo DN. Làm tốt khâu chuẩn bị nội dung của dự thảo nghị quyết của Đảng liên quan đến nhiệm vụ của DN. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành ngay sau khi triển khai và thường xuyên, công khai và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng trong suốt quá trình triển khai nghị quyết.

Song song với đó, các đơn vị phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong các TCĐ thuộc Đảng bộ Khối. Tại các TCĐ, các cấp ủy cần quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Giải quyết hài hoà các mối quan hệ; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất tạo môi trường thuận lợi để phát huy điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ.

Đổi mới, kiện toàn các TCĐ, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ. Các đảng ủy trực thuộc kiện toàn sắp xếp các TCĐ gắn với cơ cấu lại DN. Thực hiện tốt các khâu trong quy trình công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, có cơ chế, chính sách để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hợp nhất và nâng cao hiệu quả của các cơ quan hợp nhất thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cấp uỷ và nhiệm vụ chuyên môn của doanh nghiệp theo Quy định 69-QĐ/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác xây dựng đảng của các đảng ủy trực thuộc và Cơ quan Đảng ủy Khối theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục của TCĐ thuộc Đảng bộ Khối. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong sinh hoạt TCĐ, cấp ủy đảng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên, người lao động để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến của tổ chức đảng và doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị, tạo ảnh hưởng lan tỏa trong đảng bộ, trong DN.

Đặc biệt là đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của TCĐ và đảng viên thuộc Đảng bộ Khối. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Các TCĐ, cấp uỷ đảng gương mẫu thực hiện và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa cấp uỷ và lãnh đạo DN., Đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khoa học, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chínht rị, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Ngoài ra, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo DN của TCĐ thuộc Đảng bộ Khối.

Trong quá trình thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo DN của các TCĐ trong Khối thì việc xây dựng các tổ chức quần chúng khác vững mạnh, trước hết là công đoàn, đoàn thanh niên vững mạnh sẽ là cơ sở để xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải lấy công tác vận động và chăm lo lợi ích của quần chúng làm nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình. Phải có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời. Thực hiện nề nếp, nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, khoá XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phân công cán bộ chủ chốt trong cấp ủy chuyên trách phụ trách công tác quần chúng. Mỗi đảng viên đều làm công tác dân vận, gương mẫu thực hiện chức trách trong DN và nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú, hoạt động tích cực trong đoàn thể mà mình tham gia. Các cấp ủy phải thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết với công đoàn, tăng cường lãnh đạo công tác dân vận và hoạt động của công đoàn. Thông qua tổ chức công đoàn để tập hợp, đoàn kết, động viên đông đảo công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo của công đoàn để thực hiện tốt các mặt công tác của Đảng trong công nhân, viên chức, lao động. Làm đúng và thực hiện đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh công tác vận động công nhân và hoạt động công đoàn.

Dương Thị Liên, Chi bộ Phòng Tổng hợp, Văn phòng Đảng uỷ Khối

.
.
.
.