.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

MẠNG XÃ HỘI – CÔNG CỤ LẮNG NGHE VÀ TUYÊN TRUYỀN HIỆU QUẢ CỦA ĐẢNG

Thứ Tư, 10/11/2021|20:29

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về những thông tin chống phá, tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội. Tuy nhiên với sự phát triển không ngừng của các nền tảng giao tiếp đa chiều này, thay vì nhìn vào mặt trái của Mạng xã hội, các tổ chức Đảng cần tận dụng những thế mạnh về hình thức thể hiện đa dạng, tính kết nối không giới hạn… để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

“Chính trị số” trên thế giới

Mạng xã hội (MXH) mang lại rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho các chính trị gia nổi tiếng trên thế giới và trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc vận động chính trị. Nếu như trước đây các chiến dịch phủ sóng rộng (mass) vận động tranh cử trên truyền hình, báo đài ngốn một khoản ngân sách khổng lồ thì chính trị gia giờ đây có thể quảng bá miễn phí trên Facebook, Twitter và YouTube, nhờ đó cắt giảm chi phí đáng kể.

Lợi ích thấy rõ từ việc sử dụng MXH là có thể đo lường hiệu quả, thay vì mơ hồ về số lượng người mua báo, số lượng người xem các bài phát biểu trên truyền hình, các công cụ mạng xã hội giúp chính trị gia đo lường lượng người ủng hộ hay phản đối chính sách của mình thông qua các dòng bình luận và bày tỏ cảm xúc, cũng như quan trọng hơn là nắm các đặc điểm nhân khẩu học của các nhóm công chúng mục tiêu, từ đó đưa ra chiến lược với từng nhóm.

Bên cạnh đó, với mạng xã hội, chính trị gia có thể trực tiếp tương tác với cử tri, người dân. Điều này giúp hình ảnh của họ gần gũi, thân thiện và  đảm bảo an ninh.

Một trong những chiến thắng kinh điển nhờ áp dụng hiệu quả Mạng xã hội là chiến dịch tranh cử tại Mỹ, cách đây 5 năm chúng ta đã nhìn thấy một kịch bản để lại rất nhiều bài học: Truyền thông chính thống hoàn toàn ngả theo bà Hillary Clinton và đưa ra dự đoán Hilary sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Nhưng, ngược lại, khi đó ông Donald Trump là người chiến thắng nhờ mạng xã hội.

Các chuyên gia truyền thông nhận định có một xu thế chung trên toàn cầu là chủ nghĩa dân túy trỗi lên rất mạnh. Những người dùng mạng xã hội nào khai thác được điều này, đánh trúng cảm xúc đám đông sẽ lập tức được tung hô. Họ sẽ trở thành KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) và cả thế giới đều phải thừa nhận ông Trump là một KOLs.

Sử dụng công cụ thu thập dữ liệu (social listening) để lắng nghe dư luận xã hội

Tại Việt Nam, truyền thông xã hội đang dần khẳng định vị thế là một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững. Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước từ Trung Ương đến địa phương đã thiết lập hiện diện trên Mạng xã hội nội địa Zalo là kênh tương tác hiệu quả với người dân thông qua hình thức gửi tin nhắn trực tiếp.

Từ năm 2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV là định chế tài chính đầu tiên tại Việt Nam đưa vào sử dụng công cụ lắng nghe mạng xã hội (social listening) để thu thập và phân tích các phản hồi của người dùng internet với các chủ đề về ngân hàng, không giới hạn nguồn thông tin.

Đến nay, công cụ này ngày càng phát huy hiệu quả, không chỉ giúp BIDV cải thiện được chất lượng sản phẩm dịch vụ, mà còn lắng nghe được dư luận xã hội thuận chiều và trái chiều về việc thực thi những chính sách tài chính, tiền tệ từ đó ­cung ứng thông tin đủ, đúng, kịp thời cho cộng đồng, khách hàng. Đồng thời bộ phận lắng nghe dư luận xã hội của BIDV cũng chủ động phân tích, kiểm chứng thông tin để có biện pháp ứng xử, ngăn chặn, đầy lùi nạn tin giả “fake news” về BIDV, trấn an dư luận xã hội và đẩy mạnh thông tin chính thống.

Không chỉ lắng nghe thông tin phản hồi từ công chúng, BIDV cũng đưa vào hoạt động hiệu quả mạng xã hội nội bộ do Facebook phát triển với tên gọi BIDV Workplace. Thông qua hệ thống giao tiếp không khoảng cách, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của cán bộ trong hệ thống đều được Ban lãnh đạo lắng nghe tư tưởng của cán bộ, đảng viên, thấu hiểu và phản hồi. Đây cũng là kênh truyền thông hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà Nước, pháp luật nói chung và của BIDV nói riêng tới 25.000 cán bộ BIDV trong và ngoài nước.

Sau BIDV, tại Việt Nam cũng đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công cụ Social Listening và mạng xã hội nội bộ Workplace trong vài năm trở lại đây, khẳng định tầm quan trọng trong việc lắng nghe dư luận xã hội và nâng cao hiệu quả tuyên truyền không chỉ trong nội bộ mà cả ngoài cộng đồng.

Sáng tạo nội dung tuyên truyền trên mạng xã hội

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền công tác Đảng trên mạng xã hội, quan trọng nhất là phải đổi mới sáng tạo nội dung phù hợp với các đặc tính của các nền tảng này, mỗi mạng xã hội có một đặc tính, thế mạnh khác nhau về video, hình ảnh, text hay âm thanh…

Một số xu hướng xây dựng nội dung đang phổ biến hiện nay có thể ứng dụng để tuyên truyền có thể kể đến như:(i) Kể chuyện (story telling) theo đó người làm công tác tuyên truyền sẽ gửi gắm thông điệp thông qua những câu truyện có ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của độc giả nhằm thể hiện sự thấu hiểu và gắn kết; (ii) Video ngắn (short video) - là hình thức truyền thông qua các video ngắn 10 - 20s, đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay với sự tham gia của hầu hết các ông lớn như: Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram…; (iii) nội dung do người dùng tạo ra (UGC content), có thể ứng dụng trong công tác Đảng như các cuộc thi online có sự tham gia của công chúng mục tiêu; (iv) Sử dụng người có sức ảnh hưởng (KOLs) để định hướng dư luận.

Với những lợi thế về công nghệ, Mạng xã hội hoàn toàn có thể hỗ trợ đắc lực trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.

Nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội

Lợi ích của mạng xã hội là không thể phủ nhận, tuy nhiên để tránh những hệ lụy từ việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích của mạng xã hội, trên thế giới đã ban hành những bộ quy tắc ứng xử dành cho người tham gia thảo luận trên mạng xã hội. Liên mình Châu Âu EU mới đây đã thảo luận những biện pháp cứng rắn trong việc quản lý kênh truyền thông xã hội và các phát ngôn trực tuyến tại các quốc gia trong khối, với mục tiêu định hình môi trường mạng xã hội an toàn, cởi mở, sáng tạo và đáng tin cậy. Đức đã ban hành Bộ luật NetzDG (Luật cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội), có hiệu lực từ ngày 1-10-2017.

Trong nước, ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ngay khi ra đời, bộ quy tắc này được đánh giá là: “Thể chế mềm” bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh phù hợp chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế”. Trong lĩnh vực báo chí từ tháng 2/202, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

BIDV đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ BIDV khi tham gia mạng xã hội năm 2016. Đến nay, qua 2 lần chỉnh sửa cập nhật dựa trên các bộ quy tắc ứng xử của các quốc gia trên thế giới và bộ quy tắc của Hội Nhà báo Việt Nam, BIDV đã khái quát hóa 05 điều cán bộ BIDV nên làm và 05 điều cán bộ BIDV không nên làm khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, bộ quy tắc ứng xử và sử dụng Mạng xã hội của BIDV được chỉnh sửa để thống nhất về mặt tư tưởng và kết nối liền mạch với quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm. Bộ quy tắc đã được tuyên truyền rộng rãi tới các đơn vị trong hệ thống, thông qua các hình thức truyền thông chính thống như các buổi họp chi bộ, kháo đào tạo cán bộ cho đến các video đăng tải trên mạng xã hội youtube và BIDV workplace.

Chính nhờ việc nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội, tại BIDV không xảy ra hiện tượng cán bộ đăng tải các thông tin trái với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, không đăng tải các thông tin trái quy định pháp luật và BIDV, không tuyên truyền thông tin sai sự thật đồng thời luôn thể hiện thái lộ trân trọng, cầu thị và ứng xử chuyên nghiệp với những thông tin bình luận trái chiều về BIDV trên mạng xã hội.

Sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng là tất yếu khách quan và là một xu thế không thể đảo ngược. Nhận thức đúng đắn cả mặt tính cực và tiêu cực của mạng xã hội, tích cực tìm hiểu, trau dồi kỹ năng, nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để tận dụng mạng xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng trong kỷ nguyên số.

Phan Thị Kiều Oanh - Chi bộ Ban Truyền thông và Thương hiệu BIDV

Tài liệu tham khảo:

Nhà báo Lê Quốc Vinh, trả lời phóng vấn trên báo điện tử Công an nhân dân ngày 11/11/2020; bài viết “Truyền thông tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?”, link https://cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Truyen-thong-tac-dong-toi-cuoc-bau-cu-Tong-thong-My-nhu-the-nao-i587850/

Tạp chí Cộng sản ngày 28/7/2021: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-the-che-mem-bao-dam-quyen-tu-do-ca-nhan-quyen-tu-do-kinh-doanh-phu-hop-chuan-muc-dao-duc-phap-luat-va-thong-le-quoc

 TS. Lương Ngọc Vĩnh, Đại tá, ThS. Ngô Thành Khiên trên Tạp chí tuyên giáo: https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/tan-dung-uu-the-mang-xa-hoi-trong-cong-tac-tuyen-truyen-cua-dang-129744

.
.
.
.