.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Những ngày dịch bệnh không quên: "Thép đã tôi thế đấy"

Thứ Hai, 08/11/2021|00:02

Vượt qua cái nắng nóng và những khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ, nhân viên vận hành khai thác và ứng cứu thông tin của các Đài Viễn thông MobiFone vẫn ngày đêm nỗ lực đảm bảo chất lượng mạng lưới trên địa bàn khu vực.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế khi làm việc ở trạm.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế khi làm việc ở trạm.

Cuộc trò chuyện cùng đồng chí Trần Nhật Minh - Phó Đài Viễn thông Tây Hồ Chí Minh, Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Nam để hiểu rõ hơn về đặc thù công việc của “đội đặc nhiệm” tại các điểm trạm MobiFone, như cách mà thép đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh để trở nên rắn chắc hơn bao giờ hết!

- PV: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các ca bệnh tăng cao mỗi ngày, Đài Viễn thông Tây HCM đã có phương án ứng phó như thế nào để vừa đảm bảo việc vận hành, trực mạng lưới, ứng cứu thông tin, vừa đảm bảo an toàn cho CBCNV và CTV, thưa anh?

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tất cả các CBCNV và CTV của Đài trước tiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo từ cấp UBND TPHCM, các chỉ thị của Sở ban ngành, đặc biệt Sở Thông tin và truyền thông. Đồng thời, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TCT và ban chỉ đạo khu vực TPHCM để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. 

Tiếp đó, với sự chỉ đạo rất sát sao và kịp thời của lãnh đạo Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Nam, Đài Viễn thông Tây HCM nói riêng và các Đài Viễn thông của Trung tâm nói chung đã triển khai các kịch bản đã được xây dựng để đảm bảo vận hành khai thác trong mạng lưới, cụ thể:

- Trong tình hình dịch bệnh thì Đài Viễn thông Tây HCM bố trí nhân sự không quá 50% làm việc tại cơ quan. Chỉ những vị trí rất cần thiết mới đến cơ quan làm việc và tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Các vị trí còn lại thực hiện công việc từ xa.

- Trung tâm đã làm việc với Sở y tế TPHCM để tiêm vaccine cho CBCNV và CTV tại các đơn vị. Cụ thể, Đài Viễn thông Tây HCM đã được tiêm vắc xin 54% cho tổng số CBCNV và CTV (trong đó 91 % CBCNV và 34% CTV đã được tiêm ngừa). Trung tâm cũng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và vật tư y tế cho CBCNV và CTV của các Đài Viễn thông để đảm bảo an toàn cho anh em trong quá trình công tác.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm cũng đã chỉ đạo cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các văn phòng Tổ Viễn thông trên địa bàn, đề phòng trường hợp khu vực văn phòng bị phong tỏa hoặc không mua được các nhu yếu phẩm trong tình hình hàng hóa khan hiếm. Đồng thời, Đài cũng nhanh chóng gửi văn bản đến các đơn vị liên quan như Điện lực TP.HCM nhằm chuẩn bị cho tình huống ngân hàng do Trung tâm MLMN ủy quyền chi trả tiền điện tự động bị phong tỏa dẫn tới việc ngân hàng chậm chi trả cho bên Điện lực. Khi Điện lực TP.HCM không nhận được tiền thanh toán, họ sẽ cắt điện cung cấp cho trạm. Để phòng trước các rủi ro đó, Trung tâm đã gửi văn bản đề nghị Điện lực TP.HCM phải đảm bảo điện lưới xuyên suốt cho các trạm MobiFone, ngân hàng phải đảm bảo tính liên tục trong việc thanh toán. 

Cùng với đó, Đài cũng gửi văn bản nhắc nhở đến các đối tác có hợp đồng đang triển khai từ vận hành khai thác, ứng cứu thông tin để họ đảm bảo nguồn nhân lực, sức khỏe, tuân thủ 5K khi phối hợp với anh em trong Đài trong quá trình phối hợp làm việc trực tiếp tại trạm.

- PV: Được biết, Đài sẽ triển khai nhiều phương án phù hợp cho từng tình huống, từng địa bàn. Vậy trên những địa bàn bị phong tỏa thì Đài có phương án hỗ trợ, ứng cứu như thế nào?

Trong địa bàn của Đài Viễn thông Tây HCM với 10 Quận, huyện tại TPHCM, các khu vực phong tỏa ở các thời điểm khác nhau là khá nhiều nhưng có thể phân chia thành 2 cấp độ: khu phong tỏa lớn và các hẻm hoặc cụm gia đình.

Những khu vực như Khu phố 2,3,4 của quận Bình Tân, thị trấn Hóc Môn, quận Gò Vấp và phường Thành Lộc quận 12 là những khu vực phong tỏa lớn. Đối với những khu vực này, các cán bộ kỹ thuật ở tại địa bàn vẫn có thể di chuyển được trong vùng thì sẽ được phân công phụ trách các trạm của khu vực đó. Khi những khu vực bị phong tỏa này cần nguồn vật tư thiết bị, anh em từ Văn phòng Tổ sẽ chuyển đến thông qua các chốt phong tỏa. Nhân sự phụ trách trong địa bàn phong tỏa sẽ phải tự di chuyển và xử lý mọi tình huống bên trong khu vực. Đài cũng đã chuẩn bị sẵn tình huống điều động bổ sung lực lượng cần thiết vào khu vực khi cần thiết (vì vào khu phong tỏa thì sẽ không ra được cho đến khi có lệnh dở phong tỏa).

Đối với những khu phong tỏa nhỏ hơn như các hẻm, nhóm gia đình, hoặc chung cư thì anh em CBCNV/CTV đang sinh sống trong khu vực đó không thể di chuyển ra ngoài nên sẽ làm việc online. Số lượng khu vực nhỏ mà Đài phụ trách từng bị phong tỏa cũng có đến hơn 400 điểm trải dài khắp các vùng từ nhiều tháng. Tuy nhiên, số lượng CBCNV/CTV tại các vị trí rải rác này là không nhiều.

- PV: Bình thường công việc của CBCNV tại các điểm trạm của Đài cũng khá vất vả rồi, trong tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan mạnh như hiện nay, hẳn là sẽ càng khó khăn hơn, thưa anh?

Đúng là như vậy. Đầu tiên là dịch bệnh khiến người dân có tâm lý e ngại tiếp xúc với người ngoài. Không ít trường hợp, chủ quản nhà trạm yêu cầu anh em phải trình giấy xác nhận test âm tính với virus Sars-Cov-2 mới được ra vào trạm làm việc. Điều đó dẫn đến việc các anh em vào trạm vận hành để thực hiện công việc rất khó khăn và phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục mặc dù đã mặc đồ bảo hộ, tuân thủ 5K... 

Như tình hình khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phương tiện vận chuyển công cộng như taxi bị hạn chế khiến việc di chuyển của anh em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dù Trung tâm đã bố trí xe nhưng nếu phát sinh ngoài giờ hoặc cùng lúc nhiều trạm cần ứng cứu thông tin thì anh em vẫn phải tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Đa phần là xe máy nên nếu mang theo vật tư thiết bị cồng kềnh cũng sẽ khó khăn hơn trong việc di chuyển.

Cùng với đó, rủi ro về sức khỏe cũng cao hơn khi các anh em phải di chuyển nhiều, thường xuyên tiếp xúc tại các chốt. Các vị trí này thường tập trung đông người nên rủi ro lây nhiễm cũng cao hơn các nơi khác. Một điều nho nhỏ thôi là việc mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nóng bức, phải mang vác vật tư thiết bị nặng nề khi làm việc cũng khiến các anh em vất vả hơn.

Tuy nhiên, với chúng tôi thì những khó khăn đó cũng chỉ là một phần nhỏ bé. Bởi vì ngoài kia, các lực lượng tuyến đầu còn vất vả hơn nhiều như đội ngũ y tế, lực lượng quân đội,… Chính vì vậy, các anh chị em trong Đài luôn cố gắng làm việc tốt nhất có thể để đảm bảo an toàn, chất lượng mạng lưới của khu vực. Quan trọng hơn cả là công tác chống dịch tại các khu vực mà Đài phụ trách sẽ không gặp bất trắc vì bất cứ lý do nào. 

- PV: Vâng, những nỗ lực của anh em trong các Đài viễn thông MobiFone vì thế càng trở nên có ý nghĩa. Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa này!

Đài Viễn thông Tây Hồ Chí Minh - Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Nam là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Đơn vị có nhiệm vụ Quản lý công tác vận hành khai thác, ứng cứu thông tin mạng RAN và mạng Truyền dẫn, đảm bảo chất lượng mạng lưới MobiFone tại địa bàn 10 quận/huyện: Quận 6, Quận 8, Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn.

Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Nam

.
.
.
.