.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Tổng Công ty VTC - mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu

Thứ Hai, 01/11/2021|20:55

Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm qua, Tổng Công ty VTC luôn xác định nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển. Do đó, Tổng Công ty luôn quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo và chính sách đãi ngộ, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh tập thể để vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách. Với hơn 70% lao động dưới 40 tuổi, nguồn nhân lực VTC được đánh giá là trẻ, có trình độ chuyên môn tốt, sáng tạo cho ra những sản phẩm công nghệ thông minh phục vụ cộng đồng ngày càng rộng lớn.

Thách thức & Cơ hội

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới tất cả các quốc gia trên phạm vi toàn cầu, mang lại nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người, thay đổi mô hình kinh doanh, cách vận hành của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Có nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng mở ra nhiều lĩnh vực, cơ hội mới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia coi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để thay đổi thứ hạng nhằm phát triển nhanh và đuổi kịp các nước phát triển.

Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Nền chính trị ổn định, tốc độ phát triển kinh tế cao cùng khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng lớn như Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn sau đại dịch. Chuyển đổi số quốc gia là một chính sách lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây được xem là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đại dịch Covid-19, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh rất lớn. Sau đại dịch, xu hướng này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa, do đó những doanh nghiệp công nghệ như VTC sẽ được hưởng lợi rất lớn từ xu hướng này. Tổng Công ty VTC mong muốn nhân cơ hội này chọn lựa sản phẩm dịch vụ tốt, đúng xu hướng phát triển với mong muốn thoát ra khỏi khó khăn nội tại trở thành doanh nghiệp phát triển tốt trong tương lai. Theo đó, Tổng công ty VTC chọn ra 6 mảng sản phẩm & dịch vụ chính bao gồm: Thanh toán & Thương mại điện tử; Giải trí trực tuyến; Truyền hình; Viễn thông - CNTT; Truyền thông trực tuyến và Đào tạo.

Chuyển đổi số ở Việt Nam

Theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Số liệu báo cáo từ Google, Temasek và Bain công bố tháng 11/2020 thì “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" đạt giá trị trên 100 tỷ USD; Việt Nam xếp vị trí thứ 3 chiếm 1/7 tổng giá trị (tương ứng khoảng 14%) sau Indonesia, Thái Lan. Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á tăng lên 310 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 17% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á. Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 trị giá 14 tỷ USD, cao gấp 4,7 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 52 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử (e-Commerce), du lịch trực tuyến (Online Travel), truyền thông trực tuyến (Online Media) và gọi xe công nghệ, giao đồ ăn (Transport & Food).

Hiện Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng hai con số. Hà Nội và TP. HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore).

Theo tính toán các dịch vụ sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới gồm Cloud Computing, OTT, Game Online, Thanh toán điện tử… Hiện Việt Nam và một trong số các nước có phản ứng mạnh với xu hướng địa phương hóa dữ liệu. Các thông tin cá nhân và quyền riêng tư trên không gian mạng cần được bảo vệ và đảm bảo chống thu thập trái phép. Ba năm tới là thời gian đủ để luật ANM đi sâu vào thực tiễn, là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng CNTT trong nước cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh tại lãnh thổ Việt Nam, đồng thời cũng có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm có dịch vụ tốt và kinh nghiệm triển khai trên cơ sở đảm bảo hài hòa an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội trong nước và khu vực.

Dịch vụ truyền hình và báo chí vẫn duy trì được thị trường của mình. Trong khi đó, số lượng người dùng sở hữu thiết bị di động tăng lên kéo theo nhu cầu truy cập các nội dung và tin tức cũng cao hơn. Hiện có hơn 800 trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp tại Việt Nam, trong đó Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất với khoảng 58 triệu người. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các mạng truyền thông xã hội trong nước phát triển thông qua các sáng kiến như Nền tảng tri thức số Việt Nam.

Tính đến tháng 1/2021, tổng dân số Việt Nam 97,75 triệu, có 68,72 triệu người sử dụng internet đạt 70,3%. Trong đó 65 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 67% và có đến 98,8% sử dụng điện thoại để truy cập vào mạng xã hội. Tất cả người dùng nhóm tuổi lớn hơn 13 thuộc nhóm người dùng đang hoạt động, chiếm 80% tổng dân số. 18+ chiếm 73% người dùng, 16+ chiếm 68%.

Người dùng Việt Nam dành 6h47p truy cập internet mỗi ngày (tính tất cả các thiết bị), trong đó 2h21p trên mạng xã hội, 2h40p xem truyền hình (qua broadcast và streaming). Xem video trực tuyến là hoạt động phổ biến nhất trên internet với 97.6% người dùng được hỏi truy cập internet có xem video trực tuyến mỗi tháng.

Các dịch vụ OTT như Zalo, Skype and Viber đang thay thế các dịch vụ gọi điện và gửi tin nhắn SMS truyền thống. Thống kê vào năm 2012 tại Việt Nam đã cho thấy, nhắn tin di động qua các ứng dụng vượt trội so với nhắn tin qua SMS truyền thống. Các nhà khai thác lớn như Viettel và VNPT cũng đang chuyển sang cung cấp các dịch vụ OTT của riêng mình như Viettel Mocha hay Viettalk để cạnh tranh. Đến nay các OTT đã trở thành các nền tảng truyền thông xã hội, theo thống kê Q1-2021 người dùng internet: 95% dùng facebook, 86% dùng Zalo, 80% dùng Youtube.

Trong khi đó, tại hội nghị đánh giá tổng kết năm 2020 và định hướng năm 2021 của Bộ TT&TT cho biết ngành game online là một trong ít ngành công nghiệp nội dung số giữ vững được doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước.

Theo báo cáo thì ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và dự báo tăng trưởng năm 2020 là 12 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015, dự kiến năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 24.000 người năm 2019.

Loại hình trò chơi Esport (thể thao điện tử) trên di động cũng có dấu hiệu tăng trưởng đột biến sau đại dịch, có tới 80% người chơi cho rằng họ đã dành thêm nhiều thời gian tiếp xúc với các nội dung Esport trong giai đoạn giãn cách xã hội. Theo đó, trung bình người chơi dành 2h55p mỗi ngày để chơi các trò chơi Esport, số thời gian trung bình để xem livestream hoặc các giải đấu Esport là 2h10p .

Sự ra đời của các nền tảng phát sóng trực tuyến như Twitch, Facebook Gaming, Youtube Gaming. Bất cứ người xem nào cũng có thể tương tác trực tiếp với streamer, tuyển thủ Esports mà họ hâm mộ thông qua chat, voice, chơi cùng. Từ đó giúp họ kết nối với tuyển thủ và trò chơi. Đây là điều khác biệt rất lớn với các môn thể thao truyền thống, nơi mà họ chỉ có thể tương tác một chiều.

Ngoài ra, khác biệt với thể thao truyền thống, việc tiếp cận Esports rất dễ dàng, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại là bạn có thể trở thành một huấn luyện viên một đội bóng thi đấu FIFA quốc tế. Bạn cũng chỉ cần đôi bàn tay và bộ não phán đoán nhanh cùng sự luyện tập chăm chỉ bạn có thể trở thành một vận động viên thi đấu thực thụ. Đó là lý do tại sao Esports thu hút người xem, chơi. Biến Esports thành một bộ môn thể thao thi đấu chính thống, được đánh giá là bộ môn có thể vượt qua bộ môn bóng đá truyền thống. Trò chơi điện tử phát triển nhanh chóng về công nghệ, hình ảnh, tạo ra sự phức tạp trong lối chơi. Cùng với sự cập nhật liên tục từ nhà phát hành nên đã thu hút người chơi bằng sự mới mẻ, thử thách liên tục.

Về dịch vụ thương mại điện tử nổi lên như một ngành lớn nhất, theo đó đã có một sự thay đổi lớn trong các ngành đóng góp vào nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á, theo đó, thương mại điện tử đã nổi lên như một ngành lớn nhất, tăng 63% đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng với tốc độ trung bình 23%/năm, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với Việt Nam đến năm 2025, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất (34%) và đóng góp lớn nhất (29 tỷ USD) vào nền kinh tế số.

Nền tảng thương mại điện tử kết hợp yếu tố liên kết mạng xã hội vào quy trình mua sắm trực tuyến thông thường (social commerce) để tạo những nhóm mua chung, bỏ qua các yếu tố trung gian nhằm tối đa hóa lợi ích cho cả người mua và bán. Mô hình kinh doanh tập chung vào C2M nhiều hơn và kết hợp cả yếu tố giải trí của mạng xã hội để hỗ trợ (thậm chí là “trợ cấp”) cho người mua để khơi gợi nhu cầu mua sắm. Mục tiêu của mô hình này là theo đuổi hiệu quả về chi phí và tạo ra sự gắn bó giữa những người tiêu dùng để tạo được chỉ số hoạt động cao (tận dụng mối quan hệ của khách hàng). Áp dụng thêm các chương trình khuyến mại và tổ chức các lớp đào tạo bán hàng, biến việc mua hàng như đang tham gia một trò chơi giải trí nhằm tăng trải nghiệm khách hàng.

Con đường VTC đã chọn

Như đã nói ở trên, Tổng công ty VTC có các mảng sản phẩm & dịch vụ chính bao gồm: Thanh toán & Thương mại điện tử; Giải trí trực tuyến; Truyền hình; Viễn thông - CNTT; Truyền thông trực tuyến và Đào tạo.

Về định hướng phát triển chung đó là đẩy mạnh dịch vụ giải trí trực tuyến để kiến tạo một hệ sinh thái dịch vụ số với 10 triệu khách hàng, làm đòn bẩy để chuyển dịch mảng truyền hình truyền thống sang OTT, triển khai thương mại điện tử và các dịch vụ GTGT khác. Tạo ra các nền tảng về hạ tầng, dịch vụ và thanh toán để khách hàng không chỉ tiêu dùng dịch vụ mà còn có thể tham gia kiến tạo, đầu tư và kinh doanh trên hệ sinh thái dịch vụ của VTC.

Lập Studio và bước đầu triển khai cổng game dân gian Việt để tạo đà cho việc xây dựng nền tảng game nhằm chuyển đổi từ việc phát hành đơn lẻ từng game sang đồng hành cùng các nhà phát triển sản xuất ra game Việt để cùng khai phá thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Đẩy mạnh lại mảng thể thao điện tử, phát triển VTC Pay thành nền tảng thanh toán dùng chung cho các dịch vụ của VTC. Hợp tác và phát triển để có được một hạ tầng Hybrid Cloud để triển khai các dịch vụ và nền tảng của VTC không chỉ trong nước mà vươn ra quốc tế và là bàn đạp để kinh doanh dịch vụ Cloud ra bên ngoài thị trường. Dùng hệ sinh thái dịch vụ số chuyển dịch mảng truyền hình truyền thống sang OTT. Bám sát các dự án CNTT và chuyển đổi số của Bộ, ngành và địa phương. Phát triển được trợ lý ảo chuyên sâu cho từng mảng dịch vụ.

Với tầm nhìn xa, Tổng công công ty VTC hướng đến mục tiêu sớm trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu, dùng công nghệ số giúp cộng đồng giải trí, học tập, chia sẻ và sáng tạo để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hướng tới đơn vị đi đầu trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, trong cách làm mới và dựa trên nền tảng công nghệ bằng việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến mang lại các sản phẩm, dịch vụ mới, có tính độc đáo và hiệu quả cao, góp phần dẫn dắt xu hướng dịch vụ và kiến tạo ra thị trường mới.

Mạnh Lê

.
.
.
.