.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021:

Từ lời căn dặn của Bác, nhìn nhận thẳng thắn công tác tuyên truyền, giáo dục và bồi đắp ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay

Thứ Tư, 10/11/2021|23:02

Với vai trò là đội dự bị tin cậy, là cánh tay đắc lực, là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và là “trường học, xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có nhiệm vụ quan trọng then chốt trong công tác giáo dục đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn. Trước những biến động toàn cầu và trong bối cảnh của đất nước ta trong thập kỷ mới, thanh niên cũng có những thay đổi trong tư duy và nhận thức đòi hỏi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, người đồng hành và hỗ trợ thanh niên phải thay đổi phương pháp tiếp cận và hoạt động để tiếp tục nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sát cánh cùng thanh niên.

Trải qua hơn 50 năm, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gói trọn những tin yêu của Người trước khi đi xa đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những lời căn dặn đoàn viên thanh niên trong Di chúc của Người đã trở thành kim chỉ nam cho lớp lớp thế hệ thanh niên trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và trí tuệ để góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh. Sau hơn nửa thế kỷ, những lời căn dặn vẫn vẹn nguyên giá trị cốt lõi, có khác chăng là bối cảnh tình hình mới đòi hỏi thanh niên phải bản lĩnh, linh hoạt hơn nữa.

Bác Hồ viết bản Di chúc - Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Bác Hồ viết bản Di chúc - Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Từ Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Hệ thống lí luận, quan điểm của Người không tập trung trong một tác phẩm đạo đức lớn hay một bài viết cụ thể mà nằm trong nhiều bài viết, phát biểu diễn đạt hàm súc, cô đọng, ngôn ngữ dung dị, phù hợp với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như cuộc sống của Người. Theo các nhà nghiên cứu, cần làm rõ khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở hình thành và hệ thống nội dung cơ bản làm nền móng để phát triển các giá trị phù hợp với xu thế của thời đại.

Thứ nhất, về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1991, Đại hội Đảng lần thứ VII đã đưa ra một khái niệm về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001, một lần nữa, Đảng đưa ra khái niệm “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại …” (Văn kiện Đại hội Đảng IX, 2001).Với khái niệm này, Đảng ta đã làm rõ bản chất cách mạng, khoa học; nội dung cơ bản; nguồn gốc tư tưởng, lý luận và giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh. Sử dụng định hướng nêu trên của Đảng làm kim chỉ nam trong công tác nghiên cứu, trong những năm qua, các nhà khoa học đã bước đầu thống nhất định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.” (Hỏi & Đáp Tư tưởng Hồ Chí Minh, 2011).

Thứ hai, có thể nói Tư tưởng Hồ Chí Minh có tiền đề từ sự tiếp biến tinh hoa tư tưởng, văn hóa của dân tộc, nhân loại và thời đại. Năm 1990, trong Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức này đã khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam”. Yếu tố truyền thống tư tưởng và văn hóa Việt Nam bao gồm trước tiên là chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước; tiếp đó là tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ Việt Nam như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Trong yếu tố truyền thống tư tưởng và văn hóa Việt Nam hình thành lên tư tưởng Hồ Chí Minh còn có truyền thống lạc quan, yêu đời và đặc điểm nhân dân ta có truyền thống cần cù, dũng cảm, thông minh sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, đồng thời ham học hỏi và không ngừng mở rộng cửa đón nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Yếu tố tinh hoa văn hóa nhân loại cũng góp phần quan trọng hình thành lên tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các tư tưởng văn hóa phương Đông như Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng của Lão Tử, Mặc Tử …., và những nét “phù hợp với nước ta” từ chủ nghĩa “tam dân” của Tôn Trung Sơn. Bên cạnh đó, phải để đến tư tưởng và văn hóa phương Tây như nền văn hóa dân chủ và cách mạng phương Tây, văn hóa và tinh thần cách mạng vô sản của Pháp, tư tưởng dân chủ của Mỹ với ý chí đấu tranh cho tự do, độc lập, cho quyền sống của con người.

Ngoài các yếu tố truyền thống nước nhà và tinh hoa văn hóa nhân loại, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã tìm được phương pháp luận và cơ sở thế giới quan cho tư tưởng của mình. Điều này đă được thể hiện trong những dòng viết đầy xúc động của Người sau khi Lê-nin mất: “Lê-nin là người đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về sự giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ, không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim họ hướng về Người, không có gì ngăn nổi”. Có thể khẳng định cơ sở hình thành lên tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài yếu tố chủ quan là những phẩm chất thiên tài của Hồ Chí Minh còn có các yếu tố thuộc về truyền thống dân tộc, tinh hoa nhân loại và chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thứ ba, về hệ thống nội dung cơ bản, Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó có thể nêu những tư tưởng chủ yếu gồm: Tư tưởng về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc; Tư tưởng về quân sự; Tư tưởng về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Tư tưởng về đạo đức Hồ Chí Minh; Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh… Như vậy, ta có thể xác định, đạo đức là một trong các nội dung chủ yếu và cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đoạn trích viết gửi đoàn viên, thanh niên trong Di Chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Lời căn dặn thanh niên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kĩ càng mọi việc đối với Đảng với nhân dân trong đó Bác vẫn dành một gửi đoàn viên thanh niên và vai trò của thanh niên. 

Công tác giáo dục trong đó cụ thể giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục luật pháp luôn là những mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức Hội, Đội. Công tác giáo dục không chỉ gói gọn trong hai chữ “cần thiết” mà là trách nhiệm hàng đầu, là trụ sống của tổ chức. Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH T.Ư Ðảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có nhiệm vụ tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh". Sau những năm đầu thế kỷ nước ta bước vào công cuộc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là ở 3 khâu đột phá. Đảng đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với sự tham gia của thanh niên để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Có thể thấy thanh niên không chỉ là những người được đặt ở vị trí quan trọng và được quan tâm mà đã chuyển sang vị trí đóng góp quan trọng và cần phải chủ động quan tâm vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc gia. 

Theo thời gian, để phù hợp với tình hình thay đổi của xã hội, nắm bắt nhu cầu của thanh niên, công tác giáo dục của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực theo xu hướng đa dạng hóa hình thức, từng bước phù hợp tâm lý, nguyện vọng của thanh niên. Ðồng thời, các hoạt động giáo dục của Ðoàn đã thay đổi theo hướng tích cực, nhạy bén, bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, luôn gắn hoạt động của thanh niên với giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống đẹp và ý thức công dân trẻ. Phương pháp hoạt động mở rộng “từ offline tới online”, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Nhiều phong trào, đợt sinh hoạt chính trị đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và cho kinh nghiệm hay về sự nhạy bén nắm bắt cơ hội trong giáo dục thế hệ trẻ. Ðồng thời, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên còn được các cấp bộ đoàn triển khai thông qua phong trào hành động cách mạng, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm địa chỉ đỏ, về nguồn, phương pháp mới như các cuộc thi trực tuyến, sân khấu hóa, mang màu sắc tươi vui, sáng tạo... đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các hoạt động của Ðoàn, tạo môi trường lý tưởng, nhiệt huyết cách mạng bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Có thể nói rèn luyện Đoàn chính là rèn luyện Đảng trước một bước. Tổ chức Đoàn giúp phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tôi rèn những thanh niên tốt, thanh niên ưu tú, tạo “nguồn” cho Đảng. Thanh niên cần được hướng dẫn, tạo điều kiện để vun đắp và đảng viên trẻ cũng vậy.

Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. Những năm cuối cùng của cuộc đời, mặc dù bận rất nhiều công việc và sức khỏe cũng đã không còn được như trước nhưng Bác vẫn chọn những khoảng thời gian thư thái nhất, đúng vào giờ đẹp nhất của một ngày lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 để đặt bút viết Di chúc. Bốn ngày tiếp sau đó, Người đã dành mỗi ngày một đến hai tiếng để viết. Sau này, vào mỗi dịp sinh nhật hàng năm Bác lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Lần cuối cùng Bác viết và chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969. Những lời dặn bình dị như một người cha nói với các con, một người ông nói với các cháu nhưng chất chứa trong đó những tình cảm chan chứa, tầm nhìn xa và ước mong vẫn còn dang dở. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 1-1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. 

Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong cuộc 2 cuộc kháng chiến Bác luôn luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. 

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

Việc chăm sóc, giáo dục và rèn luyện thanh niên là công việc mà suốt cuộc đời mình Bác đã làm mà không biết mệt mỏi. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám, Bác đã gửi thư cho thanh niên. Trong thư Bác đã viết: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.  Những nhìn nhận và đánh giá của Người như nhắn gửi ở lớp lớp thế hệ thanh niên về niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo cho một xã hội mới của dân tộc. 

Với tinh thần đó, để Đoàn thanh niên hoàn thành sứ mệnh cách mạng cao cả, Bác đã đề cao trách nhiệm cụ thể của từng đoàn viên “đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập” và trách nhiệm chung “Các chi đoàn thanh niên phải xung phong làm đầu tàu trong cuộc thi đua.” Vì thi đua là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ, vững chắc và thu hút sự quan tâm của thanh niên. Phải thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Thanh niên được xác định cánh tay đắc lực, đội hậu bị của Đảng nên Bác nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”. Tư tưởng ấy chính là tinh thần xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. 

Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng ấy. 

...Tới việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới 

Với những ý tứ về việc thanh niên cần phải vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’ hay Đảng cần phải chăm lo công tác giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện lớp thanh niên xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên và điều chỉnh sao cho phù hợp theo mỗi thời kỳ, giai đoạn biến động lịch sử là vô cùng cần thiết. Những giá trị hình mẫu thanh niên vừa phải mang tính đại chúng, phù hợp với phần đông thanh niên, vừa phải có tính mục tiêu để thanh niên hướng đến. Tiêu chí giá trị hình mẫu không nên xã vời, lý tưởng hóa mà cần có nội hàm cụ thể, không sáo rỗng để thanh niên phấn đấu thực hiện. Nội dung tiêu chí giá trị hình mẫu cần phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội nước ta giai đoạn hiện nay trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Trong thời gian qua, nhiều cấp bộ đoàn đã tổ chức và triển khai cuộc vận động "Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới" sâu rộng trong đoàn viên thanh niên cả nước, gắn liền với các chương trình công tác của Đoàn, Hội, Đội và các phong trào thi đua yêu nước trong thanh thiếu nhi. Thông qua Cuộc vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và lao động; nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn chặn những thói hư tật xấu hình thành trong tập thể và mỗi cá nhân.

Trên nền tảng các giá trị “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, “Bản lĩnh - Trí tuệ - Khát vọng cống hiến”, và những tiêu chí, giá trị cốt lõi của thanh niên Việt Nam thời kỳ mới đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng xây dựng 12 tiêu chí gồm: Có lý tưởng cách mạng; Bản lĩnh vững vàng; Giàu lòng yêu nước; Đạo đức trong sáng; Lối sống văn hóa; Tuân thủ pháp luật; Tiên phong hành động; Đổi mới, sáng tạo không ngừng; Học tập liên tục; Có sức khỏe tốt; Kỹ năng phù hợp; Khát vọng cống hiến.

Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình xây dựng các giá trị hình mẫu của thanh niên Việt Nam còn có những hạn chế nhất định như:

Trước (quá trình xây dựng): chưa thực sự xây dựng khảo sát, đánh giá chính xác và có tính khoa học nhu cầu và tâm lý đoàn viên nói riêng cũng như thanh niên nói chung. 

Trong: vẫn còn mang tính hình ảnh, lý thuyết, đại bộ phận thanh niên khó nhớ 12 tiêu chí hay nếu nhớ cũng khó lòng có cùng cách hiểu và thực hiện về từng tiêu chí. Lấy ví dụ đơn cử như ‘sáng tạo không ngừng’, ‘kỹ năng phù hợp’ hay ‘học tập liên tục’. Những định nghĩa về ‘phù hợp’ hay ‘không ngừng" có thể là những chủ đề tranh luận vì mỗi đoàn viên hiểu theo một cách khác nhau. Tuy đã cụ thể hóa ‘vừa hồng vừa chuyên’ hay ‘vừa có đức vừa có tài’ thành 12 tiêu chí, tuy nhiên chúng ta lại đang bị kẹt ở việc vừa gây khó hiểu lại không dễ nhớ như những lời căn dặn của Bác. Việc sắp xếp thứ tự các tiêu chí hay trình bày tiêu chí theo hàng dọc điểm danh từ 1 tới 12 cũng là việc cần lưu tâm.

Sau: việc theo dõi và tiến hành đo lường hay quan sát, nắm bắt hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện 12 tiêu chí cũng chưa thực sự khoa học và có hệ thống

Vì vậy, để xây dựng các giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới được hiệu quả, cần có sự điều chỉnh về phương pháp trước, trong và sau khi xây dựng bộ tiêu chí dành cho thanh niên:

Một là, cần xây dựng nhóm nghiên cứu, thực hiện những đánh giá và tham khảo mang tính rộng rãi, tận dụng tối ưu công nghệ hay các công cụ truyền thông trên mọi mặt trận của tổ chức Đoàn, Hội, Đội ngày nay như mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, đặc biệt phát triển app Thanh niên Việt Nam và các hình thức khảo sát khác. Thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu của đoàn viên thanh niên theo lộ trình sẽ tiến tới việc nâng cao chất lượng khảo sát hay nắm bắt tâm tư đoàn viên thanh niên hiệu quả và có tính chính xác hơn.

Hai là, nâng cao khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên vì các tiêu chí và giá trị hình mẫu không chỉ phản ảnh và là mục tiêu của nhóm đoàn viên mà cần mở rộng hơn tới phần đông thanh niên chung nhất. Đại bộ phận thanh niên có thể nhớ và hiểu tiêu chí một cách dễ dàng để thực hiện, phấn đấu. Bên cạnh các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động hỗ trợ đồng hành thanh niên đã và đang được triển khai trên cả nước, cần có các tư liệu hỗ trợ, dễ tiếp cận, sinh động để đoàn viên thanh niên triển khai, ‘học đi đôi với làm, tránh việc các tiêu chí chỉ mang tính khẩu hiệu, tượng trưng.

Ba là, nhận thức đúng đắn về công tác kiểm tra và đánh giá giá trị các tiêu chí, có định hướng và phương pháp ‘đo lường’ hiệu quả của công tác triển khai và thực hiện. Mạnh dạn điều chỉnh khi các tiêu chí không phù hợp hoặc tổng kết, đúc kết, rút gọn bằng các hình tượng, cách trình bày dễ nhớ, dễ hiểu, qua đó vẫn giữ được cốt lõi của tính ‘hồng’ tính ‘chuyên’ hay các ý thể hiện ‘tâm trong – trí sáng – hoài bão lớn’.

...Và công tác tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp bộ Đoàn để thay đổi phương pháp giáo dục đoàn viên thanh niên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn về hạn chế trong tư duy và phương pháp giáo dục thế hệ trẻ ngày nay.

Thứ nhất, về tư duy, còn tồn tại quá trình thụ động, ‘xin-cho’ trong việc truyền thụ kiến thức và tiếp nhận thông tin giữa tổ chức Đoàn và thanh niên. Công tác giáo dục vẫn còn được định nghĩa khá truyền thống là quá trình tổ chức cung cấp thông tin sau đó thanh niên tiếp nhận và học thuộc, ghi nhớ thông tin trước khi được ‘kiểm tra’ lại bằng các hình thức khác nhau. Người học được coi là người nghe, trong khi đó thế hệ trẻ ngày nay lại được tiếp xúc với nhiều phương tiện thông tin, nguồn tin phong phú hơn hẳn thế hệ trước. Thanh niên lựa chọn nguồn tin họ muốn tiếp cận chứ không chờ đợi để được cung cấp thông tin. Có thể thấy, ngay tại lớp học hiện nay, học sinh thay vì được dạy theo mô hình “đồng hóa” (tất cả mọi người đều có tư duy và khả năng hiểu bài như nhau” và “tiếp nhận”(thầy giảng - trò nghe) thì nay người học được tham gia vào quá trình dạy học, những hoạt động xây dựng giáo trình, tham gia vào nhiều bài tập dạng “ứng dụng” và được khuyến khích để “thích nghi”.

Thứ hai, về phương pháp, tuy tổ chức Đoàn, Hội đã chịu khó chuyển mình để sáng tạo và đa dạng hóa cách thức tuyên truyền thông tin, tổ chức hoạt động nhưng còn tồn tại sự chưa tới và chưa chín. Lấy ví dụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều nơi tổ chức hoạt động online nhưng lại mang tính chất điểm danh, chưa đo lường được mức độ yêu thích thật sự của thanh niên. Có nhiều thứ công nghệ không thể làm thay con người, nhất là những gì liên quan đến cảm xúc. Công nghệ giúp chúng ta tư duy hội tụ, quy nạp nhưng lại không giúp chúng ta tư duy đa chiều được. Các hoạt động thực hiện tập trung vào nhóm cán bộ đoàn và đoàn viên nhất định nhưng lại thiếu sự gắn kết, "nối dài" tới các nhóm thanh niên khác.

Thứ ba, về công cụ và tư liệu giáo dục, tuyên truyền còn chưa xây dựng thành hệ thống, chưa thống nhất và độ tiếp cận của thanh niên còn chưa cao.

Đối với nhiều nhà nghiên cứu và có thể thấy ở nhiều mặt trong xã hội hiện nay, linh hoạt và chấp nhận thay đổi là chìa khóa phát triển tương lai. Đại dịch COVID -19, những thay đổi về công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chiến tranh thương mại, thời kỳ thương mại điện tử, tiền số hóa, bất ổn chính trị, chủ nghĩa dân túy chính là những mối lo hàng đầu của thế giới và sẽ tiếp tục tác động mọi khía cạnh trong cuộc sống của nhân loại.

Song song với đó, đánh giá về thanh niên trong thời kỳ mới, có thể thấy độ tuổi Đoàn (16 - 35 tuổi) và cán bộ Đoàn hiện nay đang chuyển dịch từ thế hệ cuối 7x - 8x - đầu 9x qua thế hệ cuối Millenials và GenZ/những người sinh sau 1995 và nhiều người trẻ sinh năm 2000 hiện đã bước vào tuổi lao động. Theo Báo cáo phân tích của Liên hiệp quốc, GenZ có nhiều nét tính cách khác với các thế hệ trước, trong đó nhấn mạnh tới khả năng thích ứng công nghệ, lớn lên giữa thời đại thông tin bùng nổ, ám ảnh nhiều hơn về "cái tôi", có xu hướng khao khát khẳng định thương hiệu riêng cá nhân hay quan tâm về môi trường và những vấn đề tâm lý trong cuộc sống nhiều hơn. Họ thiên về việc đi tìm kiếm sự hạnh phúc và giá trị tinh thần của công việc hơn giá trị vật chất, do đó cũng sẽ có xu hướng nhảy việc thường xuyên hơn thế hệ trước. Đây là đánh giá chung, mang tính khái quát về thế hệ mới GenZ từ nhiều quốc gia đã và đang phát triển, tuy nhiên không thể phủ nhận điều nay đã được thể hiện rõ nét trong giới trẻ ngày nay.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2019) dự đoán có đến 65% công việc mới dành cho thế hệ Z vào năm 2020 vẫn chưa xuất hiện ở hiện tại, 50% công việc hiện nay cần kiến thức về mặt công nghệ thì trong tương lai sẽ tăng lên 77%. Quả thực, nhiều người trẻ ngày nay lựa chọn những công việc ‘mới’ như xây dựng hình ảnh bản thân KOLs (Key opinion leaders - những người dẫn đầu xu hướng) hay thiết kế nội dung trên Youtube - những ngành nghề chỉ xuất hiện và phổ biến những năm gần đây. Trong số những gương mặt trẻ tiêu biểu hay những người có sức ảnh hưởng trong thanh niên, nhiều người không phải là người làm thuê cho bất kỳ công ty hay tổ chức nào mà hoạt động tự do (freelancer). Có những người ghi lại hành trình trải nghiệm, chuyến phượt hay cuộc sống đời thường để tác động tới mọi người và kiếm sống bằng thương hiệu cá nhân. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong thời đại ngày nay liên quan đến mảng xây dựng robot trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, khoa học đời sống. Dù có những nét tương đồng, ít ai dùng từ doanh nhân trẻ cho những người kinh doanh. Ngày nay, những nghề như "nhà khởi nghiệp", "Sáng lập/Founder" được dùng ưa chuộng hơn.Các công ty và sản phẩm cũng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hay hướng về giải quyết các vấn đề xã hội nhiều hơn.

Nhìn chung, trong thời đại mới, công tác tuyên truyền giáo dục phải chuyển mình và linh hoạt để tiếp cận sâu sát và rộng rãi tới nhiều nhóm đối tượng thanh niên. Công tác giáo dục không nên và cũng không thể chỉ gắn chặt với các tư liệu truyền thông như báo chí, tài liệu và cũng không thể chỉ dùng phương thức truyền thông để mong truyền tải tới đông đảo thanh niên, tuy nhiên nếu thay đổi mà làm không tới cũng dẫn tới việc thu hút kém hiệu quả hay các tình huống phát sinh xử lý phức tạp hơn.

Trước những thay đổi trong tâm lý, nhu cầu thực tế của thanh niên Việt Nam, từ bối cảnh của thế giới và đất nước, tham khảo từ những nghiên cứu, kiến nghị từ các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong và ngoài nước, để công tác giáo dục thanh niên, thanh niên ưu tú được hiệu quả, cần có sự điều chỉnh về tư duy và phương pháp trong công tác giáo dục thanh niên.

Về tư duy, một là, cần chuyển đổi từ mô hình thụ động “cho - nhận” kiến thức sang mô hình chủ động để người trẻ phát huy vai trò kiến tạo, làm chủ việc tiếp nhận kiến thức. Đặt thanh niên làm trung tâm, tạo sân chơi, diễn đàn để thanh niên là người thiết kế hoạt động chứ không chỉ tham gia hoạt động.

Hai là, cần khuyến khích sự phản biện, tranh luận trong công tác giáo dục thanh niên. Phải coi lịch sử nói chung và lịch sử Đoàn nói riêng là môn khoa học, có dẫn chứng, biện chứng chứ không chỉ học thuộc. Bên cạnh việc học truyền thống cần rèn luyện tư duy phản biện, tích cực mở rộng trao đổi, thảo luận, tích cực đặt câu hỏi.

Ba là, cần đẩy mạnh thực hành và thể nghiệm các phương thức mới trong công tác giáo dục, vừa tổ chức vừa rút kinh nghiệm, bình thường hóa thất bại,chấp nhận thay đổi để chủ động thích ứng

Về phương pháp, đối với tư liệu truyền tải tới các cấp và rộng rãi trong đoàn viên, thanh niên: cô đọng, chính xác, điều chỉnh để “tránh bôi đen hoặc quá tô hồng” lịch sử. Thanh niên ngày nay khi đọc một nguồn tin họ sẽ không tin ngay mà có tư duy phản biện cao.Họ sẽ suy nghĩ, liên tưởng, so sánh với các nguồn tin khác nhau đã được tiếp cận, tư duy để lọc ra được thông tin cuối cùng lưu lại trong bộ nhớ. Vì vậy, giáo dục truyền thống, lịch sử phải là môn học có tính khoa học, trung thực; giáo dục đạo đức, lối sống lại cần có tính hợp lý, không gò ép, sáo rỗng.

Ba "không"/ "LET" trong việc xây dựng, truyền tải tư liệu lịch sử:

- Không phi lý/ Có tính logic (Logic)

- Không khiên cưỡng, gò ép (Ethic)

- Không bôi đen, không tô hồng lịch sử (Truth)

Đối với xây dựng chỉ tiêu trong công tác giáo dục: cần đặt chỉ tiêu và theo dõi kết quả đạt được qua các năm cũng là việc cần thiết. Cần tránh lý tưởng hoá, làm tròn thành tích để việc tự nhìn nhận, đánh giá đúng, đủ công tác giáo dục, tuyên truyền của các cấp bộ đoàn. Đối với cách thức triển khai: Thứ nhất, cần giữ vững và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục của Đoàn, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; phải bồi đắp và củng cố tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của thanh niên đối với sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Cần gắn công tác lý luận với việc liên hệ thực tiễn, hướng đoàn viên thanh niên tiếp cận tài liệu theo cách thiết thực, liên tưởng tới đời sống thường nhật và công việc nghiên cứu, lao động nhiều hơn. Thứ hai, cần đẩy mạnh việc nâng cao tư duy tự học, học tập là trọn đời (lifelong learning), tư duy phản biện đồng thời tăng cường các diễn đàn, giao lưu trao đổi thông tin, kiến thức và các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp, các bộ ngành và thanh niên, trực tiếp để thanh niên phát biểu và trình bày ý tưởng, kiến nghị. Thứ ba, cần có sự phối hợp một cách có trách nhiệm và hiệu quả của tổ chức Đoàn và các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, nơi làm việc và toàn xã hội và mở rộng tới các cá nhân, đơn vị có sức ảnh hưởng, tiếng nói trong giới trẻ. Tăng cường sự tham gia của các cấp uỷ Đảng. Thứ tư, cần đổi mới công tác thông tin, cụ thể là, đối với con người: cần nâng cao chất lượng, lý luận của đội ngũ cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên, liên tục tập huấn và thể nghiệm nhiều phương thức mới. Công tác báo cáo có thể sử dụng hình thức trực quan, sinh động. Đội ngũ tuyên truyền viên phải linh hoạt và có khả năng sử dựng công nghệ, tận dụng các công cụ, tài liệu giáo dục. Đối với công cụ: bên cạnh đẩy mạnh chất lượng nội dung thông tin, mạnh dạn xây dựng bộ thương hiệu, nhận diện các chương trình của thanh niên, của tổ chức Đoàn thu hút, lôi cuốn, hợp với thị hiểu phần đông thanh niên hơn. Tiếp tục tận dụng ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, nâng cao vai trò của mạng xã hội, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục thanh thiếu nhi. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa của Đoàn, Hội, Đội. Khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi. Tổ chức Đoàn Thanh niên cần xây dựng được những kênh thông tin hợp lý, cập nhật, nắm rõ xu hướng giới trẻ để có thể tạo nên được chuỗi các thông tin trọng tâm, đặc sắc, thu hút được nhiều đối tượng quan tâm hơn. Áp dụng mô hình công nghệ, truyền thông mới để công tác thông tin lan toả và có sức hút.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam và tác động của các yếu tố như: Gia đình và giáo dục gia đình; Nhà trường và giáo dục học đường; Bạn bè và các mối quan hệ bạn bè; phương tiện tuyên truyền truyền thống và hiện đại; Công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước và của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; Môi trường xã hội nói chung nhất là tinh thần nêu gương của lớp người đi trước; tác động của toàn cầu hoá văn hoá. Tuy nhiên, chính bản thân thanh niên mới là yếu tố quan trọng nhất. Thanh niên cần phải xây dựng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm để hướng tới những lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao đẹp, từ đó có đủ niềm tin, lòng can đảm biến những khát vọng thành hành động cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021).

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba, diễn ra ngay sau thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được đánh giá “thành công rất tốt đẹp”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu đánh giá: “Lịch sử nước ta đã từng dành những trang chói lọi cho tuổi trẻ nước ta; và tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta. Đảng ta đã nhiều lần xác định: Thanh niên là lực lượng nòng cốt của dân tộc, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, một phần lớn là nhờ ở sự nỗ lực phấn đấu của các thanh niên!”, trong đó, đoàn thanh niên cần lưu ý “phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng. Điều đó đòi hỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.” Để kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, mỗi thanh niên Việt Nam, mỗi Đảng viên trẻ cần cùng nhau ra sức học tập, trau dồi lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ra sức thi đua rèn đức, luyện tài để hình thành một thế hệ thanh niên tiên tiến, thanh lịch, văn minh, xứng tầm đòi hỏi của đất nước và thời đại, trong đó công tác giáo dục và phương pháp giáo dục, tuyên truyền cần “chuyển mình” để tránh bị tụt hậu, phù hợp với dòng chảy của thế giới, với nhu cầu và tâm lý của thanh niên, thế hệ trẻ.

Chi bộ Cơ quan Đoàn thanh niên Khối

.
Các bài viết khác:
.
.
.