.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021:

Đảng bộ Agribank: Đấu tranh thông tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng

Thứ Ba, 09/11/2021|11:10

Cùng với sự phát triển công nghệ số, những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn lợi dụng các tiện ích của công nghệ để tăng cường các hoạt động chống phá chế độ ta; xuyên tạc sự lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng, với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc, tinh vi. Những thông tin xấu độc lan truyền với tốc độ “chóng mặt” trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến tâm lý, làm lung lay niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đáp ứng đúng, trúng yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Là tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội. Việc đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng luôn là nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ thương hiệu và uy tín ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung và của Agribank nói riêng. Trong đó, các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ Agribank đã tích cực tham gia công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, chung sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm an ninh thông tin, an ninh tiền tệ.

* Kỳ 1: Nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng - những vấn đề đặt ra đối với Agribank

Thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động… là những thông tin xấu độc, lan truyền trên không gian mạng, thường được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại trong thực hiện mục đích xấu với mưu đồ chống phá. Để phòng ngừa, đối phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa từ “kẻ thù vô hình”, cần chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu, xác định âm mưu, thủ đoạn để kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý triệt để.

Tin giả, hậu quả thật

Cuối năm 2018, hàng loạt thông tin sai lệch nghiêm trọng xuất hiện trên các mạng xã hội Facebook, Youtube,… về tình hình hoạt động của Agribank. Những thông tin này xuất phát từ việc Công ty cho thuê tài chính ALCII (Công ty con của Agribank) thực hiện phá sản theo Quyết định số 1009/2019/QĐ-TBPS, ngày 31/08/2021 của Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Lợi dụng sự việc đó, nhiều đối tượng đã phát tán những chùm bài viết có tính quy chụp, loan tin “Agribank phá sản”. Chỉ sau vài phút, đường dẫn và video phát từ địa chỉ IP của nước ngoài được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng, dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Tại một số địa phương, các đối tượng lợi dụng sự việc này để kích động công nhân lao động, người dân khu vực nông thôn; tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng thời cơ tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Sự việc diễn biến ngày một phức tạp, khi một bộ phận khách hàng sinh tâm lý lo sợ, vội vàng đến rút tiền gửi tại nhiều điểm giao dịch, kéo theo sụt giảm lớn nguồn tiền gửi trên toàn hệ thống Ngân hàng tại thời điểm đó.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn trao đổi thông tin về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn trao đổi thông tin về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Nhận định sự việc này, đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Agribank nhớ lại, “đây rõ ràng là thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc “đổi trắng, thay đen”, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mà còn gây hoang mang dư luận, nguy cơ mất ổn định chính trị, xã hội”. Kẻ xấu đã lợi dụng biến cố để thực hiện mưu đồ đen tối, dẫn dắt và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Chúng đã phao tin Agribank là Ngân hàng Nhà nước, được Nhà nước “bảo kê” nhưng bị phá sản… hòng “đánh gục” lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nguy hại hơn, chúng triệt để lợi dùng hàng ngàn website, fanpage, facebook, group để phát tán những thông tin xuyên tạc, phá hoại với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Theo đồng chí Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua theo dõi công tác quản lý nhà nước, có thể thấy các thế lực thù địch lợi dụng Facebook, Youtube, Google chủ yếu tập trung vào một số phương thức: Trên Facebook, các thế lực thù địch sử dụng tính năng quảng cáo để thực hiện hoạt động tuyên truyền luận điệu chống đối, phát tán các nội dung sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, bịa đặt, bôi nhọ tổ chức, cá nhân để chống phá công tác nhân sự của Đảng ta. Các đối tượng phản động, chống phá liên tục đăng tải những video kích động, bôi nhọ Việt Nam qua kênh YouTube. Hình thức này cho phép tính năng gợi ý người dùng để xem những nội dung mà người dùng quan tâm hoặc đã xem. Tính năng này khiến những video clip phản động phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội. Mặc dù Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần đề nghị YouTube không phát tán, gỡ tính năng gợi ý này nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Trong nhiều trường hợp, Youtube, Google… đã đồng ý với Chính phủ Việt Nam trong việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật, nhưng sau đó họ lại cho phép đăng tải lại những nội dung đó rất dễ dàng, nên việc xử lý không triệt để.

Một thực tế là, không phải ai tham gia mạng xã hội cũng có nhận thức đúng đắn, hành vi chuẩn mực. Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự vô tình hay cố ý của một bộ phận người dùng mạng xã hội khi lan truyền thông tin sai trái đang làm lây lan virus độc hại trên không gian mạng. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, thu hút lượng người xem, bày tỏ quan điểm hay chia sẻ, đôi khi lấn át những thông tin được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Cái nguy hại của thông tin này thường lẫn lộn giữa thật - giả, đúng - sai hoặc có “một phần thật” nhưng đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và dẫn dắt dư luận bằng luận điệu thù địch - đây là điều độc hại, nguy hiểm nhất.

Agribank cùng ngành Ngân hàng nhận diện và đấu tranh đẩy lùi nhóm “mạng đen”

Tin giả - dạng thức thông tin xấu độc nguy hiểm trên mạng xã hội, về bản chất là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề. Nhận diện rõ kẻ thù để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả là đòi hỏi khách quan, cấp thiết và bền bỉ, lâu dài. Cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực vào thành công chung trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Agribank là Ngân hàng thương mại duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có hơn 33 năm phát triển và trưởng thành. Agribank là Ngân hàng thuơng mại hàng đầu Việt Nam về quy mô tổng tài sản, mạng lưới, số lượng khách hàng; giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn và dịch vụ Ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn vốn Agribank chiếm gần 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Với vai trò, vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển “Tam nông” và nền kinh tế, sự phát triển của Agribank mở ra nhiều cơ hội đồng thời cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó, nguy cơ đến từ không gian mạng như việc tung tin thất thiệt ảnh hưởng hình ảnh, uy tín, hoạt động của Agribank, cũng như tác động tiêu cực đến an ninh tiền tệ quốc gia, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Agribank.

Phishing (Tấn công giả mạo) là hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công giả mạo thành một đơn vị uy tín (đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng) để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho chúng. Phương thức tấn công này thường được tin tặc thực hiện thông qua email và tin nhắn.
Phishing (Tấn công giả mạo) là hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công giả mạo thành lập một đơn vị uy tín (đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng) để lừa đảo người dùng, cung cấp thông tin cá nhân cho chúng. Phương thức tấn công này thường được tin tặc thực hiện thông qua email và tin nhắn.

Qua theo dõi thông tin trên mạng xã hội, Agribank kịp thời phát hiện nhiều trang web (agribank.mobi, agribank.link; các ứng dụng (app) mang tên sản phẩm của Agribank: Agribank E-Mobile Banking,… và nhiều trang tin, facebook giả mạo nhằm mục đích lừa đảo, lấy thông tin định danh của khách hàng; giả mạo website, fanpage của Agribank và ứng dụng Agribank E-Mobile Banking để quảng cáo cho vay tín dụng đen, tiếp cận người vay trực tuyến,… Tính đến nay, đã có hơn 3.000 Fanpage giả mạo thương hiệu Agribank đã được Agribank phát hiện và xử lý, những trang đó tập trung vào huy động cho vay tín dụng đen (cho vay tín dụng đòi tiền chiết khấu cao, trốn nợ), với biểu hiện cố tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thương hiệu Agribank.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Phượng, nhìn tổng thể, dưới mọi hình thức, và phương tiện trên mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch, cơ hội, phản động, thông tin xấu độc về ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng được xác định thành hai nhóm chính với động cơ và mục địch như sau: Thứ nhất là đối tượng lợi dụng thương hiệu của Ngân hàng nhằm trục lợi, lừa đảo tài chính. Đối tượng này lợi dụng cộng đồng rộng lớn trên mạng xã hội cùng những chương trình chính sách của Ngân hàng để trực tiếp lừa đảo, “cướp’ tiền từ tài khoản của khách hàng. Thứ hai, nguy hiểm hơn, là các phần tử cơ hội chính trị, thù địch lợi dụng triệt để “truyền thông đen” để nhằm bôi nhọ uy tín Ngân hàng, chống phá Ngân hàng, qua đó, thể hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá chế độ ta.

Sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức. Các đối tượng lợi dụng công nghệ để thực hiện thủ đoạn lừa đảo tinh vi, táo tợn, đặc biệt lợi dụng tâm lý cả tin của khách hàng để đánh cắp thông tin bảo mật sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng cũng như gây tổn hại tới uy tín của Ngân hàng. Lừa khách đổi từ sim 3G sang 4G, giả mạo ngân hàng nhắn tin, giả mạo công ty tài chính cho vay, giả vờ chuyển khoản nhầm... là các chiêu trò của kẻ lừa đảo thời gian qua trong bối cảnh thanh toán online ngày càng phát triển, đặc biệt là thời điểm phải giãn cách vì dịch COVID-19 bùng phát. Chúng sử dụng mạng xã hội để chia sẻ công cụ, thách thức, cơ hội phạm tội, phương thức lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mượn môi trường mạng là miếng đất để trục lợi tiền từ người dân và gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Ngân hàng.

Trong thời gian gần đây nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lừa đảo tài chính trên không gian mạng diễn ra liên tục và ngày càng tinh vi và phức tạp. Do đó, Agribank thường xuyên phát đi các cảnh báo và khuyến cáo khách hàng chủ động cảnh giác, phòng tránh trước những “bẫy” gọi mời trên các diễn đàn hay những tin nhắn lừa đảo trên điện thoại di động. Nhiều khách hàng đã được các cán bộ Agribank tại địa phương kịp thời phát hiện và ngăn cản giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, giúp giữ lại được hàng tỉ đồng cho hàng trăm khách hàng.

Một điểm đáng chú ý là, các phần tử xấu thường tập trung chủ yếu vào công tác nhân sự với các phương thức tinh vi. Tại Agribank, vào thời điểm trước và sau thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ, cùng với thời điểm Agribank có sự thay đổi của người đứng đầu, các phần tử xấu đã gia tăng các hoạt động tung tin giả, những thông tin sai trái bóp méo nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân của đồng chí lãnh đạo chủ chốt tại Agribank.

Tại thời điểm đó, Agribank đã phát hiện tài khoản Facebook Minh Quang Nguyen, Trần Mỹ Nga liên tục đăng tải các thông tin, bình luận với dụng ý công kích, bôi xấu hình ảnh, thương hiệu Agribank và hình ảnh uy tín của lãnh đạo cấp cao Agribank. Hành động “đâm bị thọc, chọc bị gạo” của những kẻ này thường nhằm vào những thời điểm quan trọng trước Đại hội Đảng bộ Agribank xem xét về công tác nhân sự với động cơ mục đích rất đen tối. Các bài viết với tiêu đề “Sẵn sàng trở lại đường đua của những người xuất sắc hay tiếp tục cầm đầu đi theo vết xe đổ” được các đối tượng rải link ở tất cả các bình luận trên các Fanpage, Facebook của Agribank và cán bộ Agribank trên mạng xã hội. Thật nực cười khi đường dẫn của bài viết này lại bắt đầu từ Facebook có gốc từ người tên Minh tự nhận là làm tại hai ngân hàng thương mại khác. Đối tượng không làm ở Agribank lại đưa ra những thông tin suy diễn, bịa đặt vấn đề nhân sự tại Agribank. Từ xuyên tạc, nói sai sự thật về tình hình nhân sự tại Agribank; bới móc, thêu dệt bí mật đời tư; bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức lối sống nhằm hạ thấp công trạng, đóng góp của lãnh đạo Agribank, đặc biệt gây mâu thuẫn nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên câu chuyện về “phe cánh”.

* Kỳ 2: Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa

Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị (khóa XII) đã xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Do đó, việc nâng cao khả năng tự "đề kháng" của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu, vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường internet và mạng xã hội là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả đồng bộ của các cấp, ngành, tạo thành thế trận ngày càng hoàn thiện, vững chắc.

Agribank liên tục đua ra các khuyến cáo khách hàng.
Agribank liên tục đua ra các khuyến cáo khách hàng.

Nâng cao nhận thức, chủ động đấu tranh

Thống kê chỉ số tương tác giữa các kênh truyền thông đấu tranh của Agribank và của các thế lực chống phá trên Internet, mạng xã hội cho thấy, thời gian đầu, truyền thông phản động chống phá có phần áp đảo về số lượng thông tin, khả năng phát tán trên mạng xã hội và tiếp cận tới người dân. Trước tình trạng quyết liệt chống phá của các thế lực thù địch, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải chiếm lĩnh, xác lập lại vị thế quốc gia trên mạng xã hội.

Theo Đảng ủy Agribank, thực tế cho thấy, nhận thức và hành động về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thương hiệu ngành, uy tín của Agribank trên không gian mạng trong tình hình mới còn hạn chế, chưa huy động và khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá trên không gian mạng. Vẫn còn nhiều cán bộ Agribank chưa nhận thức được vai trò và lập trường tư tưởng của bản thân mình, còn mù mờ và dễ bị “dẫn dụ” bởi những thông tin gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ Đảng viên thờ ơ, đứng ngoài cuộc, có biểu hiện “né tránh” mạng xã hội, chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội.

Khắc phục tính trạng nêu trên, Agribank triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng của những thông tin xấu độc liên quan đến Agribank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35); cử cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ tham gia buổi tập huấn do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức. Đồng thời, Đảng bộ Agribank triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ đảng viên, người lao động gắn với đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Agribank đã kiện toàn, xây dựng “thế trận” truyền thông trên mạng xã hội với 02 trang Fanpage mang thương hiệu Agribank - Fanpage Agribank về sản phẩm dịch vụ Agribank; Fanpage “Tuổi trẻ Agribank truyền thông về hoạt động và thương hiệu Agribank” cùng với gần 100 Fanpage tại chi nhánh mang thương hiệu Agribank. Ngoài ra, Agribank xây dựng 01 kênh Youtube để đăng tải thông tin chính thống, tích cực và định hướng thông tin. Cùng với đó, Agribank, ban hành quy định về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các cán bộ Agribank, ban hành quy định về quản lý hình ảnh, thương hiệu và hoạt động truyền thông của Agribank trên mạng xã hội; ban hành quyết định thành lập các trang fanpage của chi nhánh cũng như khuyến khích các cán bộ trong hệ thống sử sụng không gian mạng để truyền bá sản phẩm dịch vụ, hoạt động Agribank cùng ngành ngân hàng; xây dựng các nhóm trao đổi và chỉ đạo các chiến dịch truyền thông, để tập hợp lực lượng theo từng cấp; xây dựng tài liệu hướng dẫn đấu tranh, cách thức đấu tranh, mật hiệu, mật mã quy ước; bố trí lực lượng thành các nhóm khác nhau: Nhóm truyền thông, nhóm đấu tranh thông tin, nhóm xử lý thông tin xấu độc…). Xác định phát triển lực lượng nòng cốt là cán bộ làm công tác truyền thông từ Trụ sở chính đến các chi nhánh; thường xuyên theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ đảng viên, người lao động, tăng cường trao đổi, đối thoại với cán bộ, đảng viên với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề nội bộ ngay tại chi nhánh, đơn vị nhằm tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội tại Agribank.

Theo đồng chí Phạm Châu Giang, Bí thư Đảng bộ Agribank Hà Tây 1 trực thuộc Đảng bộ Agribank chia sẻ thì việc xây dựng “thế trận” truyền thông trên mạng xã hội của Agribank thực sự đã rất hiệu quả trong việc chống tin xấu độc. Cùng với hai trang Fanpage chính thức của Agribank, Agribank Chi nhánh Hà Tây 1 đã thành lập một trang fanpage riêng của chi nhánh để tuyên truyền quảng bá thương hiệu và sản phẩm dịch vụ của Agribank cũng như giải đáp các tư vấn, thắc mắc khiếu kiện của khách hàng. Nhưng quan trọng là trang fanpage của chi nhánh còn là “trợ thủ” đắc lực của Agribank trong việc “đánh” các trang bôi nhọ ảnh hưởng đến thương hiệu Agribank. Chi nhánh đã cử những bạn cán bộ đoàn thanh niên xung kích tham gia các diễn đàn trên mạng xã hội để phát hiện những nội dung thông tin tiêu cực về Agribank và đề xuất những phương án nhằm “pha loãng” nội dung xấu cũng như có tiếng nói tích cực giúp công chúng không bị những kể xấu “dẫn dắt” truyền thông.

Đến nay sau một thời gian triển khai “thế trận” truyền thông trên không gian mạng, Agribank đã báo cáo với Fanpage và loại trừ 3127 trang tin giả mạo, xấu độc ảnh hưởng đến thương hiệu và hình ảnh của Agribank.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Việc đấu tranh ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đòi hỏi các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường thông tin tích cực giáo dục chính trị tư tưởng qua các kênh truyền thông; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm và chủ động của báo chí, truyền thông trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch,…

Chủ động thông tin tích cực về hoạt động của Agribank, của ngành Ngân hàng, của cả hệ thống chính trị, tuyệt đối không để “khoảng trống thông tin” trên mạng xã hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá. Để chiếm lĩnh trận địa thông tin, tư tưởng trên không gian mạng, Agribank xác định lấy “xây” để “chống”; lấy thông tin chính thống đẩy lùi thông tin xấu độc; phát hiện, cổ vũ cái tốt, nhân rộng các điển hình, mô hình vì cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái… Đồng thời, đấu tranh mạnh mẽ để lên án, loại bỏ cái xấu, điều lệch lạc; phát huy và nâng cao vai trò của các kênh thông tin truyền thông chính thống; đẩy mạnh thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang mạng xã hội chính thống của Agribank, của hệ thống chính trị. Phát huy những tiện ích của mạng xã hội để không gian mạng trở thành “cánh tay nối dài” của các cơ quan làm công tác tư tưởng, báo chí, truyền thông, trở thành kênh thông tin mang tính chính thống, chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận xã hội trước các sự kiện chính trị quan trọng, các sự kiện nóng, phức tạp.

Ngoài ra, tăng cường các giải pháp phát triển và quản lý mạng xã hội. Triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”. Xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo, dự báo xu hướng dư luận trên mạng xã hội; xây dựng hệ thống lọc và phát hiện tin tức giả mạo, sai sự thật, đồng thời đo lường, đánh giá thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin; xây dựng các phương án phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông trên Internet, mạng xã hội; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí, quản lý thông tin không gian mạng trong việc ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc.

Đảng ủy Agribank luôn xác định rõ quan điểm, để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, yếu tố cốt lõi chính là con người. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Theo đó, bên cạnh bản lĩnh chính trị, tư duy lý luận, am hiểu về công nghệ và kỹ năng truyền thông, cần phải rèn luyện “tinh thần thép” và có những nỗ lực vượt bậc. Song song thành lập Ban Chỉ đạo 35, Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ đảng viên, người lao động gắn với đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện truyền thông nội bộ gắn với truyền thông bên ngoài, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc hỗ trợ Agribank đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực, xuyên tạc, sai lệch về Agribank và ngành ngân hàng; kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng nòng cốt là cán bộ làm công tác truyền thông từ Trụ sở chính đến các chi nhánh; thường xuyên theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ đảng viên, người lao động, tăng cường trao đổi, đối thoại với cán bộ, đảng viên để giải quyết các vấn đề nội bộ ngay tại chi nhánh, đơn vị nhằm tạo sự đồng tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội tại Agribank. Quản lý hoạt động truyền thông trên Website Agribank, Bản tin, Fanpage Agribank…; thành lập nhóm Truyền thông Agribank trên Facebook, Zalo là thành viên cốt cán của các đơn vị trên hệ thống. Một số thành viên Agribank tham gia các Nhóm do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thành lập để cập nhật thông tin và học hỏi phương pháp vô hiệu hóa các tài khoản có nội dung sai trái trên mạng xã hội.

Phát huy sức mạnh của cán bộ đảng viên và gần 40.000 cán bộ, người lao động, thời gian vừa qua, Agribank đã tổ chức ngăn chặn vô hiệu hóa hàng ngàn tài khoản facebook cá nhân/Group/Fanpage đăng tải thông tin sai sự thật, giả mạo thương hiệu Agribank với mục đích lừa đảo chiếm đoạt thông tin và tài sản của khách hàng, đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng nhà nước xử lý thông tin xấu độc liên quan Agribank và ngành Ngân hàng,…

Đảng bộ Agribank luôn đưa ra mục tiêu xuyên xuốt đó là bảo vệ hình ảnh, uy tín, hoạt động của Agribank, góp phần giữ vững an ninh thông tin, an ninh tiền tệ quốc gia cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nên hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank cần đề cao cảnh giác, sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin; tích cực chia sẻ lan tỏa các thông tin tích cực; không chia sẻ các thông tin xấu độc, chưa được kiểm chứng, thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động gây nhiễu loạn, chia rẽ đoàn kết nội bộ chính là bảo vệ mình góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng bộ Agribank xác định mỗi tổ chức đảng, đơn vị, chi nhánh là một “pháo đài”, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động là một “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, với nỗ lực và khát vọng cống hiến, sẽ tạo nên thành trì vững chắc mà không kẻ thù nào có thể lung lay được.

Nhóm tác giả Ban Truyền thông, Đảng bộ Agribank

.
.
.
.