.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:

Người thủ lĩnh trọn nghĩa, vẹn tình

Thứ Hai, 07/11/2022|09:03

Đã lâu rồi, cái tên Nguyễn Hữu Thường - Đà Nẵng, đã trở nên thân quen, gần gũi với anh chị em trong ngành Bưu điện từ Nam ra Bắc. Anh chị em hay phải đi công tác hoặc có công việc qua miền Trung, cũng ráng chạy để về qua Đà Nẵng ăn vội với anh bữa cơm, hàn huyên dăm ba câu chuyện nghề, chuyện đời, rồi lại rong ruổi lên đường. Lắng đọng điều còn mãi trong lòng của đồng chí, đồng nghiệp, chính là sự chân thành và nhiệt tình, cùng với sự sốc vác, tận tâm với công việc, để những vị trí công tác anh đã từng trải qua, đều là những bài học cho thế hệ nối tiếp noi gương, học tập.

Anh Thường kiểm tra Trạm cập bờ tuyến cáp quang biển quốc tế SJC Gềnh Ráng, Bình định - công trình trọng điểm cấp quốc gia xây dựng trên địa bàn do VNPT Net 3 quản lý.
Anh Nguyễn Hữu Thường kiểm tra Trạm cập bờ tuyến cáp quang biển quốc tế SJC Gềnh Ráng, Bình định - công trình trọng điểm cấp quốc gia xây dựng trên địa bàn do VNPT Net 3 quản lý.

Chuẩn bị cho những dòng viết này về anh, các thành viên Ban biên tập Bản tin VNPT Net đã trao đổi với nhau nhiều buổi, tìm hiểu các tài liệu, các hồ sơ, hình ảnh về anh để lựa chọn một hoặc một vài chủ đề hay là những điểm nổi trội trong cuộc đời, sự nghiệp của anh. Nhưng quả thực là không đơn giản!. Viết về quá trình công tác gần 39 năm, xuất phát điểm là chàng công nhân của Xí nghiệp sửa chữa thiết bị thông tin 3, qua các vị trí công tác, gắn trọn sự nghiệp với những thăng trầm qua các giai đoạn phát triển của ngành Bưu điện, của VNPT, giờ là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hạ tầng mạng, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung - thật khó có thể điểm lại hết những gì anh đã làm. Viết về kỹ năng và kinh nghiệm quản trị của anh, qua gần 29 năm làm quản lý từ vị trí Phó Trưởng đài Đà Nẵng (TTVTKV I) - cũng không dễ dàng, vì không có có lý thuyết hay bài giảng uyên bác nào bằng chính thực tiễn, khi để có những thành công, anh đã gắn sự nghiệp của mình vào những công việc cho dù là nhỏ bé nhất của từng người lao động. Viết về sự vất vả và nỗ lực của anh chắc hiện thực là câu trả lời xác đáng nhất, khi cả sự nghiệp của anh gắn với mạng lưới miền Trung, Tây nguyên mà mới nghe, cái cảm giác đầu tiên đến với con người ta là thiên tai, lũ lụt và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Viết về thành tích, công trạng của anh có lẽ là dễ viết hơn vì tất cả còn nguyên đó: Huân Chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, 2 lần được tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (2003, 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, Giấy khen của các Bộ, Ngành, của UBND các tỉnh/thành phố, nhưng chắc chắn là anh sẽ không đồng ý, vì với anh kết quả, công lao là của anh chị em, anh chỉ là người đại diện vinh dự được nhận. Và chúng tôi (cũng xin phép anh) được viết một chút về những gì mà mỗi người khi nói chuyện về anh đều đánh giá đó là sự chân thành, bình dị và hết lòng vì mọi người.

Quê anh Nguyễn Hữu Thường ở Vĩnh Sơn, Anh Sơn, một làng quê nghèo thuộc vùng núi Nghệ An. Các Cụ đặt cho anh tên Hữu Thường, cũng mong mỏi ở anh hội tụ và sống theo 5 đạo của người là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhà có 4 anh chị em tuổi sát nhau, cha làm trong ngành giáo dục, mẹ là lao động giản đơn, thu nhập chả có là bao, nên cái khó, cái nghèo cũng quẩn quanh trong nhà anh cả một thời gian dài. Ở làng quê này, thuở ấy, hầu như nhà nào cũng vậy, nên mọi người thương quý và đùm mọc nhau trong cái nghĩa xóm tình làng.

Năm 1978, anh theo học ngành hữu tuyến Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc. Sau này, anh có trở lại Trường (đã đổi tên thành Học viện CNBCVT) để hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sỹ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông vào năm 2005.

Anh thuộc diện “thế hệ vàng” của Ngành, sau khi được đào tạo bài bản, Tổng cục Bưu Điện điều động, tăng cường cho các khu vực xung yếu, đặc biệt là những vùng khó khăn sau giải phóng và ít có tiềm năng phát triển. Vì vậy, mà liên tục 10 năm sau khi tốt nghiệp, anh đã qua 4 đơn vị công tác mới hình thành của Ngành (Xí nghiệp sửa chữa thiết bị thông tin 3, Công ty Viba, Công ty Điện thoại đường dài Hà Nội, Đài Viễn thông thuộc Trung tâm Viễn thông khu vực I). 

Vào giữa những năm 90, mạng lưới Viễn thông khu vực miền Trung bắt đầu được hiện đại hoá, anh được giao làm Phó trưởng Đài Đà Nẵng. Và chỉ 1 năm sau, 7.1994, anh được bổ nhiệm là Phó phòng, rồi Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Trung tâm Viễn thông Liên tỉnh khu vực III.

Anh mang sức trẻ, sự nhanh nhẹn và nhiệt tình dấn thân vào hàng loạt vấn đề phức tạp, khó khăn của mạng lưới. Phát triển mạng ở vùng đồng bằng, ven biển khó khăn là 1 thì phát triển ở vùng núi, cao nguyên, biên giới cái khó gấp hàng ngàn lần. Thiếu thốn tiền đầu tư, nhu cầu xã hội thì nhiều, anh và đồng nghiệp cứ như con thoi chạy đi chạy lại giữa các địa bàn mang thiết bị chỗ nọ, lắp đặt chỗ kia. Địa hình phức tạp, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ rình rập, rồi còn phải lo cả phỉ, kẻ xấu lẩn quất trong rừng hãm hại. Có những thời gian dài, anh ăn nghỉ tại hiện trường để bám sát công việc, không có thời gian để về nhà. Có những việc khó tưởng chừng không vượt qua được (như các công trình đi vào đường giao thông, đi qua nhà dân, hay phải theo phong tục của đồng bào dân tộc…) anh dân vận, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền và đặc biệt là sự đùm bọc, giúp đỡ của người dân.

Nguyên Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long trao tặng Huân chương  Lao động hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Hữu Thường
Nguyên Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Hữu Thường.

Đất nước mở cửa, ngành Bưu Điện tiên phong đi đầu trong đổi mới, công nghệ mới, thiết bị hiện đại xuất hiện liên tục trên mạng lưới; mạng di động Vinaphone ra đời. Tháng 10/1997, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực III và sau đó là Giám đốc Trung tâm (2/1998). Anh học hữu tuyến, sở trường làm các tuyến trục truyền dẫn, nay bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và lại là người đứng đầu của cả một khu vực, khó khăn đến với anh không phải là ít. Đầu tư cho di động là khá lớn, trong khi VNPT phải ưu tiên đầu tư cho các thị trường trọng điểm; các khả năng phát triển của khu vực miền Trung, Tây nguyên còn tiềm ẩn, nên việc đầu tư phát triển mạng Vinaphone cũng phải tính toán kỹ lưỡng, tuy nhiên không thể đi chậm vì sẽ mất cơ hội phát triển. Anh đi tới từng tỉnh trong khu vực, gặp và báo cáo các cấp lãnh đạo của tỉnh, tìm đến từng nhà đầu tư, làm việc cụ thể từng Viễn thông tỉnh (trước là Bưu điện tỉnh) và lên kế hoạch chi tiết phủ sóng từng khu vực. Đường bay nối miền Trung với các địa phương và với quốc tế đã mở rộng, giao thông thuận tiện với hàng loạt tuyến đường mới. Cao nguyên hoang xơ ngày nào nay đã phủ xanh cây công nghiệp, cà phê, ca cao, hồ tiêu; những bãi biển trống vắng nay đã phủ kín các khu du lịch nghỉ dưỡng… không có lý do gì để mạng Vinaphone không bung ra, phát triển. Tư duy như vậy và anh lao vào công việc như “lên đồng”. Động viên đồng nghiệp, làm cùng mọi người, anh truyền cho anh chị em tinh thần: Không thể chậm, không thể tụt hậu; phải làm sao để có những đóng góp nhanh và hiệu quả nhất, góp phần cùng miền Trung, Tây Nguyên phát triển giàu mạnh.  

Tháng 6/2007, anh Nguyễn Hữu Thường được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Viễn thông kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực III. Năng lực, kinh nghiệm qua công tác và trọng trách mới đã giúp anh hiện thực hoá hàng loạt giấc mơ về mạng Vinaphone không ngừng vươn xa tại 13 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên. Đánh giá kết quả và thành công của anh, lãnh đạo cấp cao cũng đã có dự định điều động anh ra Hà Nội bổ nhiệm trọng trách mới, để anh phát huy mạnh mẽ hơn sở trường và kinh nghiệm, song anh xác định duyên, nghiệp của anh đã gắn với miền Trung, Tây Nguyên và anh đề nghị được ở lại.

Dấu ấn lớn trong sự nghiệp, đó là từ khi anh bắt đầu về VNPT Net (6/2015), được Tập đoàn bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung. Anh là một trong số ít nhân sự quản lý đầu tiên của VNPT Net khi TCT mới được thành lập. Thực hiện một khối lượng rất lớn công việc trong thời gian ngắn, bên cạnh duy trì ổn định mạng lưới, phát triển, tối ưu các hệ thống kỹ thuật, vất vả, khó khăn nhất chính là hợp nhất tổ chức, sắp xếp lại lao động. Từ hàng ngàn vị trí công tác, văn hoá, tính cách, thói quen, nề nếp khác nhau của người lao động từ các trung tâm (của VTN, VDC, VTI, VNP) về trong ngôi nhà VNPT Net3; làm sao để anh chị em sớm bắt nhịp được công việc, sớm chia sẻ, thân thiện với nhau để nếp nhà Net3 được yên ấm, ổn định, phát triển. Các chủ trương, quyết định lớn đều được anh đưa ra bàn bạc, trao đổi, thống nhất trong tập thể Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Đảng uỷ, Ban Chấp hành Công đoàn. Anh cùng Chủ tịch Công đoàn Trung tâm đi tới từng đơn vị lao động nhỏ, lắng nghe tâm tư và giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Anh đã truyền tải thông điệp tới tất cả mọi người, đó là vì sự ổn định, phát triển của VNPT Net. Anh không ngại va chạm mà ngược lại đã chủ động gặp gỡ, thông toả những vấn đề người lao động chưa hiểu rõ để có được sự chia sẻ và đồng thuận. 

Gần 7 năm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của anh, VNPT Net3 đã có những bước đi chắc chắn, vững vàng và trưởng thành toàn diện. Cơ sở hạ tầng mạng lưới tinh, mạnh, gọn, vững chắc. Chất lượng từ chỗ “ọp ẹp, không ít vấn đề” nay đã luôn ở thứ hạng đầu của TCT. Đội ngũ được quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ cho dù là khó khăn, phức tạp. Anh giữ và phát huy sự gắn kết với Viễn thông 13 tỉnh/thành phố khu vực, cũng như là đối với các cơ quan quản lý, đối tác, bạn hàng. Chứng kiến cách anh trao đổi, chia sẻ và làm việc với các đơn vị địa bàn, anh tựa như trung tâm kết nối, liên kết vùng, mới thấy làm được những việc như anh không hề đơn giản chút nào. Nhớ hình ảnh, khi thông tin cơn bão số 9 dự kiến đổ bộ trực tiếp vào Phú Yên lúc 10:00 ngày 29/10/2020, thì 07:00 sáng, anh và đội ứng cứu của VNPT Net3 đã có mặt ở Tuy Hoà, Phú Yên để chủ động phối hợp với Viễn thông tỉnh ứng phó thiên tai. Có trường hợp nhân viên của Trung tâm Hạ tầng mạng miền Bắc gặp tai nạn giao thông trên đường làm nhiệm vụ, anh lặn lội từ Đà Nẵng ra Hà Nội trực tiếp vào Bệnh viện, động viên người bị nạn và gia đình rồi tức tốc quay về để giải quyết công việc. Hơn một năm qua, cùng với cả nước, VNPT Net3 oằn mình chống đại dịch Covid-19, Trung tâm Kỹ thuật An Đồn phải 2 lần thực hiện cách ly dài ngày. Bên cạnh chỉ đạo để mạng lưới phải an toàn liên tục, anh đôn đáo lo cho anh chị em từng bữa cơm, viên thuốc, bộ quần áo bảo hộ để vào vùng dịch xử lý sự cố mạng lưới. Khi nhân viên mắc F0, anh liên hệ với Bệnh viện, với những thầy thuốc hàng đầu để lo cho anh em. Anh đau buồn như nỗi đau của người thân khi phải từ biệt đồng nghiệp không vượt qua được số phận do đại dịch… Nhìn những ánh mắt của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trao gửi cho anh mỗi lần ghé thăm, mới cảm nhận hết được tình cảm, sự tin yêu, mến phục dành cho anh và các đồng nghiệp của VNPT Net3. 

Trước những thay đổi vô cùng nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật và môi trường kinh doanh, những đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức sản xuất của VNPT, anh đã âm thầm chuẩn bị một thế hệ nhân sự trẻ, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ của VNPT Net3. Trước thời điểm khá xa để đủ tuổi được nghỉ ngơi theo chế độ quy định, anh đã chủ động đề đạt với lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo VNPT Net cho phép được nghỉ trước thời hạn và bàn giao nhiệm vụ, để lớp lao động trẻ nhiệt huyết, gánh vác sứ mệnh của VNPT Net3. Từ sâu thẳm trong suy nghĩ và bằng từng việc làm nhỏ bé của mình, anh luôn hướng về những điều tốt đẹp, những giá trị nhân bản mà cha mẹ truyền lại cho anh.

Gặp lại anh trong ngày VNPT Net tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, bằng cái bắt tay và nụ cười nồng ấm, anh tâm nguyện, mong mỏi VNPT/VNPT Net tiếp tục tiến lên, tiến nhanh hơn nữa trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Anh bảo rằng, anh tin thế hệ trẻ sẽ làm được điều đó, như truyền thống của các thế hệ Bưu Điện đã xây dựng gần 77 năm qua. Anh chia sẻ về những dự định của tương lai và bộc bạch điều đơn giản là mong sớm làm việc gì đó để bù đắp cho chị cùng các thành viên trong gia đình về sự hy sinh của họ giúp anh dấn thân cho sự nghiệp mấy chục năm qua. Thật cảm động khi nghe những điều anh nói và mong sao những mùa xuân mới ấm áp trọn vẹn trong ngôi nhà hạnh phúc của anh chị./.

Đinh Hồng Quang

Chánh văn phòng Tổng Công ty Hạ tầng mạng

 
.
.
.
.