.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:

Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT Net trong công tác Chuyển đổi số doanh nghiệp

Thứ Ba, 08/11/2022|15:55

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, các tổ chức, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Những thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng về năng suất lao động; nhu cầu, tâm lý, thói quen tiêu dùng của khách hàng; sự hình thành của các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh mới cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội, đến hoạt động của các tổ chức, ngành nghề; các hành vi của con người hiện nay.

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Tổng công ty Hạ tầng mạng họp bàn triển khai các dự án chuyển đổi số.
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Tổng công ty Hạ tầng mạng họp bàn triển khai các dự án chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang loại hình doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây, AI… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như tăng trưởng thị phần, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp.

Nhận thức được trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, bao hàm mục tiêu góp phần duy trì vị thế dẫn dắt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT trong chuyển đổi số quốc gia; thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Hạ tầng mạng lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 (số 86-CTr/ĐUVNPT Net, ngày 7/9/2020), Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty đã thống nhất ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến lược chuyển đổi số” trong đó có một số mục tiêu cụ thể như sau: 

1. Nhanh chóng đáp ứng công tác điều hành hạ tầng mạng theo chất lượng dịch vụ, địa bàn; phát triển mạng lưới, điều hành cơ sở hạ tầng mới theo phương pháp của hành động chiến lược thành phần trong Chiến lược VNPT 4.0.

2. Làm chủ và số hóa toàn bộ tài nguyên, năng lực, thiết bị mạng lưới; tự động, tối ưu hóa các quy trình khai thác; số hóa quản lý, kiểm soát nguồn lực con người tham gia các hoạt động, tiến trình công việc; phát triển, trang bị các hệ thống, công cụ phục vụ đo lường, đánh giá và quản lý chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng. Đồng bộ theo các hành động chiến lược VNPT 4.0.

3. Từng bước xây dựng và hợp lực các dự án chuyển đổi số được Tập đoàn giao thực hiện theo các lĩnh vực tạo tiền đề, nền tảng cho công tác quản trị doanh nghiệp hiện đại. 

4. Xây dựng hạ tầng Viễn thông - Công nghệ thông tin thông minh, hiện đại, đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam về hạ tầng (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) trong ngắn hạn cũng như về mặt dài hạn.

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đã đưa ra những nhiệm vụ, các nhóm giải pháp phải triển khai bao gồm: 

1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chuyên môn, phát huy sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong chuyển đổi số. Để làm được điều đó, Đảng ủy Tổng công ty tập trung chỉ đạo: (1) Chỉ đạo cấp ủy trực thuộc tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn. Nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, công nhân viên về sự cần thiết, chủ động tham gia có hiệu quả trong chuyển đổi số. Vận dụng sáng tạo, đúng pháp luật và chủ trương cơ chế chính sách vào điều kiện cụ thể của đơn vị, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết chặt chẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số với chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị. (2) Bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn về vấn đề chuyển đổi số để kịp thời chỉ đạo thông qua việc ban hành các quyết định, văn bản quản lý, hướng dẫn, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số. Đưa nội dung chuyển đổi số vào sinh hoạt định kỳ, thường xuyên của các tổ chức Đảng, chuyên môn, tổ chức đoàn thể. (3) Kiểm tra, giám sát và đánh giá các tổ chức đảng, cấp ủy, Bí thư cấp ủy. Đưa yêu cầu về chuyển đổi số vào đánh giá chất lượng công tác và thi đua, khen thưởng. Lựa chọn các đơn vị điển hình tiên phong, có cách làm mới, sáng tạo để phổ biến nhân rộng, truyền thông nội bộ. (4) Phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn thể, tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn phát động phong trào thi đua, sáng kiến, hiến kế, công trình thanh niên liên quan đến chương trình chuyển đổi số; tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, giảm áp lực cho cán bộ và người lao động về việc làm, thu nhập.

2. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản trị nội bộ Tổng công ty, tạo thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số. Theo đó, Đảng ủy tiếp tục: (1) Tập trung quản trị các chỉ số điều hành trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. (2) Rà soát đội ngũ lao động để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khuyến khích các lao động có năng lực chuyển đổi sang lĩnh vực CNTT, đồng bộ với việc tuyển dụng mới lao động CNTT tại Tổng công ty. (3) Phân công giao nhiệm vụ cho các vị trí quan trọng PO/VPO/PM các chương trình chuyển đổi số. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc VNPT trong thực hiện chuyển đổi số theo RACI từng quy trình/chương trình cụ thể. (4) Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật; khuyến khích sự sáng tạo của với đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ trình độ năng lực, kinh nghiệm, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc nghiên cứu triển khai công nghệ mới; khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học/sáng kiến sáng tạo.

3. Chủ động triển khai toàn diện các chương trình chuyển đổi số, theo đó Đảng ủy tập trung lãnh đạo chỉ đạo: (1) Tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng mạng hiện đại cho phép phát triển và triển khai nền tảng cung cấp dịch vụ của VNPT, phục vụ mục tiêu phát triển không gian số cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và nội bộ VNPT. (2) Tuân thủ theo định hướng chiến lược của Tập đoàn; tập trung chuyển đổi số trọng tâm theo các lĩnh vực Doanh nghiệp số, Vận hành số, Khách hàng số và Công nghệ. (3) Xây dựng các hệ thống đo lường, đánh giá về chất lượng dịch vụ theo trải nghiệm khách hàng. Đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ theo các hành động chiến lược VNPT 4.0. (4) Làm chủ và số hóa toàn bộ tài nguyên, thiết bị hạ tầng mạng. Số hóa các quy trình công việc chi tiết tới từng người lao động, từng đối tượng hạ tầng mạng; vận hành mạng lưới theo dẫn dắt bởi chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tự động hoá các quy trình khai thác. (5) Triển khai áp dụng các công cụ quản trị hiện đại (mô hình quản trị eTOM, ITIL, BSC/KPI, Lean Six Sigma, OKR) trong xây dựng quy định chức năng nhiệm vụ các tổ chức, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, các nhóm giải pháp trên, bước đầu họat động chuyển đổi số trong Tổng công ty đã đạt được một số kết quả khả quan.

Thứ nhất: Khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động trong Tổng công ty về chuyển đổi số. Điều đó được thể hiện trong các hoạt động: (1) Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc VNPT Net làm Trưởng ban để tổ chức chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chương trình, công việc của Chuyển đổi số đã được Tập đoàn và Tổng công ty thông qua. (2) Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số - đơn vị vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa trực tiếp tổ chức thực hiện các chương trình chuyển đổi số. (3) Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, 100% cán bộ, đảng viên, người lao động đều đã có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về số hóa/chuyển đổi số, đặc biệt đối với VNPT Net - là doanh nghiệp hạ tầng, luôn đòi hỏi phải phát triển nhanh, mạnh, bền vững, luôn phải đi trước, đón đầu về công nghệ để xây dựng hạ tầng thông minh. 

Thứ hai: Lãnh đạo chỉ đạo triển khai hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đội ngũ nhân sự tạo thuận lợi cho chuyển đổi số với các nội dung: (1) Hoàn thành cơ bản các quy định/ quy trình/hướng dẫn phục vụ cho công tác xây dựng, phát triển các chương trình CNTT và an toàn thông tin phục vụ quản trị, vận hành khai thác mạng lưới. (2) Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa VNPT Net và các đơn vị trực thuộc VNPT trong thực hiện chuyển đổi số theo RACI từng quy trình/chương trình cụ thể. (3) Phân giao chỉ số OKR, các mục tiêu/chỉ tiêu BSC/KPI tới các tập thể/cá nhân để thực hiện các chương trình/dự án chuyển đổi số.

Thứ ba: Chủ động triển khai toàn diện các chương trình chuyển đổi số. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và các nguồn lực của Tổng công ty, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo lãnh đạo: (1) Tập đoàn triển khai, chủ trì và tham gia gần 30 dự án/chương trình chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2022. (2) Thực hiện các chương trình chuyển đổi số nội bộ VNPT Net hàng năm trên cơ sở báo cáo của TCT được Tập đoàn phê duyệt, tuân thủ theo định hướng chuyển đổi số theo chiến lược thành phần trong Chiến lược VNPT 4.0 của Tập đoàn VNPT. Định hướng tập trung chuyển đổi số trọng tâm theo bốn lĩnh vực Doanh nghiệp số, Vận hành số, Khách hàng số và Công nghệ. (3) Tổ chức khai thác có hiệu quả các Trung tâm dữ liệu Internet (Internet Data Center). (4) Nâng cấp, đầu tư mới, nâng dung lượng tất cả các tuyến trục trong nước, quốc tế có công nghệ cập nhật song song với việc nghiên cứu triển khai các chương trình đầu tư 5G, phục vụ mục tiêu phát triển không gian số cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và nội bộ VNPT. (6) Thúc đẩy nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ mới, các công cụ tự động hóa (Automation), PoC một số giải pháp của các hãng như Juniper, Cisco.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả trên nên trên, việc chuyển đổi số trong Tổng công ty còn có một số hạn chế dẫn dến kết quả chưa đạt như mong muốn với những nguyên nhân chủ quan và khác quan như:

- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn thiếu về số lượng, một tỷ lệ nhân sự chưa thực sự đáp ứng yêu cầu do mới tham gia, chưa tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm dẫn đến chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. 

- Hành lang pháp lý cho các hoạt động chuyển đổi số chưa đầy đủ, đặc biệt là các qui định về mua sắm, đấu thầu, thuê các sản phẩm, dịch vụ phần mềm.

- Mặc dù các hệ thống tổ chức trong Tổng công ty đã tham gia tích cực trong việc tuyên truyền về chuyển đổi số doanh nghiệp, tuy nhiên do chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, gây nên nhiều áp lực cho lãnh đạo, người lao động từ các vấn đề như nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp, sự đồng thuận và tham gia của đông đảo người lao động, suy nghĩ về vị trí việc làm…

Để thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp trong Tổng công ty nói riêng và trong Tập đoàn nói chung, góp phần duy trì vị thế dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia của VNPT, Đảng ủy Tổng công ty đã đề ra các định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo Tổng Giám đốc Tổng công ty thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong nửa nhiệm kỳ của giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Đảng ủy tập trung lãnh đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được ghi trong Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số; giải quyết những tồn tại bất cập trong giai đoạn triển khai vừa qua. Đồng thời, cập nhật, bổ sung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong 5 thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia đưa ra trong ngày 10/10/2022 - “Ngày Chuyển đổi số Quốc gia”, cụ thể là:

Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai: Nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư: Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả”.

Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy, 

Chủ tịch Công đoàn TCT Hạ tầng mạng (VNPT)

 
.
.
.
.