.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022

Tự hào chủ nhân giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh

Thứ Bảy, 05/11/2022|10:17

Đã 5 năm, kể từ khi nhận được Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh - giải thưởng vinh danh những công nhân, lao động tiêu biểu, có thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực, ngành nghề, thuộc các thành phần kinh tế, anh Trần Thanh Toán, chuyên viên Ban Công nghệ và quản lý mạng (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) vẫn chưa quên giây phút vinh dự và đầy tự hào ấy. Cùng với những nỗ lực chưa khi nào ngừng nghỉ, giải thưởng là nguồn động lực to lớn để anh tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho MobiFone.

Cống hiến - là say mê và sáng tạo

Vốn là cựu sinh viên ngành Điện tử viễn thông, theo học chương trình Kỹ sư tài năng của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2009 anh Trần Thanh Toán đã chọn đầu quân về MobiFone. Về đây, anh làm việc ở Phòng Quản lý điều hành và khai thác mạng, sau này đổi tên thành Ban Công nghệ và Quản lý mạng. 

Làm công việc đúng chuyên môn, ngành nghề, đúng nguyện vọng, đúng thời điểm “MobiFone đang là doanh nghiệp Viễn thông số 1 Việt Nam”, nên với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Trần Thanh Toán đã phát huy được khả năng, sở trường của mình. Ghi nhận những đóng góp ấy chính là khi anh nhận được Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và đến năm 2018 anh tiếp tục được vinh dự được trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Anh Trần Thanh Toán vẫn nhớ cảm giác lúc đó, vinh dự xen lẫn tự hào, từ đó tiếp thêm động lực cho anh có những cống hiến mới, đầy sáng tạo. Đến năm 2020, anh vinh dự đạt được danh hiệu Lao động điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 của Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Thực hiện công việc ở Ban Công nghệ và Quản lý mạng, trong rất nhiều nhiệm vụ mà anh phụ trách từ quy hoạch, thiết kế mạng vô tuyến cả trong ngắn hạn (1 năm) và dài hạn (5 năm); phối hợp thường xuyên với các hãng công nghệ trên thế giới để xây dựng kế hoạch hiện đại hóa mạng lưới, triển khai các tính năng mới giúp tăng cường chất lượng mạng; đến điều hành công tác xử lý “điểm đen”, tăng cường chất lượng mạng các khu vực đặc thù; đảm bảo chất lượng mạng vô tuyến khu vực miền Bắc; rồi nghiên cứu, triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới trên mạng viễn thông… anh đều cho rằng, việc tìm ra cái mới, cập nhật cái mới là đặc biệt quan trọng.

Công tác triển khai nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế mạng vô tuyến đòi hỏi phải luôn cập nhật các công nghệ mới nhất và xu hướng phát triển của ngành viễn thông trên thế giới, các tính năng mới để hỗ trợ tăng cường chất lượng mạng, từ đó giúp MobiFone luôn là nhà mạng tiên phong tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ công nghệ mới với chất lượng mạng tốt nhất. Một số giải pháp công nghệ mà anh Trần Thanh Toán đã chủ trì thử nghiệm và đưa vào khai thác trên mạng lưới như: Giải pháp UMTS 900 giúp tăng vùng phủ mạng 3G lên 1.5 đến 2 lần so với việc sử dụng băng tần 2100 Mhz, giải pháp Dual Carrier giúp tăng gấp đôi tốc độ mạng 3G trong giai đoạn 2016-2018 (khi đó các nhà mạng mới bắt đầu triển khai 4G), giải pháp Cloud Air, DSS cho phép các công nghệ khác nhau dùng chung một băng tần số trong giai đoạn 2020-2022 giúp tối ưu nguồn lực đầu tư và sẵn sàng cho việc “tắt” các công nghệ 2G/3G cũ trong các năm tới.

Thực tế, công nghệ viễn thông với đặc điểm là liên tục có sự nâng cấp, đổi mới, tính trung bình mỗi năm các hãng công nghệ đều cho ra đời 2-4 phiên bản thiết bị, phần mềm mới có nhiều tính năng ưu việt hơn các sản phẩm cũ. Do đó định kỳ ít nhất hàng tháng anh Trần Thanh Toán và các đồng nghiệp đều có các buổi làm việc với các hãng công nghệ lớn trên thế giới để cập nhật thường xuyên các sản phẩm, thiết bị mới; từ đó xây dựng kế hoạch để phát triển mạng cũng như các giải pháp để hiện đại hóa cho mạng lưới MobiFone.

“Thời điểm hiện tại, tôi và các đồng nghiệp đang phối hợp với các đối tác Erisson, Huawei, NSN và Samsung để thực hiện thử nghiệm công nghệ 5G và cũng đã xây dựng sẵn sàng kế hoạch triển khai thương mại mạng 5G ngay khi nhận được giấy phép triển khai từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Mục tiêu của MobiFone là trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai 5G và có vùng phủ 5G tốt nhất tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu của khách hàng”, anh Toán cho biết.

“Cây sáng kiến”

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Ban Công nghệ và Quản lý mạng một cách hiệu quả nhất, anh còn là “cây sáng kiến”. Hàng năm trung bình anh Trần Thanh Toán tham gia từ 3-5 sáng kiến và 1-2 đề tài cấp Tổng công ty. Anh cho biết, do đặc điểm công việc của mình luôn phải cập nhật các công nghệ mới nhất nên có lợi thế nhất định trong việc xây dựng các đề tài, sáng kiến hàng năm. Các đề tài, sáng kiến thực hiện chính là các công nghệ, tính năng mới mà anh vừa được cập nhật và bắt đầu được nghiên cứu, thử nghiệm trên mạng lưới MobiFone. 

“Năm 2021, tôi đã thực hiện các đề tài về quy hoạch công nghệ 5G, thử nghiệm và triển khai công nghệ IoT, các giải pháp hiện đại hóa mạng lưới MobiFone. Các sáng kiến do tôi đề xuất và được triển khai cũng là các tính năng mới hỗ trợ tăng cường chất lượng mạng và dung lượng cho mạng 4G, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết hiện tại của MobiFone cũng giống như các nhà cung cấp viễn thông khác tại Việt Nam”, anh Toán cho biết.

Trong đó, sáng kiến “Đề xuất triển khai giải pháp cơ cấu, dịch chuyển và tối ưu hóa lại nguồn lực thiết bị 3G/4G Huawei căn cứ trên nền tảng thiết bị hiện hữu mạng lưới MobiFone” được tính toán sẽ mang lại các lợi ích như tối ưu, dịch chuyển các nguồn lực thiết bị 3G/4G hiện hữu giúp hiệu suất sử dụng của thiết bị sẽ được tăng cao, tiết kiệm được chi phí vận hành khai thác mạng và giảm được chi phí đầu tư cho mạng lưới. Theo đó, MobiFone sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hàng triệu USD cho việc mở rộng vùng phủ sóng 3G/4G. Theo tính toán, với việc cơ cấu lại mạng lưới, tối ưu và tách được 1189 card Baseband UBBPd1 để tăng cường phủ sóng cho các “điểm đen”, tăng cường dung lượng cho các trạm lưu lượng cao thì Tổng công ty sẽ tiết kiệm được nguồn chi phí cho việc đầu tư card mới, lấy theo đơn giá đấu thầu đã ký theo hợp đồng, mỗi card UBBPd1 có đơn giá là 1410 USD/trạm thì chi phí đầu tư tiết kiệm được là 1.67 triệu USD (tương đương 38 tỷ đồng).

Hay với sáng kiến “Đề xuất giải pháp triển khai nhanh phủ sóng cho các thôn trắng để đảm bảo mục tiêu chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ”, được đưa ra đúng thời điểm cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch đã mang một ý nghĩa đặc biệt. Sáng kiến mang lại nhiều lợi ích như: Đảm bảo được vùng phủ sóng cho 55 “thôn trắng” bằng các giải pháp linh động và thông minh, tiết kiệm nguồn đầu tư nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng mạng để xử lý các “thôn trắng”. Chi phí tiết kiệm được là 53 tỷ đồng. Đảm bảo chất lượng dịch vụ Data tại các tỉnh trọng điểm có thị phần cao của MobiFone, nâng cao sức cạnh tranh của MobiFone và tạo sức bật để MobiFone tiếp tục đảm bảo và gia tăng thị phần tại các thị trường này. Bên cạnh đó, nâng cao hình ảnh, thương hiệu của nhà mạng MobiFone, thể hiện một doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, có đóng góp rất tích cực cho cộng đồng để giúp đỡ người dân phần nào vượt qua được những khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, với đề tài “Xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện công tác hiện đại hóa mạng vô tuyến MobiFone trong giai đoạn 2019-2023”, từ cách đây 3 năm khi xây dựng ý tưởng, anh đã hướng tới mục tiêu dài hạn, đưa ra  các giải pháp hiện đại hóa mạng lưới giúp MobiFone chuyển dịch từ nhà cung cấp mạng viễn thông truyền thống sang nhà mạng cung cấp các dịch vụ nội dung số, tiết kiệm chi phí vận hành khai thác mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư mạng lưới. 

Theo đó, việc thực hiện hiện đại hóa mạng lưới MobiFone cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu dịch chuyển các dịch vụ của khách hàng, ngoài ra cũng cần đáp ứng xu hướng dịch chuyển công nghệ trên thế giới và tuân thủ định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, giúp tăng hình ảnh nhà mạng MobiFone là nhà mạng đi đầu triển khai các công nghệ mới, loại bỏ các công nghệ cũ kém hiệu quả.

Đảng bộ TCT MobiFone

 
.
.
.
.